Con nhà nòi đến “kỳ nữ” của nghệ thuật miền Nam một thời
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Kim Cương sinh năm 1937 tại Sài Gòn trong một gia đình 3 đời làm nghệ thuật, từ bà cố, bà nội và cha mẹ ruột đều làm bầu gánh nổi danh. Cha bà là bầu gánh Đại Phước Cương, một trong những ông bầu quyền lực của sân khấu cải lương. Mẹ bà là NSND Bảy Nam – người được mệnh danh là “Tổ nghề sống” của sân khấu cải lương Nam Bộ.
Bén duyên với sân khấu từ khi còn nằm trong bụng mẹ, tới khi sinh ra đời được 18 ngày tuổi, mẹ của bà đã bế con lên sân khấu. Năm 7 tuổi, bà có vai diễn đầu tiên trong vở tuồng “Na Tra lóc thịt”. Lúc đó, bà được đánh giá diễn tuồng tự nhiên như bản năng của “con nhà nòi”.
Suốt tuổi thơ của mình, Kim Cương theo cha mẹ phiêu dạt khắp các tỉnh thành. Biến cố thực sự ập đến với gia đình khi Kim Cương lên 9 tuổi. Lúc đó, đang diễn ở Phan Thiết cha bà qua đời. Gánh nặng cuộc sống và duy trì đoàn hát dồn lên đôi vai tảo tần của mẹ. Bà từng kể lại thời điểm đó, mẹ phải bán cân đai áo mão, từng miếng bạc, từng hạt thủy tinh, từng tấm phông màn… để đổi lấy gạo ăn. Đặc biệt, khi bán đến tấm màn nhung có hai chữ Phước Cương, NSND Bảy Nam đã bật khóc nức nở.
NSND Bảy Nam và con gái Kim Cương năm 1 tuổi. (Ảnh: TLGĐ)
Vì cuộc sống khó khăn nên bà sớm phải xa mẹ về ở với dì Năm Phỉ tại Sài Gòn. Những tưởng cuộc sống sẽ xa rời sân khấu, thế nhưng định mệnh lại khiến bà quay trở lại và có một sự nghiệp rực rỡ. Năm 19 tuổi, khi thi trượt tú tài, bà đi Châu Đốc tìm mẹ. Khi tham gia diễn vở “Giai nhân và ác quỷ” bất ngờ tên tuổi của bà nổi như cồn và trở thành đào chính gánh vác cả đoàn hát của gia đình.
Kỳ nữ Kim Cương năm 19 tuổi. (Ảnh: TLGĐ)
Năm 1961, giữa lúc tên tuổi được chú ý, bà lại đưa ra quyết định táo bạo khi từ giã sân khấu cải lương để đi theo con đường kịch nói và lập nên “Đoàn kịch Kim Cương” nức tiếng bậc nhất miền Nam. Thời điểm này kịch nói còn mới mẻ, bà đảm nhiệm từ diễn xuất, viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất, làm trưởng đoàn. Suốt nhiều năm liền, đoàn kịch nói của Kim Cương chinh phục được khán giả qua hàng loạt vở diễn nổi tiếng như: “Lá sầu riêng”, “Bông hồng cài áo”, “Huyền thoại mẹ”, “Người mua hạnh phúc”, “Hai mùa giáng sinh”…
Nói về tác phẩm gắn liền với sự nghiệp lẫy lừng của bà, phải nhắc đến vai diễn cô Diệu trong “Lá sầu riêng” – tác phẩm đã trở thành bất hủ trên sân khấu Việt Nam. Đây thực sự là vai diễn kỷ lục khi bà đã diễn vở này suốt 40 năm từ năm 1963 đến 2004 và lấy đi biết bao nước mắt của khán giả. Trong vai diễn này, nghệ sĩ Kim Cương đã vào vai cô Diệu từ tuổi 18 đến khi trở thành một phiếu phụ ngoài 30, rồi một bà già 60 tuổi sống mòn mỏi. Trong ba giai đoạn của một đời người, diễn xuất của bà được đánh giá đỉnh cao.
Một trong những điều không kém thú vị về vai diễn này chính là NSND Kim Cương có rất nhiều… con. Vai bé Sang – con cô Diệu dễ có đến hàng chục em bé thủ diễn như: Chí Thông, Hương Lan, Bạch Lê, Bạch Lý, Tô Rô, Dị Thảo…
Nghệ sĩ Kim Cương nổi danh một thời. (Ảnh:
Trong thập niên 1970 và 1980, NSND Kim Cương đạt đến đỉnh cao sự nghiệp và trở thành một ngôi sao nức tiếng khắp giới sân khấu. Thậm chí bà còn được xếp vào top “tứ đại mỹ nhân” và giữ kỷ lục là người soạn nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam. Năm 2012, bà tổ chức liveshow mang tên “Tạ ơn đời” tạm biệt khán giả.
Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương dành tuổi già cho công việc từ thiện
Trái ngược với sự nghiệp rực rỡ, NSND Kim Cương lại có đường tình duyên đầy trắc trở. Tuổi thanh xuân, bà đã từng yêu hết lòng thế nhưng không ít lần đau đớn tận cùng vì tình yêu tan vỡ.
Năm 35 tuổi, bà lập gia đình và có một người con trai, cuộc hôn nhân duy trì được 15 năm nhưng rồi kết thúc trong êm đẹp. Đến tuổi 50, bà lại rung động, nhưng sau đó mối tình này kết thúc trong hai năm.
Hiện tại, ở tuổi U90, NSND Kim Cương sống trong căn nhà rộng rãi ở trung tâm thành phố. Bà tìm niềm vui bình dị trong công việc đời thường và làm thiện nguyện. Nhiều năm liền, bà tổ chức các sự kiện quyên góp cho các diễn viên, nhạc công, soạn giả nghèo khổ, sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ con em nghệ sĩ đang túng thiếu.
Chia sẻ với Dân Việt, NSND thổ lộ bà không màng đến việc được vinh danh. Với kỳ nữ Sài Gòn, làm từ thiện không có điểm dừng bởi càng làm càng thấy thiếu. Ước nguyện cuối đời của bà ở tuổi xế chiều là sẽ được nằm cạnh mẹ Bảy Nam ở nghĩa trang sau khi qua đời.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet