Bộ phim hé lộ những góc khuất của lính cứu hỏa
Chuyện phim xoay quanh cuộc đời với những bộn bề, tâm tư tình cảm về nghề, về gia đình của 4 người lính trẻ tuổi trong một đội cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ ở địa phương. Bên cạnh việc khắc họa những ca cứu hộ, cứu nạn đầy gian nan, phải đối mặt với lằn ranh sinh tử, phim còn hé lộ cho khán giả nhiều góc khuất nội tâm và những câu chuyện giàu cảm xúc trong đời sống riêng của những người lính cứu hỏa.
Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ, khi bắt tay vào thực hiện bộ phim này, anh luôn đặt tiêu chí chân thực lên hàng đầu nên đã gặp rất nhiều thách thức trong suốt quá trình bấm máy.
“Có thể nói đây là bộ phim hội tụ mọi thứ khó nhất của nghề làm phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm, cứu hộ cứu nạn ở những địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao… Trong phim có những cảnh quay vô cùng phức tạp, quy mô không khác gì phim điện ảnh”, đạo diễn phim “Đi về phía lửa” bộc bạch.
Nam đạo diễn đồng thời tiết lộ, để thực hiện được những cảnh quay tái hiện chân thực nhất bối cảnh hiện trường các vụ cháy, đoàn làm phim đã nhận được sự trợ giúp và tư vấn nhiệt tình của Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Đà Nẵng. Dù vậy trước mỗi lần bấm máy, cả ê-kíp sản xuất đã tổ chức rất nhiều cuộc bàn bạc để tiên lượng trước tất cả tình huống rủi ro có thể phát sinh, chuẩn bị sẵn phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp một cách chi tiết nhất.
“Tôi còn nhớ khi quay một cảnh cháy xe hơi, tổ sản xuất phối hợp cùng các chiến sĩ PCCC & CNCH chuẩn bị 2 xe chữa cháy có nước và hoá chất chuyên dụng để dập lửa. Vậy nên khi thực hiện cảnh quay này, tôi và êkip rất tự tin để ghi hình”, đạo diễn Trần Thanh Huy kể lại.
Cũng theo đạo diễn Trần Thanh Huy, kịch bản của bộ phim đã được điều chỉnh lại tới 98% so với bản gốc, đưa thêm những chất liệu, sự kiện, cảm hứng từ đời thực nhằm mang tới một sản phẩm đầy cảm xúc, gần gũi và thấm đẫm tinh thần, văn hoá Việt Nam. Phim được dàn dựng để tôn vinh những người lính cứu hỏa cũng như công việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, vì vậy anh và cả êkip làm bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng dành cho những người lính cứu hỏa, và bằng tất cả sự thấu hiểu cho nỗi đau của những người đã đi qua mất mát.
Bốn diễn viên trẻ “vắt kiệt sức” khi vào vai lính cứu hỏa
Dàn diễn viên được “chọn mặt gửi vàng” cho vai chính trong dự án này là Lãnh Thanh, Trần Ngọc Vàng, Xuân Phúc và Hồ Thu Anh.
Trong phim, Lãnh Thanh vào vai Đức Anh – một nhân vật quả cảm, can trường với những nỗi trăn trở, ám ảnh về bóng ma quá khứ. Với vai Đức Anh, nam diễn viên được nhận định là có “cú lột xác” xuất thần về diễn xuất.
Nhân vật Đức Anh sinh ra trong một gia đình kiểu mẫu khi có ba là nghệ sĩ piano nổi tiếng và anh cũng được kỳ vọng sẽ tiếp bước cha mình cùng những kế hoạch cuộc đời đã định sẵn. Nhưng một biến cố trong quá khứ đã khiến cuộc đời Đức Anh thay đổi, đồng thời đưa anh đến quyết định gắn bó với nghề lính cứu hoả.
Lãnh Thanh tâm sự: “Đi về phía lửa” là bộ phim khiến anh phải thể hiện sự “điên” nhiều nhất trong sự nghiệp diễn xuất. Với anh, đây là một bộ phim “rất khó và mệt”, ở đó khán giả sẽ không thấy diễn viên với vẻ ngoài bóng bẩy hay những lời ngôn tình mà mọi thứ đều “rất khốc liệt”. Cộng thêm việc phải hoá thân trọn vẹn vào một nhân cách “lúc nào cũng lầm lầm lì lì, có vấn đề trong chuyện chia sẻ, mở lòng với người khác” khiến nam diễn viên phải “nảy số” ra nhiều cách khác nhau để dễ dàng nhập vai.
Lãnh Thanh kể, trong một phân cảnh phải lao vào biển lửa để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, chứng kiến cảnh người gặp nạn nằm chồng chất lên nhau, thậm chí chính anh còn vô tình dẫm lên tay của một xác chết nằm ngổn ngang trên nền nhà kín đặc khói, tất cả đều ra đi trong tư thế rất tuyệt vọng, nam diễn viên không tránh khỏi ám ảnh bởi độ chân thật và cảm xúc nhập vai lúc đó.
Trần Ngọc Vàng một lần nữa mang đến nhiều bất ngờ với vai diễn chàng lính cứu hoả trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm nhưng thừa nhiệt huyết có tên Minh Long. Đây là lần đầu tiên Trần Ngọc Vàng vào vai một người lính. Nhân vật Minh Long của anh dễ thương, trẻ trung, thường hay đùa giỡn để mang đến tiếng cười cho cả đội. Minh Long tuy trẻ tuổi nhưng lại là người có quyết tâm cao độ, dám theo đuổi ước mơ đến cùng, xứng đáng là hình mẫu cho các bạn trẻ học hỏi và noi theo.
Nam diễn viên trẻ của làng phim Việt từng gây ấn tượng trên màn ảnh rộng với các vai thư sinh hiền lành nên khi vào vai lính cứu hoả, Trần Ngọc Vàng bị một số thành viên đoàn trêu đùa, tỏ cảm giác nghi ngờ anh “không vượt qua được vòng rèn luyện thể lực”. Tuy nhiên, trái với những hoài nghi ban đầu, bằng nhiệt huyết thanh xuân và sự lao động nghiêm túc với nghề, Trần Ngọc Vàng đã chứng minh cho tất cả thấy không ai khác ngoài anh mới có thể làm nên một anh lính cứu hoả Minh Long gan dạ, cứng cỏi nhưng cũng rất mực ấm áp, tươi trẻ.
Theo tiết lộ từ Trần Ngọc Vàng, tất cả diễn viên đều phải trải qua những bài tập rèn luyện thể lực gắt gao, cũng như được huấn luyện và đào tạo bài bản những kiến thức, kỹ năng về ngành phòng cháy chữa cháy trước khi bắt đầu bấm máy.
“Ngày nào chúng tôi cũng phải đến đơn vị để học và luyện tập từ 6h sáng đến 9-10h đêm. Sau khoảng 10 ngày, chúng tôi mới bắt đầu vào phim để quay. Cá nhân mỗi diễn viên thì đều có một môn thể thao để theo đuổi, tập luyện hằng ngày để rèn luyện sức khỏe”, Trần Ngọc Vàng nhớ lại những trải nghiệm ngày còn trên phim trường.
Bóng hồng duy nhất của đội cứu hoả là Thanh Hà do Hồ Thu Anh đóng. Nữ chiến sĩ này là người phụ nữ cứng rắn, nghị lực, luôn khao khát, mong mỏi được chứng tỏ năng lực bản thân trong công việc. Đối với sự nghiệp thì quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng khi về nhà, cô nàng lại phải dùng hết sức lực để chiều chuộng một người mẹ nhõng nhẽo, luôn trăm phương nghìn kế để ép Thanh Hà trở thành một phụ nữ kiểu mẫu sớm lập gia đình, ổn định cuộc sống.
Hồ Thu Anh là một gương mặt mới trong làng diễn xuất, với khởi đầu là một fashionista nhưng cô gái có đôi mắt sắc sảo cùng chất giọng trầm ấm dần gây ấn tượng và giành nhiều thiện cảm với công chúng bởi sự đam mê cháy bỏng dành cho nghề diễn. Với vai Thanh Hà – thành viên nữ duy nhất trong đội cứu hỏa trong “Đi về phía lửa”, Hồ Thu Anh hứa hẹn đem tới cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.
Với “Đi về phía lửa”, đoàn phim nhận định không ai thích hợp hơn Xuân Phúc để vào vai một người Trưởng nhóm, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho các đàn em trong đội lính cứu hoả. Vai diễn Toàn Thắng cũng mang đến nhiều xúc cảm cho Xuân Phúc khi đây là nhân vật có nhiều cảnh đấu tranh tâm lý giằng co giữa việc được theo nghề hay hy sinh đam mê và ước mơ của mình cho gia đình nhỏ.
Xuân Phúc cho biết bản thân anh và các diễn viên khác đã trải qua những cảnh quay vất vả tới mức “vắt kiệt sức” chỉ để tạo ra những thước phim chỉn chu, mặc dù thời lượng xuất hiện trong từng tập vô cùng ngắn ngủi và “trông có vẻ đơn giản”. Ví dụ như cảnh bế những nạn nhân ra khỏi đám cháy, cả đoàn phải bấm máy thực hiện tới 10 lần để lấy nhiều góc quay. Tới khi hoàn thành cảnh quay, tất cả diễn viên mới được cởi bỏ đạo cụ, gỡ mặt nạ, bình dưỡng khí, lúc này ai nấy đều đã mệt nhoài.
“Tôi cũng từng đóng nhiều phim hành động nhưng đây thực sự là bộ phim đem đến nhiều trải nghiệm khó khăn nhất, cũng là lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng”, Xuân Phúc trải lòng.
Anh cũng tiết lộ có những cảnh bản thân phải trực tiếp đối diện với ngọn lửa thật, và chính trong giây phút này, nam diễn viên mới hiểu thấu sự nguy hiểm mà những người lính cứu hoả luôn phải đối diện khi làm nhiệm vụ.
Trải nghiệm này cũng khiến Xuân Phúc hóm hỉnh chia sẻ thêm rằng nếu vợ anh mà có mặt tại bối cảnh phim, chắc chắn cô sẽ ngăn cản nam diễn viên tham gia tác phẩm này. Quá trình diễn xuất vất vả là thế, nhưng anh cũng nhìn nhận đây là vai đặc biệt trong nghiệp diễn vì mang lại quá nhiều cảm xúc, đặc biệt là trải nghiệm khi phải đối mặt giữa sự sống và cái chết.
Theo kế hoạch, “Đi về phía lửa” sẽ lên sóng vào 20h thứ Hai và thứ Ba hàng tuần từ 12-2-2024 (tức mồng 3 Tết) trên kênh K+cine và App K+.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu tầm internet