Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất

Last updated: July 8, 2023 at 8:36 am - Lượt Views: 26 views

  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt
  • Trước ngày tuyên án cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các bị cáo: Những điểm đáng chú ý trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

  • Riêng tôi, thuở còn thơ, tôi đã từng ở nhà tranh vách đất, nên có nhiều cảm xúc khi nói về mái nhà tranh đã gắn bó với gia đình tôi trong không gian của làng quê xứ Quảng từ bao đời.

    “Xanh ngát Đồng Xanh, vàng khè Đồng Nghệ”

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 1.

    Một phụ nữ đánh tranh. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Lúc bấy giờ, nhà ở trong làng, hầu hết là nhà tranh vách đất hay vách thưng bằng phên tre, mái nhà lợp bằng lá tranh săn (cỏ tranh) để phân biệt với tranh rạ (thân cây lúa). Cỏ tranh là loại cây sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Cây mọc hoang dại, phân bố rộng rãi khắp nơi trong nước. Tranh săn thường mọc ở những nơi đất cao ngoài đồng, bờ mương, bờ sông, đồi núi, có khi mọc ở thảo nguyên thành những mảng cỏ tranh lớn.

    Lúc sinh thời, ông tôi cho hay, ở các trảng tranh khu vực Đồng Xanh – Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cứ vào mùa xuân, lá tranh xanh mơn mởn là cả cánh đồng bạt ngàn có màu xanh. Sang mùa hạ, dưới ánh nắng gay gắt, lá tranh già ngả qua thành màu vàng, cả cánh đồng trở nên màu vàng “như nghệ”. Tuy có hai tên khác nhau nhưng cũng cùng một con đất nên có nhiều người đặt câu ca để nói về địa danh này: “Xanh ngát Đồng Xanh, vàng khè Đồng Nghệ”.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 2.

    Những tấm tranh tươi. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Điều khá thú vị là khi thảm tranh có màu xanh non có mùi hương tỏa ra thoang thoảng như hương lúa làm đòng hòa quyện với lá cây rừng, còn khi thảm trang mà vàng thì tỏa mùi thơm thoang thoảng mùi rơm rạ phơi khô nhưng nồng nàn hơn bởi các loại cây bụi có tinh dầu như dủ dẻ, gai quýt… “bốc hơi” dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời.

    “Sướng như ăn giỗ, khổ như đi tranh”

    Ông tôi cũng cho hay, trước những năm chưa xây đập nước, tuy là cánh đồng tranh mông mênh, nhưng những rẫy tranh này đều có chủ sở hữu. Mùa hè nắng to, người có nhu cầu mua tranh về lợp nhà lên đây thương lượng với người có tranh để mua. Thông thường, giá cả cũng phải chăng, phù hợp. Và cứ vậy, sau khi đặt cọc tiền mua tranh, người mua về địa phương mình kêu người, nhắm lúc nắng to mang cơm, nước, liềm, đòn xóc, lạt buộc… lên rẫy cắt đến đâu  phơi đến đó.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 3.

    Phụ nữ cao tuổi giới thiệu tấm tranh vừa đánh xong. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Sau một tuần vật lộn với nắng gió, rát ngứa, tranh phơi đã khô đều có màu vàng óng ánh và thơm mùi cỏ khô. Sau đó, tranh được rũ sạch và bó lại gánh về nhà. Công đoạn đi cắt tranh mang về rất vất vả nên người xưa cho rằng: “Sướng như ăn giỗ, khổ như đi tranh” bởi đi tranh còn cực hơn đi củi. Mà “đi tranh” không phải là ít, có khi muốn lợp một căn nhà tranh phải cần mấy chục gánh tranh từ trên núi gánh về đồng bằng đâu phải là “chuyện dễ”. Những lúc cần lợp khẩn cấp, người dân quê có thể đánh tranh lúc nguyên liệu còn tươi, như vậy độ bền rất thấp.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 4.

    Một số nhà mái tranh ở Khu du lịch sinh thái Vinahouse (Điện Bàn – Quảng Nam). Ảnh: Tác giả cung cấp

    Để làm một ngôi nhà tranh vách đất, nguyên liệu chính cho các cột, kèo, đòn tay, rui mè, hom tranh… đều dùng bằng cây tre. Thời thơ ấu, thi thoảng theo ông tôi ra xem tát mương ngâm tre, vớt tre và bắt cá rất là thú vị. Theo đó, khoảng tháng Giêng trời nắng ấm, ông tôi rủ thêm mấy người lục đục tát mương cho cạn để mang tre tươi xuống mương ngâm. Sau khi bắt hết cá trong mương, tre thân cho xuống lớp dưới, tre gốc cho lên lớp trên, sau đó đóng các cọc bằng tre gốc nhỏ và cột (buộc) “khối tre” lại với nhau bằng dây kẽm để khi cho nước vào lại, tất cả khối tre chìm trong nước là đạt yêu cầu.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 5.

    Thiếu nữ khoe tấm tranh vừa đánh xong. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tùy theo công việc, nhu cầu, tre có thể ngâm từ 6 tháng đến một năm để chống mối, mọt nên tuổi thọ bền hơn. Cho nên tuổi thơ tôi đã nhiều lần ngửi mùi thum thủm của tre ngâm mà mãi đến bây giờ mái tóc tôi đã lên màu sương khói nhưng chẳng thể nào quên cái mùi “hương quê” ấy. Song, đối với một số người, mùi đó rất khó ngửi, nhưng với tôi đã ngửi quen nên trở thành “mùi nhớ” của tuổi thơ tôi.

    Để lợp được mái nhà bằng tranh săn, ông tôi và một vài người bạn lần lượt đánh (bện) từng tấm tranh. Trước khi đi cắt tranh khoảng hơn 6 tháng, ông tôi đã chặt tre, chẻ hom ngâm trong bùn khá lâu cho “hom chín” nhằm chống mối mọt, tăng độ bền cho mái nhà tranh. Ngày ấy, ở quê đa phần ai cũng biết đánh tranh do lớp người đi trước truyền lại.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 6.

    Cánh đồng tranh ngày đó nay đã ở dưới lòng hồ của công trình thủy lợi lớn mà ngày xưa có tên là Đồng Xanh – Đồng Nghệ và ngày nay có tên Hồ Đồng Xanh- Đồng Nghệ. Ảnh: Tác giả cung cấp

    “Đàn ông lợp nhà, đàn bà đi chợ”

    Tuy nhiên, ít có những “nghệ nhân” vừa đánh tranh nhanh vừa  cho ra những tấm tranh đẹp, bền, chắc nên thường được “gia chủ” mời đánh tranh  và tiếp đón chu đáo. Tùy theo nhu cầu của chủ nhà, tranh được đánh 2 hom, 3 hom hay 4 hom. Tranh săn loại tốt mà đánh 4 hom rất dày nên có thể lợp mái nhà được gần 15 năm mới thay lại tranh mới. Thông thường, nhà lợp bằng tranh cứ khoảng 10 năm phải thay mái tranh một lần

    Ông tôi cũng là một “chuyên gia” đánh tranh có tiếng từ thời trai trẻ cho hay, đánh tranh không chỉ rành kỹ thuật mà còn phải có con mắt mỹ thuật nữa. Mỗi khi “đánh” tranh phải dùng bàn tay trái giữ tranh (đã mở dây buộc) và dùng hai ngón cái và trỏ của bàn tay mặt nắm nhúm gốc tranh để lấy tranh mà đánh. Kỹ thuật là sao cho các nắm tranh đều đặn “mười cái như chục”.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 7.

    Một số phụ nữ ở nông thôn biết đánh tranh. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Nếu khi đánh tranh mà các vắt tranh cái lớn, cái nhỏ sau khi đánh tranh xong, tấm tranh khi lợp lên mái nhà sẽ dễ bị thấm nước mưa và đứng trong nhà nhìn lên  mái sẽ không được đẹp. Ngày trước, rất hiếm có thợ đánh tranh lợp nhà chuyên nghiệp, cho nên ai có “bàn tay vàng” đánh tranh đều, bền và đẹp sẽ được chủ nhà khoản đãi hậu hĩnh. Dân gian có câu “đàn ông lợp nhà, đàn bà đi chợ”, nghĩa là đàn ông khi lợp nhà sẽ được ăn uống no say, đầy đủ; đàn bà đi chợ thì làm chi cũng “xà xẻo” ít nhiều tiền chợ để ăn vặt…

    Tôi còn nhớ như in, vào thời thơ ấu, cứ mỗi lần ông tôi và mấy người trong xóm ngồi đánh tranh trước sân, vừa trò chuyện. Sau khi đánh xong từng tấm tranh, họ dùng bó hom tranh làm “cái lược” chải tấm tranh từ gốc đến ngọn cho “mượt mà”. Cuối cùng là lấy hai bàn tay nắm lấy hai bên tấm tranh thổ gốc tranh xuống mặt đất nhiều lần cho đầu tranh được bằng phẳng, đều và mang xếp vào đống cất. Lũ trẻ chúng tôi tranh thủ lấy những lá tranh ngắn đã bỏ đi để “đánh” thành nhưng tấm tranh “bé tí” lợp trên “mái nhà nhỏ” mà chúng tôi vừa mới dựng ở góc vườn, trong trò chơi “lợp quán”, để “bán hàng”, thật thích không tả nổi. Và mỗi lần như thế, mùi hương tranh khô mãi theo tôi trong chuỗi ngày thơ ấu.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 8.

    Tre ngâm ở đầu làng tôi có mùi thum thủm. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Nhớ mùa nhà tranh vách đất

    Lúc đó, nhà tôi được ông tôi thiết kế 3 gian 2 chái. Gian giữa đặt bàn thờ để thờ tự ông bà, trước bàn thờ có đặt bộ bàn ghế tiếp khách, 2 gian còn lại làm buồng và nơi để ngủ; còn nhà bếp và nơi ăn cơm được bố trí ở nhà dưới hay chái dưới. Còn chái trên và chái sau để nông ngư cụ, cối xay lúa, cối giã gạo… Cột của ngôi nhà tranh có thể làm bằng tre già hay gỗ tốt như ròng của cây muồng, cây mít, cây trai… Toàn bộ “giàn tre” như cột kèo, đòn tay, đòn đông, rui, mè, con sẻ đều bằng tre ngâm “cho chín” để chống mối mọt. Đầu cột kèo có đục lỗ để đóng “con sẻ” qua, nơi tiếp giáp đòn tay, đòn đông, kèo… người ta dùng dây mây vót mỏng để buộc lại với nhau rất bền và chắc.

    Kể chuyện làng: Nhớ mùi nhà tranh vách đất - Ảnh 9.

    Tranh săn mới cắt về có mùi thơm thoang thoảng. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Đi cùng với mái nhà tranh, vách nhà được làm bằng đất nhằm che chắn gió mưa. Cốt (bộ xương) của vách đất là những thân cây nhỏ chặt từ rừng được  buộc (cột) ngang, dọc lại với nhau bằng lạt tre và dùng đất sét nhào kỹ với rơm khô để trét lên hai bên cốt tạo thành vách đất che chở gió mưa… Ở khu vực đồng bằng, cư dân thường dùng tre chẻ ra làm cốt cũng rất bền. Nhà ông tôi lúc đó có thưng bằng những tấm phên tre có trét phân trâu khô. Nhà mới dựng, ban đêm nằm nghe mùi bùn thum thủm của tre ngâm hòa quyện với mùi thoang thoảng của phân trâu khô và mùi nồng nàn của mái lợp bằng lá tranh khô mà  khứu giác tôi “tổng hợp” lại, đó là mùi quê hương làm tôi nhớ mãi không quên.

    Bây giờ ở làng tôi, nhà xây, nhà tầng mọc lên như nấm, mái nhà tranh cũng không còn bóng dáng trong sự lãng quên của người đời và các nghệ nhân đánh tranh đã về bên kia thế giới, trong đó có ông của tôi. Cánh đồng tranh ngày đó nay đã ở dưới lòng hồ của công trình thủy lợi lớn mà ngày xưa có tên là Đồng Xanh – Đồng Nghệ và ngày nay có tên  Hồ Đồng Xanh – Đồng Nghệ.

    Ngày nay, khi về làng, cứ thấy ai đang đánh tranh săn ven đường đang tỏa mùi “hương tranh” thoang thoảng, lòng tôi lại bồi hồi khó tả, nhớ thương về mái tranh nghèo xứ Quảng ngày ấy mà ông tôi tạo dựng và nhớ mãi mỗi đêm mưa, nghe những giọt mưa êm êm rơi nhè nhẹ trên mái tranh nghèo mà nghe lòng buồn man mát. Tôi nhớ lại mấy câu ru hời của  mẹ ru em tôi  ngủ: “Chiều chiều con quạ lợp nhà, con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh…”, nghe sao mà thương cảm, não nùng, da diết quá.

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.

     

     

    Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)