Ông Trịnh Xuân Nghiệm (54 tuổi), Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam.
Ông Nghiệm bị bắt để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ mỏ quặng sắt tại xã Thanh Lâm (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) của Công ty CP Khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa, gây thiệt hại tài sản nhà nước”.
Công ty Anh Phát phát triển “thần tốc”
Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Dân Việt, ông Trịnh Xuân Nghiệm, sinh năm 1971, quê xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Ông Nghiệm có nhiều năm công tác tại Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVC Thanh Hóa).
Tháng 6/2005, ông Nghiệm thành lập Công ty TNHH Anh Phát ( sau đổi tên Tổng công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát – Công ty Anh Phát) hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng. Tháng 11/2006, Công ty Anh Phát có đơn xin thuê 962,5m2 đất của chi nhánh nông sản AGREXIM tại phường Phú Sơn. TP. Thanh Hóa để xây dựng trụ sở văn phòng giao dịch của công ty.
Chưa đầy 1 tháng sau, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý thu hồi thửa đất trên để cho công ty Anh Phát thuê lại với thời hạn đến năm 2018.
Từ đây, Công ty Anh Phát tăng trưởng nhanh chóng, liên tục nhận được những dự án “khủng”, “đất vàng” của tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi 95.019m2 đất rừng phòng hộ Tĩnh Gia, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ sang đất khai thác khoáng sản và cho Công ty Anh Phát thuê để khai thác đất để làm vật liệu san lấp tại núi Xước, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia.
Năm 2009, Công ty Anh Phát tiếp tục được thuê 220 nghìn m2 đất rừng tại xã Tùng Lâm và Tân Trường để khai thác đất.
Ngày 24/6/2010, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty TNHH Anh Phát xây dựng khách sạnh 3 sao (3925,5m2) tại lô số 7, Khu đô thị mới Tây ga TP. Thanh Hóa, trong khi trước đó lô đất này được quy hoạch là đất công trình dịch vụ, văn phòng.
Vài tháng sau, Công ty Anh Phát không muốn xây khách sạn 3 sao, đề xuất chuyển lại chức năng là lô đất công trình dịch vụ, văn phòng. Tháng 4/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến lại ra tiếp văn bản đồng ý với đề xuất này của công ty.
Tháng 4/2016, Công ty Anh Phát đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: ông Trịnh Xuân Nghiệm góp 350 tỷ đồng, bà Đào Ngọc Dung (vợ ông Nghiệm) góp 100 tỷ đồng và ông Trịnh Văn Hiệu (1968) – anh trai ông Nghiệm, góp 50 tỷ đồng.
Năm 2017, Công ty Anh Phát Petro, một trong những công ty con của Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát được thành lập. Năm 2019, doanh nghiệp này được Bộ Công Thương cấp phép làm đầu mối xuất khẩu nhập xăng dầu, trở thành ông lớn trong lĩnh vực này, thời điểm này chứng kiến lần đầu tiên vốn điều lệ của Công ty Anh Phát cán mốc 1.000 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu các cổ đông không thay đổi.
Anh Phát cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư “Tổ hợp tổng kho xăng, dầu – khí hóa lỏng – dịch vụ hậu cần” với tổng diện tích dự án là 34 ha tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 3.800 tỷ đồng. Tổng kho và bến cảng xăng, dầu này khánh thành năm 2021.
Tính đến hết năm 2021, số vốn điều lệ của Công ty Anh Phát đã lên đến 2.000 tỷ đồng, cao hơn 15 lần so với 6 năm trước.
Đến ngày 2/4/2023, Anh Phát đã tiến hành khởi công dự án Khu phát triển GAS và LNG cùng các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu giai đoạn 2. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.938 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này hiện diện ở hàng loạt dự án, tập trung nhất là các dự án thuộc thị xã Nghi Sơn. Đó là Dự án Khu Công nghiệp Đồng Vàng có tổng diện tích 491,9 ha thuộc 3 xã Tân Trường, Phú Lâm và Tùng Lâm; Nhà máy nước Anh Phát có công suất nước sạch 60.000m3/ngày đêm và nước thô 90.000m3/ngày đêm; Bến cảng 3,4,5 Nghi Sơn tổng vốn đầu tư 1.626 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn sở hữu một loạt nhà hàng, khách sạn, resort ở Thanh Hoá.
Một số thành viên nổi bật trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của anh em doanh nhân Trịnh Xuân Nghiệm gồm: Công ty Cổ phần Vận tải biển Goldensea, Công ty Cổ phần Tập đoàn AP, Công ty Cổ phần Môi trường VN Xanh, Công ty Cổ phần quản lý và khai thác bến xe Thanh Hoá, Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 1, 2 – Công ty TNHH Anh Phát, Công ty Cổ phần Dầu khí Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Anh Phát Petro, Công ty TNHH Nội thất AP, Công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Anh Phát…
Không chỉ Công ty Anh Phát, ông Trịnh Xuân Nghiệm và vợ còn sở hữu lượng lớn cổ phần ở Công ty Cổ phần Metal Petrochem, Công ty Cổ phần NSControl… Đồng thời, ông Nghiệm cũng có mặt trong danh sách cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương, doanh nghiệp tiếng tăm của tỉnh Thanh Hóa.
Lùm xùm “vụ thâu tóm đất vàng giá bèo” 34 Ngô Từ, TP. Thanh Hóa
Ngày 5/4/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản số 1972 chấp thuận cho Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP được lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đất tại địa chỉ 34 Ngô Từ, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, theo chức năng là đất ở đô thị.
Đến ngày 25/1/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 651/UBND-CN công nhận “kết quả xét chọn” chủ đầu tư dự án 34 Ngô Từ. Theo đó, Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát- CTCP đơn vị đã lập quy hoạch chi tiết được thực hiện dự án. Quyết định số 651 nêu rõ: “Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính và các quy định của pháp luật về đất đai có liên quan để có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt trước khi triển khai các bước thực hiện dự án”.
Sau khi được chỉ định là chủ đầu tư dự án khu nhà ở thương mại 34 Ngô Từ, Công ty Anh Phát chia diện tích đất 11,619,8m2 thành 139 lô đất nền và bán cho người dân, giá giao động từ 12-15 triệu đồng/m2, thu về cho doanh nghiệp khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, gần 3 năm sau, ngày 2/11/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành QĐ 4508/QĐ-UBND để phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho dự án số 34 Ngô Từ. Theo đó, diện tích tính tiền sử dụng đất hơn 10.167,9m2 (139 lô) được định giá ở mức là 3.375.000 đồng/m2 là quá thấp so với giá trị thực tế mà Công ty Anh Phát đã bán hết cho dân từ 12-15 triệu đồng/m2 từ nhiều năm trước.
Thời điểm đó, dư luận báo chí cho rằng việc giao dự án 34 Ngô Từ của UBND tỉnh Thanh Hóa có “nhiều dấu hiệu gây thất thoát cho ngân sách”, khi nhà đầu tư là Công ty Anh Phát xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, không cập nhật việc đấu giá và giao đất có thu tiền sử dụng đất, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 4147/VPVP-NN giao Bộ TNMT phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và báo cáo Thủ tướng trong Quý II/2017. Ngày 16/5/2017, Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thị Phương Hoa đã ký Quyết định số 1143/QĐ-BTNMT về việc thành lập Đoàn kiểm tra.
Ngoài dự án 34 Ngô Từ, thời điểm 5/2016, Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP góp 91,16%, là lớn nhất của Công ty cổ phần Sông Mã có vốn điều lệ đạt gần 33,6 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Sông Mã là cổ đông lớn nhất của dự án Hạc Thành Tower (số 3, đường Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa), đây là dự án khiến cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và 9 người khác bị bắt.
11 bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án Hạc Thành Tower bị đưa ra xét xử đều phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin…
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet