Đạo diễn Lê Thế Song: Làm đạo diễn Lễ hội như “người ba đầu sáu tay”

Last updated: February 5, 2025 at 22:24 pm - Lượt Views: 2 views

  • Đạo diễn Lê Thế Song: Làm đạo diễn Lễ hội như “người ba đầu sáu tay”
  • Người “cầm đầu” vụ xịt hơi cay, lột quần áo một phụ nữ trong đêm bị khởi tố
  • Bắt người đàn ông quốc tịch Iran 'ảo thuật' lấy 20 triệu đồng của nữ nhân viên cửa hàng

  • Đạo diễn, nhà biên kịch Lê Thế Song không chỉ nổi tiếng với “gia tài” hơn 50 kịch bản sân khấu kịch hát dân tộc được dàn dựng tại nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống của cả nước, một số tác phẩm đã đoạt giải thưởng cao tại các kỳ Liên hoan, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp mà còn được giới trong nghề gọi là “đạo diễn mát tay của các lễ hội”. Anh đã viết hơn 100 kịch bản lễ hội và chương trình ca nhạc, 20 ca khúc cho các chương trình lễ hội.

    Các lễ hội lớn như: Lễ hội hoa Đà Lạt 2023; Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột năm 2023; Chương trình Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo 2021; Lễ hội Hoa đào xứ Lạng 2022; Lễ hội Đền Mẫu Đông Cuông; Lễ hội Đền Hùng; Lễ hội Bình Đà (Thanh Oai); Chương trình Bài ca đi cùng năm tháng 2022… do Lê Thế Song làm Tổng đạo diễn hoặc tác giả kịch bản đều để lại nhiều dấu ấn và thành công vang dội.

    Nhân mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Lê Thế Song!

    Đạo diễn Lê Thế Song: "Mỗi lần làm đạo diễn Lễ hội như một lần cách mạng về tư duy" - Ảnh 1.

    Đạo diễn Lê Thế Song vừa đóng vai trò tác giả kịch bản, vừa với vai trò tổng đạo diễn trong một chương trình lễ hội. Ảnh: NVCC

    Từ trước đến nay, trong các lễ hội hoặc chương trình nghệ thuật, người viết kịch bản và người đạo diễn thường là hai thành phần sáng tạo khác nhau. Tuy nhiên, trong rất nhiều lễ hội gần đây, anh thường vừa viết kịch bản, vừa kiêm luôn vai trò đạo diễn?

    – Vợ chồng tôi đều tốt nghiệp Cao học khoa Kịch hát dân tộc của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Cả hai yêu say đắm kịch hát dân tộc nên có một thời gian dài làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ. Nhiệm vụ của chúng tôi là về các vùng quê, tìm kiếm các nhân tố tài năng, đào tạo họ thành những nòng cốt văn nghệ để phục vụ chính cộng đồng mình.

    Từ công việc này, tôi có cơ hội biết thêm nhiều câu ca, điệu hát, tích trò ở nhiều vùng quê trên cả nước, có thêm nhiều trải nghiệm và tiếp cận sâu hơn vốn di sản văn hóa quý của ông cha. Từ đó làm dày thêm vốn kiến thức của bản thân về văn hóa truyền thống dân tộc và đưa vào các chương trình.

    Thời gian đầu, tôi chủ yếu viết kịch bản sân khấu cho một số đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, thú thật là viết kịch bản dù sáng tạo tới cỡ nào thì tư duy cũng chỉ bó hẹp trên trang viết, mọi sáng tạo đều phụ thuộc vào quyền của đạo diễn, tác giả chỉ dám đưa ra ý tưởng là chữ in nghiêng trong kịch bản của mình. Đó là lý do mà có rất nhiều tác giả luôn trăn trở, băn khoăn về “đứa con tinh thần của mình” khi dàn dựng trên sân khấu lại rất khác với sự mong đợi của họ.

    Tôi quyết định chuyển sang làm tổng đạo diễn các chương trình lễ hội là vì thấy đây là mảnh đất vô cùng thú vị. Ở lĩnh vực này, người tổng đạo diễn phát huy được nhiều sở trường của một người biên kịch, được thỏa sức sáng tạo với những ý tưởng riêng của mình.

    Tổng đạo diễn sẽ được thực hiện tư duy thiết kế sân khấu, kịch bản âm nhạc, kịch bản MC, kịch bản âm thanh, kịch bản ánh sáng, kịch bản lời bình nghệ thuật, kịch bản múa, kịch bản hình ảnh visual art. Lên ý tưởng cho tất cả các hạng mục và tiến hành tổ chức sản xuất, tổ chức dàn dựng các trình thức biểu diễn trên sân khấu.

    Khi làm biên kịch chuyển qua làm đạo diễn sẽ gặp rất thuận lợi vì dễ dàng tìm ra chìa khóa cho một chương trình có cao trào, có điểm nhấn, có sự lên xuống của tiết tấu, lúc nhanh, lúc chậm. Tóm lại là có được đường dây kịch bản chặt chẽ, mặc dù anh chuyển chương trình nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự liền mạch của chương trình, không bị rời rạc.

    Đạo diễn Lê Thế Song: "Mỗi lần làm đạo diễn Lễ hội như một lần cách mạng về tư duy" - Ảnh 2.

    Đạo diễn Lê Thế Song trao đổi kịch bản dẫn với MC Thụy Vân và Thế Cương trong một chương trình. Ảnh: NVCC

    Khó khăn lớn nhất của anh khi làm đạo diễn cho các lễ hội lớn là gì?

    – Đạo diễn là công việc rất khó, đòi hỏi phải có bề dày và năng lực thực tế về âm nhạc, hội họa, thiết kế sân khấu, thiết kế hình ảnh, về tư duy ánh sáng, hiệu ứng, công nghệ, tư duy văn học cho kịch bản và tư duy mỹ học và thi pháp cho phần lời bình và mạch dẫn của MC.

    Ngày nay, khán giả có trình độ thẩm mỹ rất cao và nhịp sống mới đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sáng tạo của tác giả, đạo diễn và ê-kíp sáng tạo. Người viết kịch bản cần tìm tòi, sáng tạo những cách viết mới, tiết tấu nhanh, ý đồ sắc nét, nội dung bám sát vào thực tiễn cuộc sống hay nói cách khác là hơi thở thời đại.

    Người đạo diễn cũng phải biết kết nối các hạng mục trong tổng thể một chương trình để vận hành chúng một cách nhuần nhuyễn, đầy đặn. Đặc biệt, đạo diễn phải làm sao đáp ứng được yêu cầu hoặc đầu bài mà phía đơn vị tổ chức đặt ra. Người ta muốn gì, cần gì… đạo diễn phải thực hiện tốt và giữ được uy tín trong nghề. Nói chung là làm đạo diễn lễ hội như “người ba đầu sáu tay” và đi trên dây vậy.

    Giữa đạo diễn lễ hội và đạo diễn sân khấu, công việc nào khiến anh “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhiều hơn?

    – Người đạo diễn lễ hội cũng giống như đạo diễn sân khấu, mỗi chương trình phải tìm ra một chìa khoá. Ví dụ, chương trình này mang tính chính luận, chương trình này thiên về giải trí, chương trình này mang tính trao truyền bản sắc văn hóa… Mỗi chương trình phải tìm ra một chìa khóa và không được giống nhau, mặc dù về mặt hình thức thể hiện lễ hội giống nhau, nhưng phải tư duy khác biệt.

    Muốn thành công và để lại được dấu ấn, đạo diễn lễ hội phải có những sáng tạo mới mẻ và không được lặp lại chính mình. Trong đạo diễn lễ hội, việc tạo ra được một sân khấu ấn tượng và phù hợp với chủ đề như là một cuộc cách mạng về tư duy vậy. Phải có những ý tưởng đột phá trong thời gian rất nhanh, phải làm sao kết nối được phần thiết kế với hiệu ứng, tạo nên sự bất ngờ cho khán giả nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, giá trị tinh thần về mặt chủ đề tư tưởng.

    Đạo diễn Lê Thế Song: "Mỗi lần làm đạo diễn Lễ hội như một lần cách mạng về tư duy" - Ảnh 3.

    Đạo diễn Lê Thế Song và vợ là Thạc sĩ Kịch hát dân tộc Xuân Hồng. Ảnh: NVCC

    Về vấn đề âm nhạc của lễ hội đòi hỏi đạo diễn phải có thẩm mỹ âm nhạc rất tốt vì âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong chương trình lễ hội. Ngoài ra, đạo diễn lễ hội phải hiểu khá tốt về mặt hình ảnh vì đạo diễn phải hiểu được thiết kế hình ảnh của họa sĩ làm các khung hình visual art, làm các khung hình liên quan tới đồ họa. Hiểu về hòa sắc, bối cảnh câu chuyện, tông chủ đạo của chương trình để làm việc mới họa sĩ, tìm ra chất liệu riêng của chương trình. Tông màu của chương trình mang tính huyền thoại, sử thi khác với tông màu mang đấu tranh cách mạng và thời kì đổi mới.

    Rồi đạo diễn lễ hội cũng phải am hiểu về văn học để viết lời bình vừa sâu sắc, vừa ý nghĩa, vừa dễ nghe, có tính thi pháp cao. Lời bình dùng những từ ngữ chân thật nhưng phải đạt được mỹ cảm và mang đến cảm xúc cho khán giả. Tôi có một thuận lợi là từng làm tác giả kịch hát dân tộc nên có chiều sâu về văn học, tư về thơ tràn ngập trong đầu mình.

    Trong mùa lễ hội năm nay, đạo diễn Lê Thế Song sẽ “cầm trịch” những lễ hội lớn nào?

    – Năm nay, tôi được mời viết kịch bản và đạo diễn Lễ hội Đền Trần Thái Bình. Chương trình lễ hội sẽ có quy mô khoảng 500 diễn viên với chủ đề nổi bật “Vùng đất phát tích Vương triều Trần và vùng đất Mẫu, Thánh và Phật”.

    Với bài toán này, tôi sẽ tập trung làm nổi bật lịch sử và văn hóa của vùng đất này – vùng đất đã để lại cho đất nước một vương triều hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử và đóng góp cho Phật giáo Việt Nam dòng thiền rực rỡ ánh hào quang.

    Ở phần âm nhạc, tôi sẽ đưa hát Xẩm vào chương trình trên nền nhạc điện tử, đồng thời sẽ mời NSND Tự Long hát văn trong chương trình với một bản phối khí hoàn toàn mới lạ và bắt tai.

    Tôi còn rất nhiều những dự định để làm mới các lễ hội cho phù hợp với tầm vóc riêng của từng chương trình. Có thể tôi sẽ dàn dựng chương trình theo hình thức bán thực cảnh, trên sân khấu có thể có thác nước và diễn viên múa trên thác nước ấy.

    Cảm ơn đạo diễn Lê Thế Song đã chia sẻ!

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)