Những người làm thơ trẻ có bản sắc đang ít dần đi?
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, từ thực tế sáng tác và thẩm bình những năm qua, người làm nghề chứng kiến không ít người làm thơ từng đột khởi, vụt sáng một chặng đường. Trên tiến trình đi tìm rõ nét hơn khuôn mặt mình thì họ lại dần thỏa hiệp với trạng thái đắm mê, bay bổng và những lấp lánh ban đầu mà mình đã có được. Mối quan tâm đối với sự cách tân, đổi mới, biến đổi tâm hồn thơ dần yếu ớt trước việc giành giữ ngôi vị, so bì hơn kém, chiếm lĩnh giải thưởng, danh hiệu, tận dụng báo chí và xúc tiến truyền thông cho tên tuổi bản thân…
Những điều đó vô hình chung khiến thi ca hồn nhiên, hưng phấn và góc cạnh dần chững lại, đều đều, bình bình và lâu dần trở nên mòn mỏi, quen thuộc trong những sáng tác mới. Điều đó tạo nên một trạng thái quẩn quanh của cá nhân người viết với bản thân mình, của nhóm người viết trong công tác chung, trong hoạt động phong trào. Khi đó thì không phải từ bên ngoài, mà chính nhà thơ lại là đối tượng đe dọa trực tiếp và nguy hiểm nhất với tài năng, cá tính của anh ta.
“Người đọc luôn đón nhận những điều mới lạ thêm từ các tác giả từng dũng cảm và kiêu hãnh khẳng định mình. Điều đó đòi hỏi người viết tiếp tục tích lũy, rèn giũa, thử nghiệm để làm mạnh mẽ hơn cá tính trong sáng tạo của mình sau những gì đã có được. Và để làm được điều đó, đòi hỏi phải thâm nhập thực tế, nắm bắt những biến động đời sống, mở rộng đề tài, thử sức với những ý tưởng, nội dung về các địa bàn, vùng miền mới, đối diện những vấn đề thời sự, thế sự, những thực trạng tưởng chừng khó tiếp cận và truyền tải qua thơ”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, anh thấy hiện có những thi sĩ có tư thế, suy nghĩ và cách hành động bằng thơ ca khá độc lập, chủ động của mình. Lẽ dĩ nhiên, họ có những giọng điệu thú vị, rất nên cảm nhận và tham khảo, chứ không phải gây chú ý ở sự hoa chân múa tay, tung hỏa mù, vờn tỉa mệt mỏi.
“Một số tác giả nữ như Hoàng Thụy Anh, Lữ Mai, Nguyễn Thị Thùy Linh (ở Hải Phòng)… như những người không tự bằng lòng với cách kể chuyện rõ ràng, rành mạch. Cách biến đổi hình ảnh, cảm giác của họ thường tạo ra những màn sương, những trạng thái khác thường đôi khi dẫn dụ ta theo cách họ tư duy, hình dung để cảm thấy thích thú.
Một số tác giả khác cũng cho thấy sự kiên trì lâu dài của mình khi giống như là tự trao cho mình trách nhiệm phải tôn vinh văn hóa dân tộc, bản sắc vùng miền, suy tư những vấn đề nhân sinh bằng cách viết khỏe khoắn, gai góc, ham muốn bày biện, dồn kể nhiều điều qua mỗi câu thơ, tất nhiên hiệu quả cũng nhiều lúc khác nhau, không phải khi nào cũng thuyết phục. Có những khi lóe sáng như: Đồng Chuông Tử, Nhụy Nguyên, Lê Hưng Tiến, Trần Đức Tín… Đó là những thi sĩ mà tôi cho rằng, rất có trách nhiệm trên hành trình khám phá, làm đa dạng hơn tinh thần sống, sự suy nghiệm của mình.
Điểm ngắn một số tên người viết thế hệ sau trong đời sống thơ hôm nay và cũng chỉ điểm sơ bộ vì có lẽ càng kể ra sẽ càng thiếu. Nhưng cũng là ví dụ cho nhu cầu vượt lên, khẳng định và mong muốn đóng góp của không ít cây bút trung tuổi, trẻ tuổi hôm nay. Điều đó cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ngành nghề, hội nghề, của người viết nói chung và bạn đọc đối với họ, trong sự tiếp nhận, lắng nghe, hiểu biết và đồng hành”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nói.
Nỗi lo về sự xâm lấn của “thơ AI”
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai cho rằng: “Thời gian vừa qua, đâu đó có người “sản xuất” hàng loạt bài thơ, thậm chí còn làm ra những “công thức”, “bẻ khóa” để mô phỏng, “cấy ghép” hoặc dùng công nghệ AI để có thật nhiều tác phẩm trong thời gian ngắn, đặng đoạt lấy giải Nobel văn chương, nhưng vẫn bị “đổ”, bị phát hiện và tẩy chay chỉ vì nghệ thuật thì không làm giả được, và giả thì không bao giờ là thật!”.
Nhà thơ Khuất Bình Nguyên bộc bạch: “Người ta nói rằng, thời đại AI, người máy với trí tuệ nhân tạo có thể làm thơ hay. Tôi không dám chắc điều đó. Nhưng có lẽ phải trông cậy nhà thơ để thiết kế con chíp. Một trong những con chíp đó là khoảng lặng của thi ca. Bản lĩnh của người làm thơ không phải chỉ ở tầm cao tư tưởng và khái quát nghệ thuật mà cùng với việc đó biết loại bỏ những chữ những câu thừa làm nên những tác phẩm thơ có dư ba. Sâu sắc về ý tưởng, bay bổng về cảm xúc. Khi kết thúc bài thơ người đọc thấy ngân lên những làn sóng của siêu thực để trang thơ rộng hơn cuộc đời của chính nó.
Người đọc bâng khuâng nhận ra rằng một bài thơ nhỏ thôi lại có một thế giới nhân sinh đang mở ra để con người trào lên những băn khoăn, khổ đau và ước vọng của cuộc đời vốn dĩ không phải thật giản đơn này. Để ít ra như Nguyễn Du than thở sau 200 năm hoặc lâu hơn nữa bài thơ làm ra còn đồng vọng với người đọc mặc dù cuộc đời đã đổi thay rồi”.
Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, ngày nay, việc đăng thơ quá dễ, ai cũng có thể đăng thơ chùm trên các báo, tạp chí; ai cũng có thể xuất bản được sách. Sinh thời, nhà thơ Quang Huy từng nói: “Có một cái đáng chống nhất thì lại không chống. Đó là chống chất lượng nghệ thuật yếu kém”. Còn việc tự xuất bản thơ qua facebook thì dễ dàng và tự do hơn nhiều. Nhà nhà, người người cứ việc làm thơ, công bố thơ. Việc công bố thơ dễ dàng như thế cũng là một thử thách về mặt bản lĩnh đối với người viết, nhất là đối với những người không có tài, lại có phần ngộ nhận mình. Và trong trường hợp này, sự tự tin, sự tự làm chủ mình trở nên thái quá, trở nên phản tác dụng một cách nhãn tiền.
“Bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài”, nhà thơ Đặng Huy Giang nhấn mạnh.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai đề xuất, trước thực tế của nền văn học Việt Nam đương đại, phải đào tạo được độc giả yêu văn học để tiếp nối truyền thống sáng tạo trên nền kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng. Bởi vì, công chúng được đào tạo sẽ là nguồn cổ vũ, khuyến khích cho phong trào sáng tác, biểu diễn chuyên nghiệp có nghệ thuật cao và thẩm mỹ hiện đại. Công chúng được đào tạo chính là phong vũ biểu đo hiệu quả của công việc sáng tác, biểu diễn của văn nghệ sĩ.
“Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn độc giả văn học không có sự chuẩn bị, đào tạo kỹ lưỡng chính là rào cản cho sự kế thừa và phát triển văn hóa đọc nói chung. Vấn đề này đặt ra một yêu cầu thường xuyên, liên tục đối với hệ thống giáo dục đào tạo đó là không được để cho công chúng bị mù văn học, bị dốt trong lĩnh vực văn học. Vì nếu công chúng dốt về văn học là họ bị tước đi khả năng hưởng thụ văn hóa, họ bị mất đi một tiềm năng phát triển con người.
Sự mất mát đó trở thành nguyên nhân chính làm hạn chế, làm triệt tiêu động lực phát triển văn hóa của dân tộc… Đã đến lúc cả xã hội ta phải đứng ra chịu trách nhiệm bảo vệ cho môi trường trong sạch của cả một nền văn học nghệ thuật chung trong cả nước, cũng là bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội. Bởi vì, thật thì không bao giờ là giả, giả thì không bao giờ là thật và không phải cái thật nào cũng đem ra mà phơi phóng được”, nhà thơ xứ Mường nói.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet