Trước việc bị tạm hoãn xuất cảnh do Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế, ông Nguyễn Danh Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam) chia sẻ với PV Dân Việt rằng: “Tôi nghĩ đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp đang nợ thuế và cơ quan thuế đều áp dụng chế tài này. Cá nhân tôi không phải là trường hợp duy nhất”.
Về số tiền nợ thuế cụ thể, ông Nguyễn Danh Thắng xác nhận Công ty đang nợ hơn 5 tỷ đồng thuế đất. “Từ năm 2017, sau khi mua lại Hãng phim truyện Việt Nam, cổ đông chiến lược VIVASO đã trả nợ thuế đất do ãng phim để lại trước đó khoảng 23 tỷ đồng. Sau đó là những lùm xùm liên quan đến cổ phần hóa hãng phim như dư luận đã biết. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra lại quá trình cổ phần hóa và đưa ra quyết định nhà đầu tư chúng tôi phải thoái vốn”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, từ lúc đợi thoái vốn đến nay, doanh nghiệp không thể làm gì, muốn đầu tư, phát triển Hãng phim cũng rất khó khăn.
“Do không có hoạt động kinh doanh, Hãng phim không có tiền để nộp thuế đất. Đây là thuế đất phát sinh sau khi chúng tôi trả xong nợ cũ”, ông Danh Thắng cho biết.
Ông nói thêm, đơn vị đã có văn bản trình đến Chính phủ lẫn các bộ, ngành một số phương án để giải quyết những tồn đọng ở đây. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có gì mới.
Khi được hỏi về phương án giải quyết khoản nợ thuế ông Thắng cho biết: “Chúng tôi đang tính đến phương án vay tiền từ công ty mẹ để trả nợ thuế đất cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam”.
Danh sách những người không được nhận lương gồm 42 người. Ảnh: Nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam cung cấp
Khi được hỏi về các khoản nợ lương, bảo hiểm của nhân sự tại Hãng phim truyện Việt Nam, ông Thắng trao đổi rằng: “Do công ty hoạt động cầm chừng nên chúng tôi cố gắng trả lương tối thiểu cho những người vẫn gắn bó làm việc. Hiện chúng tôi vẫn trả lương cho các nhân sự có đi làm tại Hãng”.
Khi được hỏi về con số nhân sự vẫn được trả lương tại Hãng phim truyện Việt Nam là bao nhiêu, ông Danh Thắng khẳng định với PV Dân Việt: “Khoảng gần 20 người. Chúng tôi cũng có quy chế chấm công để biết là các anh em cán bộ nào đang chờ việc, gắn bó với công ty để trả lương nhưng nhiều người chống đối, không đến”.
Bà Tống Phương Dung, biên kịch tại Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ với PV Dân Việt: “Theo tôi được biết, con số nhân viên được trả lương là nhân viên hành chính. Tất cả hãng chỉ có khoảng 30 người thuộc khối nội dung. Tất cả các thành phần sáng tác gồm quay phim, đạo diễn, biên kịch, họa sĩ đều không được nhận lương”.
Đạo diễn Đặng Thu Trang của Hãng phim truyện Việt Nam nói với PV Dân Việt: “Nhân viên được trả lương theo tôi ở các bộ phận hành chính, dựng phim, kho, ánh sáng, âm thanh, phục trang. Và theo tôi biết, họ cũng không được nhận đủ lương. Còn nói 20 người thì tất cả bộ phận sáng tác của Hãng mới được hơn 20 người bao gồm cả tôi. Mà tôi không được nhận lương”.
Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn – công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam từ 1997 cho PV Dân Việt biết, theo thông tin anh được đồng nghiệp chia sẻ, một số nhân sự của Hãng có được trả lương tối thiểu, nhưng gần đây 2-3 năm thì bị nợ lương do công ty không có tiền.
Câu chuyện buồn của Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu sau “cơn bão” cổ phần hóa đến nay vẫn chưa có hồi kết. Hãng phim truyện Việt Nam (tại trụ sở 4 Thụy Khuê) ngày càng hoang tàn, đổ nát. Đến nay, quá trình cổ phần hóa đã kéo dài gần 10 năm và chưa thể đi đến hồi kết.
Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) từng có hơn 600 văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên… làm việc. Hãng nổi tiếng với dòng phim cách mạng, trong đó có những tác phẩm đã đi vào lòng người như: Chung một dòng sông; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Em bé Hà Nội…
Quá trình cổ phần hóa hãng phim được tiến hành từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng tới 2016 hãng mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso).
Mâu thuẫn bùng nổ chỉ sau 2 tháng Vivaso chính thức trở thành chủ mới của hãng phim. Theo đó, Vivaso không trả lương cho những người không đến làm việc, tiến hành quy hoạch lại các phòng ban tại hãng phim, đóng cửa lối đi chính và khuyến khích các nghệ sĩ đi bán phở, lái xe ôm để kiếm thêm thu nhập…
Năm 2017, khi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) hoàn tất mua lại VFS, kể từ đó, các nghệ sĩ rơi vào thảm cảnh thất nghiệp, cơ sở vật chất đổ nát, hoang tàn, hãng phim đóng cửa, dư luận đầy bức xúc.
Sau gần 10 năm cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam ngày càng xuống cấp, cơ sở vật chất cũ kỹ, nhiều bộ phim nhựa bị hỏng, không có phim mới được sản xuất.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet