Dấu ấn của nhà thơ Nông Quốc trong dòng chảy văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam

Last updated: November 19, 2023 at 5:20 am - Lượt Views: 17 views

  • Một nữ giáo viên đang nuôi 2 con nhỏ nghi bị sát hại trong rừng ở Lào Cai
  • Con trai Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng tiết lộ về bạn gái vừa cầu hôn thành công sau 9 năm yêu
  • Quảng Ninh ứng dụng công nghệ số tại Hội sách, báo Xuân Ất Tỵ

  • Ngày 18/11, tại Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Hội VHNT các DTTS Việt Nam long trọng tổ “Hội thảo Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, VHNT các dân tộc thiểu số trong những năm qua”.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người đặt nền móng cho Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 1.

    Một góc hội thảo “Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, VHNT các dân tộc thiểu số trong những năm qua”. Ảnh: Chiến Hoàng

    Dự Hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Văn Thuần; nhạc sĩ Nông Quốc Bình – Phó Chủ tịch liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam (con trai nhà thơ); ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cùng các cán bộ, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người đặt nền móng cho Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 2.

    Hội thảo đã thu hút được đông đảo bạn đọc, nhà văn, nhà thơ cùng các nhà lý luận phê bình văn học tham dự. Ảnh: Chiến Hoàng

    Là một tên tuổi lớn của thơ ca cách mạng thế kỷ XX trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, nhà thơ dân tộc Tày – người con ưu tú của quê hương Bắc Kạn và đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã để lại nhiều dấu ấn và những đóng góp, cống hiến to lớn cho sự phát triển văn hóa, VHNT của đất nước, nhất là đối với VHNT các dân tộc thiểu số.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, Hội thảo “Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, VHNT các dân tộc thiểu số trong những năm qua” là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của nhà thơ đối với sự phát triển văn hóa, VHNT đất nước.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người đặt nền móng cho Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 3.

    Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nông Viết Toại (áo đen) em trai nhà thơ Nông Quốc Chấn cùng ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTT & Du lịch – con trai nhà thơ Nông Quốc Chấn tại Hội thảo. Ảnh: Chiến Hoàng

    “Nhà thơ Nông Quốc Chấn thuộc thế hệ đầu tiên của văn học Bắc Kạn nói riêng và văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung đặt nền móng xây dựng nền văn học Bắc Kạn, văn học khu Việt Bắc, cũng như văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới của thơ tiếng Tày trong thời kỳ hiện đại.

    Ông cũng là người đi đầu trong viết lý luận phê bình về văn học và văn hóa, văn nghệ dân tộc miền núi. Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã để lại những đóng góp quan trọng trong việc phân tích, đánh giá, nhìn nhận và định hướng cho sự phát triển của văn hóa, VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thời kỳ mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhận định.

    Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, thiết thực đối với phong trào cách mạng và đời sống nhân dân, đóng góp lớn cho công tác vận động, tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc…

    Với công lao và những đóng góp ấy, nhà thơ Nông Quốc Chấn được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất… và đạt nhiều giải thưởng văn học trong nước, quốc tế. 

    Năm 2000, nhà thơ Nông Quốc Chấn vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật…

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao nội dung của Hội thảo và tin tưởng, qua đây sẽ có thêm những đánh giá mới, toàn diện và sâu sắc hơn về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nông Quốc Chấn, góp phần tạo nên sức lan toả, ảnh hưởng của di sản văn hóa mà ông để lại.

    Ông Phạm Duy Hưng mong rằng, Hội thảo sẽ có thêm những đánh giá đầy đủ, ghi nhận sự cống hiến, đồng thời, làm phong phú và tô thắm thêm truyền thống lịch sử, cách mạng, truyền thống yêu nước của quê hương Bắc Kạn nói riêng, quê hương Việt Bắc và cả nước nói chung.

    Thông qua các tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, những chia sẻ của các nhà văn dân tộc thiểu số, chân dung nhà thơ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lý luận phê bình bình văn học Nông Quốc Chấn đã thực sự được khắc họa rõ nét, chân thực nhất.

    Hổi thảo đã góp phần lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng phân tích, lý giải sâu hơn về thân thế, sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị và những di sản văn hóa, văn nghệ lớn lao mà nhà thơ Nông Quốc Chấn để lại cho đất nước, đồng thời đưa ra những cách thức để phát huy giá trị của những di sản đó.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người đặt nền móng cho Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 4.

    PGS. TS Trần Thị Việt Trung, ĐH Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ về thơ Nông Quốc Chấn và Hội thảo “Thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, VHNT các dân tộc thiểu số trong những năm qua”. Ảnh: Chiến Hoàng

    Trao đổi với phóng viên Dân Việt, PGS.TS Trần Thị Việt Trung, Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết, nhà thơ Nông Quốc Chấn là cánh chim đầu đàn của VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông cũng là người sáng lập ra Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNT các DTTS) và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học các dân tộc thiểu số.

    “Hội thảo Nhà thơ Nông Quốc Chấn hôm nay thực sự ý nghĩa, đem lại cảm hứng rất lớn cho tất cả các văn nghệ sĩ, và lấy đó làm gương cho quá trình sáng tạo, đồng thời thể hiện được tấm lòng, sự tri ân và biết ơn sâu sắc của các văn nghệ sĩ đối với người sáng lập văn học thiểu số Việt Nam.

    Đây là một hội thảo vừa tràn đầy tình cảm, vừa mang giá trị khoa học rất lớn. Tôi mong sẽ có nhiều hơn nữa những hội thảo như thế đối với các tác giả khác. Qua hội thảo cũng có sự nhìn nhận toàn diện hơn, đánh giá chính xác và khoa học hơn các nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu số đối với văn học thiểu số nói riêng và học Việt Nam nói chung”, bà Trung chia sẻ.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người đặt nền móng cho Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 4.

    Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Chiến Hoàng

    Còn nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc nhận định, trước này chúng ta biết nhiều về nhà thơ Nông Quốc Chấn với vai trò là cánh chim đầu đàn, người tiên phong cho thơ văn học các dân tộc thiểu số.

    “Tuy nhiên chúng ta ít biết về sự trăn trở trong việc đào tạo thế hệ tiếp nối, kế cận, một công việc không dễ dàng gì với người dân tộc thiểu số. Hội thảo không chỉ đề cập đến giá trị thơ mà còn đề cập đến rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa của ông. Đặc biệt là quá trình gắn bó với công việc nghiên cứu sưu tầm văn hóa các dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn”, nhà văn Cao Duy Sơn cho biết thêm.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người đặt nền móng cho Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ảnh 5.

    Một màn trình diễn trích đoạn thơ Nông Quôc Chấn trong đêm Thơ – nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Ảnh: Chiến Hoàng

    Trước đó, vào đêm 17/11, Hội VHNT các DTTS Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đêm thơ – nhạc “Cánh chim Việt Bắc” kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Nông Quốc Chấn. Đêm thơ đã thu hút được đông đảo bạn đọc và người yêu thơ không chỉ của tỉnh Bắc Kạn.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn tên thật là Nông Văn Quỳnh. Sinh ngày 18/11/1923 tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Nhà thơ Nông Quốc Chấn mất ngày 04/02/2002 tại Hà Nội.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã từng tham gia Mặt trận Việt Minh và tham gia du kích và giải phóng quân trước tháng 8/1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông vẫn tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, tham gia Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Kạn và bắt đầu hoạt động văn hóa văn nghệ.

    Sau năm 1954, ông tham gia Khu uỷ Việt Bắc, Ông là đại biểu Quốc hội khoá II, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khu tự trị Việt Bắc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên rồi Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. 

    Từ năm 1964, ông là Thứ trưởng Bộ Văn hoá kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Văn hoá, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch Hội Văn hoá Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Toàn cảnh sự kiện và dư luận.

    Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)