Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị mà cao quý, không “thần thánh hóa”
Chiều 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian 5 năm đó, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở địa đầu Tổ quốc: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”.
Giống như ở hai tập đầu của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vẫn nhất quán với lối tự sự biên niên sử, chủ động tạo cho mạch truyện trôi theo trật tự thời gian tuyến tính. Người kể chuyện nêu lại những biến cố, những sự kiện quan trọng đã thực sự xảy ra, những con người có thật hay hư cấu xoay quanh nhân vật trung tâm Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Tại đó, tác giả luôn tỉnh táo để không sa vào “bẫy lịch sử”, luôn đứng vững trên địa hạt sáng tạo của văn chương để soi rọi, phản ánh chiều sâu bên trong của nhân vật, nhất là tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ, tài năng, phẩm cách của nhân vật trung tâm.
“…Đêm hôm ấy Nguyễn Ái Quốc gần như thức trắng. Nỗi xúc động như một đám mây bông quấn lấy ông. Ông nằm thật im lặng, cốt để nghe những âm thanh dù rất nhỏ trong đêm yên tĩnh dội vào qua vách nứa. Tiếng nước chảy, tiếng gió lùa, tiếng mấy con vịt lục sục chen chúc dưới gầm sàn, tiếng sừng trâu cọ vào gióng chuồng… Và, chao ôi, một mùi hương thật là thanh khiết phảng phất mãi. Hoa bưởi. Phải rồi, lập xuân rồi mà. Lúc bước lên nhà ông đã kịp nhìn thấy một cây bưởi mọc ngay bên hàng rào. Cây bưởi cao, gầy, có lẽ nó được mọc lên bởi một cái hạt vương rơi. Bây giờ thì những chùm hoa đang toả hương, thơm ngát, tràn ngập trong không gian giá lạnh…” (Tập 3, tr 16, Từ Việt Bắc về Hà Nội)
Bối cảnh hiện thực đời sống của tập 3 diễn ra từ 1941 đến 1945, khi tình hình cách mạng Việt Nam tuy âm thầm bề ngoài nhưng sôi sục bên trong để chờ thời cơ bùng lên cơn bão táp lớn. Tác phẩm cũng diễn tả lại tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, của chính quyền Quốc dân; các nhân vật quan trọng của Liên Xô, của Mỹ hiện diện ở Trung Quốc; diễn biến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2; gương mặt bạc nhược của một số chính khách của Việt Quốc, Việt Cách, Việt Nam Phục quốc quân đang lưu vong ở Trung Quốc.
Người đọc có thêm những bất ngờ thú vị khi biết thêm về những hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; những chuyến qua lại biên giới Việt – Trung như con thoi của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nắm tình hình của chính phủ Quốc dân, việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm, đày ải qua hàng chục nhà lao lớn nhỏ, hoàn cảnh ra đời của các bài thơ trong Nhật ký trong tù, tấm lòng quý mến của những người dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người….
Trong quan hệ giữa Hồ Chí Minh với những người đồng chí của mình như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Chu Văn Tấn…, những người dân Cao Bằng chân chất mà nồng nàn yêu nước như ông Máy Lỳ, thầy tào Thình, anh thanh niên Dương Đại Lâm, chị phụ nữ Nông Thị Bảy (Nông Thị Trưng)…, nhân vật Hồ Chí Minh của Nguyễn Thế Kỷ bao giờ cũng thể hiện được những giá trị, những phẩm chất cao quý mà bình dị, gần gũi, tuyệt nhiên không “thần thánh hóa”, sùng bái hóa.
Bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ở Hồ Chí Minh luôn chan chứa lòng yêu nước, thương dân vô bờ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc chân thành, sâu sắc. Nguyên tắc cao nhất của Người là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, dân chủ, no ấm cho nhân dân. Phương pháp và tư duy cách mạng của người là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tuyệt đối không giáo điều, không máy móc, đạo đức của Người là “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Những tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, phong cách đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều khi lặng lẽ, khiêm nhường, được Người thể hiện quan các bài thơ của Ngục trung nhật ký.
Những năm tháng gian khổ ấy, Hồ Chí Minh đã lăn lộn cùng đồng chí, đồng bào để gây dựng lực lượng, tuyên truyền chính trị, huấn luyện cán bộ, tổ chức các đội du kích nhỏ, xây dựng các cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Cùng nhân vật chính, hình tượng cao đẹp Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ, người dân trong các bối cảnh lịch sử cụ thể, thiên nhiên, cảnh sắc trong “Từ Việt Bắc về Hà Nội” được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa tinh tế, sinh động, cô đọng, giàu chất thơ. Lời nói của nhân vật trung tâm Hồ Chí Minh và các đồng chí, đồng bào của Người, phong tục, tập quán, lời kể của tác giả và lời thoại của nhân vật cũng được thể hiện một cách sinh động và giàu cảm xúc.
“Sáng sớm, như thường lệ, Hồ Chí Minh thức dậy và đi ra sân tập thể dục. Dương Đại Lâm cũng đã thức dậy, đang lúi húi nhóm bếp nấu cơm sáng. Ông đi một vòng xung quanh khu căn cứ. Thấy anh chị em bố trí nơi ăn chốn ở khá sạch sẽ, gọn gàng, các căn nhà sàn nhỏ nhắn nằm liền kề nhau, những mảnh vườn trước nhà được rào dậu cẩn thận và rau quả đang lên xanh tốt. Đàn gà lục tục đi lại kiếm mồi từ sớm. Ông đi xuống khe nước rồi quay lên, gọi Dương Đại Lâm: – Chú Lâm đâu rồi? Lấy ra đây cho bác bốn cái cuốc. Lâm không hiểu ý ông muốn gì nhưng cũng lấy ra bốn cái cuốc. Ông gọi thêm 3 người nữa cả nam cả nữ, yêu cầu đi theo mình xuống khe suối.
Bây giờ đã cuối thu, nước đã cạn. Ông yêu cầu mọi người dọn dẹp sạch sẽ xung quanh vũng có nhiều nước đọng nhất rồi bảo mọi người lên sân cùng khiêng xuống chiếc loỏng. Chiếc loỏng dài, được khoét khéo léo từ một khúc gỗ to, vẫn dùng để đựng nước ở dưới chân cầu thang các ngôi nhà sàn. Nhưng ở đây do gần sát con suối nên mọi người không dùng đến. Chiếc loỏng được kê ngay ngắn dưới bến nước vừa dọn, ông cọ sạch sẽ rồi cho nước chảy vào đầy loỏng. Xong xuôi, ông gọi hết lũ trẻ con xuống, cho đứng xếp hàng chờ ông tắm cho một lượt… Tắm gội cho bọn trẻ con xong, Hồ Chí Minh bảo Dương Đại Lâm mời tất thảy bà con cả làng đến để ông nói chuyện… Ông dùng một cái mẹt và một chiếc đèn dầu để minh hoạ cho hoàn cảnh đất nước hiện tại. – Tôi nói thế này để bà con dễ hiểu. Mặt trời hiện đang nằm bên kia trái đất, tức là ở đây. Còn chúng ta thì ở bên này trái đất, là đây. Thế nên chúng ta đang chịu cảnh tăm tối. Nhưng chẳng bao lâu nữa, mặt trời sẽ về với Việt Nam chúng ta, sẽ chấm dứt cảnh tối tăm khổ cực bấy lâu. Tôi có niềm tin chắc chắn như vậy, và bà con hãy vững tin như vậy”… (Tập 3, tr 123, 124, 125, Từ Việt Bắc về Hà Nội)
Ở phần cuối tập 3, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa thật xúc động, hào hùng không khí đất nước ta trước ngày Tổng khởi nghĩa.
“Sáng sớm ngày 22 tháng 8, Hồ Chí Minh rời Tân Trào xuôi về Hà Nội. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời ông được đặt chân đến thủ đô của đất nước mình. Sau 30 năm lênh đênh bốn biển, đã đi qua nhiều nước, nhiều châu lục, ông mới về tới mảnh đất thân thương nơi địa đầu Tổ quốc và 5 năm tiếp theo, bằng đường rừng là chủ yếu, ông đã đi từ Cao Bằng, qua Bắc Cạn, qua Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi vượt sông Hồng về Hà Nội. Mấy hôm rồi, sức khoẻ của ông vẫn chưa tốt, trận ốm kéo dài đúng vào lúc nhiều việc lớn, đầy khó khăn ập đến…”
Nếu tập 4 và tập 5 của “Nước non vạn dặm” được hoàn thành đúng như dự kiến của tác giả (tập 4 sẽ ra mắt trước ngày 2/9/2024) và tập 5 ra mắt trước ngày 19/5/2025), đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, cùng với bộ tiểu thuyết 5 tập, có 5 vở sân khấu cùng tên song hành, đã và sẽ ra mắt công chúng cả nước, trong đó vở Nợ nước non do TS. NSND Triệu Trung Kiên làm đạo diễn đã ra mắt, phục vụ công chúng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thận, Bình Thuận, Long An, Đồng Nai, Bình Phước và một số địa phương khác.
Tập 3 của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm có tên Từ Việt Bắc về Hà Nội do Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt liên kết xuất bản, phát hành, ra mắt vào tháng 5/2024. Đây là sự kiện nhỏ nhưng ý nghĩa thiết thực hướng tới lễ kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 – 19/5/2024).
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet