Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha

Last updated: May 6, 2024 at 21:40 pm - Lượt Views: 16 views

  • Mỹ nhân Cao Bằng đầu tiên đăng quang Miss World Vietnam sở hữu chân dài 1m22, học Tiến sĩ ở tuổi 24
  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt

  • Những ngày tháng này, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều hướng về mảnh đất Điện Biên – nơi từng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm về trước. Nhiều đoàn khách đã đổ về mảnh đất này để được hòa mình trong không khí kỷ niệm, thăm lại những vùng đất là chứng tích một thời, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc của Điện Biên.

    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha- Ảnh 1.

    Sân khấu cầu truyền “Dưới lá cờ quyết thắng” tại điểm cầu Điện Biên Phủ. Ảnh: BTC

    Đặc biệt dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hình ảnh mỗi người dân, gia đình hay tổ chức, đơn vị tình nguyện hỗ trợ phát nước, hoa quả, thực phẩm… phục vụ miễn phí cán bộ, chiến sĩ tập luyện và du khách đã để lại ấn tượng khó quên với mỗi người khi đến với mảnh đất Ðiện Biên Phủ anh hùng.

    Tối qua (5/5), cầu truyền hình “Dưới lá cờ quyết thắng” cũng đã kết nối Điện Biên với 4 điểm cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP.HCM để tái hiện lại câu chuyện lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc. Trong chương trình, phóng sự đi tìm mộ cha mình là liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật – hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã gây xúc động cho rất nhiều người.

    Cuộc hội ngộ xúc động tại Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ

    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha- Ảnh 5.

    Cuộc hội ngộ đầy xúc động của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với các đồng đội của cha. Ảnh chụp màn hình.

    “Tôi là Nguyễn Thị Oanh, công tác ở Viện nghiên cứu Khoa học Thuỷ lợi, hiện nay tôi đã về hưu… Lớn lên tôi có tâm niệm đi tìm mộ bố tôi mà tìm không được. Mấy lần tôi lên đây không tìm được…

    Bố tôi, liệt sỹ là Nguyễn Thiện Thuật, hy sinh ngày 20/3/1954. Tôi không biết mặt bố như thế nào. Nghĩ rất buồn trong bụng là không biết bố tôi nằm ở đâu? … Mẹ tôi chỉ kể bố tôi hy sinh ở Điện Biên Phủ, đánh bộc phá 12 người cùng một đội với nhau, đánh bộc phá mở đường cho người ta vào, 11 người chết”, bà Oanh chia sẻ trong phóng sự.

    Cách đây khoảng hơn 10 năm bà Oanh đã lên Điện Biên để tìm mộ bố mình nhưng trở về mà không có kết quả. Bây giờ bà đã lớn tuổi nhưng vẫn rất khát khao gặp được ai đó có thể mách thông tin, tín hiệu gì về bố mình…

    Trong phóng sự phát tại cầu truyền hình “Dưới lá cờ quyết thắng”, bà Oanh được đưa đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ và đã xác minh được bố mình là chiến sĩ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Bất kỳ ai xem phóng sự cũng đều xúc động khi nghe tiếng khóc nấc của người con gái đã ngoài 70 tuổi: “Bố ơi, con tìm lại mà không thấy bố ở chỗ nào bố ơi, không biết bố có đây không bố ơi…”.

    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha- Ảnh 6.

    Điểm cầu Điện Biên gây ấn tượng với sân khấu tái hiện lại các di tích gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phru. Ảnh: BTC

    Và ê-kíp thực hiện chương trình đã kết nối và giúp bà gặp được 3 cựu chiến binh cùng Đại đoàn 312 – đồng đội của liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật năm xưa, gồm ông Vũ Đình Ới, Nguyễn Hữu Chấp và Bùi Kim Điều.

    Ba đồng đội của liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật đã trao tặng bà Oanh và bà Kim một món quà đặc biệt khác cũng được ê-kíp chương trình chuẩn bị đó là bức chân dung liệt sĩ được tạo bởi phương pháp tổng hợp hình ảnh của ông bà và các con. Chương trình mong muốn một phần nào đó thực hiện giấc mơ gặp lại cha của con gái, bởi bao năm qua, gia đình vẫn luôn nỗ lực tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật nhưng vẫn không có kết quả. 

    Ba cựu chiến binh cũng nhận các con gái của đồng đội mình là con nuôi – như một cách tri ân đồng đội đã ngã xuống cho mình được sống hôm nay.

    Xem chương trình, nhà báo Kiều Mai Sơn – một nghiên cứu rất nhiều tài liệu về chiến tranh cũng bày tỏ sự xúc động về câu chuyện này. Nam nhà báo cho rằng, để tìm được những thông tin xác thực về cha mình, bà Oanh nên tìm đúng các đồng đội của ông ở Trung đoàn 209 rồi khu biệt lại ở tiểu đoàn nào trong 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 209.

    “Qua phóng sự này, tôi thấy có 2 điều chia sẻ với bà Nguyễn Thị Oanh – con gái Liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật.

    Thứ nhất, cần xác minh lại ngày hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật. Có lẽ không phải ngày 20/3/1954 như bà kể trong phóng sự trên cầu truyền hình. Với người Việt Nam, ngày mất là quan trọng vì liên quan đến giỗ chạp.

    Theo suy đoán của tôi, có thể là ngày 30/3/1954 – nghĩa là ngày đầu tiên của đợt tiến công thứ 2 trong chiến dịch. Bởi vì, sau khi đánh trận mở màn ở cụm cứ điểm Him Lam vào chiều tối 13/3/1954 cho đến sáng ngày 30/3/1954, Trung đoàn 209 không tham gia đánh trận nào. Bà Oanh có thuật lại lời kể của mẹ bà là bố bà hy sinh khi cùng 11 đồng đội khác đánh bộc phá – tiểu đội có 12 người thì 11 người hy sinh. Như vậy, ngày 30/3/1954 là phù hợp hơn 20/3/1954.

    Khi đã tạm xác định được ngày hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật – e209/ f312 là 30/3/1954 thì sẽ xác định được thêm địa điểm hy sinh là đồi D1 – tức là nơi đặt bức tượng đồng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha- Ảnh 7.

    Tượng đài quyết thắng trên đỉnh đồi D1 – Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

    Thứ hai, theo tôi, bà Nguyễn Thị Oanh ở Hà Nội nên tìm hỏi Đại tá Nguyễn Hữu Tài, sinh năm 1929, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu). Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu Tài là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209. Là người cán bộ chỉ huy Trung đoàn 209, biết đâu ông Tài sẽ có thông tin về Liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật – bố của bà Nguyễn Thị Oanh.

    Hiện nay, Đại tá Nguyễn Hữu Tài ở trong Khu tập thể Quân đội 28B Điện Biên Phủ, Hà Nội.  Một chút thông tin nhỏ nhoi xin được chia sẻ đến bà Nguyễn Thị Oanh, hy vọng bà có thêm thông tin về liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật – bố mình”, nhà báo Kiều Mai Sơn chia sẻ.

    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha- Ảnh 8.

    Các đồng đội năm xưa hội ngộ tại Điện Biên Phủ. Ảnh: BTC

    Cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có chủ đề “Dưới lá cờ Quyết thắng” tại 5 điểm cầu: TP.Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Kon Tum và Điện Biên. Trong đó, điểm cầu TP.HCM sẽ tái hiện những câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

    Đây là chương trình quy mô lớn, với ê kip thực hiện khoảng 500 người và sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên trực tiếp biểu diễn tại các điểm cầu trên. Dàn nghệ sĩ tham gia chương trình: Ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng, Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Y Garia, Rơ Chăm Peng, nhóm Oplus, Anh Bằng, Bencanto…

    Các nội dung tại 5 điểm cầu sẽ ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.

    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha- Ảnh 9.
    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của con gái liệt sỹ Nguyễn Thiện Thuật với 3 đồng đội của cha- Ảnh 10.

    Tái hiện cảnh xe thồ chở lương thực ra chiến dịch trong buổi tổng duyệt diễu binh – diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ảnh: BTC

    Đài Truyền hình Việt Nam hỗ trợ toàn bộ việc thiết kế, thi công sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, màn hình led, thiết bị truyền hình trực tiếp, công tác vận hành sân khấu trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra truyền hình trực tiếp. Kịch bản chương trình do VTV3 làm tổng đạo diễn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan, huy động lực lượng diễn viên tham gia chương trình và bố trí địa điểm luyện tập.

    Với thời lượng hơn 110 phút, thông qua các phóng sự, màn giao lưu với các nhân chứng lịch sử, các tác phẩm âm nhạc, thơ…, cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ quyết thắng” sẽ đưa khán giả trở lại những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên; góp phần lan tỏa lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần, sức mạnh của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trải nghiệm hiện tại trên nền bối cảnh quá khứ, hồi tưởng của các nhân chứng lịch sử, những bài hát đi cùng năm tháng được phối mới… hòa quyện thành một bản hùng ca sẽ dẫn dắt khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)