Kể chuyện làng: Chuyện nghe đài

Last updated: May 4, 2024 at 11:42 am - Lượt Views: 0 views

  • Beckham thổ lộ lý do công khai chuyện ngoại tình
  • Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN: “Nên để yên cho ông Minh Tuệ thực hành tâm nguyện của mình”
  • Diễn viên Bình An hốt hoảng khi đứng trên nóc tòa nhà cao tầng gặp hỏa hoạn

  • Vào những hôm trời mưa lạnh không đi đâu được, thỉnh thoảng tôi cũng ngồi bên cái radio ấp chiến lược để nghe những giai điệu du dương mà nhiều khi không hiểu gì cả. Ấy vậy mà những câu: “…Nàng có đôi người em có em chưa biết nói. Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh...” (Áo anh sút chỉ đường tà, nhạc Phạm Duy, thơ Hữu Loan) lại gây chú ý để rồi ngày mai lên lớp nhìn cô bạn bàn trên có đuôi tóc cong cong, tự nhiên lại thấy xao xuyến, tự nhiên nghĩ nàng là bạn ấy… Để rồi không biết tự khi nào, đây là bài hát yêu thích nhất của tôi…

    Kể chuyện làng: Chuyện nghe đài- Ảnh 1.

    Một chiếc radio cổ. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Cũng những lúc nghe đài cùng chị, một thông tin vô tình ăn vào trí nhớ của tôi. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tôi vẫn cảm giác chuyện như đang xảy ra ngay trên đất nước mình hôm nay. Số là trong một chương trình, có thể là tiếp chuyện bạn nghe đài hay giới thiệu danh lam thắng cảnh trên thế giới gì đó, nội dung nhà đài đưa ra đại ý: khung cảnh thơ mộng chúng tôi vừa miêu tả kể trên là chuyện của hàng chục năm trước. Còn hiện tại (1972-1974) con sông này đã ô nhiễm trầm trọng. Du khách muốn tham quan thì phải bịt mũi bởi mùi thối bốc lên từ dòng sông…

    Mãi đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước, chiếc radio vẫn là của quý hiếm với người dân xã Hương Phong của tôi. Mà có thể, cả vùng A Sầu A Lưới nữa đó. “Đài đeo bên hông còn đồng (hồ) thì đeo tay” cùng với chiếc xe đạp tạo thành bộ ba đạp – đồng – đài theo tiêu chuẩn sang trọng của xã hội thời bấy giờ.

    Kể chuyện làng: Chuyện nghe đài- Ảnh 2.

    Chiếc radio Sony thông dụng một thời. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Khi cái ăn đã tạm đủ thì nảy sinh nhu cầu giải trí. Radio là phương tiện đơn giản nhất đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân. Giá các loại radio cũ được tính bằng phân bằng chỉ vàng, “bòn tro đãi sạn” hàng năm trời, chắt bóp chi tiêu mua cho bằng được cái radio sau khi đã có một hai cái xe đạp dựng trong sân.

    Đầu hè 1986, nhà tôi sắm được cái Sony TR-1000. Đây là cái radio đầu tiên trong xóm. Khắp cả chợ trời Tây Lộc lúc ấy chỉ còn hai cái, một cái TR-1000 giá sáu phân và cái Sony TR-911 giá tám phân. Theo ba tôi, cái 911 thì đắt quá còn cái 1000. Họ hẹn vài ba ngày gom hàng đã, muốn gì cũng có. Ba tôi nhảy xe đò vào Đà Nẵng chọn được cái khác vừa ý hơn. Từ khi có cái đài, hầu như trong nhà lúc nào cũng có khách. Sáu rưỡi mỗi tối, người lớn tuổi đến nghe đài BBC. Tiếp theo là chương trình Vì an ninh tổ quốc hấp dẫn ở phần kết thúc bởi những câu chuyện săn bắt cướp của công an. Tối thứ bảy thì tập trung nghe Kể chuyện cảnh giác. Sáng chủ nhật thì Ca nhạc theo yêu cầu. Trên đường đi làm đồng về cũng dừng lại uống nước để nghe cho hết Khắp nơi ca hát… Hơn nửa tháng sau, ông Tr. sắm được cái Sony TR-911. Ba tôi đến thăm chúc mừng hàng xóm và nhận ra đúng cái ba tôi chê đắt. Vậy mà ông Tr. mua những đến một chỉ.

    Kể chuyện làng: Chuyện nghe đài- Ảnh 3.

    Một chiếc radio cổ. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Một thời gian sau, hầu như quanh xóm nhà ai cũng có radio. Người ta bắt đầu nghe có chọn lọc hơn và phân hóa theo lứa tuổi. Trẻ thì tập trung chủ yếu ở chương trình ca nhạc và ca cải lương. Người đứng tuổi thì thời sự, BBC, VOA. Kể chuyện cảnh giác, Sân khấu truyền thanhCâu chuyện truyền thanh là những chương trình thu hút được nhiều người nghe nhất. Hôm sau trên đường đi làm hay những phút giải lao, nội dung của những câu chuyện đó lại là đề tài để bàn luận mổ xẻ, thậm chí được lấy làm gương trong cuộc sống đời thường của mình. Cũng có nhiều người gửi thư đến Tiếp chuyện bạn nghe đàiCa nhạc theo yêu cầu khán giả với hy vọng tên và địa chỉ của mình sẽ được xướng lên. Với họ, được nghe chương trình yêu thích hay nghe tên mình được nhắc đến chưa biết điều nào thích thú sung sướng hơn.

    Có thể nói, những thông tin mà chiếc radio đem lại giúp cho người dân tự tin hơn trong cuộc sống. Các sự kiện tận đẩu tận đâu bỗng trở thành câu chuyện thường ngày của những người vốn chân lấm tay bùn và có khi cả năm trời không hề bước chân qua khỏi dòng Cân Te.

    Kể chuyện làng: Chuyện nghe đài- Ảnh 4.

    Radio cassette của Sony. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh địa phương dành thời lượng khá lớn cho các chương trình ca nhạc, từ nhạc cách mạng đến vọng cổ cải lương. Thế nhưng nhạc vàng cũng là nhu cầu thật sự với đa số người nghe. VOA, RFA, RFI, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc… là những đài được nhiều người dò sóng. Các đài này có cách bố trí nội dung làm cho người nghe không dứt ra được. Suốt cả buổi phát thanh một giờ đồng hồ, giữa những bản tin thời sự Việt Nam và thế giới, giữa những bài bình luận thể hiện quan điểm của chính phủ này tổ chức quốc tế nọ, thỉnh thoảng lại chen vào hai đến ba bản nhạc vàng. Có khi ôm cái đài dõi theo những tin những bài tận đâu đâu rồi mới được thưởng thức một bài hát mong đợi. Cứ ngỡ là còn thêm bài nữa nhưng lại nghe lời chào hẹn gặp lại bởi đã hết giờ phát sóng.

    Để thưởng thức dòng nhạc yêu thích của mình mà chỉ biết dựa vào các đài nước ngoài thì chẳng khác nào chờ sung rụng. Phải làm sao muốn thời sự có thời sự, muốn cải lương có cải lương, muốn nhạc xanh đỏ tím vàng thì chỉ cần mở máy… Bắt đầu một cuộc ganh đua ngấm ngầm giữa các gia đình mua sắm các loại radio cassette. Đầu tiên là loại một cửa băng một loa gọn nhẹ, chỉ nhỉnh hơn cái radio Sony chút xíu. Rồi đến một cửa hai loa, hai cửa hai loa của đủ các thương hiệu Sony, Sharp, JVC, Toshiba, National… Rồi đầu từ nằm trên hay nằm dưới, thu âm được hay không. Sang trọng nhất là loại hai cửa băng hai loa, dài gần cả thước nổi bật với dòng chữ Auto Reverse (tự động đảo trở băng khi hết một mặt).

    Kể chuyện làng: Chuyện nghe đài- Ảnh 5.

    Radio cassette của JVC. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Băng cassette cũng phong phú không kém. Chủ yếu là nhạc tiền chiến, nhạc vàng hay các tình khúc được sáng tác trong giai đoạn 1954-1975. Từ đầu làng đến cuối xóm, hầu như lúc nào cũng văng vẳng du dương “Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim…” hay “Mưa rừng ơi mưa rừng…”. Cũng có khi đang thả hồn theo bài hát thì rơi vào cảm giác hụt hẫng bởi âm thanh bị méo hay mất đâu rồi một đoạn. Ấy là do không nỡ bỏ cuộn băng bị dập bị rối. Đoạn băng nào hỏng thì cắt bỏ rồi dán nối bằng mủ lá vú sữa hay mủ củ tỏi.

    Nghe radio thì chủ yếu dùng pin con thỏ nhưng để dùng cassette thì phải có bình acquy. Cả bình cả máy có khi lên đến mấy chỉ vàng. Bình acquy thông dụng nhất là loại 12 vôn. Sạc đầy điện thì dùng được 7 đến 10 ngày, có khi nửa tháng tùy theo chất lượng của bình và nơi sạc. Phải đem ra km 91 mới có chỗ sạc, cách nhà đến hàng chục cây số. Lỉnh kỉnh chở đi chở về. Mà có lấy ngay được đâu, phải đợi từ một đến hai ngày. Để khỏi gián đoạn, nhiều nhà sắm hẳn hai bình. Cũng có nhà hào nhoáng bên ngoài thế thôi, thật ra là phải tùng tiệm chi tiêu để có tiền thay lắc sạc bình và mua băng mới.

    Những sự cố thường gặp nhất khi sử dụng cassette là cắm nhầm cực acquy. Vậy là cái IC trong máy ra đi. Để khắc phục, nơi sạc bình bán cho cái đi-ôt. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người dân vùng cao bắt đầu được sử dụng điện lưới. Có người đã cẩn thận xem xét trước sau, tìm cho được mấy chữ DC/AC trên tap-lô và giảng giải là có thể dùng điện 1 chiều (pin, ắc quy) hoặc điện lưới (xoay chiều). Ơ, sao thế kia. Cắm phích vào nguồn là “tèo” ngay cái IC. Lạ là có máy bị, có máy không. Lại tranh cãi do cassette không hiện đại, rẻ tiền. Thì ra, người bán biết người mua ở vùng sâu vùng xa, chưa có điện lưới nên cố tình tháo cái biến thế trong máy ra. Mua nhầm chứ mấy khi mà bán nhầm.

    Nhà sản xuất thì xa xôi quá nên không phải lúc nào cũng có được băng mới. Ca sĩ thần tượng nghe mãi rồi cũng chán. Ngoài thị trấn đã xuất hiện mấy quán cà phê có cái máy chi đó mà nghe được cả tiếng và thấy được cả hình. Một phương tiện giải trí mới lại đến trong sự háo hức đón chờ của người vùng cao: video cassette.

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet