Chúc mừng chị vừa ra mắt MV “Cõng mẹ về Trời” – một sản phẩm âm nhạc rất ý nghĩa trong mùa Vu Lan. Từ trước đến nay, các nhà thơ khi viết về mẹ cha đã khuất đều mênh mang một niềm bi ai lớn. Nỗi nhớ thương – thương nhớ của người con trải dài hết cung bậc cảm xúc của tác phẩm. Nhưng với “Cõng mẹ đi chơi” của nhà thơ Khánh Dương, sự bi ai đó được biến đổi thành một niềm lạc quan pha lẫn chút hóm hỉnh. Phải chăng chị còn cha mẹ, lại vốn là người hóm hỉnh nên đã dễ đồng điệu với bài thơ?
– Tôi là người lạc quan nên thích giao du với người có nhiều năng lượng tích cực. Đời vô thường lắm nên hãy an nhiên từng giây phút và tu dưỡng để sống đúng như vậy. Thế nên gặp bài thơ “Cõng mẹ đi chơi”, tôi như gặp được bạn đồng hành. Có lẽ tâm hồn của tôi với nhà thơ Khánh Dương có duyên tương ngộ ở thời khắc ấy nên ca khúc “Cõng mẹ về Trời” ra đời.
Bài thơ như tiếp cho tôi thêm sự giác ngộ về quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của đời người. Thế nên, thăng hoa “lên trời đi chơi” cùng tác giả một chuyến cũng là điều nên mạo hiểm (cười). Thật may mắn cho tôi được gặp bài thơ khi còn cha mẹ. Nó sẽ là khúc tiêu dao cùng tôi trong thời khắc cuối cùng bên đấng sinh thành sau này.
Sử dụng chất liệu ca trù để phổ nhạc cho một bài thơ bình thường vốn đã khó, phổ nhạc cho một bài thơ có tứ lạ như bài “Cõng mẹ đi chơi” lại càng khó hơn bởi nếu không khéo thì dễ biến thành minh họa bài thơ trên nền nhạc ca trù. Chị có nghĩ là đã tự làm khó mình theo một cách không giống ai khi phổ nhạc bài thơ theo phong cách âm nhạc đó?
– Khi bắt gặp cảm xúc đến thăng hoa thì khó giải thích vì sao lại thế. Tôi chỉ biết là tôi đã phiêu và ghim tứ thơ trong não cho đến khi viết được ra thôi. Giống như bị thôi miên, tứ thơ và cảnh giới Đào Nguyên cứ lởn vởn mà “chưa đi một chuyến” nhất định không “hạ phàm” ấy. “Cõng mẹ đi chơi” sẽ khiến người ta hiểu có thể chơi đầu làng ngõ xóm, ở phố phường hay bất cứ đâu khi mẹ còn sống. Còn “Cõng mẹ về Trời” là tới cõi vĩnh hằng. Tôi muốn khán giả gặp ca khúc với tựa đề này là an lạc từ đầu, không đau buồn sầu thảm như chúng ta thường vẫn thế.
Viết nên một bài hát và tự thể hiện bài hát đó không có gì là khó và cũng không phải chuyện hiếm trong làng nhạc. Nhưng mang nhân sinh quan của một ca sĩ để bồi đắp thêm cho bài hát những lớp ý niệm mới mới là khó. Chị đã thu âm bài hát và thực hiện MV này trong tâm thế như thế nào?
– Tôi thăng hoa ngay từ khi gặp bài thơ, viết ra ca khúc và thu thanh, đến cả lúc thực hiện ghi hình. Mọi người có thể thấy điều đó trong bản thu và ngôn ngữ hình thể của tôi trong MV. Tôi thuộc tuýp người luôn nâng niu, gìn giữ cảm xúc của mình nên khi đã có không dễ gì tôi buông được, nó sẽ mãi ngự trị và bung ra khi được khơi gợi. Với “Cõng mẹ về Trời”, ngoài ca từ đẹp được chắt lọc trong thơ, thì yếu tố liêu trai, phiêu bồng xuyên suốt tác phẩm cũng góp phần không nhỏ cho tôi thăng hoa mỗi lần chạm lại nó.
Theo quy luật của vô thường, ai rồi cũng phải đi qua “sinh, lão, bệnh, tử”. Cha mẹ của chúng ta rồi cũng sẽ già đi và không thể tránh được những biến cố về sức khỏe. Chị từng phải đối diện với nỗi sợ hãi và lo lắng khi thấy cha mình bệnh khổ như thế nào? Chị đã mang bao nhiêu phần trăm câu chuyện thật của mình vào MV này?
– Tôi đã từng có thời gian dài bị ám ảnh sau khi hai người thầy lớn là An Thuyên và Quý Dương lìa trần, tôi rất đau buồn và sợ hãi một ngày phải đối diện với cảnh từ biệt mẹ cha. Từ đó, tôi luôn dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ và đại gia đình, cố gắng để không có gì nuối tiếc muộn màng với họ.
Đời người nói ngắn thì ngắn, nói dài thì dài… do chính sự cảm nhận của chúng ta. Tôi không có khái niệm về thời gian sống mà quan tâm nhiều đến ý nghĩa từng ngày mình sống, từng việc mình làm. Câu chuyện trong MV là sự an nhiên tôi hướng cho mình trong mọi hoàn cảnh. Tôi cũng hy vọng lan toả được câu chuyện đạo hiếu tới mọi người và chúng ta sẽ cùng nhau làm nên những điều tốt đẹp cho cha mẹ và cho chính chúng ta.
Trong mắt chị, cha là người như thế nào, mẹ là người ra sao? Chị ảnh hưởng bởi ai nhiều hơn cả?
– Cha tôi nghiêm khắc và nguyên tắc vào hàng gia trưởng bậc nhất người Việt. Từ bé, chúng tôi đã được rèn luyện như quân đội, giờ nào việc nấy. Từ thức giấc, vệ sinh, ăn học cho đến mọi việc vườn tược, đồng áng chia đều cho cả 5 anh em. Trong nhà roi to roi bé các cỡ cứ dắt đầy phên mái nhà tranh nên không ai dám trái ý cha cả. Tôi bướng nên hay bị ăn đòn, thường xuyên chạy loanh quanh vườn rồi trèo cây ngủ mỗi khi vi phạm, đợi cha hết giận rồi kiếm việc tự làm là yên thân.
Mẹ thì sắc sảo và bày dạy nhiều hơn nhưng đấy là vì cha nóng tính nên mẹ phải cân bằng chứ kỳ thực bà cũng nghiêm không kém. Tôi thấy bản thân khó tính và nóng tính, nghiêm khắc bằng cả hai người cộng lại. Có lẽ là gen trội (cười). Nhưng tôi yêu cá tính của mình, nếu được lựa chọn bản tính cho kiếp sau, tôi vẫn muốn là mình của hôm nay vì nó có sự chân chất mộc mạc, giản dị nhưng kiên cường của cha mẹ.
Điều tuyệt vời chúng tôi có được là không khí gia đình luôn đầm ấm khi cùng nhau ra đồng làm việc, cùng nhau nấu những bữa cơm, cùng ngồi đọc kinh Phật hay cùng xem những bộ phim hay vở cải lương trên chiếc tivi đen trắng. Những ký ức tươi đẹp ấy luôn là bạn đồng hành trên mọi cung đường tôi đi sau này. Tôi biết ơn cha mẹ đã dành cho anh em tôi một tuổi thơ hạnh phúc.
Ca dao có câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Chị là con duy nhất trong 5 anh em vẫn chưa yên bề gia thất dù đã có gia cơ. Bố mẹ có lo lắng cho chị về điều đó và chị có thấy có lỗi vì phải để bố mẹ lo lắng?
– Tôi đã từng thấy mình bất hiếu khi không yên ổn một bến. Cha gầy còm sụt cả 7kg khi thấy tôi không hạnh phúc. Mẹ thì nói xa nói gần không biết nên thế nào là tốt cho con. Nhưng rồi thời gian qua đi, tôi trưởng thành và cuộc sống ngày càng tốt hơn, xã hội cũng quan điểm nhẹ nhàng hơn về những đổ vỡ thì ông bà cũng nhẹ nhàng và đơn giản hơn.
Nhiều năm nay tôi nói rõ ràng về quan điểm sống của mình để cha mẹ xác định. Tránh gây áp lực của cha mẹ lên con cái, bởi mỗi thế hệ và thời kỳ, hạnh phúc được xây dựng trên một nền tảng khác nhau, quan điểm cũng phải thích nghi với thực tế để sống vui đúng nghĩa. Thật may mắn cho tôi, bây giờ ông bà đã gần như không nói nhiều về việc phải lấy chồng sinh con nữa, mà chỉ cần tôi khoẻ và vui là được.
Người ta bảo, phụ nữ có thể không lấy chồng nhưng nhất thiết phải có một đứa con. Phần vì để được trọn vẹn thiên chức làm mẹ, phần vì có mầm xanh tiếp nối mình. Sau cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn, đã bao giờ chị nghĩ đến việc mình sẽ có một đứa con và sẵn sàng làm mẹ đơn thân?
– Tôi cũng như bao người phụ nữ khác, từng khao khát làm mẹ và cố gắng vì việc đó. Nhưng có lẽ chưa đủ duyên nên giai đoạn ấy của tôi qua rất nhanh. Tôi đã từng chứng kiến bạn mình ung thư và hoang mang không biết chết đi ai sẽ thờ cúng nên sinh con bằng mọi giá ở những tháng ngày đau đớn cuối đời và nó làm tôi ám ảnh. Tôi cũng nhìn rõ những mối nghiệp duyên từ con cái ở những người bạn và tự giác ngộ lẽ sống. Hơn nữa, tôi quan điểm cuộc đời này ngoài việc phải sống đúng đạo hiếu, phải sống tốt cho bản thân thì không có chữ phải nào là “phải” cả, nhất là phải sinh con. Chỉ có điều mình muốn làm và nên làm hay không thôi.
Chị luôn cho mọi người thấy mình là người mạnh mẽ, tích cực và lạc quan. Thậm chí, đôi khi còn đáo để và hóm hỉnh đúng chất “gấy Nghệ” nữa. Tuy nhiên, người phụ nữ dù có mạnh mẽ và lạc quan đến đâu thì đôi khi vẫn có những góc khuất không dễ gì nói ra. Chị có thường phải đối diện với những cảm giác đó không và phải khỏa lấp nó bằng cách nào?
– Thực tế, tôi lãng mạn nên yếu đuối nhưng sự mong manh ấy chỉ dành cho người tôi yêu thôi (cười). Có lẽ đó cũng là cá tính của hầu hết phụ nữ thẳng thắn và rõ ràng. Lạnh lùng và mạnh mẽ cũng là một nửa con người tôi, tuỳ vào hoàn cảnh và đối tượng mà bản năng sẽ tự thích ứng lựa chọn cách xử sự. Tôi muốn sống ý nghĩa từng ngày nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì năng lượng tích cực cũng phải được duy trì và lan toả cho mình và mọi người xung quanh.
MV “Cõng mẹ về Trời” lời Khánh Dương, nhạc Phạm Phương Thảo. Video: PPT.
Tôi đã ngoài 40, từ bé đã quen sống thẳng, sống thật thì chẳng có lý do gì đến tuổi này lại có điều khó nói cho nặng đầu. Hãy nghiêm khắc với bản thân và rộng lượng với mọi người thì khắc hỷ xả hết thảy mà tự tại thôi. Còn cảm giác nhàm chán hay buồn bực thì ai cũng có nhiều lúc như vậy bởi cuộc sống biết bao lo toan sao mà thong dong mãi được.
Quan trọng là cách xử lý vấn đề của chúng ta. Riêng tôi thì lúc nào thấy buồn chán vấn đề gì đó, tôi thường vo tròn nó lại trong tưởng tượng của mình, rồi tôi ngồi lên nó lăn đi lăn lại và cười nói với nó “mày chán tao chưa… chán tao thì biến đi” (cười lớn) và thế là tự buồn cười rồi hết chán lại vui như Tết.
Chị có nghĩ mình quá thông minh, quá nhạy cảm và quá mạnh mẽ nên đàn ông ngại ngỏ lời yêu, chỉ muốn làm bạn bè hoặc anh em như hai “thằng đàn ông”. Và đó cũng là lí do chị cứ “lính phòng không”, bao nhiêu năm vẫn thế?
– Ai bảo tôi bao năm phòng không thế? Tôi có nói thế bao giờ đâu? Lúc nào tôi cũng nói mình đang yêu và thực tế là vậy tại mọi người cứ không tin (cười lớn). Đàn ông đàn bà ế nhiều lắm, khao khát yêu đương cũng rất nhiều cớ sao lại tin tôi không có người ngỏ lời yêu nhỉ? Tôi chỉ khác nhiều người một điểm ở cách yêu thôi. Đấy là nếu trong lòng tôi có ai đó, tôi sẽ chỉ cần nghĩ đến họ và thấy thế cũng là đủ vui rồi.
Cảm ơn NSƯT Phạm Phương Thảo đã chia sẻ thông tin!
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet