Thị trường hứa hẹn của các concert quốc tế
Mới đây, mạng xã hội Việt Nam xôn xao trước thông tin BLACKPINK sẽ quay lại Việt Nam biểu diễn vào năm 2024. Theo đó, kế hoạch biểu diễn của nhóm nhạc nữ đình đám thế giới tại Việt Nam đã được lên lịch với thời gian tổ chức cụ thể, ban tổ chức sẽ sớm thông báo đến người hâm mộ.
Thông tin BLACKPINK một lần nữa tới Việt Nam khiến đông đảo khán giả yêu nhạc hào hứng. Trước đó, vào tháng 7/2023, họ đã có hai đêm diễn tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), thu hút tới hơn 60.000 khán giả, mang về doanh thu kỷ lục (ước tính hơn 300 tỷ đồng). Sự kiện này cho thấy tiềm năng của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam, cũng như mở ra nhiều kỳ vọng cho sự xuất hiện đều đặn của các concert quốc tế tại Việt Nam trong những năm tới.
Ngoài đêm nhạc của BLACKPINK, không ít concert của các nghệ sĩ quốc tế khác trong năm 2023 cũng thu hút sự chú ý của công chúng. Đó là The Wild Dreams Tour của nhóm nhạc Westlife đến TP. HCM cuối tháng 11. Sự kiện gồm 2 đêm diễn thu hút ước tính khoảng 30.000 khán giả. Trước đó, tháng 3, concert của nhóm nhạc Super Junior cũng lôi kéo hơn 15.000 người tới sân vận động Quân Khu 7, TP. HCM. Fancon (sự kiện kết hợp giữa fanmeeting và concert) của nhóm nhỏ Super Junior D&E tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP HCM) hồi tháng 9 có 5.000 người tham dự. Concert của BamBam (thành viên GOT7) tại TP. HCM thu hút 3.500 khán giả. Không ít chuyên gia dự đoán, tới năm 2024, hàng loạt nghệ sĩ quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc sẽ lựa chọn Việt Nam làm địa điểm dừng chân.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Bonor Seen Giám đốc dự án Born Pink Hà Nội bày tỏ kỳ vọng sẽ mang thêm nhiều show diễn đẳng cấp quốc tế của các nghệ sĩ lớn tới Việt Nam sau thành công BLACKPINK đạt được: “Tôi tin rằng, các concert như “Born Pink” là một sự kiện tốt cho việc thúc đẩy kinh tế, hoạt động du lịch tại điểm đến, quảng bá văn hóa quốc gia hay việc nâng cao hình ảnh thương hiệu của thành phố nói riêng và quốc gia nói chung trên bản đồ của ngành công nghiệp giải trí. Bởi lẽ, tham dự concert không chỉ có người hâm mộ trong nước, mà còn có rất nhiều những chuyên gia, nghệ sĩ, người hâm mộ từ nhiều nước trong khu vực… cũng sắp xếp thời gian, đặt vé tới quốc gia đó, vừa tận hưởng bầu không khí cuồng nhiệt của sự kiện, vừa ghé thăm quan, du lịch. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để có những sự kiện tương tự trong năm tới”.
Sự thiếu chuyên nghiệp của một thị trường còn non trẻ
Tuy gặt hái không ít thành công, năm 2023 cũng cho thấy những bất cập trong công tác tổ chức concert quốc tế, với hàng loạt lùm xùm không đáng có.
Dù được đánh giá cao về cách dàn dựng hai đêm diễn, nhưng concert BLACKPINK đặt ra nhiều dấu hỏi trước đó về cách tính giá vé, khi khán giả Việt Nam phải chịu mức vé cao nhất trong khu vực châu Á. Ngoài ra, những lùm xùm về giấy phép biểu diễn, “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trên trên website của đơn vị tổ chức cũng đặt ra những yêu cầu mới trong công tác kiểm duyệt của cơ quan chức năng, trong điều kiện ngành công nghiệp biểu diễn ngày càng phát triển.
Sự thiếu chuyên nghiệp của BTC cũng trở thành cản trở lớn trong việc đưa khán giả tới các concert. Trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Westlife, nhiều rắc rối về công tác tổ chức đã diễn ra. Theo đó, tại đêm đầu tiên, khu vực lều kỹ thuật gần như chắn tầm nhìn, khiến một số lượng khán giả thuộc hạng vé ngồi mức giá 2.100.000 đồng không thể nhìn thấy sân khấu. Trước thực trạng trên, không ít người tỏ ra bức xúc, liên tục kêu gọi BTC hoàn lại vé. Tình hình chỉ được giải quyết khi nhân viên kê ghế dưới sân, đồng thời di chuyển khán giả xuống vị trí mới.
Sau đêm diễn, một số khán giả phản ánh việc nhận được vật phẩm cổ vũ in logo trang web cá cược trực tuyến khi vào xem show Westlife. Những lùm xùm này khiến dân mạng bức xúc, chỉ trích BTC quảng cáo cho những đơn vị phi pháp.
Vào cuối tháng 12, đêm diễn mang tên X-mas Festival tại sân vận động Mỹ Đình thu hút nhiều sự chú ý của khán giả khi công bố dàn nghệ sĩ đình đám tham gia biểu diễn gồm loạt sao đình đám K-pop như: Kim Jae Joong, nhóm nhạc Highlight, MAMAMOO+, Nickhun và các ca sĩ nổi tiếng tại showbiz Việt như Tóc Tiên, Đức Phúc, Chi Pu, Tăng Duy Tân… Tuy được quảng bá là đêm nhạc K-pop hoành tráng bậc nhất tại Việt Nam, nhưng chương trình này sau đó gặp phải hàng loạt lùm xùm, từ việc giá vé cao nhất lên đến 15 triệu đồng, cho tới các khâu tổ chức sau đó.
Ngày 22/12, ngay trước một ngày show diễn diễn ra như dự kiến, BTC chương trình đột ngột thông báo hủy bỏ sự kiện. Theo đó, nhà sản xuất quyết định dừng công tác chuẩn bị do không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của một concert quốc tế, sẽ hoàn tiền vé cho khán giả. Trước tình cảnh trên, nhiều người hâm mộ “dở khóc dở cười” bởi họ đã đặt vé máy bay và khách sạn để tới tham gia chương trình. Những nghệ sĩ K-pop cũng lần lượt đăng đàn, cho biết họ vô cùng sốc khi nhận được thông tin từ BTC.
Thực tế trên cho thấy, nhiều năm gần đây, khán giả Việt Nam đã có nhiều thay đổi khi trở nên “chịu chi” hơn trong việc mua vé tới xem các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Thế nhưng, để các concert quốc tế tổ chức thành công một cách trọn vẹn và đều đặn, chúng ta còn rất nhiều thứ phải làm. Bên cạnh sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, ý thức về sự chuyên nghiệp của BTC, điều kiện sân bãi và âm thanh, ánh sáng đều phải được củng cố. Chỉ có vậy, cái nhìn về ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam trong mắt những công ty giải trí và nghệ sĩ quốc tế mới có thể thay đổi.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet