Xem người Dao đỏ ở Yên Bái góp củi, đồ ăn cùng nhau nấu cỗ làm lễ cầu mùa

Last updated: February 19, 2024 at 15:27 pm - Lượt Views: 17 views

  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt
  • Trước ngày tuyên án cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các bị cáo: Những điểm đáng chú ý trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

  • Di tích Đình Khai Trung (xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) tọa lạc trên một bãi đất bằng phẳng thuộc địa phận thôn Giáp Luồng. Đình được nhận định khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ XIX bởi người Dao đỏ, gọi là miếu thần, sau này miếu dần được tôn tạo, mở rộng rồi phát triển thành đình, người Dao gọi là đình Bành Độ, người Tày gọi là đình Nản Toọc.

    Trải qua thời gian cùng với cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, đình đã bị đổ, năm 1985 được nhân dân dựng lại và năm 2015 đình Khai Trung được tôn tạo với kiến trúc như ngày nay, theo đó ngôi đình vẫn giữ nguyên kiến trúc chữ Nhất như ban đầu, tổng diện tích thiết chế là 60m2, được dựng theo lối kiến trúc nhà truyền thống của người Dao đỏ với kết cấu nhà gỗ 3 gian, cột kê chân tảng bê tông, nền đất, bao quanh là phên nứa…

    Xem người Dao đỏ ở Yên Bái góp củi, đồ ăn cùng nhau nấu cỗ làm lễ cầu mùa- Ảnh 1.

    Di tích Đình Khai Trung tọa lạc trên một bãi đất bằng phẳng thuộc địa phận thôn Giáp Luồng (xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Hoàng Hữu.

    Đình Khai Trung thờ Thành hoàng, bàn vương và long thần, là nơi diễn ra lễ cầu an, cầu mùa, là ngôi nhà chung và là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nơi tri ân các vị thần linh che chở, bảo vệ cộng đồng, các bậc tiền nhân có công khai phá, xây dựng và phát triển vùng đất Khai Trung. Nơi đây còn là địa điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tộc người Dao đỏ được hình thành và bồi đắp qua nhiều đời.

    Điều đặc biệt ở lễ hội đình Khai Trung là trong những ngày diễn ra lễ, các hộ gia đình trong xã sẽ đem sản phẩm của gia đình làm ra như gạo, rau, thịt, rượu và các nhu yếu phẩm khác như củi đến đình làng đóng góp và cùng nhau chế biến cỗ để hưởng lộc ngay tại sân đình.

    Xem người Dao đỏ ở Yên Bái góp củi, đồ ăn cùng nhau nấu cỗ làm lễ cầu mùa- Ảnh 2.

    Bà con trong xã cùng nhau góp gạo, rượu, rau, củi để nấu ăn tại lễ cầu mùa đình Khai trung. Ảnh: Hoàng Hữu.

    Chị Bàn Thị Thu Phương, trú tại thôn Giáp Cang phấn khởi chia sẻ: “Hàng năm các gia đình chúng tôi đều đem rượu, gạo và củi đến để đóng góp cùng nhau nấu ăn, tổ chức lễ hội cầu mùa. Được đóng góp như vậy chúng tôi thấy rất vui. Chúng tôi đóng góp các lễ vật như vậy mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an, ấm no, hạnh phúc”.

    Xem người Dao đỏ ở Yên Bái góp củi, đồ ăn cùng nhau nấu cỗ làm lễ cầu mùa- Ảnh 3.

    Người dân cùng nhau nấu cơm, làm cỗ ăn chung tại lễ hội cầu mùa đình Khai Trung. Ảnh: Hoàng Hữu.

    Anh Nguyễn Tuấn Anh, du khách đến từ thành phố Yên Bái cho biết: “Đã đi nhiều lễ hội nhưng đây là lần đầu tiên tôi được dự lễ hội này. Phong tục đáng chú ý ở đây là mọi người đến dự lễ hội nhưng mỗi người lại vác thêm bó củi, tay xách thêm túi gạo, mớ rau để góp. Sau đó mọi người cùng nhau nấu cơm ăn chung nhau tại sân đình, rất ý nghĩa”.

    Xem người Dao đỏ ở Yên Bái góp củi, đồ ăn cùng nhau nấu cỗ làm lễ cầu mùa- Ảnh 4.

    Món ăn truyền thống của người dân bản địa tại lễ hội cầu mùa đình Khai Trung. Ảnh: Hoàng Hữu.

    Ngày 19/12/2023, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 2442/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Khai Trung, đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích đình Khai Trung.

    Ông Đoàn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên khẳng định: “Di tích đình Khai Trung được UBND tỉnh Yên Bái xếp hạng là Di tích cấp tỉnh, đó không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích, mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khai Trung, của cộng đồng người Dao, người Tày…”.

    Xem người Dao đỏ ở Yên Bái góp củi, đồ ăn cùng nhau nấu cỗ làm lễ cầu mùa- Ảnh 5.

    Các thầy cúng thực hiện các nghi thức lễ cầu mùa tại đình Khai Trung. Ảnh: Hoàng Hữu.

    Ông Tuấn cũng yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Khai Trung cần sớm thành lập Ban quản lý di tích và thực hiện việc quản lý theo đúng quy định, xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Tăng cường tuyên truyền tới nhân dân và du khách, giáo dục cho thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di tích; Thực hiện tốt việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tôn tạo, tu bổ di tích được khang trang hơn…

    Ông Hoàng Văn Câu, chủ tịch UBND xã Khai Trung cho biết, lễ hội cầu mùa đình Khai Trung thể hiện tinh thần đoàn kết, tính dân tộc. Với lễ cấp xã thì 3 năm tổ chức một lần, còn hàng năm các gia đình vẫn đem lễ đến nhà thầy cúng nơi thờ Bản vương để cầu mưa thuận gió hòa, bình an.

    Xem người Dao đỏ ở Yên Bái góp củi, đồ ăn cùng nhau nấu cỗ làm lễ cầu mùa- Ảnh 6.

    Thầy phù phép lập cây khai sơn trong lễ hội cầu mùa đình Khai Trung. Ảnh: Hoàng Hữu.

    “Hiện nay đình Khai Trung vẫn còn là nhà gỗ, mái lá chưa sứng tầm với di tích cấp tỉnh, chính vì vậy địa phương rất mong muốn nhận được sự đóng góp, phát tâm công đức của du khách thập phương cũng như nhân dân để tôn tạo, tu bổ đình ngày một khang trang”, Chủ tịch UBND xã Khai Trung nhấn mạnh.

    Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)