Thiếu nữ văn công “xòe lửa” trong chiến trường Điện Biên, từng biểu diễn cho cả Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Media: Xuân Ly – Phạm Thứ.
Thiếu nữ văn công “xòe lửa” trong chiến trường Điện Biên
Những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp – cô thiếu nữ văn công từng một thời sát cánh cùng bộ đội trên những cung đường hoa lửa, đang tất bật với lịch dự các hoạt động kỷ niệm. Ở tuổi 88, Trung tá Diệp vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh vẫn và trẻ trung như thuở còn đôi mươi.
Bà Diệp bảo, dịp này, bà nhận được rất nhiều những lời đề nghị tới thăm nhà, nghe kể chuyện và muốn được xem, ghi hình những điệu múa “xòe lửa” bà trình diễn cho bộ đội những năm kháng chiến. Bà Diệp cũng rất nhiệt tình trước lời đề nghị tương tự từ PV Dân Việt.
Trang phục quân đội đã mặc sẵn, đạo cụ cũng chuẩn bị đầy đủ… khi tiếng nhạc cất lên rộn ràng, bà Diệp cũng uốn người uyển chuyển theo từng nhịp điệu. “Đây là điệu múa xòe hoa của người Thái. Không biết bao nhiêu lần tôi biểu diễn điệu múa này trong suốt dọc đường hành quân lên Tây Bắc. Các chiến sĩ bộ đội thời đó cũng yêu cầu biểu diễn điệu múa này nhiều nhất”, Bà Diệp chia sẻ.
Để biểu diễn điệu múa này cần phải có vài chiếc lục lạc, nhưng giữa núi rừng chẳng thể kiếm ở đâu ra. Bà Diệp nảy ra ý định là xâu những chiếc nắp bật lửa vào dây dù, đeo lên các đầu ngón tay để có những âm thanh sống động hòa theo điệu múa. Các chiến sĩ bộ đội thấy vậy cười vui và đặt tên cho điệu múa của nữ văn công là điệu múa “xòe bật lửa” độc nhất vô nhị trên đường hành quân Tây Bắc.
Tháng 6/1951, khi chưa tròn 15 tuổi, cô thiếu nữ Ngô Thị Ngọc Diệp đã tham gia Đoàn Văn công của Đại đoàn 308 phục vụ bộ đội trong các chiến dịch Hòa Bình đến chiến dịch Tây Bắc. Tháng 12/1953, bà Diệp có mặt tại Điện Biên Phủ. 6 tháng đỏ lửa ở tiền tuyến, bà cùng các thành viên trong Đoàn Văn công tạo thành một “binh chủng đặc biệt” với nhiệm vụ giúp các chiến sĩ quên đi mệt mỏi, đau đớn về thể xác, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, đặt niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Bà Diệp cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi trên đường hành quân là trò chuyện với bộ đội. Chúng tôi tâm sự với nhau, khi thì tôi kể chuyện cổ tích, tiếu lâm. Các anh ấy cũng kể chuyện cho chúng tôi nghe. Có những câu chuyện nào hay tôi đều lưu lại làm vốn để khi sang đơn vị khác sẽ kể cho họ”.
Chặng đường hành quân vất vả, những lúc nghỉ ngơi, xem văn công trình diễn là điều các chiến sĩ bộ đội rất mong chờ. Những mảnh đất giữa rừng trống, tại giao thông hào, bên cạnh giường bệnh… đều có thể là “sân khấu”. Bà Diệp cho biết, trang phục và hóa trang các diễn viên của Đoàn Văn công bấy giờ đều hết sức đơn giản: quấn chăn làm váy, lấy nhọ nồi để dặm mặt hoặc lông mày,…
Tiết mục bà Diệp còn ấn tượng sâu sắc nhất là vở kịch của nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiền sáng tác. Bà Diệp vào vai một người vợ động viên, khích lệ chồng tham gia hàng ngũ quân đội giết giặc báo thù. Các diễn viên hát tới đâu, bộ đội ở dưới vỗ tay tới đó. “Đi đi anh, giết lũ giặc báo thù. Anh đi đi, giết lũ giặc báo thù…”, bà Diệp du dương câu hát trong vở kịch tại chiến trường năm nào.
Bên cạnh đó, có những sân khấu mà bà Diệp không thể nào quên. Một lần trước khi Đại đoàn 308 hành quân lên Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và bà Diệp đã trực tiếp được múa cho Bác xem.
“Tôi vẫn nhớ khi ấy các anh trong Đại đoàn cứ chen lên để được gặp gần Bác. Tôi là con gái không thể chen lên được, Bác thấy vậy thì bảo “Cho phụ nữ lên trên”. Cả Đại đoàn khi ấy chỉ có tôi và một chị cấp dưỡng là nữ, thế là chúng tôi được gần Bác. Sau đó thì tôi và một anh nữa được biểu diễn cho Bác xem bài “Khoe giày”. Bác xem xong thì đùa với chúng tôi: “Múa khoe giày mà chân lại đi dép thế này. Các cháu yên tâm, sau cải cách ruộng đất, sẽ có giày cho các cháu đi”. Chúng tôi lúc ấy rất vui sướng và chỉ biết cười”, bà Diệp chia sẻ.
Một lần khác khi đang làm đường, bà Diệp cùng Đoàn Văn công được điều vào Mường Phăng để biểu diễn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ tại đó. Vẫn là điệu múa “xoè bật lửa” học được từ người Thái được biểu diễn. Bà Diệp kể, Đại tướng khi ấy cũng xuống hòa nhập, nhảy cùng đoàn. Rồi sau đó, bà cùng Đoàn Văn công múa hát cho Đại tướng xem bài “Qua miền Tây Bắc”.
Hay trong cuộc mít-tinh (meeting) tại Mường Phăng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Diệp một lần nữa biểu diễn trong thời khắc quan trọng của lịch sử. Bà được cùng Đoàn Văn công hát vang bài “Tiến quân ca” (quốc ca) trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh.
“Thà chết còn hơn bị cho về hậu phương”
Những năm tháng hành quân dài đằng đẵng, nhiều khó nhọc, vất vả nhưng nhìn sang bộ đội chiến đấu gian khổ, bà Diệp thấy những khó, vất vả của mình vẫn chưa là gì. Nhất là lúc chứng kiến các vết thương chằng chịt trên người đồng chí, đồng đội và cả những chiến sĩ đã hy sinh, cô văn công trẻ tuổi lại không cầm được nước mắt, lại càng quyết tâm tập luyện, đem lời ca tiếng hát cùng những điệu múa giúp các anh quên đi những đau đớn, mệt mỏi.
Bà Diệp cho biết, mỗi văn công bấy giờ khi hành quân sẽ mang theo balo tư trang bao gồm quần áo, trang phục biểu diễn, nhạc cụ và một túi gạo khoảng 3-5kg đeo ở thắt lưng… Bên cạnh đó, mỗi người có một chiếc xẻng hoặc cuốc để đào hầm hoặc mở đường.
“Ngày ấy chúng tôi cứ đi là đi thôi. Cứ bảo là đi Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ) mà cũng chẳng biết là đâu. Tới khi thấy núi non hùng vĩ, hiểm trở thì bảo nhau chắc đây là Tây Bắc. Khi ấy, chúng tôi cứ thấy bộ đội với dân công kéo nhau tới rất đông, thì cũng nghĩ bụng sắp tới là một trận đánh lớn lắm. Không ai nghĩ rằng, đó lại là một chiến dịch lịch sử, bước ngoặt của dân tộc”.
Từ độ thiếu niên đã đặt chân vào chiến trường, tới tuổi đẹp nhất của một người thiếu nữ thì có mặt tại chiến trường khốc liệt bậc nhất lịch sử dân tộc. Khi được hỏi có bao giờ cảm thấy sợ hãi trước những cuộc “bom rơi đạn lạc”, bà Diệp thành thật là có sợ. Hy sinh bất cứ lúc nào là điều khó ai có thể nói trước được. Nhưng điều còn sợ hơn là bị cho trở lại hậu phương, không được góp lời ca tiếng hát, không được phục vụ tại chiến dịch.
“Trên đường hành quân, ở trên truyền tai nhau xuống là có bom nổ chậm, phải đi nhanh. Cái sợ cũng thoáng qua trong đầu nhưng cũng chỉ trong tích tắc thôi rồi qua đi. Cứ đi, đi mãi từ 5 giờ chiều tới 2h sáng hôm sau mới tới chỗ nghỉ chân.
Sáng hôm sau tới giờ chỉnh huấn, tổ trưởng hỏi chúng tôi: “Đi qua bom nổ chậm, đồng chí nào có tư tưởng bảo mạng (sợ chết) không?”.
Sợ. Quả thật là tôi cũng có sợ. Nhưng cứ gân lên, kiên quyết nói là không sợ. Nói là sợ thì lo là sẽ bị trả về hậu phương. Bấy giờ, chúng tôi ai cũng như thế. Nhưng rồi nhiều lần như thế, cái sợ đó không còn nữa. Một là tinh thần tuổi trẻ hăng hái, hai thì có đó là truyền thống yêu nước từ thời cha ông truyền lại”, bà Diệp bộc bạch.
Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Diệp và một đồng đội được giao nhiệm vụ thêu lá cờ đỏ sao vàng kèm dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng” dài khoảng 1m2. Nhận vải từ phòng chính trị, nhưng chỉ có mảnh vải màu đỏ, không có vải vàng để làm ngôi sao 5 cánh và dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”.
Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp có một mối tình văn công rất đẹp và đời sống gia đình rất hạnh phúc trong cả thời kỳ kháng chiến và khi hòa bình. Ảnh: Phạm Thứ.
Cô thiếu nữ văn công khi ấy lại có một sáng kiến mới. Đó là nghiền nhỏ những viên thuốc sốt rét mang theo mình, hòa với nước nhuộm vàng những tấm băng gạc màu trắng để bó vết thương. Sau đó phơi khô và cắt thành từng cánh sao để thêu lên lá cờ.
“Chúng tôi hoàn thành lá cờ sau khoảng 4 hôm. Lá cờ được trao cho cảm tử quân cắm trong đồn địch. Tôi không được trực tiếp trao cho người chiến sĩ cảm tử quân ấy nhưng sau này nghe kể lại, khi nhận lá cờ, người chiến sĩ vui mừng lắm. Đồng thời, anh ấy gửi lại đồng đội của tôi một cuốn sổ tay nhờ chép bài hát để khi thắng lợi trở về sẽ hát cùng nhau”.
Càng gần ngày chiến thắng, giặc càng bắn phá Điện Biên ác liệt. Thế nên để chuẩn bị cho chiến dịch, văn công thuộc các Đại đoàn được lệnh ra làm đường để xe tăng tiến vào chiến dịch. Bà Diệp nhớ như in buổi chiều ngày 7/5/1954, khi đang cùng đồng đội gánh cát, sỏi từ suối lên đắp đường, bỗng có một chiếc xe com-măng-ca từ phía Điện Biên Phủ đi xuống. Một chiến sĩ trong xe liên tục hét lớn: “Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi!”.
Bà Diệp hồi tưởng: “Lúc ấy, cả đoàn không ai bảo ai, chạy vội về phía trước, bỏ hết cả quang gánh ở dưới suối. Tin vui chiến thắng đến quá bất ngờ, sung sướng. Chúng tôi ôm nhau, nhảy múa trên đường, cảm xúc không diễn tả thành lời.
Chiếc xe đó hoá ra đang chở tướng De Castries bị bắt sống từ hầm chỉ huy về. Tất cả chúng tôi xông vào để nhìn mặt hắn. Có người cũng định đánh, nhưng các đồng chí đi cùng bảo vệ, ngăn chúng tôi lại. Đó là một nhân vật của lịch sử, tôi được trải qua những thời khắc như vậy cũng là điều rất ý nghĩa”.
Bà Diệp diễn tả lại cảm xúc trong giờ phút chiến thắng của toàn thể quân và dân ta bấy giờ giống như những giọt nước tràn ly.
“Bao ngày tháng gian khổ cực nhọc, bao giờ phút hiểm nguy, cận kề với cái chết và bao những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại. Tất cả những điều ấy dồn nén, tràn ra trong giờ phút vinh quang mà cả nước đã đợi chờ”, bà Diệp xúc động.
70 năm đã qua, tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã được lịch sử đã được viết lên. Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp vinh dự và tự hào vì được góp mặt trong chiến dịch lịch sử ấy. Bà Diệp bày tỏ: “Những dịp kỷ niệm lớn thế này, ký ức trong tôi lại ùa về. Bên cạnh đó lại còn được chính quyền các cấp mời đến để tôn vinh, ca ngợi. Tôi cũng có những câu chuyện để kể về chiến công hào hùng của dân tộc mà trong đó có chính mình đóng góp. Chẳng biết diễn tả bằng lời như thế nào. Chỉ biết là vui lắm, tự hào lắm!”
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet