Tiếng đồng vọng của hồn người, rừng núi…
Đất mường non xanh nước biếc từng làm bao du khách đắm say. Trải qua bao thăng trầm, xứ Mường vẫn còn lưu giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp. Ngoài trường ca sử thi Đẻ đất, đẻ nước, người Mường ở Hòa Bình còn lưu giữ được nhạc cụ vô cùng quen thuộc là chiêng. Nói như nghệ nhân dân gian thầy Mo Bùi Văn Lựng ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc: “Chiêng là nhạc cụ gắn bó mật thiết với người Mường như cơm ăn nước uống vậy. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa”.
Ông Nguyễn Văn Thực ở phường Thái Bình, TP.Hòa Bình, là người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về văn Mường và sưu tập cồng chiêng. Trong ngôi nhà nhỏ của ông có đủ các loại nhạc cụ, từ chiêng nhỏ đến chiêng to. Mỗi loại nhạc cụ tương đương với thanh âm cuộc sống. Theo ông Thực, cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường ma luôn gắn bó với cồng chiêng. Người Mường coi mỗi tiếng chiêng đều có hồn riêng. Âm thanh của cồng chiêng như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông suối hòa nhịp tiếng nói, hòa quyện với nhịp thở của mỗi người dân bản Mường. Khi dàn chiêng được tấu lên làm nên hồn vía trong không gian của đất Mường và hồn vía ấy là sự cộng hưởng của những tâm hồn riêng đã hoà làm chung của mỗi người tham gia tấu chiêng.
Chiêng Mường được sử dụng khá linh hoạt, tuỳ theo từng công việc, từng nghi lễ có thể sử dụng đơn chiếc, thành dàn nhỏ từ 2 – 3 chiếc, song chủ yếu được họ sử dụng theo dàn. Một dàn chiêng đầy đủ có 12 chiếc chiêng to nhỏ khác nhau, do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Tên gọi của chiêng cũng được gọi theo thứ tự từ 1 đến 12. Chiêng 1 nhỏ nhất, có âm cao nhất. Tiếp đến là chiêng 2, 3, 4… đến chiêng 12. Chiêng 12 lớn nhất có âm trầm nhất.
Người Mường cho rằng, 12 chiêng đó là sự biểu thị của 12 tháng trong năm. Có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; mỗi mùa lại có 3 tháng: mạnh, trọng, quý. Vì thế dàn cồng chiêng được chia làm 3 loại: 4 chiêng trầm, 4 chiêng bổng và 4 chiêng né. Việc phân chia ra những loại chiêng, với những âm vực khác nhau như vậy sẽ giúp cho việc sắp xếp một dàn cồng chiêng có sự biến hoá trong bản nhạc. Những âm vực khác nhau tạo thành một bản nhạc cồng chiêng khi réo rắt vui tươi, khi trầm ấm.
Khi biểu diễn cồng chiêng đội hình chơi chiêng thường được sắp xếp theo hàng dọc, hình tròn hoặc xếp theo hàng ngang. Có thể đánh chiêng tại chỗ hoặc vừa đi vừa đánh. Trước khi đánh chiêng thường làm lễ phải gọi chiêng dậy: Dậy dậy chiêng hỡi/ Dậy dậy chiêng à/ Chiêng ngần chiêng ngà/ Dậy từ hàng cột cái/ Dậy từ hàng cột con/ Dậy trên tay em gái đất Mường/ Dậy theo ta đi vui phường trẩy hội.
Âm vang, lan tỏa tiếng chiêng…
Đến xứ Mường vào ngày khai hội Mường Bi (Tân Lạc) mới cảm nhận hết được nền văn hóa độc đáo nơi đây. Các cô gái Mường trong sắc phục truyền thống ở bốn Mường: Bi, Vang, Thàng, Động cùng nhau kéo về trẩy hội. Mỗi đội cồng chiêng có 12 cô gái Mường duyên dáng cùng góp mặt để biểu diễn trong ngày hội. Giữa cái khí xuân trong lành, nghe tiếng cồng chiêng bung biên lan tỏa khắp đất Mường mà thấy lòng vui phơi phới. Tiếng cồng chiêng cũng biểu đạt được tâm tình của con người. Nó như là động lực để người dân Mường vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2016, chiêng Mường Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn giá trị di sản cồng chiêng Mường, khuyến khích các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia giữ gìn, phát huy di sản âm nhạc dân gian, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hòa Bình đang triển khai Đề án” Bảo tồn chiêng Mường”. Theo đó, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ đội văn nghệ của mỗi xóm 2 triệu đồng.
Gắn với việc bảo tồn, làm lan toả sâu sắc giá trị văn hoá chiêng Mường, hoạt động truyền dạy nghệ thuật chiêng cũng được các cấp, ngành quan tâm. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với địa phương đưa công tác truyền dạy cho học sinh các nhà trường. Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên ở cơ sở triển khai các lớp truyền dạy cho thanh, thiếu niên. Hằng năm, Trung tâm Văn hoá tỉnh mở hàng chục lớp tập huấn, truyền dạy về chiêng cho đội văn nghệ các xóm, xã. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá chiêng Mường.
Đến nay, toàn tỉnh thành lập được hàng trăm CLB giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị chiêng Mường, nổi bật là thị trấn Mường Khến, các xã Phong Phú, Suối Hoa (Tân Lạc), thị trấn Bo, các xã Vĩnh Tiến, Xuân Thuỷ, Nam Thượng, Kim Lập (Kim Bôi)… Đơn cử như tại huyện Lạc Sơn có 4 CLB hát dân ca Mường, 252 đội văn nghệ cơ sở và bảo tồn được hàng nghìn chiếc chiêng.
Tại Lễ hội chiêng Mường năm 2016, tỉnh Hòa Bình đã huy động được 2.000 nghệ nhân tham gia trình tấu chiêng với chủ đề “Vật báu hồn thiêng”. Màn tấu chiêng này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet