Đạo diễn Phi Tiến Sơn của phim “Đào, phở, và piano” chia sẻ với Dân Việt rằng, ông rất bất ngờ khi một Titoker là một bạn trẻ yêu mến và chia sẻ bộ phim trên mạng xã hội. Người này cũng nhắn tin cho ông để bày tỏ tình cảm, suy nghĩ với nhân vật họa sĩ già do NSND Trần Lực đóng. Đây cũng là nhân vật đạo diễn Phi Tiến Sơn rất tâm đắc khi xây dựng kịch bản.
Theo đạo diễn phim “Đào, phở và piano”, người trẻ nhắn tin cho ông bày tỏ rằng, bạn đã “sởn gai ốc” với nhân vật ông họa sĩ già: “Khi cháu xem đến gần cuối bộ phim, thực sự cháu đánh giá nhân vật họa sĩ già thật sự có chiều sâu. Theo cháu cảm nhận, hình ảnh bác ấy hiện ra là một người tếu táo nhưng cháu vẫn cảm nhận được nỗi buồn của nhân vật ấy.
Không chỉ phố phường bị tàn phá, người dân bị di tản mà còn vì nghệ thuật của bác ấy không sống được với khói lửa chiến tranh. Vì dù hình tượng người lính có quả cảm, kiên trung hay như đám trẻ bọn cháu vẫn nói là “cool ngầu” đến mấy thì nó vẫn là tang thương.
Cho nên lúc vẽ anh Văn Dân bác ấy (nhân vật họa sĩ do NSND Trần Lực đóng – PV) cố mãi mà không vẽ được. Nhưng đến khi nam nữ chính ở chung phòng cháu thấy mắt bác ấy sáng lên, và bác ấy bắt đầu vẽ. Đến lúc ấy cháu thật sự rất rất sởn da gà…”
NSND Trần Lực mới đây cũng chia sẻ sự xúc động khi nhận được tin nhắn của một bạn trẻ nhắn cho mình: “Những năm 1990 của thế kỷ XX, tôi nhận được nhiều thư của khán giả góp ý, khen hoặc chê vai diễn của mình. Những bức thư viết tay gửi qua bưu điện vì thời đó Internet chưa phổ biến, tôi rất trân quý giữ gìn. Nhưng những bức thư đó cùng nhiều kỷ vật khác đã thất lạc sau nhiều lần cưới vợ chuyển nhà, cái số tôi nó lòng đong lận đận vậy đó.
Nay đã khác, thời đại 4.0, khán giả gửi ý kiến, khen, chê qua e-mail, tin nhắn… về những phim, những vở kịch tôi đạo diễn, về những nhân vật tôi diễn trên phim.
Phim “Đào, phở và piano” đang được các bạn trẻ đón nhận. Đây là thành công của một tập thể đoàn phim do đạo diễn kiêm biên kịch Phi Tiến Sơn đảm nhận. Hiện tại, phim vẫn đang “làm mưa làm gió” ở Hà Nội. Sau xuất chiếu đầu tiên ở TP. HCM, một khán giả trẻ gửi thư qua trang cá nhân cho tôi. Tôi và đoàn phim rất vui khi phim “Đào, phở và piano” đang dần được chiếu rộng rãi và được các bạn trẻ đón nhận một cách tích cực.
Cảm ơn phản hồi của cháu Quỳnh Trang!”. Được biết vị khán giả này đã nhắn gửi đến nghệ sĩ Trần Lực như sau: “Trước khi gửi đôi lời tin nhắn này cháu không biết là cháu có làm phiền chú hay không. Nhưng cháu vẫn muốn nói lên cảm nhận của cháu về chú về nhân vật người họa sĩ của chú.
Cháu ở TP. Hồ Chí Minh và vừa xem suất chiếu đầu tiên của “Đào, phở và piano” vào hôm 22/2 vừa qua. Cháu chỉ muốn nói là trong cả bộ phim cháu thích nhất vai người họa sĩ của chú, với cháu trong phim chú như một tia nắng ấm áp, một màu tươi sáng ở nơi pháo nổ, đạn bay nơi chỉ có màu xám đen u buồn. Khi tới phân đoạn của chú, cháu thấy yêu đời và thấy thật đáng yêu. Trong phim với cháu, chú là sự tự do tươi sáng.
Sau khi xem “Đào, phở và piano” cháu thấy quý trọng giây phút hiện tại nhiều hơn vì cháu được sống ở một đất nước hòa bình, được đánh đổi bằng xương máu của những người chiến sĩ Việt Nam yêu nước và cháu cảm thấy yêu nước nhiều hơn và biết ơn nhiều hơn. Cảm ơn chú và cả ê-kíp “Đào, phở và piano” vì một bộ phim quá tuyệt vời và đầy sự tự hào dân tộc này. Cháu chúc chú luôn khỏe và bộ phim được đón nhận nhiều hơn nữa ạ!”.
Nhân vật của NSND Trần Lực trong “Đào, phở và piano” lấy cảm hứng từ họa sĩ Bùi Xuân Phái
NSND Trần Lực chia sẻ với Dân Việt rằng, nhân vật ông họa sĩ mang một sắc thái đặc biệt, là một họa sĩ lấy cảm hứng từ danh họa Bùi Xuân Phái với xúc cảm nghệ thuật sâu sắc về Hà Nội thời kháng chiến.
“Khi đọc kịch bản của “Đào, phở và piano” tôi đã cảm nhận được điều gì đó khác biệt so với những phim chiến tranh thời đại này: gần gũi hơn, đậm chất “người” hơn và có tính nhân văn rất cao. Nhân vật chính đều là những người dân bình thường, không phải là những người chiến sĩ, nhưng vẫn ra được tinh thần của một thời kháng chiến oanh liệt. Tuy vậy, bên cạnh chất hào hùng, yếu tố lãng mạn, sự gắn bó sâu sắc giữa người với người vẫn được khai thác tối đa ở bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Các phim chiến tranh ngày xưa thường thiên nhiều về mục đích tuyên truyền hay hô khẩu hiệu, nhưng “Đào, phở và piano” hoàn toàn không có điều này. Khi xem phim, tôi nghĩ khán giả sẽ cảm nhận được tình người, sự nhân văn, cùng yếu tố hấp dẫn khi nhân vật phải đối diện giữa sự sống và cái chết. Chiến tranh rất khốc liệt nhưng không vì thế mà con người mất đi tình yêu thương dành cho nhau – đó là hơi thở hiện đại, những góc cạnh khác của chiến tranh mà chúng tôi muốn mang đến cho khán giả”.
Hình ảnh của NSND Trần Lực khi đóng vai họa sĩ già trong “Đào, phở, và piano”. Ảnh: NSX
Chia sẻ về thông điệp muốn gửi gắm qua nhân vật người họa sĩ già, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Ông họa sĩ đam mê cái đẹp. Dùng màu nhuộm cờ liệm cho liệt sĩ là việc chẳng đừng. Cũng như người lính, có ai thích cầm súng đâu.
Người họa sĩ bế tắc về ý tưởng. Chiến tranh không tạo cảm hứng sáng tạo cho ông. Chính tình yêu và sự hồn nhiên trong sáng của chú bé (Thiên thần) loá lên ý tưởng. Vào khoảnh khắc ngã xuống ông nhìn vào bức tranh mình vừa vẽ nở một nụ cười toại nguyện”.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet