TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: 1 phụ nữ bị giết tại nhà ở HN; bắt Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP Tập đoàn Thái Dương

Last updated: October 20, 2023 at 19:23 pm - Lượt Views: 22 views

  • NSND Minh Hằng đóng vợ Quang Tèo trong hài Tết lấy cảm hứng từ nhân vật “thằng Bờm”
  • Công an giải cứu thành công cô gái bị bắt cóc ở Vĩnh Long
  • Cảnh sát 113 tại Lâm Đồng bắt đối tượng trộm xe máy trên đường sau 30 phút

  • Một phụ nữ bị sát hại tại nhà riêng ở Hà Nội

    Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 20/10, Công an quận Hà Đông (TP.Hà Nội) đang phối hợp với các lực lượng chức năng Công an TP.Hà Nội điều tra vụ án mạng xảy ra tại phường Phúc La. 

    Án mạng ở Hà Nội, một người phụ nữ bị sát hại tại nhà riêng - Ảnh 1.

    Hiện trường xảy ra án mạng. Ảnh: Truyền hình Hà Nội

    Lãnh đạo phường Phúc La cho biết, nạn nhân là nữ giới, chủ ngôi nhà. Hiện trường vụ án là một ngôi nhà 4 tầng ở khu liền kề giãn dân Văn Quán.

    Thời điểm phát hiện vụ việc là buổi sáng, khi con gái của nạn nhân từ tầng 3 xuống tầng 2 để đi học thì phát hiện thi thể của người mẹ nên gọi điện báo cho người nhà gần đó và cơ quan chức năng.

    Nạn nhân được xác định là chị Đ.T.T. (sinh năm 1980, chủ hộ). Khi vụ việc xảy ra, chồng nạn nhân đang đi công tác, nạn nhân ở nhà cùng con trai lớn học lớp 9 và con gái nhỏ học lớp 6.

    Thông tin ban đầu, nạn nhân tử vong do bị tác động vào vùng đầu, làm mất nhiều máu, nghi bị sát hại.

    Hiện, lực lượng chức năng đang tiến hành khám nghiệm, điều tra vụ án, truy tìm hung thủ.

    Bắt Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương

    Như Dân Việt đã thông tin: Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét với 6 đối tượng.

    Sau thời gian đấu tranh chuyên án để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương.

    Bắt Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương liên quan hoạt động khai thác khoáng sản - Ảnh 1.

    Khu vực khai thác và chế biến đất hiếm của Công ty Thái Dương. Ảnh: Hoàng Hữu

    Ngày 9/10, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, thành phố khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.

    Quá trình điều tra bước đầu xác định: Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152.856.646kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng; vi phạm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các khoản 3, 5, 7 Điều 2 và Điều 3 Giấy phép khai thác khoáng sản số 927/GP-BTNMT.

    Ngoài ra, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính còn thỏa thuận với Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế; giúp Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỷ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước là trên 7,5 tỷ đồng.

    Bắt Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương vì bán trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm - Ảnh 3.

    Hai bị can (từ trái qua phải): Đoàn Văn Huấn, Nguyễn Văn Chính. Ảnh: Bộ Công an

    Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét với 6 đối tượng về 2 tội danh, gồm:

    Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự; Đặng Trần Chí, Giám đốc và Phạm Thị Hà, Kế toán Công ty Hợp Thành Phát; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Nguyễn Thị Hiền, Kế toán Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự.

    Ngày 19/10, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh tố tụng đối với 6 bị can theo đúng quy định pháp luật.

    Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

    Bệnh viện Chợ Rẫy nói gì về chất độc trong vụ ngộ độc sữa 3 người thương vong ở Tiền Giang?

    Như Dân Việt đã thông tin: Trao đổi với báo chí ngày 20/10, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, người đàn ông ngộ độc cấp sau khi uống sữa tại Tiền Giang đã đủ điều kiện xuất viện sau 6 ngày điều trị tích cực. Bệnh nhân có mẹ và em trai đã tử vong, nghi ngờ sau khi uống cùng loại sữa.

    Bệnh viện Chợ Rẫy nói gì về chất độc trong vụ ngộ độc sữa ở Tiền Giang? - Ảnh 1.

    Tình trạng bệnh nhân nguy kịch tại thời điểm nhập viện. Ảnh: BVCC

    Theo đó, bệnh nhân là ông P.M.T (55 tuổi, Tiền Giang). Khai thác thông tin ghi nhận ngày 15/10, sau khi uống 50ml sữa bột, người này choáng váng, nhức đầu khó thở, buồn ói. Chỉ 5 phút sau, ông không thở được và không nhận biết được xung quanh. Sau khi cấp cứu ở 2 bệnh viện địa phương, ông được chuyển lên TP.HCM ngay trong đêm.

    Khoảng 22h ngày 15/10, bệnh nhân được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Bác sĩ trực Nguyễn Ngọc Sang nhận định, người bệnh mê sâu cấp độ 3, suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định, mạch rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao.

    Các bác sĩ nhận định đây là ca ngộ độc cấp do biến chuyển rất nhanh sau khi người bệnh tiếp xúc với một loại sữa. Việc điều trị sẽ khó khăn vì ông T. có bệnh nền xơ gan và cao huyết áp.

    Trong đêm trực chỉ có 2 bác sĩ với hơn 20 ca nặng cần hồi sức, Khoa Bệnh nhiệt đới phải tập trung tất cả khả năng, tiến hành cho người bệnh thở máy lưu lượng cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu. Mục tiêu của lọc máu là lấy một phần độc chất ra khỏi cơ thể. Sau vài giờ, bệnh nhân có dấu hiệu đáp ứng và cải thiện.

    Những ngày tiếp theo, bệnh nhân T. được lọc máu 3 lần. Sau khoảng 40 giờ nhập viện, bệnh nhân ngưng lọc máu và ngưng thở máy 10 giờ sau đó. Đến nay, kết quả xét nghiệm cho thấy đã loại bỏ tất cả chất độc ra khỏi cơ thể, bệnh nhân sinh hoạt bình thường, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đủ tiêu chuẩn xuất viện.

    Việc nhận định độc chất được các bác sĩ gấp rút tiến hành để có hướng can thiệp hiệu quả nhất. Cùng lúc này, bệnh viện nhận thông tin mẹ và em trai bệnh nhân cũng tử vong trước đó, nghi ngờ tiếp xúc với sữa bột mà bệnh nhân đã sử dụng. Ba người đều có sức khỏe bình thường trước sự cố. Điều này củng cố hơn suy đoán khả năng đây là một chùm ca ngộ độc cấp.

    “Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi: Đây là độc chất gì mà xảy ra ngộ độc rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút đổ lại sau khi các người bệnh tiếp xúc? Chúng tôi nhận định chất độc này có mức độ độc cực kỳ cao. Đây phải là chất không mùi, không vị nên khi ở trong bột sữa mà người dùng không cảm nhận được sự bất thường của sữa. Chất này có thể tìm được trên thị trường hoặc là sản phẩm do một loại vi sinh vật nào đó nằm trong sữa tạo ra”, BS Hùng nói.

    Từ những suy luận này, các bác sĩ suy nghĩ đến một số độc chất, xếp theo tỷ lệ khả năng từ cao đến thấp là cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin (bột mã tiền), botulinum.

    Tất cả chất này đều kịch độc, gây nên những ca tử vong rất nhanh sau khi tiếp xúc, ở nhiều dạng khác nhau nhưng dạng đặc biệt chung là bột trắng, không màu, không mùi, không vị.

    Trong 5 chất này, chỉ có nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat là có thuốc giải độc đặc hiệu, còn lại là điều trị triệu chứng, hồi sức mà chủ lực là lọc máu. Sau khi đã khu trú được các nhóm độc chất, bác sĩ có phương hướng điều trị tiếp theo.

    Bệnh viện Chợ Rẫy nói gì về chất độc trong vụ ngộ độc sữa ở Tiền Giang? - Ảnh 3.

    Bệnh nhân hồi phục sau khi được lọc máu liên tục. Ảnh: BVCC

    Cũng theo bác sĩ Hùng, một xét nghiệm cho thấy cơ thể bệnh nhân có một loại men giảm, phù hợp với tình trạng người bị ngộ độc nhóm thuốc organophosphate. Tuy nhiên, chính xác độc chất là gì sẽ do cơ quan chức năng công bố khi có kết quả xét nghiệm mẫu sữa trước đó.

    Ngoài ra, kết quả tìm độc chất ở dịch dạ dày, phân, máu, nước tiểu… của bệnh nhân là âm tính. Theo các bác sĩ, điều này là bình thường vì xét nghiệm tìm độc chất rất khó khăn, kỹ thuật xét nghiệm đôi khi chỉ có thể tìm được khi độc chất ở nồng độ cao…

    Liên quan đến chi phí điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, toàn bộ số tiền viện phí (trên 100 triệu đồng) đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Phần tiền hỗ trợ còn dư và toàn bộ số tiền gia đình đã tạm ứng trước đó sẽ được hoàn lại cho người bệnh.

    Hiện Công an Tiền Giang đã vào cuộc lấy mẫu bệnh phẩm như sữa, dịch dạ dày, giải phẫu tử thi để xác định độc chất.

    Vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: VEC có được bồi thường gấp đôi thiệt hại?

    Như Dân Việt đã thông tin: Luật sư cho rằng Viện kiểm sát vừa buộc 22 bị cáo phải bồi thường và các nhà thầu thi công phải bồi hoàn sẽ giúp Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhận được gấp đôi số thiệt hại 460 tỷ đồng tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Diễn biến trên ngày 20/10, tại TAND TP.Hà Nội, trong phiên xét xử 22 bị cáo vụ án giai đoạn 2 dài 74km của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng khi vừa sử dụng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng.

    Trước đó, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị tòa phạt 22 bị cáo, từ án treo đến cao nhất 7 năm tù cho các hành vi vi phạm quy định về xây dựng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Về dân sự, phía kiểm sát đề nghị tòa buộc 22 bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); các nhà thầu thi công tuyến đường phải bồi hoàn theo hợp đồng.

    Nhóm nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng số 1 (CTCP) và Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc); Shandong Luquao Group – Sơn Đông, Jiangsu Provincial – Giang Tô (Trung Quốc).

    Vụ cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: VEC có được bồi thường gấp đôi thiệt hại? - Ảnh 1.

    Đây là lần thứ 2 các sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị xử lý hình sự.

    Đối đáp lại, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng đề nghị trên sẽ giúp VEC được lợi khi nhận gấp đôi số thiệt hại. Bà Nga bào chữa cho bị cáo Hoàng Việt Hưng, cựu Giám đốc Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

    Luật sư Nga cho rằng nếu tòa tuyên phần dân sự như Viện kiểm sát đề nghị sẽ không hợp lý, không đúng quy định của pháp luật khi VEC sẽ nhận được cả bồi thường lẫn bồi hoàn. Trong khi đó, chính doanh nghiệp này trong vai trò nguyên đơn dân sự đã yêu cầu các nhà thầu bồi thường, không phải các bị cáo.

    Tương tự, luật sư Đinh Anh Tuấn (bào chữa cho bị cáo Lê Quang Hào, cựu Phó Tổng giám đốc VEC) cho hay tại vụ án giai đoạn 1 đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (dài 65km), bản án có hiệu lực pháp luật đã buộc nhà thầu phải bồi thường, không phải các bị cáo.

    “Hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo, lỗi của các pháp nhân, thiệt hại gây ra và trách nhiệm bồi thường… trong vụ án giai đoạn 2 hoàn toàn giống với vụ án giai đoạn 1”, luật sư Tuấn nêu quan điểm và thêm rằng “việc áp dụng pháp luật cần phải thống nhất”.

    Liên quan giai đoạn 1 cao tốc, bị cáo Lê Quang Hào đã bị phạt 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và đến nay, lại bị đưa ra xử về tội này ở giai đoạn 2.

    Luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, bị cáo Hào chỉ có một hành vi sai phạm trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Việc cơ quan điều tra tách dự án này ra làm 2 giai đoạn khiến ông Hào chịu hậu quả pháp lý nặng hơn và vi phạm pháp luật khi “một hành vi phạm tội bị xử lý thành hai hay nhiều tội”.

    Vụ cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: VEC có được bồi thường gấp đôi thiệt hại? - Ảnh 2.

    Luật sư Đinh Anh Tuấn trình bày phần bào chữa tại tòa.

    Trước đó, nhiều bị cáo trong vụ án khẳng định dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một dự án thống nhất; họ không hiểu sao cơ quan điều tra tách ra làm 2 giai đoạn để xử lý.

    Cũng trong phần bào chữa, luật sư Nguyễn Thị Thu (bào chữa cho Nguyễn Tiến Thành, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án) cho hay nhất trí với quan điểm trên của luật sư Đinh Anh Tuấn. Bà cho hay việc tách sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ra làm 2 vụ án là không thỏa đáng, dù với lý do “chờ kết luận giám định”.

    Luật sư Thu phân tích, bị cáo Thành chịu tạm từ năm 2019, đến nay đã gần 4 năm trong khi chỉ chịu bản án 4 năm 6 tháng tù tại vụ án giai đoạn 1. Nếu tính cả đặc xá, giảm án…, Nguyễn Tiến Thành rất có thể đã được ra tù vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Viện kiểm sát lại đề nghị bị cáo Thành thêm án tù tại giai đoạn 2, tổng hợp hình phạt lên tới 8 năm tù. 

    “Do lỗi vi phạm thời hạn giám định nghiêm trọng của Tổ giám định tư pháp nên ngày hôm nay, bị cáo Thành vẫn đang bị tạm giam và đang bị xét xử vụ án thứ 2 với cùng một hành vi trong cùng một dự án, cùng một quyết định khởi tố vụ án ban đầu và cùng một tội danh”, luật sư Thu nói.

    Đẫm nước mắt đón hơn 80 ngư dân của Quảng Nam gặp nạn ở Trường Sa về đất liền

    Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 20/10, tại Cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), Quân chủng Hải quân tiến hành bàn giao 83 ngư dân và 2 thi thể ngư dân bị nạn trên biển cho Biên phòng và các cơ quan chức năng của địa phương Quảng Nam theo quy định.

    Đẫm nước mắt đón hơn 80 ngư dân của Quảng Nam gặp nạn ở Trường Sa về đất liền - Ảnh 1.

    Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị ký lễ bàn giao các ngư dân về với địa phương. Ảnh: T.H

    Dự buổi bàn giao có ông Phan Việt Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng lãnh đạo chính quyền, các cơ quan ban ngành địa phương. Thừa ủy quyền Quân chủng Hải quân, đại tá Đoàn Bảo Anh – Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân dự và chủ trì.

    Trước đó, lúc 19 giờ 30 ngày 16/10, tàu cá QNa 90129 TS (do ông Lương Văn Viên, 47 tuổi, quê ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng), đang hành nghề câu mực ở khu biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 70 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc thì bị lốc xoáy làm chìm tàu, trên tàu có 54 lao động.

    Đẫm nước mắt đón hơn 80 ngư dân của Quảng Nam gặp nạn ở Trường Sa về đất liền - Ảnh 2.

    Hàng ngàn người dân có mặt sớm tại Cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 để đón các ngư dân. Ảnh: T.H

    Clip hàng ngàn người dân chào đón các ngư dân về đất liền.

    Tàu cá QNa 90039 TS hoạt động gần khu vực đã cứu được 40 thuyền viên trên tàu cá QNa 90129 TS, 14 ngư dân mất tích. Đến trưa 17/10, lực lượng cứu hộ đã vớt được được 2 người trong số 14 người mất tích.

    Cũng trong khoảng thời gian này, tàu cá QNa 90927 TS có 39 lao động hoạt động tại vùng biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc bị sóng đánh chìm. Tàu cá QNa 91782 TS hoạt động gần tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên của tàu cá QNa 90927 TS, 1 ngư dân mất tích.

    Đẫm nước mắt đón hơn 80 ngư dân của Quảng Nam gặp nạn ở Trường Sa về đất liền - Ảnh 4.

    Ngư dân trở về trong nước mắt của người thân. Ảnh: T.H

    Clip đón ngư dân.

    Nhận được thông tin tàu cá QNa 90129 TS và QNa 90927 TS gặp nạn trên biển, Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động các tàu 467, 471 và 735 đến các khu vực các tàu cá bị chìm để phối hợp với các lực lượng trên biển tổ chức tìm kiếm, cứu nạn ngư dân.

    Đẫm nước mắt đón hơn 80 ngư dân của Quảng Nam gặp nạn ở Trường Sa về đất liền - Ảnh 6.

    Niềm vui hạnh phúc của người vợ đón chồng về đất liền an toàn sau sự cố chìm tàu trên biển Trường Sa. Ảnh: T.H

    Đến 0h45 ngày 19/10, tàu 467 đã tiếp cận tàu QNa 90039 đón 43 ngư dân và 2 thi thể. Tiếp đó, 10h ngày 19/10, tàu 467 đã đến vị trí và tiếp nhận 40 ngư dân trên tàu cá QNa 91782 TS.

    Sau khi đón 83 ngư dân và 2 thi thể lên tàu, cán bộ, chiến sĩ tàu 467 Hải quân đã tổ chức thăm khám, hỗ trợ y tế, động viên ổn định tinh thần, bố trí nơi ăn nghỉ cho các ngư dân và tổ chức bảo quản chặt chẽ, chu đáo 2 thi thể.

    Đẫm nước mắt đón hơn 80 ngư dân của Quảng Nam gặp nạn ở Trường Sa về đất liền - Ảnh 7.

    Đưa thi thể nạn nhân về với gia đình. Ảnh: T.H

    Đến 14h ngày 20/10, tàu 467 đã về đến Cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 (Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam).

    Tại buổi bàn giao, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, các cơ quan, ban ngành địa phương và Quân chủng Hải quân đã tặng quà cho các gia đình ngư dân gặp nạn với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.

    Đẫm nước mắt đón hơn 80 ngư dân của Quảng Nam gặp nạn ở Trường Sa về đất liền - Ảnh 8.

    Người thân ngư dân Nguyễn Duy Định (SN 1960, trú tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đang mất tích) khóc cạn nước mắt. Ảnh: T.H

    Clip người nhà ngư dân Định khóc chờ tin người thân.

    Hiện tại cán bộ, chiến sĩ trên hai tàu 471 và 735 Quân chủng Hải quân đang quyết tâm bằng mọi giá để phối hợp với các lực lượng trên thực địa tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm tàu cá và các ngư dân đang còn mất tích.

    Tại buổi lễ, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đánh giá cao công tác cứu nạn của lực lượng chức năng và đưa các ngư dân gặp nạn về bờ an toàn, bên cạnh đó chia sẻ nỗi đau với các gia đình ngư dân gặp nạn cũng như mất tích. 

    “Đây là sự cố do thiên tai gây nên khi ngư dân đang hành nghề trên biển, là sự cố đáng tiếc, tôi xin chia buồn sâu sắc đến với toàn thể bà con nhân dân. Người dân cần nén đau thương, mong bà con sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục vững vàng trên con đường bám biển. Đặc biệt, chấp hành nghiêm quy định pháp luật, nhất là tình yêu thương đùm bọc nhau trên biển, biểu dương tinh thần đoàn kết của các tàu cá cứu giúp các ngư dân gặp nạn”, ông Thanh nhấn mạnh.

    Tính đến ngày 20/10, còn 13 thuyền viên đang mất tích, trong đó tàu cá QNa 90927 TS bị sóng đánh chìm, còn 1 thuyền viên đang mất tích; tàu cá QNa 90129 TS bị lốc xoáy làm chìm tàu, còn 12 thuyền viên đang mất tích.

    Tin An Ninh Hinh Su
    Nguồn: Sưu Tầm Internet

    (x)
    (x)