Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?

Last updated: January 30, 2025 at 14:21 pm - Lượt Views: 3 views

  • Diễn viên được gọi là “thánh chửi của showbiz Việt” liên tục vướng ồn ào với đồng nghiệp, làm trợ giảng Đại học là ai?
  • Phát hiện vụ “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ” ở Sở Y tế Hà Nội, Công an bắt trưởng và phó phòng
  • Bắt đối tượng vừa ra tù trộm 22 chiếc Iphone bán lấy tiền gửi tiết kiệm ở Ninh Thuận

  • Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 1.

    – Trong đời sống văn hóa của người Việt cũng như nhiều cộng đồng quốc gia, dân tộc trên thế giới, rắn là một hình tượng rất quen thuộc và xuất hiện ở rất nhiều những góc độ khác nhau.

    Trong văn hóa dân gian của người Việt, con rắn chiếm một vị trí quan trọng. Người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ từ rất xa xưa đã quan tâm tới loài rắn, nó được đưa trở thành biểu tượng của nguồn nước. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa của người Việt cổ phải phụ thuộc vào nguồn nước.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 2.

    Trong tâm thức dân gian, hình dạng và đặc điểm di chuyển của loài rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con sông – nguồn nước (nếu nhìn con sông từ trên cao xuống thì rất giống với hình ảnh một con rắn đang bò). Một đặc điểm khác của loài rắn hổ mang (khi nổi giận) thường phát ra tiếng gió phì phì… (có lẽ đây là những lý do rắn mang ý nghĩa biểu trưng của bão). Hình ảnh tia chớp (dấu hiệu của mưa) có những nét tương đồng với lưỡi rắn; màu sắc và các sọc của loài rắn chính là cơ sở để con người liên hệ rắn với cầu vồng (rắn cầu vồng). Các cơn lốc xoáy với hình thù uốn lượn đã được nhân cách hóa thành hình tượng rắn.

    Trong ngạn ngữ của ta, rắn chưa bao giờ được dùng để chỉ một hình ảnh tốt đẹp. Chẳng hạn như: “Thẳng như rắn bò”, “Thao láo như mắt rắn ráo”, “Oai oái như rắn bắt nhái”, “Bạnh như cổ hổ mang”… vừa nêu lên đặc điểm của loài rắn, vừa chỉ loại người mà nhân dân ta không ưa. Đối với những người ngoài miệng tử tế, nhưng bụng dạ lại nham hiểm, nhân dân ta thường nói “Khẩu Phật tâm xà”. Với những người quá quắt thì không có gì đúng hơn câu ví “Miệng hùm nọc rắn”. Và những kẻ rước quân xâm lược về giày xéo quê hương, đất nước thì muôn đời bị nguyền rủa là đồ “Cõng rắn cắn gà nhà”.

    Trong tâm thức của người Việt, hình tượng rắn xuất hiện rất đa dạng với những biến thể khác nhau như: rắn, trăn, chằn tinh, giao long, thuồng luồng, thậm chí là rồng được cho là một biến thể của rắn. Ở mỗi hình thức thể hiện của rắn, hoặc với mỗi biến thể, hình tượng rắn đều mang những ý nghĩa nhất định.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 3.

    Thạch Sanh đánh chằn tinh trong tranh dân gian Đông Hồ.

    Chúng ta có thể kể đến những câu chuyện huyền thoại của người Việt như: Sự tích thánh Linh Lang; Thạch Sanh; Rắn báo oán; Ông Dài, ông Cộc. Đặc biệt không thể bỏ qua truyện Con rồng cháu tiên, đây là huyền thoại chim tổ và huyền thoại rắn bố để trở thành mẹ tiên Âu, bố rồng Lạc sinh ra bọc trứng, nở trăm con – cội nguồn của người Việt ngày nay.

    Trong truyện cổ tích Thạch Sanh, rắn xuất hiện dưới hình dạng của trăn hay chằn tinh, biểu trưng cho thế lực cái ác, phản ánh ước nguyện của dân chúng trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Câu chuyện Rể trăn, lại xuất hiện hai con trăn hoàn toàn đối lập nhau một con là hiện thân của chàng trai có diện mạo đẹp đẽ, hiền lành, tốt bụng, con còn lại có hình hài gớm ghiếc chuyên đi hại người. Con trăn hiền lành biết giúp đỡ người khác dễ dàng nhận được tình cảm yêu mến của con người, trong khi con trăn chuyên đi hại người bị nhận kết cục tồi tệ là cái chết.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 4.

    Trong truyện Hai chị em thì rắn lại là con vật tượng trưng cho công lý. Truyện Rắn hóa vàng hay Hũ rắn, hũ vàng cũng có ý nghĩa tương tự. Ở nước ta, “rắn báo oán” được dùng để giải thích cái chết oan của Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc, vị công thần của nhà Lê. Thực ra, ở đây đã có bàn tay thêu dệt của giai cấp phong kiến lấp liếm tội ác của mình.

    Bên cạnh truyện rắn báo oán thì cũng có truyện rắn trả ơn. Một chàng trai nghèo khổ cứu con rắn (con vua Thủy Tề) nên được rắn dẫn xuống thủy cung chơi và được tặng báu vật. Báu vật lọt vào tay kẻ khác nhưng cuối cùng vẫn trở lại tay chàng. Hình ảnh rắn trong câu chuyện này phản ánh sâu sắc tín ngưỡng của cộng đồng nông nghiệp, với rắn tượng trưng cho các vị thần nước, sông, suối.

    Trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, hình tượng rắn được thể hiện qua những sinh vật thủy quái, hay còn gọi là thuồng luồng. Chúng đại diện cho các thế lực siêu nhiên, mang đến những mối đe dọa đối với mùa màng và sự sống của con người.

    Rắn cũng xuất hiện dưới dạng giao long trong các truyền thuyết như Lạc Long Quân và Linh Lang Vương. Với hình dáng của giao long (có thể là cá sấu), rắn dường như đã được kết hợp với những yếu tố văn hóa sau này, đặc biệt là ảnh hưởng phong kiến. Mặc dù giao long chưa thể hiện được sự uy nghiêm, oai phong như rồng, nó đã dần mang ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh thần thánh và vương quyền. Giao long còn liên quan đến tục thờ cúng tổ tiên, như việc người Việt cổ xăm mình khi xuống nước để tránh bị giao long tấn công, từ đó coi giao long như một biểu tượng của tổ tiên.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 5.

    Quan Thần Xà là biểu tượng của thủy thần miền sông nước. Hai vị thần rắn phụng sự Thánh Mẫu, giữ vai trò trấn giữ đền, phủ, trừ tà, diệt quỷ. Vị trí của thần xà trong các đền phủ thường là dưới ban Công đồng hoặc trên xà nhà. Ảnh: Phạm Thứ.

    Hoặc trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, rắn xuất hiện với hình ảnh của đôi Thanh xà và Bạch xà nằm vắt ngang trên chính điện (Phủ Dầy), được gọi là Ông lốt.

    Theo lịch pháp Phương Đông, rắn được người xưa chọn làm một trong 12 con giáp đại diện cho các tháng trong năm được gọi là Tỵ. Tỵ là một trong số 12 chi của địa chi, được coi là chi thứ 6, đứng trước nó là thìn (rồng). Không hiểu người làm lịch thời xưa đã dựa vào mối quan hệ nào để xếp năm rắn sau năm rồng trong một giáp; chỉ biết rằng trong đời sống hàng ngày, rồng, rắn thường đi đôi với nhau như vậy.

    Trong ca dao, tục ngữ cũng có từ ghép rồng rắn và trong trò chơi phổ biến của trẻ em “rồng rắn lên mây”. Và sự phân biệt rồng, rắn không phải lúc nào cũng rạch ròi. Chẳng hạn như Long Vương trong nhiều truyện dân gian lại xuất hiện dưới dạng rắn. Trong lịch sử mỹ thuật của dân tộc ta, rồng (nhất là rồng thời Lý, Trần) lại có vóc dáng của rắn, các nhà nghiên cứu mỹ thuật cũng không biết gọi thế nào cho hợp lẽ, đành dùng thuật ngữ rồng-rắn.

    Ở nhiều ngôi đình tại xứ Đoài cũng có những tổ hợp rồng rắn rất đẹp. Có khi ta thấy rõ biểu tượng rắn đang chuyển hóa thành rồng: đầu rồng mình rắn, đuôi rắn hoặc giả mẹ rồng – con rắn như ở đình Hương Canh (Vĩnh Phúc). Đây cũng là một thực tế của vùng đất “rồng, rắn và tiên” trong các truyền thuyết địa phương. Điệu múa rồng rắn được coi như một điều không thể thiếu trong ngày hội xuân đầu năm của các vùng quê này.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 6.

    Rắn thần Naga trong văn hóa Phật giáo vốn là một loài quái vật hung dữ, độc hại, nhưng nhờ oai đức cảm hóa của Đức Phật mà trở thành một hộ pháp hướng thiện. Ảnh: Pinterest.

    Trong cuộc sống, đôi khi người ta lại lấy rắn để tượng trưng cho sự may rủi. Theo quan niệm dân gian, nếu đi đâu lo giải quyết công chuyện mà gặp được rắn là rất may mắn, thế nào công việc cũng được thành công toại nguyện. Dân gian cho rằng “rắn đi, quy về”; nghĩa là ra ngõ mà gặp rắn thì tiếp tục đi còn gặp rùa thì nên quay về. Vì có đi tiếp công việc cũng không thành, hoặc là: “Khi đi gặp rắn thì may/ Khi về gặp rắn thì hay ăn đòn”.

    Theo kinh nghiệm dân gian, rắn cũng là loài động vật biết dự báo thời tiết. Ở một số vùng của châu thổ Bắc Bộ, căn cứ vào sự quan sát của người dân, mùa hè khoảng tháng 4, tháng 5, nếu trời đang nóng bức, oi nồng mà thấy rắn ráo bò ra thì hôm sau nhất định sẽ có mưa, và ngược lại, nếu trời đang mưa thì sẽ tạnh ráo.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 7.

    – Con rắn trong thế giới tâm linh, về mặt nào đó cũng là con rắn văn hóa, con rắn thần thoại. Vào buổi hoang sơ, khi tiếp xúc với thế giới tự nhiên, con người đã tự nhận thấy mình còn non dại – không chỉ sức mạnh của trời cha đất mẹ, mà còn sức mạnh của nhiều loài cũng được con người gán vào cho thần linh. Bằng tư duy liên tưởng, họ chìm vào “thời gian chiêm bao”, để nảy sinh những huyền thoại muôn thuở. Đó cũng là điều kiện để con rắn bước vào thế giới tâm linh của nhân loại và của người Việt.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 8.

    Dựa vào những đặc điểm tính tình, tâm sinh lý của loài rắn, người ta đã sáng tác nhiều câu chuyện ly kỳ. Vài câu chuyện cổ tích huyền thoại quen thuộc có thể dẫn ra là sự tích về Trương Hống, Trương Hát ở vùng sông Cầu; rồi sự tích Đầm Mực ở Thanh Trì,… Nhiều khi rắn thần cũng tác oai tác quái để đưa tới tích diệt quái xà cứu công chúa của người anh hùng làng Lệ Mật… Nói vậy để thấy rằng con vật “hung ác” này đã có vị trí xứng đáng trong văn hóa truyền thống. Dọc sông Cầu, có mấy trăm xã thờ thần rắn với huyền thoại rắn thuồng luồng mà nhân dân gọi là tích Ông Dài – Ông Cộc.

    Tục thờ rắn cũng là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ với hai ý nghĩa chính là tục thờ thủy thần và vật tổ. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn liền với điều kiện sông nước, đầm phá, ao hồ, khe suối,…. bản chất của cư dân nông nghiệp lại cần tới nước để tưới tiêu nên người ta rất tôn sùng nước và cần một thế lực đủ mạnh để cai quản nguồn nước, dẫn đến tục thờ rắn đại diện cho thủy thần.

    Ý nghĩa hình tượng rắn thuỷ thần có hai thuộc tính: tốt và xấu. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuận gió hoà, mang điềm lành và báo điềm dữ. Rắn là con vật tinh quái phá hoại mùa màng và cuộc sống của người dân. Dù rắn có mang thuộc tính nào đi chăng nữa thì với cư dân vẫn một lòng kính trọng và thờ phụng.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 9.

    Linh vật rắn ở Phú Thọ đội mũ, vẻ ngoài đáng yêu, siêu “đại gia” khiến người dân, cộng đồng mạng thích thú. Ảnh: Hoan Nguyễn.

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 10.

    Quan niệm dân gian về rắn thường rất tản mạn, đôi khi lại trái ngược nhau. Có lúc rắn là con vật thiện, nhưng nhiều khi lại là con vật ác. Con rắn có thể như một thần linh đem phúc tới cho đời như đôi rắn vàng-trắng xuất hiện trong điện thờ mẫu. Rắn vàng ở đây tượng trưng cho đất, rắn trắng tượng trưng cho nước. Sự hội nhập của hai rắn là nguồn gốc sinh ra của cải nông nghiệp, nguồn hạnh phúc trường miên…

    Trong dân gian, rắn là loài thiện hay ác và tại sao luôn được người Việt kính trọng, thờ phụng?- Ảnh 11.

    Điểm qua vài nét về rắn trong văn hóa và tạo hình để thấy được yếu tố tích cực mà con người đã trông chờ ở nó. Năm Tỵ sắp tới, theo truyền thống của cha ông ta, con rắn Việt sẽ đem tới hạnh phúc cho muôn nhà và nó sẽ là rắn độc với những kẻ tiêu cực, sống vô luân thường đạo lý để xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn.

    Tử vi phương Đông cho rằng người tuổi tỵ bí ẩn, khôn ngoan, hấp dẫn và lãng mạn, có nghệ thuật tìm được chỗ đứng vào thời điểm đúng lúc, đúng thời. Là người biết tính toán, kiên định biết kìm mình và dấu diếm tình cảm thật của bản thân… song cũng tương đối bướng bỉnh và đôi khi bảo thủ. Chúng ta tôn trọng những quan niệm của người xưa nhưng việc ai cầm tinh con nào trong mười hai con giáp chỉ là một việc vô thưởng vô phạt. Đâu phải ai sinh năm rắn cũng thuộc hạng người “Khẩu Phật tâm xà” mà thật ra kẻ “rắn độc” thì dù năm sinh nào cũng đều có. Vấn đề là mọi người nên kết hợp nhau, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động để tiêu diệt loài rắn độc đội lốt người.

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)