Rước kiệu bằng xe kéo trong lễ hội, văn hóa đang thụt lùi hay tiến lên?

Last updated: March 29, 2024 at 13:50 pm - Lượt Views: 16 views

  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt
  • Trước ngày tuyên án cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các bị cáo: Những điểm đáng chú ý trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

  • PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về vấn đề này.

    Thưa ông, rước kiệu vốn nghi thức rất quan trọng của một lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, nét đẹp truyền thống này đang bị “lấn át” bởi hiện tượng “kéo kiệu”, “chở kiệu”. Thay vì kiệu được khiêng, giờ đây tại nhiều lễ hội đã dùng xe chở kiệu. Ý kiến của ông về hiện tượng này như thế nào?

    – Trong đám rước của lễ hội, khiêng kiệu là một nghi thức quan trọng. Nghi thức này không chỉ là chứa đựng những giá trị về mặt tâm linh mà còn cả về mặt văn hóa. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều làng bỏ kiệu lên giá xe để “kéo kiệu” hoặc cho lên xe cơ giới để “chở kiệu”. Còn đám rước ngày trước thì các cơ ngũ thường đi bộ, nay đã từng đoàn xe máy, ô tô diễu hành. Từ đó, tạo nên cách nhìn nhận đi bộ mới kính, mới thiêng, mới thành tâm tín ngưỡng. Nghe ra thì cũng có lý nhưng cái lý ấy là từ thực tiễn mà rồi người ta hình thành quan niệm như vậy. Không thể nói rằng, người đi xe cơ giới là bất tín, bất kính với thánh thần… nói thế oan cho họ quá.

    Rước kiệu bằng xe kéo trong lễ hội, văn hóa đang thụt lùi hay tiến lên?- Ảnh 1.

    Nhà nghiên cứu VH dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh Sơn Hải.

    Một đám rước rất điển hình được ghi lại cách đây đã hơn 900 năm đời vua Nhân Tông nhà Lý trên tấm bia Sùng thiện Diên linh còn lưu ở Đọi Sơn, Hà Nam cho ta rõ, một đám rước hoành tráng, trong đó đã có ngựa xe. Ta đọc thấy vài đoạn như sau: “Lại tới sớm mùng ba, mới sắm sửa xe giá (chữ “giá” có bộ “mã” nghĩa là “xe cộ”), cưỡi xe ngọc ra ngoài chín bệ; lên xe châu rong ruổi đường vàng, quạt lông trĩ che ở hai bên, kiệu nạm bạc vây quanh bốn phía. Lọng vàng rợp trời; cờ màu lóe nắng… Tới lúc ác vàng xế bóng; xe báu sắp về…”. Đọc cả đoạn văn thì thấy đây là một đám rước vào ngày rằm tháng Tám từ cung đình ra bến sông Hồng (Lô Giang) để làm lễ Phật, cầu siêu cho cha mẹ vua. Như vậy từ xưa, đã dùng xe trong đám rước rồi. 

    Chưa kể, trong kinh Phật Ấn độ, trong ghi chép đời Đường thì những đám rước dùng xe kéo tay chở tượng, xe ngựa kéo, kiệu người khiêng rộn ràng cùng nhau. Việt Nam là nước nghèo, các làng xã trước đây thật ít xa mã, chúng ta lấy sức người làm phu khiêng kiệu lâu rồi thành tập quán, rồi thành tâm lý và thành cả “định kiến” cứ thấy giàu sang một tí là sân si.

    Rước kiệu bằng xe kéo trong lễ hội, văn hóa đang thụt lùi hay tiến lên?- Ảnh 2.

    Lễ rước Mẫu thỉnh kinh tại Phủ Chính Tiên Hương trong lễ hội Phủ Dầy (Nam Định). Ảnh Chu Vĩnh

    Văn hóa vận động bất tận trong lịch sử. Trong lễ hội, nếu trật tự, thành tâm, kính ngưỡng thì chả nhẽ bắt bẻ người ta. Nói thế nhưng cũng phải trừ những nơi mà hội lệ, hương ước có quy định phải đi bộ, khiêng bộ thì vì lệ làng mà chúng ta phải tuân thủ, gọi là “ước lệ” (tuân theo lệ xưa). Nhưng tôi cũng chưa đọc được cái hội lệ nào như vậy cả. Chỉ có quy định bất thành văn là đã là tráng đinh thì phải ghé vai khiêng kiệu nếu làng phân công, bất kể anh ta chức vụ gì.

    Vậy ông có suy nghĩ gì khi hình thức “chở kiệu” đang dần trở nên phổ biến ở các lễ hội truyền thống làng, xã?

    – Cũng vì những điều tôi đã nhận định ở trên, nếu hình thức dùng xe chở kiệu mà đẹp đẽ, trang trọng thành tín… thì chẳng có gì đáng lo ngại hết. Vấn đề là cái tâm của người tham gia trình diễn đám rước, trình diễn lễ hội thôi.

    Rước kiệu bằng xe kéo trong lễ hội, văn hóa đang thụt lùi hay tiến lên?- Ảnh 3.

    Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung (Khoái Châu, Hưng Yên). Ảnh Chu Vĩnh

    Làm thế nào để mọi người có cái nhìn khách quan, tích cực hơn về hiện tượng “chở kiệu”?

    – Năm 1960, quê tôi có quan niệm, khi ông bà, bố mẹ mất thì con cái phải đi chân đất đưa tang mới thể hiện “đạo hiếu”. Năm 1990, tức là 30 năm sau, không ai đi đám tang mà đi chân đất nữa. Sao vậy, họ không còn “hiếu” nữa chăng? Không phải như vậy đâu! Vấn đề là, cuộc sống đã khác đi, cách thể hiện cũng khác đi. Biến đổi từ đi chân đất đến đi giày dép cũng giống như từ khiêng kiệu đến chở kiệu thôi. Khi bố mẹ mất, chúng ta “trái xống trái áo” nhưng bây giờ chúng ta mua áo đen, trang phục đen tất trang trọng thì sao?

    Văn hóa cứ thế mà vận động. Chúng ta cần nhìn thấy cái hợp lý của quá trình vận động đó. Bởi vậy, chỉ những người không quan sát văn hóa trong tính vận động của nó mới tạo nên những định kiến mà thôi.

    Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)