Sáng 21/04, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Vũ Khoan tâm tình gửi lại” tại trụ sở NXB Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội).
Sự kiện ra mắt sách “Vũ Khoan tâm tình gửi lại” có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đông đảo đồng nghiệp, học trò, bạn đọc và những người yêu quý cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Đặc biệt, bà Hồ Thể Lan – phu nhân của cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng con cháu chắt cũng có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho sự kiện.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Tôi thật sự xúc động khi được mời đến tham dự sự kiện ngày hôm nay. Bản thân tôi tính đến nay cũng đã 40 năm hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, được nhiều người thầy, nhiều đồng chí đi trước dìu dắt, giúp đỡ… trong đó có thầy Vũ Khoan.
Tôi may mắn được đọc bản thảo cuốn sách này từ sớm và có những cảm nhận riêng của mình. Đọc cuốn sách tôi có nhận thấy có 3 yếu tố “Nhân – Trí – Dũng” được thể hiện. Với “Nhân”, tôi đặc biệt ấn tượng từ khi tôi bước vào ngành ngoại giao, được tiếp xúc với đồng chí Vũ Khoan. Mặc dù, lúc đó đồng chí đã lên làm Thứ trưởng rồi nhưng rất gần gũi với anh em, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những lần tiếp xúc với đồng chí Vũ Khoan tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ.
Những lần tiếp xúc gần gũi đó, nhân cách của một vị lãnh đạo ngành ngoại giao lại càng bộc lộ rõ. Những lời chia sẻ của đồng chí đối với đàn em như một sự tâm tình, rất chân thành và rất trí tuệ. Ông luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ đàn em. Cuốn sách của đồng chí Vũ Khoan thể hiện qua chữ “Nhân” thể hiện rất rõ trong cuốn sách này.
Chữ “Trí” cũng được thể hiện rất nhiều trong cuốn sách này. Với đồng chí Vũ Khoan, tôi coi ông như một người thầy lớn trên 3 khía cạnh. Nền móng vững chắc nhất đối với một cán bộ làm công tác ngoại giao đó là công tác nghiên cứu. Phải có công tác nghiên cứu mới có thể trở thành một nhà ngoại giao vững mạnh. Phương pháp nghiên cứu của đồng chí Vũ Khoan kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Khái quát bằng những câu rất ngắn gọn: Lịch sử, toàn diện, cụ thể, biện chứng.
Cái thứ hai là với một người có tầm trí tuệ rất sâu sắc, phong thái điềm tĩnh, phong cách giản dị, gần gũi. Điều này thể hiện qua những bài nói chuyện, những lần kể chuyện… rất trí tuệ, rất dí dỏm nhưng cũng rất thấm thía. Điều thứ ba là sự am hiểu của đồng chí Vũ Khoan không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao mà bao trùm ở nhiều lĩnh vực. Từ một nhà chính trị đến một nhà nghiên cứu ngoại giao, có cả sự am hiểu sâu sắc ở cả kinh tế, xã hội, văn hóa.
“Dũng” là để nói đến bản lĩnh của một nhà lãnh đạo, một con người. Đồng chí Vũ Khoan có nói với tôi một câu: “Cậu cứ yên tâm mà đi. Nếu cậu có ý chí, tích lũy kiến thức thì cậu sẽ phát triển”. Đúng như câu dặn dò đó, tôi luôn cố gắng phấn đấu và vươn tới thành công”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Vũ Khoan không chỉ là nhà chính trị, ngoại giao mà còn là nhà văn
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, cuốn sách được đặt tiêu đề là “Vũ Khoan tâm tình gửi lại” rất phù hợp với con người và nhân cách của cố Thủ tướng Vũ Khoan.
“Tôi rất ấn tượng với tựa đề của cuốn sách. Ông Vũ Khoan không để lại cho chúng ta những bài giảng, sự giáo huấn, sự vang dội… mà để lại cho chúng ta những tâm tình. Tôi nghĩ rằng, những chia sẻ lớn nhất chính là sự tâm tình. Ông là một chính trị gia, một nhà ngoại giao, một nhân chính lịch sử và khi đọc xong cuốn sách này tôi thấy ông còn là một nhà văn. Văn hóa trong chính trị, văn hóa trong ngoại giao, văn hóa trong kinh tế”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.
Cuốn sách “Vũ Khoan tâm tình gửi lại” tập hợp các bài báo, bài viết và phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong khoảng thời gian từ năm 2015 – 2023. Cuốn sách gồm hai phần chính và đúng như tên gọi, đây là “tâm tình” của Phó Thủ tướng “gửi lại” cho lớp kế cận của ngành ngoại giao cũng như với thế hệ trẻ của đất nước.
Phần thứ nhất – “Ngoại giao Việt Nam và Thế giới” – phản ánh những suy nghĩ của Phó Thủ tướng về quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước thông qua một số tác phẩm báo chí, bài viết. Những nội dung này cũng thể hiện tình cảm gắn bó của Phó Thủ tướng với ngành ngoại giao và công tác đối ngoại. Đây còn là những lời nhắn gửi chân tình của một người đi trước gửi tới những lớp tiếp nối trong công tác đối ngoại và xây dựng ngành ngoại giao tiên tiến, hiện đại.
Với tiêu đề “Khát vọng Việt Nam: cơ hội và thách thức trong cục diện thế giới mới”, phần thứ hai đề cập tới nhiều vấn đề nổi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, ngành đối ngoại nói riêng. Thông qua đó, Phó Thủ tướng trao cho người đọc, cho các thế hệ tương lai những tâm tư, những nguyện vọng, những thông điệp của mình về tương lai.
Cùng những nội dung như trên, cuốn sách còn có thêm phần Phụ lục với tựa đề “Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong lòng gia đình, đồng chí, bạn bè”, là không gian để những người gắn bó với cố Phó Thủ tướng tri ân tưởng nhớ ông, người “luôn mang hết trí tuệ, tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước, nhất là lĩnh vực ngoại giao, thương mại, hợp tác quốc tế…
Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà lãnh đạo đã có nhiều đóng góp trong quá trình mở cửa hội nhập, đổi mới và phát triển đất nước, người cộng sản kiên trung mẫu mực về cần kiệm liêm chính chí công vô tư, nhà ngoại giao xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cố Phó Thủ tướng đồng thời là một tấm gương tài đức vẹn toàn, luôn tận tâm, tận lực, là tấm gương sáng cho các thế hệ đi sau.
Từ những “tâm tình gửi lại” của ông, ghép thêm vào những “tâm tình” về ông của những người thân thiết và thế hệ kế cận, cuốn sách đã khắc họa một cách chân thực và tình cảm chân dung cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan – một tâm hồn cao đẹp, một trí tuệ minh mẫn và một đời sống bình dị – tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ noi theo.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet