“Có con trăn làm tôi suýt mất mạng 4 lần nhưng khi nó qua đời tôi đau đớn như mất người thân”

Last updated: January 30, 2025 at 17:31 pm - Lượt Views: 2 views

  • Diễn viên được gọi là “thánh chửi của showbiz Việt” liên tục vướng ồn ào với đồng nghiệp, làm trợ giảng Đại học là ai?
  • Phát hiện vụ “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ” ở Sở Y tế Hà Nội, Công an bắt trưởng và phó phòng
  • Bắt đối tượng vừa ra tù trộm 22 chiếc Iphone bán lấy tiền gửi tiết kiệm ở Ninh Thuận

  • Anh gắn bó với loài trăn từ khi bước vào nghiệp xiếc, gầy dựng nên thương hiệu “hoàng tử trăn” hay “Thạch Sanh” cũng là nhờ các tiết mục xiếc trăn. Những năm Tỵ (rắn) có nhiều sự đặc đối với anh không?

    – Đối với tôi, năm rắn luôn là một năm đặc biệt, bởi loài vật này đã gắn bó với tôi suốt một chặng đường dài. Đến bây giờ, tôi luôn cảm thấy có một sự gắn kết rất khó lí giải với loài bò sát này. Con trăn là nguồn cảm hứng lớn để tôi khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc biệt là trong việc tạo dựng những tiết mục xiếc trên các sân khấu.

    "Có con trăn làm tôi suýt mất mạng 4 lần nhưng khi nó qua đời tôi đau đớn như mất người thân" - Ảnh 1.

    Hình ảnh NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn xiếc trăn trên sân khấu. Ảnh: NVCC

    Trong năm nay, tôi dự định ra mắt một tiết mục đặc biệt vào khoảng tháng Tư, có tên là Thanh Xà – Bạch Xà.

    Trong tiết mục này, công phu xiếc sẽ không còn đơn thuần là biểu diễn kỹ thuật, mà sẽ hóa thân thành Thanh Xà và Bạch Xà trong một màn đu dây trên cao đầy kịch tính. Đây là một phần trình diễn từng mang lại nhiều giải thưởng, nhưng lần này sẽ được nâng tầm với những cải tiến mới.

    Tôi sẽ chuyển hóa đạo cụ biểu diễn thành một biểu tượng mang đậm dấu ấn của năm rắn. Trên đạo cụ đó, tôi sẽ hóa thân thành một Thanh Xà – sẽ thực hiện màn biểu diễn đầy ấn tượng, tạo nên sự kết nối sâu sắc giữa nghệ thuật và linh vật. Điều này không chỉ thay đổi cách nhìn của khán giả về những thiết bị xiếc thông thường, mà còn mang lại ý nghĩa mới, biến chúng thành những biểu tượng sống động của năm rắn.

    Anh gắn bó với loài trăn suốt một chặng đường dài, giờ đây, khi đã lên làm Gám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhưng khi sáng tạo nghệ thuật, anh vẫn luôn đưa hình ảnh và biểu tượng của linh vật này vào các tiết mục của mình. Anh lí giải như thế nào về mối nhân duyên đặc biệt này?

    – Thực sự, đối với tôi, câu chuyện này đến giờ vẫn không thể giải thích được tại sao mình lại có một cái duyên đặc biệt như vậy. Tôi cảm thấy đây gần như là một định mệnh, một cái duyên mà số phận sắp đặt.

    Ngày trước, tôi từng rất sợ những loài như lươn, rắn, trăn, kỳ nhông, thạch sùng… Gia đình tôi cũng chẳng ai nghĩ rằng, một cậu bé cứ hễ nhìn thấy trăn hay rắn là rúm ró người lại, sợ đến tái xanh mặt mũi… đến một ngày lại có thể gần gũi và gắn bó với loài này đến vậy.

    Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hoàn toàn không có môi trường hay lí do nào khiến tôi quan tâm đến loài vật bò sát này. Nhưng chính nghề xiếc đã mở ra cho tôi cơ hội không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới, ít ai có thể đạt được.

    "Có con trăn làm tôi suýt mất mạng 4 lần nhưng khi nó qua đời tôi đau đớn như mất người thân" - Ảnh 2.

    “Hoàng tử trăn” Tống Toàn Thắng huấn luyện trăn. Ảnh: NVCC

    Tôi trở thành một nghệ sĩ mà hình ảnh gắn liền với loài trăn – một biểu tượng độc đáo khó có thể quên được. Tôi đã chu du khắp nơi trên thế giới, từ nước Mỹ, Bắc Âu đến những vùng xa xôi của Đông Âu, mang theo loài trăn, để lại dấu ấn sâu đậm với các tiết mục biểu diễn cùng trăn.

    Tiếc là ở thời điểm hiện tại, dù rất muốn được biểu diễn cùng bạn diễn của mình như xưa nhưng không thể tiếp tục hành trình như trước được nữa. Cuối tháng 5/2018, Liên minh Châu Á vì động vật (AFA) đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc. Và đó là lí do tôi cảm thấy mình may mắn vì đã có cơ hội gắn bó với các bạn trăn trong những năm tháng hoàng kim của sự nghiệp. Thậm chí, đến bây giờ, khi mọi người sang Mỹ và ghé thăm đoàn xiếc Ringling Bros, bộ trang phục của tôi vẫn được lưu giữ trong bảo tàng để khách tham quan có thể chiêm ngưỡng.

    Hiện nay, tôi vẫn giữ một bộ trang phục biểu diễn xiếc trăn từ năm 2006. Tôi trân trọng bộ trang phục này như kỷ vật vô giá. Sau này, bộ trang phục này sẽ được lưu giữ trong phòng truyền thống của Liên đoàn Xiếc Việt Nam như một minh chứng cho giá trị của người nghệ sĩ gắn bó với nghề suốt hơn 30 năm.

    Có những người bạn của tôi – những người sở hữu bảo tàng về nghề xiếc rất muốn sở hữu bộ trang phục này nhưng tôi quyết định giữ lại chúng như một phần ký ức quý giá của mình.

    Bộ trang phục này được thiết kế theo hình tượng Thạch Sanh, không sử dụng bất kỳ chi tiết nào từ lông thú, mà vẫn thể hiện được tinh thần bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Tôi muốn gửi gắm một thông điệp rằng nghệ thuật có thể song hành với việc bảo vệ thiên nhiên, và chính ý thức đó khiến tôi càng tự hào hơn về những gì mình đã làm.

    Bộ trang phục này gắn liền với tôi khi tham gia Liên hoan Xiếc quốc tế tại Huế năm 2006. Dù nó không còn nguyên vẹn và bị xuống cấp sau nhiều lần biểu diễn, nhưng đối với tôi, nó mang ý nghĩa sâu sắc.

    Thời điểm anh mang tiết mục xiếc trăn đến các nước trên thế giới, bạn bè quốc tế đã đón nhận tiết mục của anh như thế nào? Phản ứng của họ sau mỗi buổi diễn của anh ra sao?

    – Phải nói rằng, thời hoàng kim của nghề diễn, tôi nhận được nhiều điều mà người khác không có được. Chỉ trong một năm tôi được biểu diễn trên sân khấu Bắc Âu hai lần và người ta gọi tôi bằng những biệt danh như: “Crazy Man” hay “Snake Man” – “người đàn ông bị khùng”, “người đàn ông rắn”.

    "Có con trăn làm tôi suýt mất mạng 4 lần nhưng khi nó qua đời tôi đau đớn như mất người thân" - Ảnh 3.

    Báo chí Thụy Điển từng gọi Tống Toàn Thắng là người đàn ông không bình thường. Ảnh: NVCC

    Có lần, tôi qua sang Thụy Điển biểu diễn, đây là nơi mà ngay cả mùa hè cũng ngắn ngủi và thời tiết vô cùng lạnh lẽo. Để giữ ấm cho các bạn trăn, buổi tối tôi đã phải bật lò sưởi, mặc đồ dài và 4 con trăn lên giường ngủ cùng mình. Báo chí Thụy Điển lúc đó gọi tôi là “người đàn ông không bình thường” vì dám ôm 4 con trăn ngủ và đùa rằng đó là “vợ và ba đứa con” của tôi.

    Những câu chuyện như vậy trở thành “chiêu quảng cáo” đầy ấn tượng, khiến khán giả kéo đến xem đông nghịt. Đoàn xiếc in hình tôi lên áo, vé bán đắt như tôm tươi và doanh thu sau mỗi suất diễn rất cao. Thời điểm đó, tôi chỉ khoảng 23-24 tuổi, một chàng đầy trai trẻ trung, nhiệt huyết nhưng vẫn ngỡ ngàng trước sự chú ý từ công chúng quốc tế.

    Năm 1993, tôi biểu diễn tại Bắc Âu – khán giả, đặc biệt là phụ nữ đã vô cùng ngưỡng mộ tôi. Họ xếp hàng dài, mua áo có hình tôi, xin chữ ký… thậm chí có người còn xin được hôn tôi.

    Đến đâu biểu diễn tôi cũng được người ta gọi bằng những biệt danh rất ấn tượng. Thụy Điển gọi tôi là “Người đàn ông rắn”, Đài Loan phong là “Vua rắn”, đến Mỹ thì biệt danh của tôi được nâng tầm thành “hoàng tử trăn”.

    Mỗi lần bước ra sân khấu, lời giới thiệu từ ban tổ chức khiến tôi tự hào về dân tộc mình, dù lúc đó tôi không mặc trang phục có màu cờ sắc áo của Việt Nam mà mặc theo hình tượng nhân vật. Tuy nhiên, cách họ trân trọng tiết mục xiếc mang bản sắc Việt Nam rất đặc biệt.

    Năm ngoái, khi kết hợp xiếc với rock trong một chương trình, tôi được đặt biệt danh mới là “Vua Xiếc Việt”. Sự kết hợp giữa hai phong cách nghệ thuật xiếc – rock đã khiến hình ảnh của tôi tiếp tục được lan tỏa.

    Trong hành trình làm nghệ thuật, tôi từng biểu diễn ở đảo Samoa – nơi nổi tiếng với văn hóa xăm mình, tôi đã xăm hình một con rắn lên người, như một dấu ấn đặc biệt gắn liền với sự nghiệp và tình yêu dành cho loài vật này. Đến nay, tôi vẫn đeo chiếc rìu nhỏ gắn hình tượng nhân vật Thạch Sanh, như một cách để nhắc nhở về hành trình mà tôi đã trải qua cùng các bạn diễn trăn.

    "Có con trăn làm tôi suýt mất mạng 4 lần nhưng khi nó qua đời tôi đau đớn như mất người thân" - Ảnh 4.

    NSND Tống Toàn Thắng đau đớn như mất đi người thân khi bạn diễn trăn qua đời. Ảnh: NVCC

    Mỗi khi nhìn thấy chiếc rìu nhỏ, tôi lại nhớ đến câu chuyện cổ tích về Thạch Sanh. Câu chuyện ấy như một phần cuộc đời tôi và tôi cảm thấy mình giống như nhân vật Thạch Sanh ở đức tính cần cù, chịu khó và chân thành. Thật sự, cuộc đời tôi giống như câu chuyện cổ tích, đầy những hy sinh và thử thách.

    Ngoài đời, tôi luôn làm việc chăm chỉ, thầm lặng và hy sinh để mọi người xung quanh được tốt hơn. Tôi chấp nhận vất vả, chịu thiệt thòi để những người khác có thể vươn lên. Đôi khi, tôi phải gánh vác không chỉ những khó khăn của bản thân mà còn của những người xung quanh và tôi chấp nhận điều đó vì tôi nghĩ mình có hình bóng của Thạch Sanh. Nhà báo Đăng Trung trong một bài báo viết về tôi đã gọi tôi là “Chàng Thạch Sanh giữa miếu thần xã hội”, ý nói về hành trình mà tôi đã trải qua.

    Những con trăn từng là bạn diễn của anh từ ngày xửa ngày xưa giờ ra sao?

    – Thực ra, mỗi giai đoạn cuộc sống, tôi đều đồng hành với những bạn diễn khác nhau. Những bạn đồng hành từ năm 1993 đến nay thì hầu hết đã chia tay rồi. Bạn trăn gắn bó lâu nhất với tôi là khoảng 20-25 năm. Mỗi lần chia tay, cảm xúc thật sự rất đặc biệt, chỉ có tôi mới hiểu được mà mọi người không thể cảm nhận được.

    Con trăn không thể hiện cảm xúc được như con chó nhưng giữa tôi với các bạn trăn, sống lâu với nhau, tiếp xúc với nhau mỗi ngày nên tôi hiểu cá tính riêng của từng con. Hiểu được cá tính của từng con trăn nên cách phối hợp biểu diễn cũng khác nhau. Tôi có 20 con trăn đồng hành trong suốt những năm tháng biểu diễn thì không con nào giống con nào.

    Mỗi con trăn đều để lại một dấu ấn riêng trong lòng tôi. Có những con trăn suýt làm tôi mất mạng đến 4 lần, có bạn cắn tôi sâu đến mức tôi phải bỏ dở tiết mục để chạy vào viện khâu vết thương. Nhưng khi những người bạn ấy ra đi, cảm giác mất mát thật đau đớn, giống như mất đi người thân.

    Loài trăn có những đặc điểm riêng, không ai có thể hiểu hết. Có những khoảnh khắc rất xuất thần khi biểu diễn và khoảnh khắc đó chỉ xuất hiện một lần duy nhất, không bao giờ tái hiện. Mỗi lần biểu diễn, mỗi con trăn lại thể hiện những động tác, những ấn tượng riêng biệt, không bao giờ giống nhau.

    Khi con trăn bắt đầu già, có vấn đề về sức khỏe, không thể biểu diễn được nữa, tôi đành phải cho chúng nghỉ ngơi. Với những con trăn đã biểu diễn quá nhiều, chúng cũng bị thoái hóa theo thời gian, các khớp xương cứng lại, không thể tiếp tục uốn các động tác khó được.

    Tôi cho chúng nghỉ ngơi để chúng sống một cuộc sống thoải mái, ăn uống và nghỉ ngơi. Điều quan trọng là mặc dù con trăn không biết nói nhưng nó cũng cảm nhận được sự yêu thương và chăm sóc của tôi. Tôi luôn dành thời gian chăm lo cho bạn diễn của mình dù công việc bận bịu tới mấy.

    Khi trở thành Giám đốc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thời gian của tôi bị chi phối nhiều hơn. Ban ngày tôi bận bịu với trăm thứ việc nhưng vào ban đêm, từ khoảng 10 giờ đêm đến 1 giờ sáng, tôi vẫn ra nơi chăm nom các bạn xiếc thú để thăm các bạn trăn. Tôi chăm sóc chúng, tắm rửa, vuốt ve và thậm chí là trò chuyện với chúng như những người bạn thân.

    Cảm ơn “hoàng tử trăn” Tống Toàn Thắng đã chia sẻ thông tin!

    (Còn tiếp)

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)