CDC Thừa Thiên Huế đang bị điều tra việc mua sắm kit test Việt Á

Last updated: January 16, 2024 at 10:41 am - Lượt Views: 20 views

  • Bắt Đậu Thị Tâm ở Hà Nội vì lợi dụng quyền tự do dân chủ
  • Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú cùng tên có sự nghiệp thành công, cuộc sống viên mãn
  • Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thông tin về vụ án rửa tiền 30.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng

  • Như tin đã đưa, vào ngày 15/1, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Thừa Thiên Huế.

    Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm ông Hoàng Văn Đức – nguyên Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế và Hà Thúc Nhật – nguyên Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, kiêm Kế toán trưởng CDC Thừa Thiên Huế.

    CDC Thừa Thiên Huế đang bị điều tra việc mua sắm kit test Việt Á- Ảnh 1.

    Các bị cáo Hoàng Văn Đức – nguyên Giám đốc và Hà Thúc Nhật – nguyên Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, kiêm Kế toán trưởng CDC Thừa Thiên Huế tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Ngọc Sáng

    Sau 1 ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung hành vi và vai trò của những người có liên quan trong việc thẩm định giá 8 gói thầu mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 của CDC Thừa Thiên Huế.

    Theo HĐXX, qua quá trình xét hỏi tại tòa, đối với việc ban hành chứng thư thẩm định giá của Chi nhánh Công ty Cổ phần tư vấn – dịch vụ về tài sản – bất động sản DATC tại Huế (DATC Huế), thẩm định viên thu thập báo giá không đúng quy định pháp luật, không lưu trữ đầy đủ thông tin trong hồ sơ thẩm định giá, không gửi báo cáo kết quả thẩm định giá kèm theo chứng thư thẩm định giá cho CDC Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung hành vi và vai trò của những người có liên quan trong việc thẩm định giá trên.

    Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù thẩm định viên DATC Huế thu thập báo giá không đúng quy định pháp luật, không lưu trữ đầy đủ thông tin trong hồ sơ thẩm định giá, không gửi báo cáo kết quả thẩm định giá kèm theo chứng thư thẩm định giá cho CDC Thừa Thiên Huế, nhưng quá trình điều tra không chứng minh được sự thông đồng giữa CDC Thừa Thiên Huế và các cá nhân của DATC Huế. Vì vậy, không có căn cứ chứng minh thẩm định viên và người đứng đầu của DATC Huế có vai trò đồng phạm với ông Hoàng Văn Đức và ông Hà Thúc Nhật.

    CDC Thừa Thiên Huế đang bị điều tra việc mua sắm kit test Việt Á- Ảnh 2.

    HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Sáng

    VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, DATC Huế không cung cấp báo cáo thẩm định giá kèm theo chứng thư thẩm định giá cho CDC Thừa Thiên Huế, nhưng trên thực tế CDC tỉnh chỉ dùng chứng thư thẩm định giá chỉ để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu trái pháp luật chứ không dùng để xác định giá và xây dựng giá gói thầu, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cùng danh mục hàng hóa dự kiến mua sắm và giá dự kiến kèm theo. Do đó, hậu quả của 7 gói thầu (trừ gói thầu số 01) thuộc các cá nhân của CDC Thừa Thiên Huế mà không thuộc trách nhiệm của cá nhân ban hành chứng thư thẩm định giá, nên không có cơ sở xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Đối với gói thầu số 01 do chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng thiệt hại của gói này là 64.383.000 đồng (dưới 100 triệu đồng) nên chưa đủ tang số xem xét trách nhiệm hình sự những người liên quan trọng công tác thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với gói này.

    Đối với hành vi trích tiền cho CDC Thừa Thiên Huế của các nhà thầu sau khi được thanh toán, quá trình điều tra không xác định có sự thỏa thuận trước giữa nhà thầu với CDC tỉnh nên không có căn cứ chứng minh các nhà thầu đồng phạm hoặc có dấu hiệu của hành vi phạm tội khác.

    Đối với 2 nhà thầu là Nhà thuốc Thành Đạt và Công ty TNHH Phát Thiện có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, nhưng do đã hết thời hiệu xử phạt hành chính nên không xem xét.

    Đối với Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là đơn vị trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu số 01, đồng thời là đơn giao kinh phí và chỉ đạo CDC tỉnh đấu thầu mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, các cá nhân trong CDC tỉnh tự ý thực hiện đấu thầu trái quy định mà không thông qua và không báo cáo cho Sở Y tế (trừ gói số 01 nhưng thiệt hại dưới 100 triệu đồng), do đó Sở Y tế không nắm được sai phạm của CDC tỉnh nên không chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của các cá nhân tại CDC tỉnh gây ra.

    CDC Thừa Thiên Huế đang bị điều tra việc mua sắm kit test Việt Á- Ảnh 4.

    Ông Hoàng Văn Đức bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 2/2022 vì vi phạm quy định về đấu thầu mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: M.H

    Mặc dù vậy, VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng cần kiến nghị UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân của Sở Y tế trong công tác tham mưu UBND tỉnh duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 01 và công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với CDC tỉnh và các cá nhân của CDC tỉnh để xảy ra sai phạm trong 8 gói thầu.

    Đối với ông Huỳnh Văn Hảo – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, bà Hồ Thị Kim Trâm và bà Trần Thị Kim Xinh cùng là Phó trưởng khoa Dược – vật tư y tế của CDC tỉnh, đều là những người ký vào các tài liệu chỉ định thầu để hợp thức hóa hồ sơ. Tuy nhiên, các cá nhân này đều là cấp dưới, làm theo chỉ đạo của ông Hoàng Văn Đức, không thông đồng thỏa thuận nhận tiền phần trăm sau hợp đồng với các nhà thầu nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự. Mặc dù vậy, Việt KSND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định cần kiến nghị Sở Y tế và cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm về sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ đối với các cán bộ này.

    Cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, ngoài sai phạm trong 8 gói thầu sắm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, vào năm 2020, CDC Thừa Thiên Huế còn thực hiện mua sắm kít xét nghiệm do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất. Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý bằng vụ việc khác. 

    Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2020, CDC Thừa Thiên Huế được cấp ngân sách bổ sung mua sắm vật tư y tế để phòng chống dịch Covid-19. Trong quá trình mua sắm vật tư y tế, ông Hoàng Văn Đức đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

    Cụ thể, ông Hoàng Văn Đức không lập tổ chuyên gia để thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ông Đức giao cho ông Hà Thúc Nhật trực tiếp liên hệ các nhà thầu và thỏa thuận trước giá cả vật tư, trang thiết bị cần mua mà không tham khảo báo giá của các nhà thầu khác trên địa bàn.

    Ông Nhật trực tiếp xây dựng các văn bản gồm biên bảo thương thảo hợp đồng, quyết định chỉ định thầu rút gọn… rồi chuyển cho ông Đức xem. Ông Đức đã yêu cầu các cán bộ liên quan trong cơ quan cùng với ông Đức và ông Nhật ký vào các văn bản trên dù những người này không được tham gia bất kỳ khâu nào trong đấu thầu.

    Kết luận điều tra cho thấy, từ ngày 4/3/2020 đến ngày 1/9/2020, ông Đức đã ký 8 quyết định đấu thầu rút gọn cho 3 nhà thầu là Công ty Cổ phần Công nghệ y tế Phương Tây (Hà Nội), Công ty TNHH Phát Thiện (TP.Huế) và Nhà thuốc Thành Đạt (TP.Huế) với tổng giá trị 9,236 tỷ đồng.

    Trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế Phương Tây được chỉ định trúng 2 gói thầu với giá trị hợp đồng hơn 2,31 tỷ đồng, Công ty TNHH Phát Thiện trúng 4 gói thầu với hơn 6,427 tỷ đồng, Nhà thuốc Thành Đạt trúng 2 gói thầu với 1,55 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo này đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng.

    Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại từ 2-3% giá trị hợp đồng cho ông Đức. Trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế Phương Tây trích 64 triệu đồng, Công ty TNHH Phát Thiện trích 110 triệu đồng, Nhà thuốc Thành Đạt trích 50 triệu đồng.

    Ông Đức đã giao ông Nhật quản lý số tiền trên. Cuối năm 2020, ông Nhật lấy 30 triệu đồng và đưa cho ông Đức 50 triệu đồng. Số còn lại ông Đức khai để chi tiêu cơ quan nhưng không có hóa đơn, chứng từ, sổ sách chứng minh nên không xác định được số tiền này đã được dùng vào việc gì.

    Ngoài ra, có 9 mặt hàng CDC Thừa Thiên Huế đã thanh toán hơn 484 triệu đồng nhưng không định giá được do không thu thập được tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ đầu vào của các mặt hàng này.

    Tin An Ninh Hinh Su
    Nguồn: Sưu Tầm Internet

    (x)
    (x)