Đây là lần đầu tiên Nolan giành được giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar. Trước đó, ông từng được đề cử cho Dunkirk vào năm 2018. Ông được đánh giá là ứng cử viên “nặng ký” nhất cho tượng vàng khi giành được một loạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất trong thời gian chạy đua tới giải Oscar, trong đó có giải Quả cầu vàng, Bafta, giải Sự lựa chọn của các nhà phê bình và giải của Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ. Tại giải Oscar, Nolan đã chiến thắng Martin Scorsese cho “Killers of the Flower Moon”, Justine Triet từ “Anatomy of a Fall” và Yorgos Lanthimos với “Poor Things”.
“Oppenheimer” do Nolan cùng sản xuất và viết kịch bản, có sự tham gia của Cillian Murphy trong vai nhà khoa học hạt nhân tiên phong J Robert Oppenheimer, giám đốc phòng thí nghiệm bí mật Los Alamos, nơi thiết kế và chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên. Bộ phim đã nhận được sự hoan nghênh đáng kể khi phát hành. Peter Bradshaw của The Guardian đã đánh giá bộ phim bốn sao trong khi Wendy Ide của Observer gọi đây là một “thành tích cao chót vót”. Gắn liền với bộ phim “Barbie” của Greta Gerwig bằng cách sử dụng hashtag #Barbenheimer, bộ phim đã trở thành một thành công thương mại đáng kể, với tổng doanh thu hiện được ghi nhận là 960,6 triệu USD.
Nolan gửi lời cảm ơn đến dàn diễn viên và đoàn làm phim cũng như vợ anh và nhà sản xuất Emma Thomas. Sau đây là 12 phim được xếp hạng là những tác phẩm đặc sắc của đạo diễn này, từ phim khoa học viễn tưởng có kịch bản độc đáo đến những bom tấn định nghĩa lại dòng phim siêu anh hùng.
12. “Following” (1998)
Bước đi đầu tiên thật khó để được đánh giá cao, nhưng tác phẩm đầu tay kinh phí thấp của Nolan đã cho thấy sự hứa hẹn của một tài năng không thể phủ nhận. Quay vào những ngày cuối tuần với bộ phim trắng đen, với chính Nolan bấm máy, đây là một câu chuyện lạ lẫm với những bước ngoặt khiến người xem phải thốt lên. Bộ phim được đánh giá còn hơi góc cạnh, thô ráp, nhưng chính những thứ đó đã được Nolan “đánh bóng” một cách xuất sắc trong các tác phẩm sau này.
11. “Insomnia” (2002)
Nolan bắt đầu sự nghiệp tại Hollywood của mình với câu chuyện về một thám tử ở Alaska. Trong phim anh đã có cơ hội làm việc với các diễn viên hàng đầu như Al Pacino và Robin Williams. Là bản làm lại của một bộ phim trinh thám Na Uy từ năm 5 năm trước, ở một số khía cạnh, giới phê bình đánh giá đây là bộ phim kém nổi bật nhất của Nolan mặc dù anh đã xử lý tốt cốt truyện phức tạp, đầy đủ những tình tiết xuất sắc.
10. “The Prestige” (2006)
Nằm giữa hai phần đầu tiên của loạt phim Batman, “The Prestige” vẫn luôn có vẻ là một “kẻ ngoại đạo” trong thế giới phim của Nolan. Với chủ đề thời gian không thể thay đổi mọi thứ. Câu chuyện về những nhà ảo thuật thế kỷ 19, do Hugh Jackman và Christian Bale đóng. “The Prestige” đã đạt những thành công nhất định. Mặc dù Nolan vẫn đi theo lối kể truyện rất riêng của mình, nhưng chắc chắn rằng, đây không phải là bối cảnh mà đạo diễn tài ba này thoải mái nhất để thể hiện mình.
9. “Tenet” (2020)
Nolan đã nhận được hàng loạt những lời khen ngợi khi dám phát hành “Tenet” lúc đại dịch Covid đang ở đỉnh điểm, hàng loạt rạp chiếu phim đóng cửa đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái Hollywood. Nhưng, trong ba “kiệt tác khoa học viễn tưởng” quy mô lớn của anh, đây có lẽ là bộ phim kém thỏa mãn người xem nhất. Một tác phẩm kể về du hành thời gian có thể làm đau đầu ngay cả những người hâm mộ phim khoa học viễn tưởng hàng đầu. Câu chuyện về một tổ chức bí mật cố gắng ngăn chặn vụ tấn công của khủng bố sắp diễn ra. Mặc dù các diễn viên đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình, nhưng với một kịch bản vô cùng khó hiểu, khán giả ra về từ phòng chiếu phải tự đặt câu hỏi rằng: “Mình vừa xem tác phẩm gì thế nhỉ?”.
8. “The Dark Knight Rises” (2012)
Nolan đã làm cho loạt phim Batman sống lại một cách mạnh mẽ. The Dark Knight Trilogy giữ vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ điện ảnh. Nolan đã chỉ đạo tác phẩm bằng sự tự tin, sử dụng những yếu tố anh hùng để làm tăng kịch tính cho câu chuyện. Christy Lemire của AP viết: “Nolan kết thúc loạt phim Batman của mình theo cách ngoạn mục, đầy tham vọng”. “The Dark Knight Rises” là bộ phim thứ 13 cán mốc doanh thu một tỷ USD.
7. “Memento” (2000)
Đây là bộ phim mà Nolan đã khẳng định tên tuổi của mình. Nolan đã thổi hồn vào câu chuyện giật gân về đề tài mất trí nhớ, vốn đã khá cũ và lặp đi lặp lại trên màn ảnh từ những năm 1940.
Nolan đã cho thấy mình có thể làm việc tốt với các diễn viên hàng đầu như Guy Pearce. Đạo diễn người anh đã sử dụng hình ảnh màu và đen trắng để phân biệt các dòng thời gian đối nghịch trong “Memento”, một kỹ thuật mà anh lặp lại trong tương lai.
6. “Batman Begins” (2005)
Đối với những người trẻ, có thể rất khó hiểu tại sao Warner Bros. lại lo lắng nhiều về việc hồi sinh Batman sau sự thất bại của thập kỷ 1990. Nhưng với hãng này, “canh bạc” Batman là thứ mà họ buộc phải thành công sau nhiều lần thất bại trong quá khứ. Tầm nhìn của Nolan đã mang tới một Bruce Wayne u ám và đầy uẩn ức, đây là một Batman nghiêm túc mà người hâm mộ dường như đòi hỏi từ rất lâu. “Batman Begins” có doanh thu cao thứ chín năm 2005 (373,6 triệu USD), được Viện phim Anh khen ngợi phù hợp thời đại, đồng thời là một trong những tác phẩm ảnh hưởng nhất trong những năm đầu thế kỷ 21. Nhà phê bình Roger Ebert nói: “Phim khiến tôi bớt chú trọng vào các pha hành động, tập trung hơn vào câu chuyện và nhân vật. Tác phẩm không đơn thuần chỉ để giải trí”.
5. “Interstellar” (2014)
Với “Interstellar”, Christopher Nolan thể hiện tham vọng của mình với đề tài du hành không gian. Bộ phim có một ý tưởng độc đáo về hố đen vũ trụ – vốn vẫn là bí ẩn mà khoa học chưa có lời giải đáp. “Loài người được sinh ra ở Trái Đất, không có nghĩa sẽ phải kết thúc tại đây” – khẩu hiệu chủ đạo trong “Interstellar” phần nào thể hiện cho tầm nhìn vĩ mô của Christopher Nolan.
Kịch bản của “Interstellar” được viết dựa trên những lý thuyết về lỗ đen và các hiểu biết về vũ trụ của nhà vật lý học Kip Thorne. Bộ phim được xây dựng và bám sát khoa học chứ không chỉ là “lý thuyết suông” của người viết kịch bản.
4. “The Dark Knight” (2008)
Bộ phim khởi chiếu ngày 20/10/2008, được giới chuyên môn đánh giá cao nhất trong loạt phim Batman của Nolan. Phim đạt doanh thu hơn một tỷ USD. Phim kết hợp nhiều thể loại: Các cảnh hành động, rượt đuổi gay cấn, sự phức tạp trong nhân vật và các câu thoại của dòng phim tâm lý, đồng thời đầy rẫy nút thắt như thể loại khoa học viễn tưởng. Nolan thể hiện tài năng cân bằng tiết tấu phim, dù pha trộn nhiều thể loại với hàng loạt tình tiết.
Dàn diễn viên là điểm cộng lớn cho phim, nổi bật là tài tử Heath Ledger với vai diễn phản diện Joker. Ledger qua đời trước khi bộ phim được công chiếu. Năm 2009, tài tử đoạt giải Oscar lần thứ 81 cho Nam diễn viên phụ xuất sắc.
3. “Inception” (2010)
14 năm trước, “Inception” xuất hiện và khiến khán giả toàn cầu sửng sốt vì một “bom tấn” lại có tính nguyên gốc và sáng tạo đậm đặc đến vậy so với những hậu truyện, chuyển thể, phim làm lại… nhan nhản mỗi mùa hè.
Một trong những cống hiến lớn của Inception, như các báo Mỹ công nhận là “thúc ép các bom tấn giải trí phải trở nên thông minh hơn” thay vì coi thường trí tuệ khán giả. Câu hỏi đâu là mơ, đâu là thực vẫn tồn tại xuyên suốt 14 năm với khán giả xem phim. Trong khi các tác phẩm khác của Nolan như “Memento” (2000), “Insomnia” (2002), “The Prestige” (2006) xây dựng các nghịch lý phức tạp về thời gian, không gian, “Inception” tiến thêm một bước khi khám phá sự thao túng và biến dạng của cả ba yếu tố này. Bối cảnh câu chuyện đặt trong tiềm thức của các nhân vật.
Điểm khác khiến phim vẫn hấp dẫn sau nhiều năm là phần hình ảnh, khi đạo diễn chọn quay hiệu ứng thực tế thay vì kỹ xảo. Nhà quay phim Wally Pfister giải thích với tạp chí Empire: “Ý tưởng của Christopher Nolan là khi ta mơ mọi thứ phải có cảm giác thật. Vậy nên ngoại trừ những cảnh nhân vật thao túng thế giới trong mơ, anh ấy không muốn khán giả biết đây là cảnh mơ hay thực”.
2. “Dunkirk” (2017)
Sau khi thể hiện tài năng với các bộ phim hình sự, khoa học viễn tưởng hay siêu anh hùng, Nolan chuyển hướng sang dòng phim chiến tranh. Ông chọn việc tái hiện chiến dịch Dynamo hay còn gọi là “phép nhiệm màu Dunkirk.”
Trong “Dunkirk”, Nolan triệt tiêu chủ nghĩa anh hùng cá nhân với việc không để ai là nhân vật chính. Điều này giúp tránh đi vào lối mòn của nhiều phim chiến tranh trước đây. Đạo diễn tiếp tục khẳng định khả năng tinh tế của mình trong việc hòa quyện hình ảnh và âm thanh để tạo nên một trải nghiệm độc đáo. Anh ta chia sẻ rằng, 80% của cảnh quay được thực hiện bằng máy IMAX, nhằm mang lại trải nghiệm hoàn hảo khi chiếu trên các màn hình lớn hơn so với chuẩn thông thường.
Sử dụng kết hợp giữa máy quay IMAX 65 mm và phim khổ 65mm, bộ phim “Dunkirk” thực sự tỏa sáng với vẻ đẹp điện ảnh tuyệt vời, đặc biệt là trong những cảnh toàn cảnh, đặc biệt là những đoạn máy bay chiến đấu đầy kịch tính. Để thực hiện những cảnh này, đội ngũ sản xuất đã gắn máy IMAX lên các chiếc phi cơ và tiến hành quay phim trực tiếp trong khi chúng đang bay. Dàn diễn viên tuyệt vời, âm nhạc xuất sắc và một kịch bản súc tích làm nổi bật nên khả năng bậc thầy trong việc sử dụng hình ảnh của Christopher Nolan, đã giúp “Dunkirk” trở thành một trải nghiệm đáng tiền nhất của năm 2017.
1. “Oppenheimer” (2023)
Dựa trên cuốn tiểu sử ra mắt năm 2005 “American Prometheus” của Kai Bird và Martin J. Sherwin, phim xoay quanh J. Robert Oppenheimer (Cillian Murphy thủ vai), người được coi là “cha đẻ” của bom nguyên tử.
Từng cảm xúc trong cuộc đời của “Oppenheimer” được Christopher Nolan đưa lên màn ảnh qua diễn xuất của tài tử Cillian Murphy – người từng đóng vai phụ trong bom tấn “Inception” của Nolan năm 2010.
Với “Oppenheimer”, trước Oscar 2024, Christopher Nolan đã ra về với 5 phần thưởng trong đêm trao giải Golden Globe 2024 và 7 lần được ban giám khảo BAFTA xướng tên trên bảng vàng. Trong đó có giải thưởng vinh danh đạo diễn và phim hay nhất.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet