Để các phim Nhà nước tiếp cận khán giả và mở rộng được doanh thu
Phim Nhà nước trước nay vẫn có đặc thù riêng về nội dung, cơ chế và cách thức phổ biến. Bởi vậy việc đến gần với khán giả trước nay vẫn là vấn đề nan giải chứ chưa nói đến việc có thể thu lại được doanh thu. Mặc dù doanh thu không phải là vấn đề mà phim Nhà nước đặt ra khi sản xuất phim, nhưng doanh thu sẽ phần nào thể hiện được độ phổ biến của tác phẩm đối với đại chúng để phát huy nhiệm vụ của chính tác phẩm.
Theo đạo diễn Bùi Trung Hải, để có được sự tiếp cận của đông đảo người xem, điều đầu tiên vẫn phụ thuộc vào người làm phim làm sao phải nâng cao và đổi mới tay nghề.
“Cứ nhìn các nước khác như Mỹ, họ cũng thường xuyên làm phim tuyên truyền nhưng lại có thành tựu cực lớn về doanh thu, như các phim American Sniper hay Top Gun đều đạt được hai khía cạnh doanh thu lẫn nghệ thuật”.
Đạo diễn Bùi Trung Hải cũng cho biết, việc mở rộng và khai thác nội dung với dòng phim lịch sử cũng là vấn đề quan trọng. Nhiều nhà làm phim rất muốn đóng góp những ý tưởng hay và sáng tạo cho dòng phim Nhà nước nhưng đôi khi đề tài đưa ra vẫn còn bị bó hẹp.
“Tôi nghĩ nên có nhiều phim nói về hiện thực xã hội, nói lên những cái xấu và đưa ra những quan điểm phê phán. Chúng ta nên tạo điều kiện để các nhà làm phim làm được việc đó” – đạo diễn Bùi Trung Hải nói.
Đạo diễn từng thực hiện Hà Nội 12 ngày đêm cho rằng, làm phim lịch sử không nên quá cứng nhắc và nên nghĩ theo hướng làm sao để không chỉ khán giả Việt Nam, mà khán giả thế giới cũng có thể thưởng thức.
“Về trường hợp của Đào, phở và piano, tôi nghĩ nên có thêm nhiều sự đổi mới về quy tắc sản xuất phim bằng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh chi phí làm phim phải có chi phí phát hành, nếu không có % chia cho các nhà rạp thì không thể đem phim đến với rộng rãi công chúng được”.
Đào, phở và piano được công chúng ủng hộ là điều rất tốt, nhưng càng may mắn hơn nữa khi lại được hai cụm rạp tư nhân Beta Cinemas và CineStar ủng hộ. Tuy vậy, tôi cho rằng, đây vẫn là biện pháp tình thế và không thể kéo dài như vậy được vì ít cũng phải làm sao để các rạp tư nhân chiếu phim Nhà nước vẫn có thể thu được lợi nhuận.
Từ đó chúng ta có thể thấy sự đổi mới phải bắt nguồn từ hai bên, nhà làm phim và các nhà quản lý”.
Đạo diễn Bùi Trung Hải bày tỏ, bộ phim Nhà nước đặt hàng là Hà Nội 12 ngày đêm do anh cùng ê-kíp thực hiện năm 2002 cũng được công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Bộ phim nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Tuy nhiên, vẫn với lý do phim không được cấp kinh phí phát hành, không có cơ chế chia phần trăm doanh thu cho các rạp tư nhân nên không thể tới rộng rãi với nhiều khán giả hơn.
“Nếu ai theo dõi điện ảnh, nhất là các bộ phim trên thế giới, đều có thể hiểu nhiều bên sản xuất chịu chi phí phát hành lớn, có thể lên tới 30% tổng kinh phí làm phim. Nhưng nếu không có tiền quảng bá, các phim sẽ không thể được khán giả biết tới. Bởi vậy quy chế về quảng bá, chia phần trăm cho các nhà rạp là vấn đề cấp thiết phải giải quyết hiện nay”, nam đạo diễn nói thêm.
Tại sao phim Nhà nước đầu tư không chiếu trên truyền hình?
Đạo diễn Bùi Trung Hải ví von, nếu coi xem phim điện ảnh ở rạp như một bức tranh được xem ở bảo tàng nghệ thuật thì xem truyền hình như ta đang xem một tấm bưu thiếp.
“Tôi nghĩ rằng điện ảnh vẫn là một trải nghiệm đặc biệt. Rạp phim dành cho phim điện ảnh và chỉ có xem phim ở rạp mới đem lại trải nghiệm và thẩm mỹ tốt nhất về chất lượng hình ảnh lẫn âm thanh.
Gần đây có bộ phim Oppenheimer của đạo diễn Christopher Nolanchủ đích quay bằng máy IMAX để phục vụ chiếu ở rạp IMAX, với mong muốn kêu gọi người tới rạp để có trải nghiệm điện ảnh tốt nhất.
Thật ra chiếu phim điện ảnh trên truyền hình cũng không là điều gì xa lạ. Bởi nhiều kênh quốc tế cũng đã chiếu phim điện ảnh sau khoảng 3 – 6 tháng ra rạp. Sở dĩ có khoảnh cách như vậy là bởi có sự tôn trọng dành cho tính thẩm mỹ của điện ảnh tại rạp. Ở nước ta, một số dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước thì nhiều bộ phim Nhà nước cũng đã được chiếu trên truyền hình. Với bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm của tôi thì sau khoảng 1, 2 năm được chiếu trên truyền hình, và chiếu đi chiếu lại sau đó nhiều lần vào các dịp lễ kỷ niệm. Nhưng trải nghiệm với truyền hình chủ yếu là xem nội dung, mà không thể thấy hết được những vẻ đẹp, yếu tố nghệ thuật của điện ảnh.
Còn với khả năng xem phim Nhà nước tại rạp miễn phí thì tôi cho không khả thi. Nếu Nhà nước đã bỏ tiền ra làm phim, thì cũng nên nghĩ cách để thu tiền về, từ đó sẽ có nguồn vốn đầu tư cho các phim tiếp theo để phục vụ khán giả tốt hơn”, đạo diễn Bùi Trung Hải phân tích.
Cuộc trò chuyện của đạo diễn Đào, phở và piano và các Tiktoker khiến phim viral
Khi PV Dân Việt liên lạc với đạo diễn phim Đào, phở và piano NSƯT Phi Tiến Sơn, ông bày tỏ rằng, ông chân thành gửi lời cảm ơn đến những Tiktoker đã khiến bộ phim viral trong những ngày qua.
Cuộc trò chuyện của đạo diễn Đào, phở và piano và các Tiktoker. Ảnh: Chụp màn hình
Sau cuộc nói chuyện, chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ: “Tôi và ê-kíp làm phim giống như sinh ra một đứa trẻ. Chính khán giả đã nuôi nó lớn lên. Rất nhiều ý kiến đánh giá trên mạng xã hội, trên báo chí đã chắp cánh cho nó. Tôi và ê-kíp rất biết ơn. Nhiều ý kiến nhận xét sâu sắc để chúng tôi học hỏi và rút kinh nghiệm. Các đơn vị chiếu phim, nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng chí tình, càng chiếu càng lỗ mà vẫn tăng suất phục vụ khán giả. Thật vô cùng cảm động!”.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết sau cuộc nói chuyện vừa rồi với các bạn trẻ, ông cũng cảm thấy tự tin hơn với dòng phim lịch sử.
Tiktoker làm nên hiện tượng của Đào, phở và piano nói gì?
“Tôi cảm ơn sự quan tâm của mọi người. Thực ra có rất nhiều bạn yêu mến và đăng lên các video Đào, phở và piano. Việc truyền miệng cộng thêm nội dung phim chạm đến cảm xúc khán giả nữa nên phim được lan rộng đến khán giả như hiện tại. Với lời cảm ơn của bác Phi Tiến Sơn, bác cũng đã cảm ơn khán giả trên sóng VTV, không chỉ tôi mà còn rất nhiều khán giả cảm thấy như vậy là hạnh phúc!” – Tiktoker đã giới thiệu đoạn clip Đào, phở và piano với 3 triệu lượt xem chia sẻ với Dân Việt.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet