Trong ký ức của mỗi người Việt Nam, mùi hương mạnh nhất, không gì lấn át nổi chính là mùi của mùa màng, của đồng đất quê hương. Đó là mùi ngai ngái của rơm rạ sau mùa gặt, mùi thơm nhẹ của lúa chín thoảng trong gió, hay mùi nồng của bùn đất khi cày ải.
Mùi của ao hồ, nơi lũ trẻ chăn trâu, tắm mát. Mùi bùn non lẫn với hương thơm thanh khiết của hoa sen. Vào những buổi chiều, khi mưa rào bất chợt đổ xuống, mùi đất ẩm bốc lên ngai ngái.
Dai dẳng trong trí nhớ là những buổi chiều bên bếp lửa, nhất là vào chiều đông. Mẹ tôi từ trường trở về nhà bắt đầu vào bếp, nhóm lửa nấu cơm. Kiểu gì cũng có vài củ khoai cho vào nướng. Bếp lửa tuổi thơ còn thơm đến tận bây giờ.
Mỗi một làng quê mang một mùi hương đặc trưng trong ký ức. Làng gốm có mùi đất nung ngai ngái, làng mộc có mùi gỗ mới, làng làm nước mắm có mùi nồng đậm của cá và muối. Không thể quên được những buổi sáng sớm nơi chợ quê: Mùi cá tươi, mùi rau xanh còn đẫm sương đêm, mùi ớt cay và gừng nồng làm chợ quê trở thành nơi hội tụ mọi sắc thái của làng quê. Tiếng nói cười, tiếng rao hàng hòa cùng mùi thơm của xôi, bánh lá mới gói… tạo nên một không gian vừa rộn ràng, vừa yên bình.
Trên khắp mảnh đất hình chữ S, mỗi vùng miền đều có những mùi hương đặc trưng mang bản sắc riêng. Miền Bắc là mùi cốm mới mỗi độ thu về, là hương sen tỏa ngát hồ Tây, hay mùi khói nhang trong ngày lễ Tết truyền thống. Miền Trung mang đến mùi của nắng gió, của biển cả mặn mòi, và cả hương trầm ấm áp trong các ngôi chùa cổ. Miền Nam lại gây thương nhớ với mùi ngọt của trái cây chín, của bông súng, bông điên điển bên dòng sông Cửu Long.
Mùa Xuân này, trong ấm áp của mùi thơm vọng về từ ký ức, cả dân tộc lại đang hướng tới một khát vọng lớn lao hơn, bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam…
Những mùi hương ấy không chỉ là ký ức mà còn là minh chứng cho sự phong phú của văn hóa Việt Nam.
Bây giờ thỉnh thoảng người ta ngoái nhìn về những tháng năm bao cấp với một vài triển lãm, những quán cà phê và quán ăn được tái hiện. Nhưng trong chặng đường một thế kỷ qua của người Việt, ký ức về những năm tháng bao cấp, với biết bao gian khổ và thiếu thốn mà ăm ắp tình người, không phải chỉ là những mùi vị thoáng qua, nó là một phần của lịch sử dân tộc.
Đó là những năm tháng nồi cơm mang mùi gạo mốc, mùi của cơm độn khoai độn sắn, mùi của bếp dầu. Cuộc sống trong các khu nhà tập thể ngai ngái mùi nhà vệ sinh chung. Cửa hàng mậu dịch, với ánh đèn vàng ảm đạm và những chiếc quầy gỗ sờn cũ, thoảng mùi giấy tem phiếu và mùi gạo mốc lâu ngày, là nơi mà sự chờ đợi và hy vọng luôn song hành. Mỗi lần cầm trên tay một túi nhỏ thịt lợn hay vài lạng đường, người ta đều cảm nhận rõ niềm vui giản dị giữa những ngày tháng khốn khó.
Nhưng từ trong khốn khó ấy, mùi hương của thời bao cấp vẫn lấp lánh hy vọng từ những lá thư tay gửi về từ tiền tuyến về, mùi sách cũ hay mùi mực in của những bức tranh cổ động.
Mùi ký ức không phải chỉ là câu chuyện của mỗi cá nhân mà là lịch sử của dân tộc trong chiều dài thăm thẳm, trong những bước đi quanh co của lịch sử.
Ký ức đâu chỉ có mùi của lúa, của khoai, của biển, đất nước đã phải trải qua những năm tháng nhọc nhằn. Những năm tháng mang mùi khói bom, mùi thuốc súng, mùi đất khô cằn và những trảng cát bị cày xới. Những ngày tháng đất nước có mùi của chiến khu, của rừng Trường Sơn, của mồ hôi và máu xương nhiều vô kể, của những bó hoa rừng mà đồng đội hái tặng nhau giữa những ngày bom đạn, của điếu thuốc lào truyền tay nhau trên chiến hào, mùi của những lá thư gửi từ quê nhà… Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm những năm tháng ấy đã viết: Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Đọng lại mùi cỏ cháy một thời trai.
Biết bao nhiêu thế hệ thanh niên đã ra trận vào những tháng năm đẹp nhất của thời tuổi trẻ, đọng lại mùi cỏ cháy một thời trai đẹp đẽ và hào hùng, nhưng cũng biết bao là hy sinh mất mát. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, ký ức không bao giờ quên được là mùi của những cánh rừng, nơi có những nấm mồ liệt sĩ còn chưa tìm thấy, chưa trở về. Ký ức của những năm tháng ấy là mùi của khát vọng hòa bình.
Nhìn lại một thế kỷ qua, người Việt Nam đã sống và chiến đấu với một sức mạnh phi thường. Và để đến mùa Xuân này, trong ấm áp của mùi thơm vọng về từ ký ức, cả dân tộc lại đang hướng tới một khát vọng lớn lao hơn, bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet