Góc nhìn pháp lý vụ vi phạm bản quyền Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025
Vụ việc clip về chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025 do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, sở hữu bản quyền bị một đơn vị truyền thông khác tự ý đăng tải lại và đưa video trên vào danh mục do mình sở hữu bản quyền dẫn đến việc kênh chính thức của VTV bị Facebook đánh bản quyền. Ngay khi sự việc này xảy ra, phía VTV đã có các bài viết và bản tin trên các chương trình Thời sự để phản ánh sự việc, khẳng định quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Phan Tuấn Vũ – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam đã có những phân tích dưới góc nhìn pháp lývề vụ việc này.
Luật sư Phan Tuấn Vũ cho biết, chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025 được sản xuất và phát sóng bởi VTV nên đương nhiên được bảo hộ quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Tại Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 đã quy định rất rõ các quyền của tổ chức phát sóng. Theo đó, trong trường hợp này, VTV có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sao chép toàn bộ hoặc một phần, quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025.
Do đó, ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả quy định tại Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khai thác, sử dụng một hoặc các quyền tài sản của VTV nêu trên mà không được VTV cho phép; hoặc trả tiền bản quyền thì có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền liên quan. Là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về nghĩa vụ xin phép và trả tiền bản quyền.
Bên cạnh đó, chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025 còn chứa đựng nhiều đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác như quyền tác giả đối với kịch bản chương trình, quyền tác giả đối với tác phẩm sân khấu… Các tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, các tác giả kịch bản sân khấu, đạo diễn, diễn viên… cũng có quyền tài sản, quyền nhân thân nhất định đối với tác phẩm đó.
Các hành vi sử dụng chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025 mà chưa xin phép, trả tiền bản quyền cũng có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền tác giả, là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
VTV nên làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp?
“Vấn đề xâm phạm bản quyền trên môi trường số vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng, xảy ra với tần suất lớn nên rất cần sự quan tâm và chung tay giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền cùng cả cộng đồng.
Trước tiên, các hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể quyền là các tổ chức, cá nhân đã đầu tư tài chính, đã bỏ công sức, sự sáng tạo để sản xuất và phát hành các chương trình truyền hình hấp dẫn, các tác phẩm được bảo hộ theo quy định pháp luật.
Với mức độ lan truyền mạnh mẽ của nền tảng số như hiện nay, các chủ thể quyền sẽ bị ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn không chỉ về tài sản mà có thể ảnh hưởng đến cả quyền nhân thân bởi các hành vi xuyên tạc hay tác phẩm bị sử dụng tại các nền tảng không phù hợp.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được thực hiện dưới nhiều chiêu trò với sự trợ giúp của công nghệ nhằm thu hút người xem và nhiều mục đích sau đó. Người sử dụng nền tảng số phải thật sự cảnh giác, tỉnh táo và sáng suốt trong việc lựa chọn và sử dụng các nền tảng để tránh các thiệt hại đáng tiếc”, Luật sư Phan Tuấn Vũ phân tích thêm.
Theo Luật sư Phan Tuấn Vũ, khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, căn cứ theo quy định tại Điều 198, 198b Luật Sở hữu trí tuệ và được hướng dẫn tại Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, VTV nói riêng và các chủ thể quyền nói chung có thể thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, yêu cầu bên thực hiện hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên nền tảng số, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, liên hệ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Facebook, Youtube, Tiktok,…) hợp tác xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan để gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập tới nội dung vi phạm.
Thứ ba, trường hợp bên thực hiện hành vi xâm phạm không hợp tác hoặc không đạt được thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính công khai, các chủ thể quyền hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm hoặc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Với thực trạng xâm phạm bản quyền trên nền tảng số nghiêm trọng như hiện nay, các chủ thể quyền phải thật sự chú trọng đến các biện pháp bảo vệ quyền từ khi công bố tác phẩm và đặc biệt quyết liệt trong việc bảo vệ quyền khi phát hiện hành vi xâm phạm.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet