Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm: “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bản hùng ca bất diệt”.
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bản hùng ca bất diệt” giới thiệu tới công chúng những dấu ấn đậm nét về trận quyết chiến chiến lược làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam.
Bản anh hùng ca bất diệt Điện Biên Phủ được bắt nguồn từ chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sự cổ vũ, ủng hộ của bạn bè quốc tế và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc”.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh cho biết thêm, thông qua trưng bày, công chúng cũng sẽ thấy được sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với vũ khí thô sơ của ngày thành lập (22/12/1944), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Đây là những cơ sở để dân tộc ta viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên những chiến công hiển hách.
Nội dung trưng bày triển lãm được bố cục theo ba phần:
Phần I: “Đường tới Điện Biên Phủ” giới thiệu những tài liệu, hiện vật làm rõ hơn bối cảnh dẫn đến Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước âm mưu của Pháp muốn xâm lược nước ta một lần nữa, cả nước ta đã đồng loạt bước vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Từ Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950) đến Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân ta không ngừng phát triển thế tiến công, buộc Pháp phải chấp nhận chọn Điện Biên Phủ làm điểm tổ chức trận quyết chiến lược kết thúc chiến tranh.
Phần II: “Điện Biên Phủ – Trận quyết chiến chiến lược” tái hiện trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ giữa bộ đội chủ lực Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp diễn ra trong 56 ngày đêm, từ ngày 13/3-7/5/1954. Kết thúc trận chiến, “con nhím” Điện Biên – “pháo đài không thể công phá” của Na-va đã trở thành tử huyệt chôn vùi dã tâm xâm lược của thực dân Pháp.
Phần III: “Hào khí Điện Biên” khẳng định những giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, mở ra bước ngoặt để nhân dân ta làm nên những mốc son hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bản hùng ca bất diệt” giới thiệu tới công chúng những dấu mốc và minh chứng lịch sử quan trọng, vô cùng sinh động về trận quyết chiến chiến lược làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc. Qua đó, khơi dậy hào khí của bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Cha tôi luôn xúc động khi nhắc tới Điện Biên Phủ
Nhìn lại những hiện vật của các cán bộ, chiến sĩ nói chung, kỷ vật của cha mình nói riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Võ Hồng Nam – con Đại tướng Võ Nguyên Giáp không khỏi xúc động. Chia sẻ về về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ với Dân Việt, ông Nam cho biết: “Trong chiến tranh, ai nắm được quy luật và vận dụng được thì sẽ chiến thắng. Đối với Hồ Chủ tịch, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiến thắng phải ở mức cao nhất, xương máu của đồng bào, chiến sĩ phải là thiêng liêng nhất, nếu nhìn ở tất cả kế hoạch, mọi quyết tâm chiến đấu đều có một tôn chỉ “càng đánh càng mạnh, bảo toàn xương máu cho một cuộc chiến tranh lâu dài”.
Lúc sinh thời, dù bao nhiêu đợt kỷ niệm 5 năm, 10 năm, 30 năm, 50 năm… cha tôi đều luôn xúc động khi nhắc tới Điện Biên Phủ. Ông xem lại, viết lại và liên hệ giữa ý nghĩa chiến thắng Điện Biên với cách mạng Việt Nam, với phong trào giải phóng dân tộc. Nhìn vào những bộ quần áo của Bác, hình ảnh những xe đạp thồ, tương phản với vũ khí hiện đại tối tân mới thấy rõ đường lối kháng chiến độc lập. Mặc dù có sự giúp đỡ của các nước bạn như: Liên Xô, Trung Quốc nhưng tất cả những quyết định dẫn tới chiến thắng là do đường lối đúng đắn của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam”, ông Võ Hồng Nam nói thêm.
Nhiều hiện vật giá trị được giới thiệu tại triển lãm, trong đó, có chiếc mũ cát và chiếc võng dù mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng tại chiến khu Việt Bắc. Theo lời kể của ông Võ Trường, chiến sỹ bảo vệ Bác thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chiếc võng đã được Bác sử dụng trên đường đi công tác từ Tân Trào sang đèo De, đèo Lát, thành Cóc, Chiêm Hóa, Na Hang (Tuyên Quang). Mỗi khi đi công tác, Bác đều mang theo võng để nghỉ trưa.
Cùng với đó là bộ lễ phục và đôi giày Bác sử dụng trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp năm 1946 lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm; khẩu súng cacbin Người tặng Trung tướng Phạm Kiệt (1950) kèm lời Bác dặn: ” Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy”.
Có mặt tại buổi khai mạc, tham quan triển lãm ông Roman Nilov – Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam chia sẻ: “Trong buổi triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bản hùng ca bất diệt” tại bảo tàng Hồ Chí Minh hôm nay, tôi cảm thấy tất cả các dấu mốc lịch sử, quá trình của chiến dịch Điện Biên Phủ đều được giới thiệu một cách rất bài bản, từ lúc chủ tịch Hồ Chí Minh đến đàm phán với chính phủ Pháp đến chiến thắng lẫy lừng của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Nói chung, các bạn đã làm chương trình này rất hay và ý nghĩa. Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới Việt Nam rằng, đất nước chúng tôi, hiện tại là Liên bang Nga và trước đây là Liên Xô lúc nào cũng sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam, kể cả trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 hay trong tương lai. Một lần nữa, tôi gửi lời chúc mừng đến đất nước Việt Nam anh hùng đã kiên định, quyết liệt giành được chiến thắng, giành được hòa bình, tự do, đó cũng là giá trị tối ưu cao nhất của nhân loại”.
Tại triển lãm, các em học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội cũng may mắn được chiêm ngưỡng, học hỏi thêm về lịch sử nước nhà. Có thể thấy đây là một cách giáo dục trực tiếp, thú vị. Tận mắt chứng kiến hiện vật kháng chiến, nghe những lời kể, thuyết minh về quá trình kháng chiến, các em học sinh dễ tiếp nhận và thêm yêu những trang sử vàng của dân tộc.
Em Nguyễn Lan Nhi (học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương) cho biết: “Em thấy rất vui vì hôm nay được đi tham quan, nghe cô hướng dẫn giới thiệu, xem nhiều đồ vật của Bác Hồ, Bác Võ Nguyên Giáp, các anh chiến sĩ trong kháng chiến. Em cũng học được nhiều hơn, thấy yêu lịch sử của đất nước hơn”.
Triển lãm được giới thiệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ 26/04/2024 đến tháng 10/2024.
Một số hiện vật, tư liệu được trưng bày tại triển lãm: “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bản hùng ca bất diệt”:
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet