Theo đó, chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang có chủ đề “Nơi tôi sinh ra” sẽ có sự tham gia của 18 NTK: Minh Hạnh, Laura – Chula, Cao Minh Tiến, Viết Bảo, Thanh Thúy, Trịnh Bích Thủy, Ngọc Hân, Giang Đoàn, Phương Thảo, Duy Nguyễn, Trần Thiện Khánh, Chu Quyết Tiến, Huệ Thi, Nguyễn Thúy, Trung Beret, Công Huân, Cao Duy, Silky Vietnam. Từ những câu chuyện riêng được kể bằng áo dài, các NTK sẽ mang đến nhiều chia sẻ thú vị về mảnh đất quê hương, nơi mỗi người gắn bó theo nhiều cách khác nhau. Điều đặc biệt, trong chương trình sẽ trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp trình diễn áo dài.
NTK Thanh Thúy cho biết, sẽ kể câu chuyện Điện Biên trên các mẫu thiết kế của mình. Hình ảnh hoa ban tượng trưng cho đất trời Tây Bắc và người con gái Thái như đại diện cho linh hồn của loài hoa sẽ là chủ điểm trên các tà áo dài.
“Ông ngoại thường kể cho tôi về những chiếc xe tăng và áo trấn thủ, về những anh hùng trong cuộc chiến chống Pháp 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Vì thế, tôi muốn kể cho cộng đồng về một Điện Biên hào hùng, anh dũng ngày xưa và một cảnh sắc yên bình, trù phú ngày nay, như lời tri ân và biết ơn với mảnh đất đã sinh ra mình”, Thanh Thúy bày tỏ.
Hà Nội – nơi các NTK Cao Minh Tiến, NTK Trịnh Bích Thủy, NTK Phương Thảo, NTK Ngọc Hân sinh ra thì mỗi góc phố, hàng cây đều chất chứa cảm xúc, kỷ niệm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. NTK Cao Minh Tiến lựa chọn ký họa Hà Nội để ghi, chép lại những điều đẹp nhất mà anh muốn nói về nơi đây; còn với NTK Trịnh Bích Thủy là kỷ niệm tuổi thơ, về chiếc áo bông chần, kết nối các thế hệ, kết nối truyền thống và hiện tại. Các thiết kế của NTK Phương Thảo là hình ảnh của những gánh hàng rong và phố cổ rêu phong. Riêng NTK Ngọc Hân lại tìm về với dòng tranh Kim Hoàng vốn là dòng tranh Tết nổi tiếng của Hà Nội từng bị thất truyền trong thời gian khá dài.
Dù đã trưởng thành và rời xa quê hương, nhưng với NTK Duy Nguyễn, hình ảnh những đôi cánh chuồn chuồn luôn khơi gợi cho anh bức tranh quê hương sống động, nguồn cảm hứng để anh tạo ra bộ sưu tập trong dòng sản phẩm thủ công của quê hương Thạch Xá. Silky Vietnam lại cảm nhận về làng Chuông – Thanh Oai bên dòng sông Đáy hiền hòa…
Giới thiệu màu trời Huế biếc xanh và cố đô hửng nhẹ ánh hồng nắng thu, bộ sưu tập của 2 NTK Trần Thiện Khánh và Viết Bảo với gam màu xanh, hồng và hình ảnh những công trình kiến trúc cung đình…
Bộ sưu tập áo dài của NTK Chế Quyết Tiến là niềm tự hào về làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng. NTK Giang Đoàn lấy cảm hứng từ các dấu ấn Thanh Hà, Hải Dương với cây vải thiều. NTK Ngọc Hân thì may mắn được biết đến tranh Kim Hoàng – dòng tranh Tết nổi tiếng từng bị thất truyền trong khoảng thời gian khá dài.
Bộ sưu tập của Laura – Chula mô tả hành trình của Laura và Diego từ hai ngôi nhà thân yêu của họ là Tây Ban Nha và Việt Nam. Chula chia sẻ, đây là “những chiếc áo lần đầu tiên đi qua các nhà thờ và công viên mang tính biểu tượng của Tây Ban Nha, gồm Santiago De Compostela, The Alhambra, Park Güell, The Sagrada Familia và Nhà thờ Hồi giáo vĩ đại Cordoba”.
Huệ Thi, Nguyễn Thúy, Trung Beret, Minh Hạnh, Công Huân, Cao Duy giới thiệu các thiết kế mang vẻ đẹp lam lũ và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số, của màu xanh giữa núi đồi và sắc hoa anh đào tại Quảng Nam, Đắk Lắk, Pleiku, TP Hồ Chí Minh.
Các nhà thiết kế (NTK) sẽ kể câu chuyện về nơi mình sinh ra thông qua tà áo dài
NTK Minh Hạnh chia sẻ, trong tiềm thức, tâm khảm, trái tim người Việt Nam đều coi áo dài là di sản. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa có tính pháp lý để đưa áo dài trở thành di sản của Việt Nam.
“Mọi người đã yêu quý, tôn trọng và đặt áo dài ở vị trí thiêng liêng nhất, nhưng nếu không có xác nhận chính thức thì áo dài chưa đúng nghĩa là di sản”, NTK Minh Hạnh nói.
Theo NTK Minh Hạnh, đó là nỗi niềm trăn trở của nhiều nhà thiết kế, chuyên gia văn hóa. Câu chuyện di sản áo dài được bàn thảo ở nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, bởi khi áo dài chưa trở thành di sản rất khó có căn cứ pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị, tránh những hiện tượng “phá áo dài”, cách tân quá đà.
Đề cập đến chương trình, NTK Minh Hạnh cho biết, chương trình nghệ thuật “Nơi tôi sinh ra” không chỉ đơn thuần là một buổi trình diễn thời trang mà đó là câu chuyện văn hóa của Việt Nam. Mỗi một vùng đất khác nhau sẽ có những câu chuyện riêng với áo dài.
Hà Nội có nhiều địa điểm lý tưởng để trình diễn áo dài, nhưng Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn được ưu ái. Nhà thiết kế Minh Hạnh giải thích rằng với ý tưởng đưa mỗi người tìm về bản thân, cội nguồn trước thềm năm mới nên không thể bỏ qua Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Giá trị lớn nhất ở di tích này là đạo học. “Đạo học còn bao hàm cả đạo lý làm người. Cái đẹp mà không có đạo lý không bao giờ bền vững được”, nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, đây là sản phẩm chào năm mới, khởi động cho nhiều dự án của Văn Miếu trong việc kết hợp tour đêm Văn Miếu với nhiều hoạt động văn hóa nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách.
“Chương trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp với trình diễn áo dài truyền thống không chỉ tôn vinh giá trị di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám mà còn tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam.
Trong chương trình, câu chuyện về áo dài đến từ nhiều vùng, miền khác nhau sẽ được kể trong không gian nghệ thuật của âm nhạc và ánh sáng, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt cho du khách”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet