Tác giả ca khúc “Trái đất này là của chúng mình”: Muốn có tác phẩm thiếu nhi hay phải biết “hy sinh”!

Last updated: June 1, 2024 at 22:32 pm - Lượt Views: 26 views

  • Mỹ nhân Cao Bằng đầu tiên đăng quang Miss World Vietnam sở hữu chân dài 1m22, học Tiến sĩ ở tuổi 24
  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt

  • Từng nổi tiếng với những tác phẩm như Tiếng hát bên rừng cọ đồi chè, Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ), tại sao sau này ông lại chuyển hướng và cho ra đời hàng loạt ca khúc nổi tiếng dành cho thiếu nhi?

    – (Cười) Thú thực đến tận bây giờ tôi cũng không thể lý giải được vì sao mình lại “ngã” vào sáng tác thiếu nhi. Ca khúc đầu tay của tôi là Tiếng tàu đêm được sáng tác khi tôi đang học năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi năm 1964, khi đang công tác tại Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tôi đã bắt gặp được bài thơ Vàm Cỏ Đông để cho ra đời bài hát cùng tên.

    Phải đến 15 năm sau, tức năm 1979, tôi mới sáng tác ca khúc Trái đất này là của chúng mình để hưởng ứng cuộc thi sáng tác các bài hát mới cho trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Ủy ban Năm quốc tế thiếu nhi Việt Nam phát động. Từ đó đến nay, tôi luôn song hành sáng tác cả ca khúc thiếu nhi và ca khúc người lớn.

    Tác giả ca khúc "Trái đất này là của chúng mình": Muốn có tác phẩm thiếu nhi hay phải biết "hy sinh"!- Ảnh 1.

    Nhạc sĩ Trương Quang Lục (ảnh: NVCC)

    Nghĩ lại hành trình 70 năm qua, tôi cảm thấy mình có duyên với sáng tác âm nhạc về thiếu nhi. Mảng chủ đề này cho tôi một nguồn cảm xúc bất tận, tôi luôn thấy mình như được trẻ lại, thậm chí tâm hồn lúc nào cũng như một cậu bé. Khi sáng tác về thiếu nhi, tôi thấy mình được là chính mình, được theo đúng sở trường của mình. Tôi rất cảm động, khi đến các vùng quê, các em nhỏ đều say sưa hát các ca khúc thiếu nhi của tôi. Hiện nay khi tuổi đã cao nhưng tôi vẫn được các trường học, các liên hoan âm nhạc của Trung ương Đoàn tổ chức ở khu vực phía Nam mời dự.

    Giữa năm ngoái, tôi tham dự Liên hoan Búp Sen hồng khu vực phía Nam lần thứ 26 tại Sóc Trăng, khi đó tôi phải nhờ con trai lớn đưa đi. Phải nói trẻ em bây giờ năng động hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại có thêm niềm cảm xúc mới để sáng tác.

    Nghe nói ca khúc Trái đất này là của chúng mình của ông đã được một bang của Canada chọn làm bài hát chính thức của Đại hội các dân tộc. Thực hư câu chuyện này là thế nào?

    – Cách đây nhiều năm khi tôi đang ở nhà thì nhận được một cuộc điện thoại của một cô gái tự xưng làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Lúc đó, cô ấy đã về thành phố Hồ Chí Minh và muốn đến thăm tôi. Cuộc hẹn được sắp đặt rồi cô ấy bảo: “Một bang của Canada xin phép được chọn bài hát Trái đất này là của chúng mình để làm bài hát chính thức của Đại hội các dân tộc.

    Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao một đất nước rất xa xôi như vậy lại biết đến bài hát của tôi và ở nước họ thiếu gì bài hát lại chọn bài hát của tôi làm bài hát chính thức của Đại hội các dân tộc. Cô ấy nói: “Ở Canada nhiều người biết đến bài hát này và lý do mà họ chọn bài hát này vì đã nói đến vấn đề chống phân biệt chủng tộc”.

    Điều làm tôi bất ngờ hơn nữa là sự văn minh, lịch thiệp của họ, tức là phải xin phép tôi đồng ý thì họ mới sử dụng. Và cũng chẳng lý do gì mà tôi từ chối cả. Tôi coi đó là vinh dự, sự tự hào vì bài hát của mình đã có chỗ đứng không chỉ ở trong nước mà còn ra với bạn bè quốc tế.

    Ca khúc “Trái đất này là của chúng mình” của nhạc sĩ Trương Quang Lục do Mai Vy thể hiện. (Clip: YouTube Mai Vy)

    Ông có thể lý giải vì sao trước đây có nhiều nhạc sĩ sáng tác về thiếu nhi, thời đó cũng có nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng mà đến nay vẫn được phổ biến?

    – Thực ra thời nay vẫn có những nhạc sĩ sáng tác về thiếu nhi nhưng độ thành công thì không nhiều. Chúng ta đã từng có các nhạc sĩ có hàng loạt sáng tác về thiếu nhi nổi tiếng, như: Phạm Tuyên, hai anh em sinh đôi Hoàng Long – Hoàng Lân, Phạm Trọng Cầu, Trần Viết Bính… hay sau một chút thì có Hà Hải, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên… Hầu hết trẻ em hôm nay vẫn hát những ca khúc ngày xưa.

    Thực tế là hiện nay, bài hát viết cho thiếu nhi có khá nhiều nhưng thiếu nhi và công chúng lại ít được nghe nhiều như ngày xưa. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Đoàn phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi. Thời gian nhận bài thi rất ngắn (từ ngày 1-3-2021 đến 15-4-2021), giải thưởng khiêm tốn nhưng Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được trên 500 bài hát của gần 400 tác giả. Điều đó cũng phần nào nói lên việc người viết không ít, bài hát không thiếu mà cái thiếu hiện nay là thiếu nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng các bài hát thiếu nhi. Tất nhiên, số lượng trên 500 bài hát thì cũng chưa có thể khẳng định là đều hay cả nhưng cũng là tín hiệu vui.

    Theo kinh nghiệm của ông, sáng tác cho trẻ em có cái khó gì và muốn thành công thì nhạc sĩ phải làm như thế nào?

    – Cái khó nhất trong việc viết bài hát cho thiếu nhi là hiểu cảm quan của trẻ con với thế giới xung quanh. Kỹ thuật chuyên môn không cần ở mức cao siêu bác học mà chỉ cần các ca khúc ngắn nhưng được lồng một cách khéo léo, nhẹ nhàng những bài học dạy kỹ năng sống, dạy phép ứng xử cho thiếu nhi. Muốn vậy, người viết phải nhìn, ngắm, suy nghĩ, cảm nhận thế giới qua lăng kính vừa đơn giản lại vừa tinh khôi của trẻ.

    Khi viết ca khúc cho thiếu nhi, tôi thấy ca từ phải như thơ, phải có vần, phải bay bổng… Trong một ca khúc, ca từ vô cùng quan trọng, nó khiến cho bài hát có sức sống dài lâu. Muốn sáng tác hay, phù hợp phải nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ. Cũng cần để ý thêm về âm hưởng dân tộc trong các bài hát. Tôi nghĩ, sáng tác nhạc cho thiếu nhi thì nhạc sĩ đều rất sẵn lòng, dù đôi khi cũng cần sự đồng cảm và cả một chút hy sinh nữa. Hy sinh ở đây là mặt tiền bạc, có thể chịu thua thiệt về đồng nhuận bút hay tiền quyền nhưng nhạc sĩ là phải cống hiến. Đừng nghĩ đến cái lợi trước mắt quá nhiều mà hãy cống hiến đi, cống hiến thật nhiều vào.

    Ngoài sự nỗ lực của các nhạc sĩ, theo ông, các cơ quan chức năng cần làm gì để có những sáng tác mới về thiếu nhi?

    – Đúng là nhạc sĩ cố gắng thôi là chưa đủ mà cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Vai trò của Bộ VHTT&DL cũng rất quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế khuyến khích nhạc sĩ sáng tác về thiếu nhi. Rồi về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cần tổ chức nhiều hơn nữa những trại sáng tác về âm nhạc thiếu nhi hay có những vinh danh xứng đáng cho nhạc sĩ sáng tác về thiếu nhi trong các giải thưởng thường niên. Cơ quan báo chí truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm thiếu nhi tốt. Đặc biệt là sự quan tâm của các bậc phụ huynh hay nói rộng ra cả xã hội.

    Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Nhạc sĩ Trương Quang Lục sinh năm 1933 tại Quảng Ngãi. Ông là tác giả của hàng loạt các bài hát thiếu nhi như: Xỉa cá mè, Em yêu đàn gà xinh xinh, Trái đất này là của chúng mình (thơ Định Hải), Kéo cưa lừa xẻ, Một nhà bên nhau (đồng dao), Gánh gánh gồng gồng (đồng dao), Tuổi mười lăm, Màu mực tím, Chỉ có một trên đời…


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)