Đạo diễn Minh Ngọc là một trong số ít nghệ sĩ sân khấu thành công ở cả 2 vai trò là đạo diễn và biên kịch. Trong hàng loạt sáng tác của mình, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc có nhiều vở diễn ăn khách được công diễn tại các sân khấu lớn của TP.HCM như: “Tía ơi, má dìa”, “Tiên Nga”, “Hãy yêu nhau đi”, “Trái tim nhảy múa”, “8 người đàn bà”, “Người đàn bà đức hạnh”… (Sân khấu IDECAF); “29 anh về”, “Hãy khóc đi em”, “Mơ trăng bóng nước”, “Sài Gòn có một ngã tư” (Sân khấu Hoàng Thái Thanh); “Nắng chiều”, “Vàng hay bạc nhái” (Sân khấu Quốc Thảo); “Bản chúc thư” (Sân khấu Kịch Hồng Vân); “Tiếng hát học trò” (Sân khấu Quốc Thảo – Minh Nhí); “Cô đào hát” (Nhà hát Trần Hữu Trang).
Việc đạo diễn Nguyễn Minh Ngọc viết kịch bản cho vở “Trò chơi mất tích“ có bắt nguồn từ một lý do hay cột mốc đặc biệt nào không?
– Năm 2014, khi Minh Trang sau nhiều năm mới tham gia trở lại vở kịch “Thiên Thiên” của đạo diễn Việt Linh tại Nhà hát TP. HCM một cách rất hào hứng. Cũng tại thời điểm đó, Minh Trang trao đổi với tôi ý định ấp ủ làm một vở kịch và cả 2 tâm đắc từ truyện ngắn “Một trái tim khô” của Nguyễn Ngọc Tư. 10 năm trôi qua, kịch bản Minh Ngọc đã viết và chỉnh sửa nhiều lần để tập ở một số sân khấu nhưng rồi đến phút cuối đành huỷ bỏ. Và đến bây giờ, khi Quốc Thảo ngỏ lời mời dàn dựng thì vở diễn mới thành hiện thực.
Điều gì ở truyện ngắn “Một trái tim khô” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thôi thúc chị và NSƯT Minh Trang muốn có một tác phẩm giống như thế trên sân khấu?
– Cũng có nhiều lý do nhưng trong đó có việc truyện ngắn “Một trái tim khô” có 2 chi tiết mà chúng tôi có xúc cảm nhiều đó là nhân vật Hậu làm Tổng giám đốc công ty Mặt Trời, Chủ tịch Hiệp hội đồ chơi và sự kiện người chồng của cô vì tình nhân mà thuê người sát hại vợ. Đáng tiếc đây lại là những hiện tượng không phải là hiếm gặp trong xã hội ngày nay.
Người phụ nữ gặp phải những éo le của số phận như Hậu rất nhiều trong cuộc sống, nhưng có lẽ với một người sống có tình như cô thì sự đau khổ ấy dường như lại bị nhân lên gấp bội. Vậy đạo diễn Minh Ngọc có xây dựng các nhân vật trong tác phẩm của mình theo quan điểm này?
– Trong kịch bản của tôi có nhiều nhân vật tương ứng với đủ màu đen, trắng, xám, nâu đại diện nhiều thành phần đa dạng trong xã hội. Theo tôi, trong cuộc sống này bên cạnh các nhân vật “sống có tình” thì còn có cả những kẻ “sống cạn tình”. Phải khắc họa được được tất cả sự đa dạng ấy thì mới tạo được kịch tính trong tác phẩm.
Thường trong các tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư các nhân vật chính diện thường không có được hạnh phúc. Họ luôn tử tế bao dung với người khác nhưng lại bỏ ngỏ việc nghĩ cho mình. Theo chị đây có phải là một hạn chế trong tư tưởng của người Á Đông nói chung?
– Trong xã hội này người có người tính ích kỷ, người khác lại có tấm lòng bao dung, họ vẫn sống cận kề nhau dù không ưa nhau, thậm chí hãm hại lẫn nhau, mặc dù vậy trong cuộc sống họ vẫn song song cùng tồn tại. Và theo tôi điều này chưa chắc chỉ có trong tư tưởng của người Á Đông không thôi đâu. Ở đâu cũng vậy khi người ta chọn việc sống và nghĩ cho người khác thì bản thân họ chắc chắn sẽ bị thiệt thòi.
Nghe nói kịch bản này được hoàn thiện sau nhiều lần chị viết rồi lại không viết nữa… Vậy những suy tư, trăn trở đối với một tác giả như chị có thể được tạm lắng xuống khi tác phẩm được thành hình và đến với khán giả không?
– Có chứ! Sau khi hoàn thành kịch bản vở “Trò chơi mất tích” và công diễn trên sân khấu, tôi vẫn theo dõi để chỉnh sửa vài chi tiết nhỏ để tác phẩm tròn trịa hơn. Và thường xong rồi thì phải tạm quên ngay để còn tập trung tiếp tục viết hoàn thành những bản thảo khác đang dở dang chờ hoàn tất.
Trong kịch bản “Trò chơi mất tích” chị dành nhiều tâm huyết cho nhân vật nào nhất và điều đó chị gửi gắm thông điệp gì tới người xem?
– Với kịch bản “Trò chơi mất tích”, tôi đầu tư cho tất cả các nhân vật của mình. Và về việc gửi gắm thông điệp của vở diễn tôi muốn mỗi nhân vật dù chính hay phụ đều có cách để truyền đạt những ý riêng.
Từ một kịch bản trên giấy được ấp ủ nhiều năm đến một tác phẩm sân khấu hiện hữu còn nguyên sự tươi mới khi vừa hoàn thành, vậy đạo diễn, biên kịch Minh Ngọc và các đồng nghiệp liệu có gặp phải những thay đổi hay sự bất đồng nào không?
– Khi bắt đầu tập, mỗi ngày ê-kíp chúng tôi đều tranh luận để chỉnh sửa tình tiết, lời thoại làm sao cân bằng cho một vở chính kịch nhưng vẫn đáp ứng đủ các yếu tố của tính giải trí để đảm bảo doanh thu và gần với thị hiếu khán giả đa dạng trong thời đại mà họ luôn luôn được tiếp xúc với các loại hình giải trí năng động, trực tiếp như: Gameshow, Tiktok, YouTube…
Thực hiện vở diễn lần này ở cả vai trò biên kịch và đạo diễn, điều gì khiến chị cảm thấy hài lòng nhất?
– Tôi cảm thấy hạnh phúc khi cả hai ngày công diễn đầu tiên là ngày 19/4 và ngày 20/4, vở diễn “Trò chơi mất tích” nhận được nhiều phản hồi tốt từ các khán giả xem kịch. Bất ngờ hơn nữa là có những khán giả còn tìm thấy những thông điệp sâu rộng nhà văn gửi gắm mà ngay cả những người thực hiện vở kịch như chúng tôi đôi khi cũng chưa hiểu hết. Tôi mong sẽ gặp nhiều những khán giả như vậy vì họ chính là nguồn động viên tinh thần để những nghệ sĩ đam mê sân khấu kịch nói tiếp tục sáng tác và diễn xuất.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin!
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet