Ngày 17/7, trong phiên tòa xét xử vụ án Học viện Quân y, bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Công nghệ Việt Á, giữ quan điểm xin giảm nhẹ bản án 6 năm tù về tội vi phạm đấu thầu, do Tòa quân sự Thủ đô tuyên sơ thẩm.
Phiên phúc thẩm vụ án tại Học viện Quân y. Ảnh: TTXVN.
Vũ Đình Hiệp nêu 3 lý do, gồm vai trò của anh ta trong vụ án không cao và Công ty Việt Á không hề “tác động” tới Học viện Quân y trong công tác đầu thầu, khi đơn vị này mua kit test Covid-19.
Thứ 3, bị cáo Hiệp đề nghị xem xét, hợp đồng Việt Á bán kit test cho Học viện Quân y đã gây thiệt hại như tòa sơ thẩm quy kết. Hợp đồng này do Hiệp và Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện ký nhưng hiện tại, anh ta trong vai trò nhà thầu (Việt Á) bị đi tù còn Trung tướng Quyết đại diện bên mua (Học viện Quân y) lại được miễn trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án tại Học viện Quân y, cơ quan tố tụng cho rằng Trung tướng Đỗ Quyết, cựu Giám đốc Học viện Quân Y; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương Phó giám đốc Học viện đã “tin tưởng cấp dưới” trong nghiên cứu, thực hiện đề tài và và đấu thầu mua kit nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Thiếu tướng Lương do tin tưởng và không xem biên bản bàn giao do Công ty Việt Á soạn thảo, được cấp dưới trình nên ký vào biên bản này.
Hành vi của họ có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng do thời hạn đã hết nên Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tách hồ sơ để thu thập thêm tài liệu, đánh giá chứng cứ, đúng mức độ sai phạm.
Cũng trình bày tại tòa sáng nay, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á, xin giảm nhẹ hình phạt. Việt trước đó bị phạt 25 năm tù về các tội vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Bị cáo trình bày, với tội danh lợi dung chức vụ, bị cáo là “người ngoài nhà nước” nên chỉ có thể phạm tội với vai trò đồng phạm nhưng án sơ thẩm xác định đầu vụ. “Vô lý, bị cáo không phục”, Việt nói.
Ở hành vi vi phạm đấu thầu, Phan Quốc Việt khẳng định Công ty Việt Á chỉ là nhà thầu, không phải chủ đầu tư. Bị cáo dẫn chứng bản án của các tỉnh đã xử, liên quan Việt Á đều xác định anh ta là đồng phạm nhưng riêng tòa quân sự xử sơ thẩm lại tuyên anh ta giữ vai trò chính nên “không thuyết phục”.
Việt nói thêm, chính kết luận điều tra có nêu người của Học viện Quân y phải “tác động” để anh ta ứng kit test cho đơn vị này nên tòa sơ thẩm xác định Việt Á cần bán kit cho Học viện là sai.
Theo cáo trạng, năm 2020, Covid bùng phát nên Bộ Khoa học Công nghệ giao Học viện Quân y nghiên cứu kit test, kinh phí hơn 18 tỷ đồng, bị cáo Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài. Do Trịnh Thanh Hùng yêu cầu, bị cáo Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng nghiên cứu.
Tuy nhiên, các bị cáo sau đó dùng sản phẩm nghiên cứu đi đăng ký lưu hành dưới tên của Công ty Việt Á. Như vậy, sản phẩm nghiên cứu bằng tiền nhà nước, do Bộ Khoa học Công nghệ làm chủ sở hữu bị chuyển thành sản phẩm của Công ty Việt Á, để doanh nghiệp này bán thương mại. Khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt cảm ơn Trịnh Thanh Hùng bằng 350 nghìn USD (khoảng 8 tỷ đồng).
Ngoài ra, năm 2021, các bị cáo tại Học viện Quân y còn mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá cao trong quá trình chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM.
Cụ thể, tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Trung tướng Đỗ Quyết, cựu Giám đốc Học viện Quân y ký văn bản, đề nghị và được Bộ Quốc phòng đồng ý cho dùng hơn 7,2 tỷ đồng để mua 220 bộ kit (loại 96 test/bộ).
Tuy nhiên, Học viện Quân y không đấu thầu theo quy định mà tiến hành mua “chỉ định thầu” từ Công ty Việt Á với giá hơn 9,5 tỷ đồng, cao hơn 2,2 tỷ so với báo cáo gửi Bộ Quốc phòng.
Tại TP.HCM, Học viện Quân y đề nghị Bộ Quốc phòng cho dùng hơn 17,5 tỷ đồng mua 390 bộ kit (tương ứng 37.440 test xét nghiệm) của Công ty Việt Á. Giá trị hợp đồng sau đó được nâng lên 77.280 test tương ứng hơn 32,2 tỷ đồng – cao hơn 14,6 tỷ so với báo cáo gửi Bộ Quốc phòng. Sau đó, Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Việt Á đã chi tổng cộng 7,1 tỷ đồng “hoa hồng” cho nhóm bị cáo là người của Học viện Quân y.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet