Xin chữ đầu năm: Đừng để nét đẹp văn hóa chỉ là chuyện “mua bán con chữ”

Last updated: January 30, 2025 at 5:25 am - Lượt Views: 3 views

  • Người “cầm đầu” vụ xịt hơi cay, lột quần áo một phụ nữ trong đêm bị khởi tố
  • Bắt người đàn ông quốc tịch Iran 'ảo thuật' lấy 20 triệu đồng của nữ nhân viên cửa hàng
  • Hòa Minzy từ chối tham gia “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” tại Trung Quốc

  • Xin chữ là một nét đẹp trong văn hoá ngày Tết của người Việt. Qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, tục lệ này cũng có những biến đổi. PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về những biến đổi này.

    Xin chữ đầu năm: Đừng để nét đẹp văn hóa chỉ là chuyện “mua bán con chữ” - Ảnh 1.

    Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng – Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: FBNV.

    Tục xin chữ đầu năm đã có nhiều biến đổi

    Thưa TS Nguyễn Ánh Hồng, qua thời gian, bà nhận thấy tục xin chữ đầu năm đã có những biến đổi như thế nào?

    – Chúng ta đều biết, xin chữ là một trong những nét đẹp trong văn hóa Tết Việt Nam từ lâu đời. Tết xưa luôn gắn liền với những phong vị quen thuộc “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Và gắn liền với câu đối đỏ thì luôn có hình ảnh của những ông đồ “Mỗi năm, khi hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”.

    Cuối bài thơ đó, nhà thơ Vũ Đình Liên cũng đã đặt ra một câu hỏi chính là chúng ta đang bàn luận: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”. Nhà thơ Vũ Đình Liên đã đặt ra vấn đề rằng cái linh hồn của văn hóa Việt, thể hiện qua một cái nét phong tục rất đẹp, đó là cho chữ đầu năm hiện nay đã phôi phai theo năm tháng.

    Thế hệ những người nghiên cứu và bảo tồn giá trị văn hóa của chúng tôi cũng đang trăn trở: Vì sao nét đẹp này ngày nay không còn như trước?

    Việc xin chữ và cảnh cho chữ ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với ngày xưa. Tôi nhận thấy hiện nay việc xin chữ chủ yếu mang tính phong trào. Người ta làm theo xu hướng, nhìn thấy người khác đi xin chữ thì cũng bắt chước, mà không thực sự hiểu ý nghĩa sâu xa của nó. Nhiều bạn trẻ tham gia chỉ vì muốn theo “trend”, mà không nhận ra rằng tục xin chữ ngày xưa mang trong mình những giá trị tinh thần rất lớn.

    Cảnh cho chữ của Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” là một ví dụ điển hình, không phải vì nó diễn ra trong ngục tù hay vì người cho chữ mang gông xiềng, mà là vì đây là một cuộc chuyển giao giá trị văn hóa, là sự giao thoa giữa nhân cách và cái đẹp, để những giá trị ấy được truyền lại và phát huy.

    Ngày xưa, xin chữ không chỉ đơn thuần là một việc làm, mà là một hành động linh thiêng. Người xưa rất coi trọng chữ nghĩa, coi chữ là phương tiện để khai sáng trí tuệ, để hoàn thiện nhân cách con người. Câu tục ngữ “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” đã thể hiện rõ điều này. Người Việt xưa không biết chữ, nhưng họ lại tôn trọng những người thầy, coi họ như những người mang ánh sáng tri thức để mở ra con đường hoàn thiện nhân cách.

    Xin chữ đầu năm: Đừng để nét đẹp văn hóa chỉ là chuyện “mua bán con chữ” - Ảnh 2.

    Xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thông có từ lâu đời của người Việt. Qua thời gian, tục lệ này đã có những biến đổi. Ảnh: Hội chữ Xuân Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

    Ngày nay, việc xin chữ đã trở nên khác biệt rõ rệt, đã dần bị nhuốm màu thương mại hóa. Người ta không còn đến xin chữ vì lòng kính trọng hay tìm kiếm giá trị tinh thần như trước nữa, mà đôi khi là để mua bán, để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là một yếu tố phản ánh rõ nét tác động của nền kinh tế thị trường. Một số người cho rằng, văn hóa hiện nay đang dần được công nghiệp, và cảnh cho chữ cũng dần trở thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa.

    Tôi thấy có một điều hơi gợn trong lòng, đó là tuy có thể đúng nhưng cũng có điều không đúng. Đúng là việc cho chữ giờ đã trở thành một sản phẩm văn hóa tiêu dùng, nhưng lại thiếu đi cái linh hồn sâu sắc mà ngày xưa nó mang lại. Câu chuyện của người xưa khi cho chữ thường gắn liền với chữ Nôm, là một nghệ thuật truyền thống tinh tế, thể hiện cái đẹp và tính khoa học trong cách viết. Ngày nay, chữ quốc ngữ được sử dụng nhiều hơn trong thư pháp, nhưng điều này đôi khi lại làm mất đi tính linh thiêng và sự tinh tế trong văn hóa chữ viết truyền thống.

    Nếu để ý sẽ thấy, những chữ như “tài”, “tâm”, “nhẫn”, “phúc”, “lộc”, “thọ”, “an khang thịnh vượng” – những chữ xưa thường rất mạnh mẽ và đẹp đẽ. Nhưng hiện nay, các nghệ nhân thường phải cách điệu những chữ này để phục vụ nhu cầu của khách hàng, điều này đôi khi làm mất “nhã ngữ”, cái vẻ đẹp nguyên thủy, sự uyển chuyển của chữ viết. Chính vì vậy, có những lúc chữ viết ngày nay đã không còn chứa đựng được hết cái thông điệp và linh hồn của văn hóa Việt mà chúng ta vẫn luôn trân trọng.

    Và ngày nay, người ta thường đi mua chữ, mua những câu đối có sẵn nhiều hơn là dành thời gian để thưởng thức cái “nhã ngữ” đó…

    – Thực ra, tôi nghĩ rằng việc mua hoặc xin chữ để mong cầu sự may mắn vẫn là một nhu cầu chính đáng và mang đầy ý nghĩa tích cực. Đó là khát vọng của con người, mong muốn cuộc sống suôn sẻ, thuận lợi. Ngày xưa, người ta có thể gửi gắm toàn bộ tâm lực, khát vọng của mình vào những con chữ, nhờ những nghệ nhân thể hiện qua từng nét bút.

    Ngày nay, người ta có thể dễ dàng mua sẵn chữ. Điều này giống như câu chuyện về chiếc bánh chưng ngày Tết. Ngày xưa, trẻ con rất háo hức khi thấy mẹ gói từng chiếc bánh, vo từng hạt gạo trắng, hạt đỗ vàng, rồi những miếng thịt tươi ngon được gói trong lá dong, và nồi bánh được hơ dưới ngọn lửa suốt đêm. Sáng hôm sau, chiếc bánh chưng vuông vắn, thơm phức, được dâng lên tổ tiên một cách thành kính. Nhưng hiện nay, nhiều người trẻ chỉ cần mua sẵn bánh chưng để cúng mà không còn tự tay gói. Việc gói bánh chưng và mua bánh chưng giống như việc xin chữ và mua chữ. Một bên thể hiện giá trị tinh thần, bên kia là giá trị vật chất.

    Xin chữ đầu năm: Đừng để nét đẹp văn hóa chỉ là chuyện “mua bán con chữ” - Ảnh 3.

    Người xưa có thể gửi gắm toàn bộ tâm lực, khát vọng của mình vào những con chữ, nhờ những nghệ nhân thể hiện qua từng nét bút. Ảnh: Hội chữ Xuân Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

    Đôi khi, người ta nghĩ rằng chỉ cần có chữ là đã mang lại may mắn. Họ không còn quan tâm đến cách thức để có được chữ đó nữa. Đây là sự ảnh hưởng của nhịp điệu văn minh công nghiệp, khi mọi thứ đều cần phải nhanh chóng và tiện lợi. Thay vì phải chờ đợi và dành thời gian để xin chữ, người ta có thể ra mua một chữ đẹp, và con chữ vẫn trịnh trọng và đầy khát vọng. Những chữ vuông vắn, rõ ràng, có thể mang đến ý nghĩa tương tự, nhưng lại thiếu đi một yếu tố quan trọng. Tôi cho rằng việc xin chữ vẫn mang nhiều giá trị hơn. Nếu được, chúng ta vẫn nên thành tâm để xin chữ, thay vì mua chữ.

     Đừng để nét đẹp văn hóa chỉ là chuyện “mua bán con chữ”  

    Theo bà, những nguyên nhân nào khiến nét đẹp văn hóa này đã có phần biến bổi như vậy?

    – Nguyên nhân hàng đầu chính là nhận thức. Như tôi đã nói trước đó, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần có con chữ là đủ, họ không cần quan tâm đến nguồn gốc và cách thức để có được nó. Chính vì vậy, họ không trải qua được những cảm xúc linh thiêng, chân thành khi nhìn vào từng nét bút của các nghệ nhân, những ông đồ cho chữ. Thay vào đó, họ chỉ cần mua sẵn chữ. Điều này giống như việc có người chỉ cần đi mua bánh chưng mà không cần tự tay gói.

    Họ không hiểu quy trình, không hiểu rằng trong từng hành động gói bánh chưng, tâm hồn của chúng ta có thể lắng lại, cảm nhận được những cảm xúc mà mỗi hành vi của người thầy đồ có thể khơi gợi, đánh thức trong tâm hồn. Đó là sự kiên nhẫn, sự thành kính, sự linh thiêng. Tuy nhiên, giờ đây, nhiều người không muốn chờ đợi nữa, họ chỉ cần mua chữ cho nhanh vì họ không hiểu ý nghĩa của hành động ấy.

    Nguyên nhân thứ hai, như tôi đã phân tích, chính là áp lực từ cuộc sống hiện đại, nền kinh tế thị trường, và nhịp điệu của văn minh công nghiệp. Nhiều người nói rằng họ không có thời gian. Thời gian nghỉ ngơi trong năm chỉ có vài ngày, thế mà phải dành cả ngày để xin chữ hay mua chữ thì họ không đủ thời gian.

    Vì vậy, họ chọn cách nhanh chóng, mua chữ để tiết kiệm thời gian, rồi có thể dẫn gia đình, người thân đi du lịch, thăm thú đâu đó. Đây là thực tế mà nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ rằng Tết không nhất thiết phải về nhà, họ có thể đi du lịch để tận hưởng những ngày nghỉ, tìm kiếm năng lượng tích cực theo cách riêng của mình.

    Xin chữ đầu năm: Đừng để nét đẹp văn hóa chỉ là chuyện “mua bán con chữ” - Ảnh 4.

    Một trong 48 gian viết thư pháp tại Hội chữ Xuân Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Hội chữ Xuân Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

    Thứ ba, chính là việc các nghệ nhân không phải mất hàng giờ đồng hồ để mài mực, trao đổi thông điệp qua cảm xúc và nghệ thuật để tạo nên con chữ. Họ có thể sáng tạo nhiều chữ cùng một lúc ngay tại nhà, với từng con chữ được thiết kế theo sở thích, cá tính và quan niệm của khách hàng. Chính vì vậy, khi đã có sẵn chữ để bán, cầu sẽ có, dẫn đến việc cho chữ đã trở thành “mua chữ bán chữ” trong các cửa hàng, các phố.

    Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, mỗi năm vẫn chứng kiến những cảnh tượng vui buồn. Vui vì mọi người vẫn hướng về giá trị thiêng liêng của việc xin chữ, nhưng buồn vì nhiều người lại cho rằng việc xin chữ mất quá nhiều thời gian và thay vào đó, họ chọn cách mua chữ cho xong.

    Vậy chúng ta nên có những giải pháp nào để hướng người dân trở về với những giá trị nguyên bản của nét đẹp văn hóa này, thưa bà?

    – Tôi cho rằng các thiết chế văn hóa và các chương trình đào tạo, giáo dục của chúng ta cần được tích hợp những nội dung tuyên truyền để giúp các bạn trẻ hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ và kỹ càng về các giá trị văn hóa Việt Nam trong dịp Tết. Vì hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng Tết chỉ là những thủ tục đơn giản mà không biết rằng, Tết còn mang trong mình những mỹ tục rất sâu sắc.

    Nhiều người thắc mắc tại sao lại có tục xin chữ. Họ cho rằng mọi thành công trong công danh, lợi lộc hay may mắn đều xuất phát từ nỗ lực cá nhân, chứ không phải là sự phù trợ của một thế lực tâm linh nào đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta cần giúp mọi người nhận ra rằng, khi con người sống trọn vẹn với giá trị nhân cách của mình, khi biết hướng tới nội tâm và cảm nhận tinh tế, sâu sắc, đó chính là khi con người thực sự hoàn thiện. Và một phần trong quá trình này chính là việc thể hiện sự tôn trọng với những giá trị văn hóa, tâm linh qua các hành động như xin chữ.

    Một điều nữa là tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục đưa những mỹ tục như tục xin chữ vào các chương trình truyền hình của Việt Nam. Hiện nay, các chương trình truyền hình đang làm rất nhiều nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào những chương trình về văn hóa truyền thống vào dịp Tết, mà đôi khi chỉ là những chương trình được làm theo kiểu “đến hẹn lại lên”.

    Tại sao không làm cho những giá trị này thấm dần vào cuộc sống của người dân, trở thành một dòng chảy tự nhiên xuyên suốt 365 ngày trong năm? Khi đó, công chúng sẽ tiếp nhận được và nâng cao nhu cầu tự thân của mình. Họ sẽ biết sàng lọc, nhận ra điều gì là tốt, điều gì là cần làm và điều gì là không nên. Như vậy, những mỹ tục sẽ được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

    Xin cảm ơn TS Nguyễn Ánh Hồng về những chia sẻ rất ý nghĩa này!

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)