Trấn Thành từng khóc nói để có được hào quang ở showbiz là điều không đơn giản, dễ dàng. Theo Trấn Thành, nghệ sĩ khổ hơn người bình thường, bởi luôn bị đặt dưới ánh nhìn xét nét của đông đảo công chúng. Người bình thường vướng bê bối đời tư chỉ vài người liên quan biết, nhưng nếu người nổi tiếng vướng bê bối, cả nước biết.
Vụ diễn viên hài Hoài Linh đã chứng kiến màn đảo chiều chưa từng có của công chúng, từ một diễn viên được yêu mến bậc nhất, Hoài Linh đã trở thành “tội đồ” bị chỉ trích dữ dội nhất sau khi vụ giải ngân chậm tiền từ thiện bị vỡ lở. Ca sĩ Jack hay Hiền Hồ gần như không thể trở lại showbiz sau bê bối đời tư. Chỉ cần họ ra sản phẩm sẽ bị chỉ trích dữ dội.
Theo chuyên gia truyền thông, khi scandal xảy ra hầu hết nghệ sĩ đều không biết phải làm gì, không biết xử lý khủng hoảng ra sao, chỉ chọn cách im lặng, thậm chí nhiều trường hợp còn cư xử nóng vội làm thổi bùng lên cơn giận của công chúng.
Môi trường showbiz phức tạp, việc nghệ sĩ giữ hình ảnh được đặt ra bức thiết. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lập danh sách nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử. Từ danh sách này, bộ phối hợp các đơn vị để hạn chế hình ảnh, hoạt động của nghệ sĩ. Việc cấm sóng, cấm biểu diễn với nghệ sĩ vướng bê bối được công chúng hưởng ứng.
Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra, việc giáo dục, đào tạo những “kỹ năng mềm” từ lối sống, đạo đức, cách ứng xử đến xử lý khủng hoảng truyền thông có nên trở thành các môn học được đưa vào giảng dạy tại các trường nghệ thuật như Đại học Sân khấu Điện ảnh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội… nơi những sinh viên sẽ trở thành nghệ sĩ tương lai.
Đào tạo về đạo đức, ứng xử và xử lý khủng hoảng
Sinh viên Cao Thúy Quyên (tên nhân vật đã thay đổi) – ngành Diễn viên Nhạc kịch, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội – cho biết: “Chúng tôi không có những môn học dạng kỹ năng mềm, không có tiết học cụ thể về xử lý khủng hoảng truyền thông, hay dạng đối mặt với scandal… Tại trường, chúng tôi chủ yếu được tập trung đào tạo về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, để phát huy được năng lực, tài năng của bản thân nhiều nhất có thể”.
Theo sinh viên này, việc chính thức hóa thành các môn học cụ thể về lối sống, ứng xử, đạo đức, cách đối diện với sự nổi tiếng và scandal là một ý tưởng hay, và nên đưa vào giảng dạy ở các trường nghệ thuật.
Sinh viên Tô Phương Anh – Học viện Múa Việt Nam – cũng khẳng định, ở trường không có những bộ môn dạng “kỹ năng mềm” như thế, sinh viên được truyền thông điệp về lối sống, đạo đức lồng trong các buổi học về chuyên môn.
Nói với phóng viên Lao Động, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội – Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn khẳng định, việc giáo dục, định hướng cách sống, cách làm nghề, tránh xa scandal… ngày càng trở nên thiết thực và quan trọng.
“Chúng tôi đã và đang ngày càng coi trọng hơn vấn đề này, trường chúng tôi luôn đề cao việc định hướng, giáo dục học sinh khối nghệ thuật – những nhạc sĩ, ca sĩ tương lai trong việc ứng xử, né tránh scandal, xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cả tài năng và nhân cách” – Đại tá Hồ Trọng Tuấn nói.
Trong khi đó, TS.NSƯT Bùi Như Lai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội – cho rằng, ở trường hiện cũng rất đề cao việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, nhưng nhiều môn về “kỹ năng mềm” như xử lý khủng hoảng truyền thông, đối diện scandal… chưa có.
“Để đưa những môn mới vào giảng dạy sẽ cần phải có lộ trình. Phải có giáo trình, chuyên gia, giảng viên… Và đó sẽ là câu chuyện của tương lai, chúng tôi cần có thời gian để chuẩn bị” – TS. NSƯT Bùi Như Lai nói.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet