NSƯT Phạm Phương Thảo (sinh năm 1982) là 1 trong 42 nghệ sĩ có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 10 theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11. Cô cũng được xem là ca sĩ trẻ nhất được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân khi mới chỉ chạm tuổi 41. Trước đó, năm 2016, Phương Thảo cũng là ca sĩ trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Là nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trẻ nhất trong lịch sử các đợt phong tặng. Chị thấy đó là may mắn hay là áp lực?
– Từ trước đến nay, tôi thấy mình luôn may mắn và chưa từng áp lực trong mọi việc. Có thể, dù được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi đời rất trẻ nhưng thật sự tôi không cảm thấy bị áp lực. Tôi đang rất hạnh phúc, xúc động và lâng lâng khó tả lắm. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cao quý sẽ là sự khích lệ to lớn trên chặng đường của tôi sau này.
Chị là nghệ sĩ được xét tặng vào đợt 2 của lần phong tặng danh hiệu lần thứ 10. Trước đó, Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu cho 77 nghệ sĩ không có tên chị. Lúc đó chị có nghĩ là mình sẽ không được xét tặng?
– Tôi không biết gì cho đến khi một đồng nghiệp báo tin. Lúc ấy tôi ngơ ngác khoảng 10 giây và mỉm cười hỏi lại “Thế là em trượt à?” (cười). Sau đó, tôi được biết có nhiều các anh chị nằm trong danh sách xét duyệt lại như mình thì tôi tự dặn lòng “Hãy xác định trượt đi để không phải hụt hẫng như 10 giây ấy nữa”. Và tôi đã quên luôn cảm giác đó. Tính cách tôi là thế! Nếu đã dặn lòng điều gì thì sẽ không chút lăn tăn và nhìn vào hướng khác, niềm vui khác ngay. Hơn nữa, việc tu dưỡng về đạo và đời đã giúp tôi giác ngộ mọi được mất trên đời này đều do duyên. Thuận duyên hay nghịch duyên đều có lý do của nó. Riêng bản thân, nếu thuận theo duyên thì sẽ được an nhiên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế nên niềm vui đến với tôi thường được nhân lên nhưng nỗi buồn thì vơi đi phần nhiều và qua nhanh lắm.
Việc xét tặng danh hiệu đều phải dựa trên các tiêu chí cứng về huy chương và các tiêu chí mềm về sự cống hiến, sức ảnh hưởng. Trong số các huy chương chị đã gặt hái được, huy chương nào là dấu ấn lớn nhất đối với chị?
– Sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016 thì tôi quý trọng nhất là Huy chương vàng với tác phẩm “Chàng vinh quy” do chính mình sáng tác năm 2017. Đó là một ca khúc có tính chuyên môn cao lại phù hợp sân khấu biểu diễn. Có thể nói là có đất dụng võ và tôi đã thoả chí vẫy vùng với cả vai trò nhạc sĩ và ca sĩ trong hội diễn, được các đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao, là niềm hạnh phúc làm nghề hiếm khi có được.
Khi biết mình được phong tặng danh hiệu NSND, người mà chị nghĩ đến đầu tiên là ai và muốn chia sẻ gì với người đó?
– Khi được báo tin, hồ sơ của tôi luôn đạt số phiếu tuyệt đối ở các Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì tôi báo tin cho mẹ ngay và mẹ vỡ òa hạnh phúc. Nhưng sau đó lên Hội đồng cấp Nhà nước, nhận được tin xét lại thì điều tôi lo sợ nhất là mẹ sẽ thương tôi mà đau lòng. Thế nên, dù biết tin được phong tặng danh hiệu đã một tuần nhưng tận hôm nay báo chí đăng tải thông tin, mẹ đọc được mới hỏi tôi, mà hỏi rất nhỏ nhẹ là “Mẹ thấy đưa tin như thế có đúng không con?”. Tôi trả lời mẹ là “Đúng nhưng con định để đến hôm chính thức đi nhận danh hiệu mới báo để mẹ bất ngờ”. Tôi không nghĩ mình lại được quan tâm nhiều đến thế khi được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Xin cảm ơn báo chí đã giúp tôi đưa tin đến với mẹ.
Tại sao lại là mẹ, vì năm 16 tuổi bắt đầu bước vào hoạt động nghệ thuật, lúc đó tuy tiền học đã được Đoàn Ca múa kịch và tỉnh lo nhưng tiền ăn vẫn phải tự túc. Bố mẹ làm ruộng, nhà rất nghèo, đông con đi học, vô cùng khó khăn. Để có một khoản tiền nhỏ cho tôi sinh hoạt hàng tháng, mẹ đã phải đi vay nợ rồi đợi mùa vụ trang trải dần. Bao nhiêu năm tôi đi học là bấy nhiêu năm mẹ nằm trong danh sách… nợ tiền ở địa phương. Nhưng mẹ không bao giờ lăn tăn, luôn một lòng động viên con cố gắng. Trước những danh hiệu cao quý với một người trẻ như tôi, đôi khi không dám nghĩ nhiều, chỉ đơn giản hiểu đó là một món quà vô giá tôi phấn đấu, dành tặng được cho bố mẹ.
Nhiều người cho rằng, lên NSND nghĩa là sẽ phải đối diện với nhiều áp lực hơn. Phải cẩn trọng hơn trong phát ngôn, ứng xử, cống hiến và sáng tạo. Chị nghĩ sao về điều này?
– Tôi không nghĩ nhiều đâu. Tính tôi thực ra hơi mâu thuẫn và đôi khi hơi mất ổn định. Nếu có nghĩ gì cũng ít khi tập trung, thường hay mơ mộng rồi nghĩ xiên xẹo bay bổng chứ ít khi nghiêm trọng hoá vấn đề, tuy nhiên lại rất rõ ràng thế này: Thứ nhất, với nghề, tôi làm gì cũng nghiêm túc, hết mình và trách nhiệm, nếu có lúc nào chưa tốt thì là do phong độ hôm ấy chỉ đến thế thôi, nên bằng lòng.
Thứ hai, tôi chưa bao giờ dùng từ cống hiến và rất kỵ dùng từ ấy. Vì nghề đã cho tôi quá nhiều thứ và hát là được hát chứ có mất gì đâu mà cống hiến? Đi hát hoặc có tiền, hoặc có danh… thậm chí có cả hai. Những chương trình thiện nguyện thì có cả sự thanh thản và mãn nguyện thì cống hiến cái gì?
Tôi là lớp kế thừa thế hệ NSND Thu Hiền, NSND Thái Bảo… ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, họ hát ở chiến trường bom đạn, không màng nguy hiểm để khích lệ chiến sĩ xung trận chẳng biết sống chết khi đang hát thế nào mà cứ hồn nhiên hát thôi. Với tôi đó mới xứng đáng gọi là cống hiến. Còn việc làm gì để xứng đáng với danh hiệu là do nhận thức và tự trọng mỗi người. Tôi hy vọng sẽ vẫn là Phương Thảo trong lòng mọi người.
Xét ở khía cạnh nào đó, trong dòng nhạc dân gian, chị là người gặt hái được thành công từ rất sớm. 16 tuổi bước vào nghề, có huy chương từ rất sớm và được phong tặng danh hiệu (NSƯT, NSND) cũng rất sớm. Chị có nghĩ vì thế mà mình phải làm nhiều điều hơn để trả ơn đời?
– Điều này thì có, thậm chí là ấp ủ nhiều hơn trước song lại thiếu tự tin vì tình hình kinh tế hiện tại. Nhưng tôi sẽ cố gắng xứng đáng với danh hiệu vì bản thân biết rõ duyên nợ với nghề, với cuộc đời này còn sâu nặng lắm.
Chị nghĩ sao nếu nhiều người nói chị là NSND trẻ nhất và giàu nhất làng dân gian?
– Không nghĩ gì chỉ thấy sướng thôi (cười lớn). Trên đời này làm gì có ai biết được nhà ai có bao nhiêu tiền mà đánh giá ai giàu nhất với giàu bét nhỉ? Nhưng nếu được phong đứng đầu nhiều thứ thì mình cứ nhận vì chỉ có vui thêm chứ không mất gì cả. Tôi cũng rất cảm ơn nếu cứ được quan tâm ở nhiều khía cạnh như thế!
Việc chị về sống ở ngoại thành, trong khu đất hơn 8000m2 và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã thay đổi chị như thế nào? Ở cách xa nội thành có trở ngại gì việc chị hoạt động nghệ thuật?
– Việc xây đền thờ Phật Thánh là một phần sứ mệnh của tôi khi đến với cuộc đời kiếp này. Sống có đạo cho tôi sự an nhiên, thanh thản và luôn hồn nhiên như cây cỏ trước mọi buồn vui. Dù đi diễn, đi chơi, đi lễ… thì đều có thời khoá biểu hàng tuần nên không có trở ngại nào với tôi trong mọi việc mà ngược lại, cuộc sống ngoại ô cho tôi khoẻ hơn, thong dong, tự tại và hạnh phúc nhiều hơn.
Cảm ơn NSND Phạm Phương Thảo đã chia sẻ thông tin.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet