Cũng là lúc khung cảnh làng chài Cửa Bé trở nên sặc sỡ hơn bởi sắc xanh, trắng, đỏ, lam… của những tấm lưới trải dài từ sân ra đến tận ngõ. Trong ký ức của tuổi thơ chúng tôi, chỉ khi thấy từng dàn lưới trải ra, từng đụn lưới nhô lên cao thì làng chài đang bước vào mùa vá lưới – mùa nghỉ ngơi của ngư dân và là mùa vui của con trẻ.
Tuy là một người con sinh ra và lớn lên ở làng chài, thế nhưng nghề vá lưới có từ khi nào thì chúng tôi cũng chẳng hề hay biết. Có chăng là qua lời kể của các bà, các dì thì nghề này đã có từ rất lâu đời, khi các ghe thuyền ra khơi quăng lưới, dính phải gành đá hay san hô dưới biển khiến lưới bị rách, thủng nên cần phải vá lại để cho chuyến đánh bắt mới. Và nghề vá lưới cũng ra đời từ đó.
Ngày xưa ghe cộ còn ít, nếu dàn lưới nhà nào bị thủng thì tự nhà đó vá lại. Lâu dần theo sự phát triển của ngành thủy sản, tàu thuyền tấp nập, tăng về số lượng lẫn công suất nên nhu cầu thuê người trong làng làm công việc vá lưới cho kịp thời vụ cũng dần hình thành. Một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và khéo tay từ những người thợ lành nghề đã được học việc ngay từ lúc nhỏ.
Làng chài Cửa Bé quê tôi chủ yếu đi mành đèn, lưới rê, lưới vây (lưới bao), giã cào hay nuôi lồng bè… Hầu như đi ra khơi với hình thức nào cũng đều cần có lưới, rồi kiểu lưới cũng phụ thuộc vào cách thức đánh bắt. Có lưới mành, lưới trũ, lưới cước, lưới bén, lưới ba màn, mỗi loại lưới sẽ có cách vá khác nhau.
Công việc vá lưới này không kén thợ, chỉ cần cẩn thận và chăm chỉ là có thể làm được ngay. Ngoài các chị em ra thì cánh đàn ông biết vá lưới cũng không có gì lạ, bởi thế không khó bắt gặp hình ảnh ấy khi đi qua làng chài chúng tôi. Có chăng tốc độ làm việc của các chị em vẫn gọi là nhanh hơn các anh một bậc, bởi đôi tay khéo léo, thoăn thoắt, vá lưới nhanh và chắc mối.
Các dụng cụ vá lưới gồm: cước, dao nhỏ, kim vá bằng nhựa và không thể thiếu là nhang (hương). Tùy loại nhang mà đốt cháy từ 45 đến 60 phút, mục đích của việc làm này là để thợ vá đốt mấu lưới, làm cho mấu vo gọn lại, không bị toe sợi lưới. Và cũng từ đó, việc vá lưới gắn liền với nén nhang, với những ý nghĩa khác nhau. Nhưng từ bao đời nay, nén nhang phảng phất tỏa khói đã là một thứ không thể thiếu trong công việc này.
Đối với những dàn lưới to vài trăm mét thì vất vả nhất vẫn là lần mò từng mắt lưới để tìm ra chỗ đứt. Nếu chỗ đứt chỉ có một mắt thì thợ không cần vá, nhưng từ ba mắt trở lên thì phải vá lại để cá vô lưới rồi sẽ không có chỗ chui ra.
Bóng mát của cây tỏa xuống, làn gió biển thổi lồng lộng lên, quanh dàn lưới rộng để vá, tiếng trò chuyện râm ran của những người thợ cần mẫn dẫu không thể xua tan đi hết những cái đau của lưng, mỏi của vai và cả mắt, nhưng họ biết mình sẽ có thêm chút tiền để cho các con ăn học. Đâu đó là thêm những câu chuyện của các chị, các dì đều nói về mùa biển giã đã qua, với những niềm vui ra khơi trúng mánh hay xen lẫn là nỗi buồn lỗ dầu sau chuyến đi thất bát.
Dẫu tâm trạng có thế nào thì các chị vẫn dành lời an ủi, động viên cho nhau, cùng nhau làm lại ở mùa biển mới. Biển giã vô chừng mà, có năm này năm kia, nhưng chẳng ai từ bỏ biển cả. Vì đó là nguồn lợi mưu sinh gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây.
Còn với lũ trẻ con chúng tôi, thích nhất vẫn là chạy nhảy, nô đùa trên những đống lưới trũ. Mùi thoang thoảng tỏa ra của lưới mới không lẫn vào đâu được. Thêm độ trơn, chài nên chúng tôi ngã sõng soài trên đống lưới mà cười khoái chí. Với những đụn lưới chất cao thì chơi trò cá sấu lên bờ hay chơi trốn tìm vẫn là thích nhất.
Chơi xong miệng đứa nào cũng thở hổn hển vì quá mệt, ngồi nghỉ mệt bằng cách tựa lưng vào đụn lưới cao và sẵn sàng chia sẻ cho nhau từng ngụm nước mát lành. Thỉnh thoảng là hái trộm vài trái khế, ổi, me, xoài… ở các nhà trong làng và mang theo chén muối hột giã thêm vài trái ớt xiêm. Chẳng phải món cao sang nhưng ngày ấy lũ trẻ con ăn thật ngon, vị chua của trái cây non khiến mặt đứa nào cũng nhăn như khỉ nhưng tay vẫn lia lịa chấm muối và đưa lên miệng ăn một cách ngon lành.
Cả ký ức tuổi thơ chúng tôi gắn liền với bãi cát cuối làng, biển xanh và có thêm những kỷ niệm vui khi làng chài vào mùa vá lưới. Người lớn thì cứ cặm cụi làm công việc vá lưới quen thuộc, dường như họ đang “vá lại” những ước mơ về sự đổi đời trong từng đường kim sợi cước.
Còn với tụi trẻ con chúng tôi thì cứ mải mê vui chơi, chạy nhảy thỏa thích trên những tấm lưới được người lớn bày ra để vá. Tiếng cười, tiếng nói trẻ thơ lại khiến cho người lớn có thêm động lực và giúp cho làng chài luôn ngập tràn những niềm vui.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet