NSƯT Lê Đức Trung
Trong danh sách 77 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vừa được công bố có NSƯT Lê Đức Trung – một trong những nghệ sĩ gạo gội của làng sân khấu và truyền hình phía Bắc. Ở tuổi 84, ông là một trong những nghệ sĩ lớn tuổi nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt này.
Nghệ sĩ Lê Đức Trung sinh năm 1939, trước khi đến với sân khấu ông từng là một người lính. Ông có 20 năm làm việc trong quân ngũ và 5 năm hoạt động tại Trường Sơn trước khi về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ.
Với ngoại hình quắc thước, phúc hậu, ông thường được giao vai chính diện. Tên tuổi của nam nghệ sĩ gắn liền với nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ trong suốt thời gian ở Nhà hát Tuổi trẻ như: Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Sống mãi tuổi 17… Đặc biệt, nam nghệ sĩ từng 3 lần vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 3 thể loại khác nhau: Kịch nói (Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình (Bác Hồ sống mãi với vùng than).
Năm 2020, ở tuổi ngoài 80, nghệ sĩ Lê Đức Trung vẫn tham gia phim truyền hình Hướng dương ngược nắng. Sau một chặng đường cống hiến miệt mài, hiện tại ông chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình.
NSƯT Hoàng Quân Tạo
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quân Tạo sinh năm 1932 tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Ông là nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, có nhiều đóng góp lớn cho sân khấu kịch. Năm 1985, ông từng nhận Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc với các vở diễn Tôi và chúng ta, Nghĩ về mình (năm 1990); được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải thưởng với các vở diễn Hà Nội đêm trở gió (năm 1993), Lũy hoa (năm 1995)…
Nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo được coi là người góp phần đưa kịch Lưu Quang Vũ tỏa sáng trên sân khấu. Ngay khi trở thành Giám đốc của Nhà hát Kịch Hà Nội, ông đã là một trong những người đầu tiên tìm đến Lưu Quang Vũ, đặt hàng nhà viết kịch viết kịch bản.
Ngoài ra, nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo còn tham gia nhiều vai diễn trong các phim truyện điện ảnh và phim truyền hình như vai Đôn trong phim Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, thầy giáo người Kinh trong phim Rừng xà nu, Phó tổng giám đốc trong phim Chuyện tình biển xa, Thủ tướng Phạm Hùng trong phim Giải phóng Sài Gòn…
Nói về cố NSƯT Hoàng Quân Tạo, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng (nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội) từng chia sẻ: “Nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo rất nhạy bén với thời cuộc khi đề cập đến những vấn đề “nóng” của xã hội trong những vở diễn. Thời ấy, ông rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và đạo đức cho lớp nghệ sĩ trẻ chúng tôi. Đặc biệt, ông không chỉ quan tâm đến những việc lớn mà còn quan tâm đến việc “bếp núc của sân khấu”, ông luôn chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi học được từ ông điều đó và có thể nói có NSƯT Hoàng Quân Tạo thì mới có Hoàng Dũng”.
NSƯT Lê Chức
Đạo diễn, NSƯT Lê Chức (tên đầy đủ là Lê Đại Chức) sinh năm 1947 tại Hải Phòng, quê gốc ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ông từng giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như: Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam); Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Nghệ sĩ Lê Chức sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hải Phòng. Cha ông là nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh, mẹ ông là người đầu tiên thể hiện thành công hình tượng người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu kịch Hải Phòng năm 1956. Sau nhiều năm miệt mài cống hiến cho nghề nghiệp, nghệ sĩ được giới chuyên môn đánh giá là đa tài khi tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, như: diễn viên kịch nói, nhà viết kịch, đạo diễn, người làm thơ…
Trên sân khấu kịch, ông từng tham gia diễn xuất tại các tác phẩm Chiều cuối, Con cáo và Chùm nho, Biên bản một cuộc họp đảng ủy, Cửa mở hé, Tin ở hoa hồng… Ông còn đạo diễn các vở kịch Hoa Lư – Thăng Long – Bài ca rời đô và Định mệnh bất chợt. Nghệ sĩ Lê Chức cũng nổi tiếng với vai trò đọc lời bình cho các bộ phim tài liệu và chương trình nghệ thuật. Ông được mọi người đặt biệt danh là “Giọng đọc vàng”, “Giọng đọc huyền thoại trong ngành sân khấu”.
Ở tuổi 76, nghệ sĩ Lê Chức vẫn miệt mài tham gia các dự án lớn nhỏ. Ông từng khẳng định mình không sợ nghèo, chỉ sợ kém cỏi và thừa thãi.
NSƯT Vũ Thanh Tú
NSƯT Thanh Tú sinh năm 1944, là con thứ hai trong gia đình có 8 anh chị em. Cha của nữ nghệ sĩ nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Năm 9 tuổi, Thanh Tú được gửi đi học tại Trung Quốc trong chương trình dành cho con em cán bộ cấp cao. Trở về nước, NSƯT Thanh Tú học ở Trường THPT Chu Văn An, sau đó vào Đại học Kiến trúc. Đang học dở kiến trúc, nữ nghệ sĩ bỏ sang thi vào Đoàn Văn công Hà Nội.
Những vở kịch đình đám có sự góp mặt của nghệ sĩ Thanh Tú có thể kể đến như Âm mưu và tình yêu, Tania, Tiền tuyến gọi. Năm 1976, bà giành được thành công lớn với vai Nhu trong bộ phim Sao Tháng Tám của đạo diễn Trần Đắc, đây cũng là vai diễn khiến bà được khán giả biết tới một cách rộng rãi. Với vai diễn này, bà đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977, được Ủy ban phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải đặc biệt khi dự Liên hoan phim Moskva. Tên bà cùng với NSND Trà Giang được đưa vào từ điển Larousse của Pháp.
Ngoài công việc diễn xuất, bà còn là một giảng viên tham gia đào tạo các diễn viên truyền hình, phát thanh viên và MC.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet