Đọc sách cùng bạn: Viết ra từ trí nhớ

Last updated: September 16, 2023 at 16:34 pm - Lượt Views: 19 views

  • NSND Minh Hằng đóng vợ Quang Tèo trong hài Tết lấy cảm hứng từ nhân vật “thằng Bờm”
  • Công an giải cứu thành công cô gái bị bắt cóc ở Vĩnh Long
  • Cảnh sát 113 tại Lâm Đồng bắt đối tượng trộm xe máy trên đường sau 30 phút

  • Đọc sách cùng bạn: Viết ra từ trí nhớ - Ảnh 1.

    Cuốn sách “Đoạn đời niên thiếu” của tác giả Phan Thuý Hà. (Ảnh: ST)

    Cái tên Phan Thuý Hà giờ đây chắc đã quen thuộc với bạn nếu bạn là người đọc sách và có quan tâm đến sách. Chị là một tác giả thời gian qua gây được chú ý mạnh của những người đọc sách muốn biết sự thật của lịch sử đất nước. Sách Phan Thuý Hà viết là những cuốn sách phi hư cấu, dựa trên lời kể của những người thật đã kinh qua những sự kiện thật. Chị viết về chiến tranh từ lời kể của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến (Đừng kể tên tôi; Tôi là con gái của cha tôi; Những trích đoạn của các anh). Chị viết về cuộc cải cách ruộng đất từ lời kể của con cái trong những gia đình bị xử lý oan sai phải chịu những đau thương mất mát nặng nề (Gia đình). Lối viết của Phan Thuý Hà là để nhân vật tự nói, tác giả chỉ làm người nghe kể và ghi lại, không bình luận, nhận xét, để người đọc tự mình tiếp xúc với câu chuyện.

    ĐOẠN ĐỜI NIÊN THIẾU

    Tác giả: Phan Thuý Hà

    Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023

    Số trang: 250 (khổ 13,5×20,5cm)

    Số lượng: 2000

    Giá bán: 130.000đ

    Cuốn sách Đoạn đời niên thiếu tiếp tục mạch viết của cuốn Gia đình. Nhưng như tên gọi, cuốn này là lời những người con trong các gia đình bị quy sai thời cải cách ruộng đất kể về thời tuổi nhỏ của mình đã phải vật lộn ra sao để sống sót, để có thể được đi học và để thành người về sau. Các nhân vật kể chuyện trong sách là người ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Họ đã không có được tuổi mới lớn của mình như lẽ ra được có. Đoạn đời niên thiếu của họ là những tháng năm đầu đời vất vả, gian truân, tuổi còn nhỏ nhưng đã phải chứng kiến bao thảm cảnh của gia đình, chòm xóm, làng mạc, quê hương, để mãi mang trong mình suốt đời nỗi đau và vết thương âm ỉ nhức nhối. Bây giờ đã là những ông bà già ở tuổi U90, U80 họ nhớ lại đoạn đời đó chia sẻ với nhau, chia sẻ với hậu thế, thông qua một người cầm bút như là “người được chọn”, để mong lịch sử không bị lãng quên và không bị lặp lại.

    Một tờ giấy đi đường: “Chị dâu khuyên tôi ra Hà Nội học tiếp. Chị nhờ ông phó chủ tịch xã cấp giấy đi đường. Ông phó chủ tịch xã vì cấp giấy cho tôi mà bị mất chức.” (tr. 19)

    Một tấm biển: “Tấm biển “Địa chủ” dựng trước sân. Tôi hất đi thì hôm sau thằng bạn học cùng trường đến dựng lên. Trước đây nó cùng đội thiếu niên, tôi liên đội trưởng, nó liên đội phó.” (tr. 49)

    Một bài tập làm văn: “Bạn Bính cũng viết về cái năm đau khổ nhất. Bài của bạn Bính được thầy Trị khen quá, nổi quá, thành to chuyện. Một bạn trong lớp mượn bài văn đưa về nhà, cha của bạn là cán bộ Ty Giáo dục đọc được, đã thưa thốt lên trên. Ngày thứ hai tuần sau, đang dạy văn cấp ba ở Thị Xã thầy trị bị điều động đi dạy văn cấp hai Hương Sơn. Từ năm đó trở đi, không thầy giáo nào dám chấm điểm cao những bài văn viết trải lòng thật sự như thế.” (tr. 53)

    Một người thầy: “Lên cấp hai, chúng tôi là học trò cưng của thầy hiệu trưởng Nguỵ Cao Hiền. Thầy Hiền dạy môn văn, sử. Thầy thông thạo tiếng Pháp. Anh, Latin, Hán, làm được thơ bằng mấy ngôn ngữ đó. Thầy nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã. (tr. 117), “Khi chúng tôi bước vào giảng đường đại học, thì ở quê nhà thầy Nguỵ Cao Hiền bị bắt giam. Vào dịp ấy vợ thầy sinh con và mất. Thầy chỉ xin hoãn bắn một tháng để xin sữa cho con, nhưng không được.” (tr. 120-121), “Những người trong Hội Tư Văn còn lại sau năm 1956 được mời ra trung ương làm việc. Cha chúng tôi và thầy Nguỵ Cao Hiền không còn cơ hội đó. Suốt cuộc đời chúng tôi mang một nỗi đau và ân hận không làm sao giải toả được.” (tr. 122)

    Một người cha: “Khẩu hiệu trong đầu tôi: Phải khôi phục hình ảnh cha tôi, lấy lại danh dự cho cha tôi. Toàn bộ ý nghĩ tập trung vào cha tôi. Bằng con đường học vấn không được, vậy, chỉ bằng ý chí vươn lên làm ăn. Trước tiên là để không bị chết đói. Tôi đã làm được, nhưng chưa bao giờ vui vì điều đó.” (tr. 245)

    Trong ký ức của những con người này không chỉ có khổ đau, tủi nhục, mà còn có những ấm áp tình người trong cơn hoạn nạn. Như một ông cán bộ tỉnh khi đọc bức thư của người yêu con gái mình gửi nói rõ hoàn cảnh lý lịch gia đình đã họp cả nhà lại khẳng định đây là một người tốt, con gái gặp được người như vậy là rất yên tâm, và chính ông đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người (tr. 53). Hay như một anh làm nghề ăn trộm được giao canh giữ một “địa chủ”, nhưng ngày chỉ giả vờ quát tháo gác xách, còn đêm lại nấu cơm mời “phạm nhân” ăn ân cần (tr. 77). Từ trong nghịch cảnh đó, những đứa con trong các gia đình bị oan sai trong cải cách ruộng đất đã tìm mọi cách sống để vượt lên và trưởng thành.

    Đọc các sách của Phan Thuý Hà viết về những sự thật của lịch sử không nhẹ nhàng và không dễ dàng chút nào. Chúng như là những viên thuốc đắng. Đắng đấy nhưng cần uống để chữa bệnh. Bệnh gì? Bệnh thờ ơ, bàng quan với quá khứ, với lịch sử. Bệnh dễ dãi, vô cảm với hiện tại. Từ đó dẫn đến cái bệnh nặng nhất: mất trí nhớ. Những sai lầm của lịch sử là những cái giá, có khi rất đắt, con người phải nhớ và phải trả để không lặp lại, không tái diễn. Phan Thuý Hà chính đã bắt đầu những trang viết của mình từ nỗi sợ mất trí nhớ đó.

    Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

    Hà Nội, 16/9/2023

    Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)