Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Chính phủ giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam.
Vu việc Hãng phim truyện Việt Nam gần 10 năm qua không thay đổi
Câu chuyện buồn của Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu sau “cơn bão” cổ phần hóa. Hãng phim truyện Việt Nam (tại trụ sở 4 Thụy Khuê) ngày càng hoang tàn, đổ nát. Đến nay, quá trình cổ phần hóa đã kéo dài gần 10 năm và chưa thể đi đến hồi kết.
Quá trình cổ phần hóa hãng phim được tiến hành từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng tới 2016 hãng mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso).
Công ty này hoàn tất quá trình mua lại hãng phim vào tháng 6/2017. Sau khi hoàn tất quá trình mua lại, mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và Vivaso vô cùng căng thẳng, khó giải quyết.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân từng giữ vị trí Phó Giám đốc tại Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ với PV Dân Việt về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng: “Chúng tôi nhận được các thông tin như thế này với thời gian quá dài và được hứa quá nhiều lần. Thủ tướng từng đưa ra mốc 25/4/2023 phải báo cáo các vấn đề của Hãng phim truyện Việt Nam, đến ngày đó tôi vẫn thấy mọi thứ qua đi. Giờ đầu năm 2024 lại nhận được lời hứa nữa.
Từ nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện hứa sẽ tích cực giải quyết, rồi hồi còn trong nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có cuộc họp ở Văn phòng Chính phủ nói về việc này.
Chúng tôi đã nghĩ vấn đề này đương nhiên phải được giải quyết sớm vì nó sai trái. Sai trái này không phải tự chúng tôi nói ra mà nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ: có 6 điểm sai trái lớn cần phải giải quyết. Nhưng mọi thứ vẫn trôi cho đến tận giờ.
Với tín hiệu lần này, chúng tôi vẫn tin và mong rằng sẽ có chuyển biến mới. Nhưng dù là có thì nó quá muộn, quá chậm trễ và làm tan nát một thế hệ của Hãng phim truyện Việt Nam. Các nghệ sĩ bị đẩy ra đường hàng năm trời, hết năm này đến năm khác thì ai chịu trách nhiệm? Số phận của con người, thương hiệu của một Hãng và rất nhiều vấn đề về cách cư xử với Hãng, với con người làm văn hóa”.
Khi được hỏi về tình cảnh của các nghệ sĩ, nhân viên tại Hãng phim truyện Việt Nam trong thời gian qua, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân bày tỏ: “Nghệ sĩ tản mát khắp nơi. Một thế hệ nghệ sĩ 6x tương đối mạnh mẽ như chúng tôi đã về hưu gần hết. Còn lứa 7x- 8x vẫn trong độ tuổi lao động và đương nhiên phải duy trì đời sống của mình. Họ đều làm phim. Nếu Hãng phim truyện Việt Nam còn tồn tại từ 2016 đến 2024 đó là quá trình gần 10 năm của sự nghiệp của cả một đời người. Nó là những năm tháng chín muồi nhất thì nghệ sĩ bị đẩy ra đường một cách không thương tiếc, vô cảm.
Các thành phần còn làm nghề tồn tại không lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội đều có những sản phẩm của mình nhưng dưới tên của các hãng khác. Các lực lượng ấy vẫn tiếp tục làm nghề, tiếp tục sự sống với niềm đam mê theo đuổi được nghề nghiệp. Một số bám vào được hệ thống sản xuất của các hãng khác. Lẽ ra đấy là việc mà chúng tôi phải làm ở Hãng của mình.
Rất nhiều người cũng phải tìm kiếm các công việc khác để tồn tại. Có bạn làm thu thanh phải mở hàng bia, biên kịch phải bán hải sản. Có bạn quay phim phải chạy Grab, nhiều người bán hàng online. Tất cả các nghệ sĩ của Hãng, chúng tôi muốn xem những lời hứa được thực hiện đến đâu và kết luận thế nào? Trong thời gian 8 năm vừa rồi chúng tôi được hứa quá nhiều”.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, ông cảm thấy “kinh hoàng” với vấn đề được Chính phủ quan tâm, truyền thông vào cuộc mà vẫn tồn tại trong nhiều năm qua. NSND Nguyễn Thanh Vân khẳng định, có một bộ phận truyền thông đứng sau Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) được coi là đối tác chính thống để đối đáp lại với phía Hãng phim truyện Việt Nam. “Tôi cho đó là sai lầm, họ đang cùng thực hiện một việc sai trái”.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Lịch sử phát triển gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Chị Tư Hậu, Sao tháng Tám, Em bé Hà Nội, Vợ chồng A Phủ, Mùa ổi…
Trong suốt hơn 70 năm qua, Hãng sản xuất hơn 400 bộ phim điện ảnh, truyền hình, tài liệu. Nhiều tác phẩm gặt hái giải Vàng ở các Liên hoan phim Việt Nam, nhiều giải thưởng quốc tế. Thế nhưng, đó chỉ là qua thời hoàng kim trong dĩ vãng. Hiện nay trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát.
Cơ sở vật chất, giải thưởng, kỷ vật xuống cấp, ẩm mốc, phủ bụi do Hãng phim đóng cửa lâu ngày, không có người dọn dẹp. Không chỉ cơ sở vật chất mà hơn 300 phim nhựa được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam cũng hỏng, trở thành những đống nhựa bết, dính.
NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải cho biết, 300 phim bị hỏng là một tổn thất lớn về kinh tế lẫn tinh thần đối với các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam, điện ảnh Việt Nam nói riêng và ngành văn hóa nói chung. Những bộ phim bị hỏng bao gồm nhiều phim từ thời kỳ đầu của điện ảnh Việt Nam, phim kinh điển, đã đạt giải thưởng cao nhất tại các Liên hoan phim lớn trên thế giới cũng như Liên hoan phim Việt Nam.
Đến nay, số phận của 300 phim này vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Phim hỏng vẫn nằm đó, không có biện pháp xử lý, tiếp tục bị ẩm mốc, bị hỏng nặng nề hơn. Hiện nay, các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên, kỹ thuật viên chỉ mong hãng phim được phục hồi và phát triển trở lại.
Tháng 4/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra, nhằm kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về các nội dung liên quan. Đến nay, quá thời hạn gần một năm, những khúc mắc ở Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa được giải quyết.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet