VTV phát hiện vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình trên nền tảng số như thế nào?

Last updated: February 5, 2025 at 11:22 am - Lượt Views: 2 views

  • Bắt đối tượng vừa ra tù trộm 22 chiếc Iphone bán lấy tiền gửi tiết kiệm ở Ninh Thuận
  • Báo Dân Việt tặng lì xì cho 10 độc giả có Lời chúc đầu Xuân hay và ý nghĩa
  • 1 đại lý Công ty Manulife Việt Nam ở Thái Bình làm giả 4 giấy ra viện cho khách hàng để hưởng tiền bảo hiểm

  • VTV phát hiện vi phạm bản quyền trên nền tảng số thế nào?

    Sự việc chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bị một đơn vị truyền thông vi phạm bản quyền tiếp tục “hâm nóng” lại vấn đề vi phạm bản quyền trên môi trường số hiện nay.

    Thực tế, trước đây, VTV từng phải nhiều phen “đau đầu” khi đối diện với vấn nạn vi phạm bản quyền. Cụ thể, năm 2018, khi VTV mua được bản quyền phát sóng World Cup 2018 thì sau đó đã phải chịu rất nhiều tổn thất vì bị xâm phạm bản quyền tràn lan trên mạng xã hội.

    VTV phát hiện việc vi phạm bản quyền trên các nền tảng số hàng năm thế nào? - Ảnh 1.

    VTV từng chịu nhiều tổn thất khi bản quyền phát sóng World Cup 2018 bị vi phạm. Ảnh: VTV

    Riêng năm 2024, VTV đã đánh chặn và xử lý trên 43.000 trường hợp vi phạm bản quyền, yêu cầu gỡ bỏ và hạn chế nhiều kênh vi phạm lớn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Tiktok, Facebook và Youtube.

    Nhiều hình thức vi phạm bản quyền nội dung của VTV hiện nay là tự ý lấy nội dung mà không xin phép, tiếp sóng chương trình của VTV nhưng đến phần quảng cáo thì chèn quảng cáo của đài địa phương vào, các chương trình đặc sắc bị ghi thu lại rồi phát tán trên các nền tảng. Trước đây, nhiều chương trình như: Gặp nhau cuối năm – Táo Quân, Gala Cười… thậm chí còn được in sao thành băng đĩa bán ra ngoài thị trường.

    Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Minh Dũng – Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) cho biết, VTV có một đội ngũ được phân công theo dõi, rà quét các vi phạm bản quyền đối với các nội dung do VTV sản xuất và phát sóng. Đội ngũ nhân sự này làm việc thủ công bên cạnh các nền tảng về công nghệ.

    Ông Nguyễn Minh Dũng lí giải, do có một số nền tảng không thể dùng công cụ để theo dõi và rà quét được nên phải thực hiện thủ công. Còn với các nền tảng công nghệ số thì luôn có những công cụ hỗ trợ giải quyết tự động và mỗi nền tảng có công cụ khác nhau.

    “Ví dụ như Website, ứng dụng OTT… chúng tôi bảo vệ bản quyền bằng cách gắn giải pháp bảo vệ bản quyền ngay từ gốc. Còn trên mạng xã hội thì sẽ dùng những công cụ nền tảng mà mạng xã hội đó cung cấp. Chẳng hạn, CMS của YouTube, công cụ File Manager của Facebook…

    Khi chúng tôi cho file gốc lên làm file tham chiếu thì sẽ biết được những đơn vị nào, những kênh nào đang sử dụng lại nội dung của VTV. Chúng tôi sẽ rà quét tự động được và trên cơ sở đó, công cụ sẽ giúp chúng tôi thông báo, kháng nghị hoặc hạ kênh. Công cụ cũng cần thời gian để chạy nên các nhân sự theo dõi quá trình đó nên sẽ biết nội dung của mình đang bị vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào”, ông Nguyễn Minh Dũng cho biết thêm.

    VTV phát hiện việc vi phạm bản quyền trên các nền tảng số hàng năm thế nào? - Ảnh 2.

    Hàng năm, hàng loạt nội dung của VTV bị vi phạm bản quyền trên môi trường số. Annhr: VTV

    Theo ông Nguyễn Minh Dũng, bên cạnh việc kiểm soát chuyện vi phạm bản quyền nội dung của VTV bằng nhân sự và công cụ thì VTV còn phối hợp với các cơ quan quản lý, các đơn vị có chuyên môn liên quan đến vấn đề bản quyền để họ có những biện pháp mang tính kỹ thuật sâu hơn. Thậm chí, có những biện pháp về pháp lý nếu cần thiết.

    Ngoài ra, các nền tảng đều có nguyên tắc đều bảo vệ bản quyền. Phổ biến bây giờ trên mạng xã hội có YouTube, Facebook, Tiktok… đều có những quy định về quy trình xem xét bảo vệ bản quyền.

    Các nền tảng này đều có những quy định liên quan đến chuyện đơn vị sản xuất nội dung gốc thì sẽ có việc khẳng định bản quyền gốc của mình như thế nào, có công cụ gì và thao tác ra sao.

    “Việc bảo vệ bản quyền được triển khai tiếp đó là khi chúng tôi có tham chiếu khẳng định bản quyền rồi thì những đơn vị khác đăng tải lại sẽ được xác nhận không phải là người giữ nội dung gốc mà vi phạm.

    Nếu việc sử dụng lại có đăng ký, có thỏa thuận trước với VTV thì cũng có quy trình để chúng tôi cấp quyền cho các kênh đó. Tùy từng nền tảng sẽ có những quy trình và cách thức bảo vệ bản quyền khác nhau. Ví dụ như Tiktok thì chưa có công cụ tự động nên chúng tôi phải trao đổi với họ bằng cách gửi mail trực tiếp với đội vận hành của Tiktok để bảo vệ bản quyền của VTV.

    Cơ bản thì chúng tôi cũng có trang bị đủ hiểu biết và khả năng thao tác sử dụng công cụ để bảo vệ. Tất nhiên, bây giờ việc vi phạm bản quyền nội dung của VTV khá là tràn lan nên chủ yếu là đi “đuổi sau”, sẽ phải nỗ lực và không thể triệt để được”, ông Nguyễn Minh Dũng nói thêm.

    Bảo vệ bản quyền truyền hình vẫn đang là bài toán khó?

    Theo Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, bản quyền đối với chương trình truyền hình là một khía cạnh quan trọng trong quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo rằng, người tạo ra các chương trình có quyền kiểm soát việc sử dụng, phân phối, và khai thác kinh tế từ tác phẩm của mình.

    Tại Việt Nam, bản quyền chương trình truyền hình được bảo vệ bởi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019).

    Theo đó, các chương trình truyền hình được coi là tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm ghi âm, ghi hình. Quyền tác giả và các quyền liên quan bao gồm: Quyền nhân thân và Quyền tài sản.

    Với Quyền nhân thân, tác giả hoặc tổ chức sản xuất chương trình có quyền được ghi tên, bút danh trên chương trình truyền hình, quyền công bố chương trình, và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của chương trình.

    Quyền tài sản bao gồm quyền sao chép, quyền phân phối, quyền truyền đạt chương trình tới công chúng và các quyền khai thác kinh tế khác. Tổ chức hoặc cá nhân sở hữu bản quyền có quyền cấp phép hoặc ngăn chặn việc sử dụng trái phép chương trình truyền hình.

    Các chương trình truyền hình khi được phát sóng, đặc biệt là trên các nền tảng số, sẽ được bảo vệ bản quyền nếu được đăng ký với Cục Bản quyền tác giả Việt Nam. Điều này đảm bảo rằng mọi hành vi sao chép hoặc sử dụng không được phép sẽ bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

    Cách đây mấy năm, chương trình Giọng hát Việt (The Voice) đã đăng ký bản quyền với Cục Bản quyền tác giả nhưng trong quá trình phát sóng, một số cá nhân và tổ chức đã sao chép và phát lại các tập của chương trình này trên các nền tảng trực tuyến mà không có sự cho phép của nhà sản xuất.

    Sau khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, nhà sản xuất chương trình đã khởi kiện và yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Kết quả, các trang web phát sóng trái phép chương trình đã bị buộc gỡ bỏ nội dung và nhà sản xuất chương trình được bồi thường một khoản tài chính đáng kể.

    Ông Đỗ Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, những nền tảng mạng xã hội có thuật toán, công nghệ giúp đơn vị nắm bản quyền nội dung bảo vệ nội dung của mình nhưng lại gây ra những chính sách nhũng nhiễu, chậm giải quyết khiếu nại, hoặc không đồng hành giải quyết ngay những khiếu nại của các đơn vị cung cấp nội dung.

    Đó cũng là cách để các đơn vị vi phạm bản quyền cảm thấy mình vẫn có cơ hội tiếp tục thực hiện việc đó. Nếu các nền tảng mạng xã hội nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn trong chính sách của mình, thậm chí có ý thức đồng hành với các đơn vị sản xuất nội dung và VTV thì tình trạng vi phạm bản quyền mới được giải quyết.

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)