Dự lễ khai mạc có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Hải Dương có ông Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cùng các đại biểu lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo TP Chí Linh cùng hàng vạn người dân trong và ngoài thành phố Chí Linh.
Chương trình lễ khai mạc Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 được bắt đầu bằng bài phát biểu khai mạc của ông Hoàng Quốc Thưởng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Chí Linh, Trưởng Ban Chỉ đạo Festival Chí Linh – Hải Dương 2023.
Trong bài phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Chỉ đạo Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 nhấn mạnh, Chí Linh – Hải Dương là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Từ thời Trần về trước, có tên gọi là Bàng Châu (hay Bàng Hà). Đến đầu thời Lê sơ, chính thức có danh xưng là Chí Linh cho đến ngày nay và được gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng như Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn, Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Vạn Thế Sư Biểu – Danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An, Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, Đệ Nhị và Đệ Tam Thánh tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm…Thành phố Chí Linh có hàng trăm di tích, di chỉ; trong đó có 10 di tích được xếp hạng Quốc gia, Khu di tích, danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng Quốc gia đặc biệt.
Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ – Khát vọng tỏa sáng”, Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 là Lễ hội văn hóa lớn lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Chí Linh, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật Khai mạc Festival; Tết trung thu và Diễn diễu các linh vật trên đường phố; Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Khu di tích quốc gia đền Mẫu Sinh – đền Thánh Hóa; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và triển lãm sinh vật cảnh gắn với hưởng ứng “cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các hoạt động Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023.
Trưởng Ban Chỉ đạo Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 mong muốn đưa sự kiện này trở thành hoạt động văn hóa, du lịch, tâm linh, trải nghiệm mới, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa và Quy hoạch phát triển thành phố Chí Linh đến năm 2040. Đồng thời, phối hợp với ngành Văn hoá tham mưu cho 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử – Côn Sơn, Kiếp Bạc – Vĩnh Nghiêm là Di sản văn hoá thế giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đánh giá cao và ghi nhận sáng kiến của Thành phố trong việc tổ chức Chương trình Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 nhằm từng bước xây dựng một thương hiệu văn hoá đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hoá căn cốt của dân tộc, thể hiện sức sống, sức lưu truyền, lan toả của tinh hoa văn hóa dân tộc; tạo cơ hội để kết nối di sản văn hoá từ các địa phương trong cả nước.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương tin tưởng rằng, thông qua chuỗi sự kiện trong chương trình sẽ là nền móng khởi đầu quan trọng để Thành phố Chí Linh, cũng như tỉnh Hải Dương tiếp tục có bước phát triển mới trong ngành dịch vụ du lịch. Là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch cả về chất và lượng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong các ngành kinh tế của Thành phố và tỉnh Hải Dương, góp phần hiện thực có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 17.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang đang trình UNESCO công nhận Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hoá thế giới. Chính vì vậy, Chương trình Festival này sẽ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung và Côn Sơn, Kiếp Bạc nói riêng, đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
“Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thân thiện và hiếu khách của người Hải Dương, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan Trung ương, các địa phương bạn, Du lịch Chí Linh, Du lịch tỉnh Hải Dương sẽ phát triển và định vị rõ nét hơn giá trị điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam”, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng cho hay.
Tiếp đó, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng đã đánh trống khai hội Festival Chí Linh – Hải Dương 2023.
Buổi lễ khai mạc Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 còn có màn bắn pháo hoa, biểu diễn múa lân sư rồng và trình diễn khinh khí cầu đã tạo điểm nhấn khiến các đại biểu cùng hàng vạn người dân trong và ngoài thành phố Chí Linh thêm phấn khởi.
Tiếp đó, các đại biểu và nhân dân còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “Tinh hoa hội tụ – Khát vọng toả sáng”. Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng theo kịch bản của đạo diễn Mai Thanh Tùng với sự cố vấn nghệ thuật và thể hiện lời bình của Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Chương 1 “Âm vang nguồn cội” – Chương 2 “Tinh hoa hội tụ” và Chương 3 “Khát vọng tỏa sáng”.
Gắn với mỗi chương đã nêu bật những giá trị văn hoá, lịch sử của con người, vùng đất, đồng thời thể hiện khát vọng vươn lên trong thời đại mới của người dân Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Xen với đó là những tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, hấp dẫn với các ca khúc đặc sắc, sáng tác mới về Chí Linh, Hải Dương qua sự góp mặt, thể hiện của nhiều ca sĩ sao mai: Hoàng Tùng, Minh Quân, Lê Anh Dũng, Lương Nguyệt Anh… Đồng thời còn là nơi hội ngộ, giao lưu các làn điệu hát Văn (Chí Linh), hát Then (dân tộc Tày, TP Lạng Sơn), Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu, huyện Lục Nam, Bắc Giang), quan họ (Bắc Ninh)…
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet