Hãng phim truyện Việt Nam đang thảm hại thế nào?

Last updated: April 1, 2024 at 18:27 pm - Lượt Views: 18 views

  • Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú cùng tên có sự nghiệp thành công, cuộc sống viên mãn
  • Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thông tin về vụ án rửa tiền 30.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng
  • Song Hye Kyo dành 6 tháng tập hút thuốc

  • Thực trạng thảm cảnh của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa

    Câu chuyện buồn của Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu sau “cơn bão” cổ phần hóa. Hãng phim truyện Việt Nam (tại trụ sở 4 Thụy Khuê) ngày càng hoang tàn, đổ nát. Đến nay, quá trình cổ phần hóa đã kéo dài gần 10 năm và chưa thể đi đến hồi kết.

    Hãng phim truyện Việt Nam đang thảm hại thế nào?- Ảnh 1.

    Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh HPTVN

    Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) từng có hơn 600 văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên… làm việc. Hãng nổi tiếng với dòng phim cách mạng, trong đó có những tác phẩm đã đi vào lòng người như: Chung một dòng sông; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Em bé Hà Nội…

    Quá trình cổ phần hóa hãng phim được tiến hành từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng tới 2016 hãng mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso).

    Mâu thuẫn bùng nổ chỉ sau 2 tháng Vivaso chính thức trở thành chủ mới của hãng phim. Theo đó, Vivaso không trả lương cho những người không đến làm việc, tiến hành quy hoạch lại các phòng ban tại hãng phim, đóng cửa lối đi chính và khuyến khích các nghệ sĩ đi bán phở, lái xe ôm để kiếm thêm thu nhập…

    Năm 2017, khi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) hoàn tất mua lại VFS, kể từ đó, các nghệ sĩ rơi vào thảm cảnh thất nghiệp, cơ sở vật chất đổ nát, hoang tàn, hãng phim đóng cửa, dư luận đầy bức xúc.

    Hãng phim truyện Việt Nam đang thảm hại thế nào?- Ảnh 2.

    Nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam không được trả lương, không bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, không việc làm. Ảnh: HPTVN

    Mặc dù, tháng 9/2018, kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 về “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam” chỉ rõ công tác cổ phần hóa có nhiều sai phạm, nổi bật là việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp và VIVASO buộc phải xin rút khỏi hãng, nhưng tới nay, nhà đầu tư này vẫn lần lữa, chưa chịu thoái vốn.

    Tình trạng này kéo dài bởi những mâu thuẫn dai dẳng, khó giải quyết giữa nghệ sĩ hãng phim và Vivaso. Mâu thuẫn bắt đầu từ tháng 6/2017, sau khi Vivaso hoàn thành quá trình mua lại hãng phim. Cụ thể, với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược.

    Bên cạnh việc trụ sở tọa lạc trên khu đất “vàng” số 4 Thụy Khuê rơi vào cảnh tiêu điều, đổ nát… thì Hãng cũng phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ hoạt động sản xuất phim; công việc và đời sống của cán bộ công nhân viên không được đảm bảo; không có nguồn tài chính để duy trì các hoạt động thiết yếu, kể cả việc bảo quản kho phim… Không ít lần các nghệ sĩ phải gửi đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, kêu gọi tìm ra giải pháp kịp thời “cứu” nơi xem là “cánh chim đầu đàn” của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

    Vô số văn bản chỉ đạo… nhưng chờ đợi vẫn là chờ đợi

    Đứng trước những mâu thuẫn của nghệ sĩ và Vivaso, các nhà quản lý đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tình trạng này gần như không thay đổi. Năm 2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.

    Hãng phim truyện Việt Nam đang thảm hại thế nào?- Ảnh 3.

    Các nghệ sĩ bất bình trước những sai trái do việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: HPTVN

    Đến tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) có công văn số 3320/BVHTTDL-KHTC báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

    Tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có công văn yêu cầu Bộ VHTTDL chuẩn bị báo cáo nội dung liên quan việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

    Tháng 4/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra, nhằm kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về các nội dung liên quan.

    Phương hướng giải quyết dứt điểm chuyện này gần như không có, trong khi đó, cơ sở vật chất của hãng phim ngày càng xuống cấp, phần lớn phim nhựa được lưu trữ đã hỏng, trở thành những đống nhựa bết dính. Huy chương, giải thưởng trong phòng truyền thống cũng phủ bụi, bạc màu do không được bảo quản, vệ sinh đúng cách.

    Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ VHTTDL tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ VHTTDL giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng – điển hình là câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

    Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vụ việc tồn đọng ở Hãng Phim truyện Việt Nam ngày 3/1/2024, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân đã chia sẻ với Dân Việt tâm tư của mình: “Chúng tôi nhận được các thông tin như thế này với thời gian quá dài và được hứa quá nhiều lần. Chúng tôi đã nghĩ vấn đề này đương nhiên phải được giải quyết sớm vì nó sai trái. Sai trái này không phải tự chúng tôi nói ra mà nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ: có 6 điểm sai trái lớn cần phải giải quyết. Nhưng mọi thứ vẫn trôi cho đến tận giờ.

    Với tín hiệu lần này, chúng tôi vẫn tin và mong rằng sẽ có chuyển biến mới. Nhưng dù là có thì nó quá muộn, quá chậm trễ và làm tan nát một thế hệ của Hãng phim truyện Việt Nam. Các nghệ sĩ bị đẩy ra đường hàng năm trời, hết năm này đến năm khác thì ai chịu trách nhiệm? Số phận của con người, thương hiệu của một Hãng và rất nhiều vấn đề về cách cư xử với Hãng, với con người làm văn hóa. Tất cả các nghệ sĩ của Hãng, chúng tôi muốn xem những lời hứa được thực hiện đến đâu và kết luận thế nào? Trong thời gian 8 năm vừa rồi chúng tôi được hứa quá nhiều”.

    Chiều ngày 1/4, chia sẻ với Dân Việt đạo diễn Bùi Trung Hải cho biết: “Ai cũng nhìn thấy rõ tình trạng của Hãng phim truyện Việt Nam đã xuống tận đáy sau những sai lầm của cổ phần hoá. Thiệt hại là vô cùng lớn, nó đã phá nát cả một truyền thống điện ảnh. Số tiền trên 30 tỷ đồng Nhà nước thu được từ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chỉ đủ chi phí để tái tạo lại một vài bộ phim trong tổng số 300 bộ phim bị hỏng hoàn toàn do sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết của Vivaso.

    Chúng ta cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về vụ việc này. Còn rất nhiều vấn đề khác như con người, cán bộ, nghệ sĩ bị đối xử bất công, cắt bỏ mọi quyền lợi chính đáng: không lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, máy móc thiết bị kỹ thuật bị bỏ mặc ẩm mốc hỏng hóc… Thiệt hại là vô cùng lớn. 

    Tôi nghĩ đã đến lúc những chỉ đạo liên tục về việc phải giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam từ các lãnh đạo chính phủ như Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cần phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Điện ảnh là một ngành nghệ thuật đại chúng. Không chỉ dư luận trong nước mà cả các đồng nghiệp làm phim nước ngoài cũng đang chú ý đến vấn đề này”.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)