Trào lưu “búp măng non” làm lệch lạc tính tư tưởng ca khúc nổi tiếng
Bắt đầu từ thời điểm các trường kết thúc năm học, học sinh các cấp được nghỉ hè, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện từ khóa “búp măng non”. “Búp măng non” là cách gọi các bạn nhỏ đang ở độ tuổi thiếu nhi. Cách gọi này xuất phát từ lời hát Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng… trong ca khúc Em là mầm non của Đảng của nhạc sĩ Mộng Lân. Đây là một bài hát rất nổi tiếng đối với thiếu nhi, nhất là các thế hệ 6x, 7x, 8x và 9x.
Vì lẽ đó, rất nhiều cư dân mạng đã chế lại phần lời, giữ nguyên phần nhạc của ca khúc này để ghép vào các clip ghi lại những khoảnh khắc vui nhộn, tinh nghịch… của con em mình trong dịp nghỉ hè hoặc về quê nghỉ hè rồi đăng tải lên trang cá nhân. Các clip ghép lời chế bài hát Em là búp măng non… đã nhanh chóng “làm mưa, làm gió” trên các mạng xã hội như: Tiktok, Facebook, YouTube…
Theo bảng đo lường của một ứng dụng công nghệ dữ liệu, trend (xu hướng) “búp măng non” lọt vào bảng xếp hạng Top 10 chủ đề gây chú ý nhất mạng xã hội trong tuần cuối cùng của tháng 6/2024. Tổng lượt tương tác bao gồm yêu thích, chia sẻ, bình luận… dành cho các video theo xu hướng này lên tới gần hàng chục triệu lượt. Tuy nhiên, bên cạnh những lời chế mang tính vui vẻ thì cũng có nhiều lời chế hơi quá đà, khiến tính tư tưởng của bài hát bị lệch lạc.
Trao đổi với Dân Việt, NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, ông rất phản đối việc chế lời của ca khúc mang tính “biểu tượng” của âm nhạc thiếu nhi như thế này.
“Em là mầm non của Đảng là một ca khúc rất nổi tiếng dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Mộng Lân. Ca khúc này đã nằm lòng trong nhiều thế hệ thiếu nhi. Bài hát đã trở thành di sản âm nhạc thiếu nhi của không chỉ nhạc sĩ Mộng Lân mà của nền âm nhạc Việt Nam nói chung. Vì thế, việc biến tấu một ca khúc nổi tiếng như thế này dù với mục đích gì đều là không được phép”, NSND Phạm Ngọc Khôi nói.
Theo nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, tính tư tưởng và tính giáo dục trong bài hát Em là mầm non của Đảng rất cao. Vì thế, bài hát mới có tính phổ cập và được sử dụng trong nhiều sự kiện mang tính chính thống. Việc biến tấu một ca khúc như thế này sẽ làm lệch lạc tính tư tưởng và tính giáo dục của bài hts.
“Tôi đã xem các clip nhạc chế, thấy nó tiềm ẩn rất nhiều độc hại. Thứ nhất, bài hát vốn rất đẹp đẽ, trong trẻo… vì viết về lòng biết ơn của thiếu nhi đối với Đảng, với Bác Hồ. Nhưng khi chế lại thì lời đã không còn sự trong trẻo đấy nữa. Thứ hai, bài hát có tính tư tưởng rất cao và chính cái tư tưởng đó đã truyền cảm hứng cho hàng triệu triệu thiếu nhi qua nhiều thế hệ để vươn tới lý tưởng sống cao đẹp. Thế nhưng lời chế của bài hát này đã làm sai lệch tính tư tưởng đó đi.
Thứ ba, tôi rất lo ngại khi các thế hệ trẻ sau này sẽ không ai thuộc bài hát gốc mà chỉ thuộc lời bài hát chế, những lời lẽ dù chỉ mang tính chất bông lơn, vui đùa thì cũng sẽ tác động ít nhiều đến nhận thức của trẻ. Điều này sẽ rất nguy hại bởi trẻ con đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách mà cứ tiếp nhận những thứ vô bổ này thì sẽ phát triển ra sao?
Và một điều nữa, nếu cứ thấy vui và vô tư biến tấu các bài hát như thế này thì còn đâu sự tôn trọng bản quyền tác giả. Biến tấu được bài hát này thì sẽ lại biến tấu được bài hát khác. Người nghe, người xem cũng vào hòa để việc đó cứ diễn ra tràn lan sẽ rất nguy hại. Tôi đồ rằng, nhạc sĩ Mộng Lân mà còn sống thì ông sẽ không thấy vui với việc này.
Tôi nghĩ rằng, âm nhạc nói riêng, văn hóa nói chung có thể được biến hóa thành nhiều hình thức khác nhau để đi vào đời sống. Nhưng không phải tác phẩm âm nhạc nào cũng có thể biến tấu được. Chúng ta làm như thế là vi phạm quy định của pháp luật và rất thiếu sự tôn trọng tác giả. Cần phải có các chính sách để kiểm soát sự việc này trước khi nó trở thành một trào lưu vô bổ vô thực”, NSND Phạm Ngọc Khôi nhấn mạnh.
“Em là mầm non của Đảng” thấm đẫm sự trong trẻo, hồn nhiên
Em là mầm non của Đảng được nhạc sĩ Mộng Lân sáng tác năm 1958. Bài hát từng được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 (do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp bình chọn). Ca từ lẫn giai điệu của Em là mầm non của Đảng thấm đẫm sự trong trẻo, hồn nhiên, vui tươi…
Nội dung bài hát thể hiện sự biết ơn đối với Đảng và Bác Hồ đã mang lại cuộc sống hòa bình, tự do, chan chứa tình yêu thương cho trẻ em. Từ những ngày mới ra đời, bài hát đã luôn đồng hành với phong trào thi đua, rèn luyện của thiếu niên, nhi đồng. Rất nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng đã hát vang ca khúc này trong các sự kiện tại trường hoặc sự kiện dành cho lứa tuổi của mình.
Nhạc sĩ Mộng Lân (1934 – 2001) tên thật là Nguyễn Ngọc Lân, sinh ra tại Phú Thọ, quê gốc Thanh Oai, Hà Nội. Trong kháng chiến, ông tham gia Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Sau khi tốt nghiệp sư phạm và giảng dạy âm nhạc tại Trường Thiếu nhi Việt Nam, năm 1957, ông về làm biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là người góp công xây dựng Đội đồng ca thiếu nhi Sơn Ca Đài Tiếng nói Việt Nam và Đội Vàng Anh ở Nam Định.
Mộng Lân sáng tác nhiều đề tài, chủ yếu viết cho thiếu nhi, tiêu biểu là các ca khúc: “Quê em bừng sáng” (1956), “Em là mầm non của Đảng” (1958), “Tấm ảnh Bác Hồ” (1957), “Tuổi nhỏ đất nước anh hùng” (1965), “Nguyễn Bá Ngọc – người thiếu niên dũng cảm” (1965), “Em đang sống những ngày vẻ vang” (1968)… Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã bình chọn Mộng Lân là một trong những “Nhạc sĩ có nhiều bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX”.
Nhạc sĩ Mộng Lân được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 – năm 2007.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet