Hai Nghệ sĩ Nhân dân tuổi Tỵ: Người mang dòng dõi hoàng tộc, người là hậu duệ của danh nhân Chu Văn An

Last updated: February 5, 2025 at 10:28 am - Lượt Views: 2 views

  • Bắt đối tượng vừa ra tù trộm 22 chiếc Iphone bán lấy tiền gửi tiết kiệm ở Ninh Thuận
  • Báo Dân Việt tặng lì xì cho 10 độc giả có Lời chúc đầu Xuân hay và ý nghĩa
  • 1 đại lý Công ty Manulife Việt Nam ở Thái Bình làm giả 4 giấy ra viện cho khách hàng để hưởng tiền bảo hiểm

  • Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh

    Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Chu Thúy Quỳnh sinh năm 1941 tại Hà Nội, trong một gia đình là hậu duệ nhiều đời của danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An. Từ nhỏ, bà đã yêu nghệ thuật, tỏ rõ năng khiếu nổi trội với bộ môn múa. Năm 14 tuổi, Chu Thúy Quỳnh tham gia thi tuyển vào Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, sau này là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

    Hai Nghệ sĩ Nhân dân tuổi Tỵ: Người mang dòng dõi hoàng tộc, người là hậu duệ của danh nhân Chu Văn An- Ảnh 1.

    Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh. (Ảnh: NS)

    Năm 1958, Chu Thúy Quỳnh chính thức theo học múa. Năm 1960, bà đóng vai chính trong vở kịch múa Tấm Cám – một trong 3 vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam. Thập niên 1960, bà công tác tại Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, là diễn viên múa chính của đoàn với những tác phẩm múa như: Cánh chim và ánh mặt trời, Tiếng gọi quê hương, Gặp gỡ bên mâm pháo…

    Năm 1970, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Hà Nam. Sau đó, bà trúng cử làm đại biểu Quốc hội khóa IV (1971 – 1975). Sau này khi đất nước thống nhất, bà vẫn tiếp tục được tin tưởng và trúng cử đại biểu Quốc hội liên tiếp các khóa VIII, IX, X.

    Hai Nghệ sĩ Nhân dân tuổi Tỵ: Người mang dòng dõi hoàng tộc, người là hậu duệ của danh nhân Chu Văn An- Ảnh 2.

    Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh có hàng loạt cống hiến cho nền nghệ thuật múa Việt Nam. (Ảnh: NS)

    Năm 1983, ở tuổi ngoài 40, NSND Chu Thúy Quỳnh tới Ấn Độ học múa. Sau khi tốt nghiệp, NSND Thúy Quỳnh về nước và đảm nhận vị trí Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, liên tiếp gặt hái các huy chương vàng trong các hội diễn, liên hoan toàn quốc. Bên cạnh các vai diễn, NSND Chu Thúy Quỳnh còn khẳng định tên tuổi khi viết và dựng những vở kịch múa. Các tác phẩm nổi trội có thể kể tới như: Suối đàn T’rưng, Hương xuân, Mùa xuân trên bản H’Mông, Hoa đất nước…

    NSND Chu Thúy Quỳnh có 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 2 lần được tặng Huy hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1987, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. 

    Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành

    NSND Phạm Thị Thành sinh năm 1941, là chắt ngoại của Tuy Lý Vương – con trai thứ 11 của vua Minh Mạng. Bà là con gái út của Đổng lý văn phòng nội các (quan đại thần nhà Nguyễn, triều Bảo Đại) Phạm Khắc Hòe và bà Công Tôn Nữ Diệu Phẩm (là cháu nội nhà thơ – hoàng tử Tuy Lý Vương Miên Trinh, và là em gái nhà thơ Ưng Bình).

    Hai Nghệ sĩ Nhân dân tuổi Tỵ: Người mang dòng dõi hoàng tộc, người là hậu duệ của danh nhân Chu Văn An- Ảnh 3.

    Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành. (Ảnh: Đông Vũ)

    Chia sẻ với Dân Việt, NSND Phạm Thị Thành từng cho biết: “Ngày còn bé, bố tôi là Quản đạo Đà Lạt, ông bận trăm công nghìn việc. Tôi và các anh chị đều có người trông nom nhưng khi bố có mặt ở nhà thì đều giành thời gian để dạy dỗ chúng tôi một cách nghiêm khắc và kỷ luật”.

    Cha là người tài giỏi, khí phách, mẹ là người hát hay và am hiểu nghệ thuật… NSND Phạm Thị Thành thừa hưởng những tố chất của cha mẹ nên từ bé nữ nghệ sĩ đã bộc lộ những tố chất thiên bẩm về nghệ thuật.

    Năm 1970, bà được Nhà nước cử sang Liên Xô học đạo diễn sân khấu. Sau 7 năm học, bà về nước và cùng đạo diễn Hà Nhân thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ. Đây là nơi sản sinh nhiều thế hệ diễn viên tài năng sau này như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Anh Tú, NSƯT Chí Trung…

    NSND Phạm Thị Thành cũng làm đạo diễn cho hơn 200 vở diễn, trong đó gần 20 vở Huy chương Vàng và một số vở Huy chương Bạc. Hàng loạt lễ hội lớn như 990 năm Thăng Long – Hà Nội (cùng với Chu Thúy Quỳnh), 330 năm thành lập Khánh Hòa, 100 năm Đà Lạt, Festival Huế… được tổ chức với sự tâm huyết của bà.

    Năm 1988, Phạm Thị Thành được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2012, bà nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)