
Đám cưới chuột, kết tinh những tinh hoa của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Mỗi dịp Tết, các dòng tranh dân gian lại nhận nhiều sự quan tâm. Nguồn tư liệu chụp lại
Lại có thứ tranh thờ linh thiêng của người Dao vẽ và treo trong dịp Tết như cây cầu nối với tổ tiên. Rồi cả tranh Tết Hàng Trống (Hà Nội) phong lưu, nhã nhặn hay tranh Tết làng Sình (Huế) tưng bừng 5 sắc, đầy đủ ngũ hành chào đón buổi tam dương khai thái.
Tuỳ theo văn hoá, tín ngưỡng và phong tục, tranh Tết ở mỗi nơi, của mỗi dân tộc đều thể hiện một ý nghĩa riêng. Thế nhưng, tranh Tết chỉ là tranh Tết, với biểu tượng nguyên thuỷ cho thời gian tống cựu nghinh tân, ươm mầm lạc quan và hy vọng, trước cho con mắt của người thưởng thức, sau cho con mắt của đời hướng đạo, tựu trung vẫn cứ là tranh Tết làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Cái tờ tranh Tết mỏng manh, thô sần sợi dó và mảnh điệp, ấy là lá cờ báo hiệu xuân sang. Tờ tranh ấy được vỗ nét từ bản khắc gỗ, rồi trau chuốt từng sắc màu bởi bàn tay của những người dân thôn dã bất kể trẻ già, nam nữ có sức biểu tượng thật mạnh mẽ cho sức xuân bắt đầu vào chu kỳ cương mãnh của “xuân sinh, hạ trưởng”.
Ước mơ của con người chẳng cao sang, chỉ là một nguyện cầu cho một năm mới no đủ và bình an. Vốn dĩ thế mà, an cư sẽ lạc nghiệp, no ấm tạo cảnh thái bình. Cần gì hơn thế đâu, cứ miên viễn là bức tranh gà xinh, lợn béo, nhi đồng hớn hở bế vịt, ôm ngan là đủ thoả mộng vinh hoa, phú quý chốn quê nhà.
Chỉ cần vài bức tranh làng Hồ sặc sỡ với những gam màu chắt lọc từ đất, cát, đá, nước, lá cây… dán trên tường vôi trắng cũng đủ làm bừng sáng lên một không gian Tết, để rồi vui buồn đồng cam cộng khổ cùng gia chủ suốt một năm, cho đến ngày được thay thế bằng một niềm hy vọng mới mẻ mà muôn năm cũ.
Trên tờ tranh đó, những màu sắc nguyên thuỷ chuyển biến theo ánh sáng. Màu vàng của hoa hoè ấy là sự no đủ, màu vàng tươi như nắng hàm ý mùa vàng bội thu, màu xanh là hình dung của luỹ tre làng, màu đỏ gấc như yếm thắm, màu nhiễu tím như thắt lưng, màu đen như váy lĩnh đi hội làng.
Tất cả đều là vật liệu có sẵn trong thiên nhiên mà cuộc đời của chúng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt từ thuở nào. Chúng phát ra ngôn ngữ dung dị của bản năng và tiềm thức và không biết bao lần làm hồn người phải bồi hồi trong kỷ niệm của ngày Tết.
Tên tranh của làng Đông Hồ chỉ đơn thuần là tranh Tết, cho dù là nhìn cảnh mà đặt tên như “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa”, “Đánh ghen”, “Chăn trâu thổi sáo”, “Đấu vật”, “Đánh đu” hay theo chủ đề gửi gắm niềm khát khao như “Vinh hoa – Phú quý”, “Lão nông tri điền”, “Tam dương khai thái”.
Do đó, thẩm mỹ của tranh Đông Hồ là thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian, thiên về vẻ đẹp giản dị, chân thật, có khi phảng phất vẻ ngây thơ, vụng về. Nhưng nó bao hàm nhân sinh quan, thế giới gian của người Việt được hình thành, tiếp nối của một nền văn hoá lâu đời.
Dẫu cho xuất phát từ nền tảng văn hoá dân gian thô phác, mộc mạc nhưng tranh tết Đông Hồ vẫn biểu đạt triết lý phương Đông đầy trang trọng, xứng đáng với không khí thiêng liêng của ngày Tết Nguyên Đán như thể đấy là một câu đối tết vậy.
Sự cân đối trong tranh Tết Đông Hồ cũng thể hiện tư tưởng âm dương bình hoà thì mới có sự sinh trưởng bền vững. Đã có tranh cậu bé ôm gà trống cùng hai chữ Vinh Hoa thì phải có tranh cô bé ôm vịt mái đề hai chữ Phú Quý. Bé trai ôm con gà, bên cạnh hoa cúc (kê-cúc) thể hiện ước nguyện vinh hiển. Bé gái ôm vịt, bên hoa sen (áp – liên) lại tượng trưng sự thanh cao.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet