Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng lực lượng dân công hỏa tuyến luôn đóng vai trò quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Giữa núi rừng Tây Bắc đầy khắc nghiệt, họ đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, tận dụng triệt để các phương tiện vận chuyển như: bè, mảng, xe thồ, trâu bò… để đưa đạn dược, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến với bộ đội ở tiền tuyến.
Sự hy sinh thầm lặng này còn thấp thoáng hình ảnh của những người con gái với tuổi đời còn rất trẻ. Thời gian, chiến tranh có thể lấy đi tuổi xuân của họ nhưng không thể xóa nhòa ký ức về những “đóa hoa trinh nữ” trong lực lượng dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ.
Một lần nữa vẻ đẹp của họ được tái hiện lại trong sáng tác “Những bông hoa hỏa tuyến” của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh. Đây có thể coi là một ca khúc đi cùng năm tháng khi mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát lại được vang lên để ghi nhớ công ơn của những nữ dân công hỏa tuyến đã âm thầm góp sức tạo nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những bông hoa hỏa tuyến từng đoạt giải A của Bộ Quốc Phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019). Đây là ca khúc viết về những “đóa hoa trinh nữ” trong lực lượng dân công hỏa tuyến đã vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh để tải đạn thồ lương, mở đường ra mặt trận góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bài hát này có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của ông?
– Trong sự nghiệp sáng tác của tôi đã có rất nhiều các tác phẩm thành công và được công chúng đón nhận như: Miền xa thẳm, Nhà em ở lưng đồi, Ngược dòng Hương Giang, Cám ơn mẹ… Ca khúc Những bông hoa hỏa tuyến là một bài hát mới được sáng tác gần đây, dù chỉ là ca khúc nhỏ so với những ca khúc khác nhưng tôi dành khá nhiều tình cảm và tâm huyết đặc biệt khi bài hát gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi nhận được giải thưởng của Bộ Quốc phòng thì tôi rất xúc động, tôi cũng vui mừng vì bài hát được cả giám khảo, khán giả công nhận và sẽ được đóng góp trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới. Đa phần các nhạc sĩ hay viết về anh hùng, chiến sĩ, liệt sĩ hoặc chiến thắng Điện Biên Phủ, ca ngợi quân ta tiến lên để giải phóng Điện Biên.
Mặc dù, cũng có nhưng khá ít người nói đến những cô gái dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ. Bản thân tôi cũng có nhiều sáng tác về người lính, cách mạng. Nên việc sáng tác về nữ dân công hỏa tuyến giống như một làn gió mới thổi vào trong sự nghiệp sáng tác của tôi.
Điểm đặc biệt của ca khúc Những bông hoa hỏa tuyến so với những sáng tác trước của ông là gì?
– Bài hát này được viết cho hai giọng ca nữ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội là Cẩm Tú và Lan Anh. Thông thường các ca khúc trước của tôi viết cho 1 người hát, nhưng riêng bài hát này bắt buộc phải có 2 người hát, hai chất giọng khác nhau mới có thể tạo nên âm hưởng, khắc họa rõ nét được nội dung tôi muốn truyền tải. Đây là một lối viết tương đối kì công và mang tính nghệ thuật, điều này có thể giúp hai ca sĩ tung hoành thể hiện được cảm xúc của mình.
Trong bài hát này tôi còn chèn tiếng chim sơn ca trong rừng núi chiến trường lửa đạn, nó vừa là phép ẩn dụ, cũng vừa gây được sự xúc động cho người nghe. Để biểu diễn bài hát này không phải là một điều dễ dàng vì không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nó sẽ cần nhiều yếu tố như hai người hát cùng, dàn nhạc đệm. Đây vừa là điểm đặc biệt nhưng cũng là sự hạn chế của ca khúc này.
“Những bông hoa hỏa tuyến” do sáng nhạc sĩ Đức Trịnh sáng tác. (Nguồn: YouTube Ocean Media)
Lấy tên ca khúc là Những bông hoa hỏa tuyến hẳn nhiên ông không chỉ để ngợi ca và tưởng nhớ về những nữ dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà tưởng nhớ những nữ dân công hỏa tuyến đã hy sinh xương máu cho độc lập hôm nay trên khắp cả nước? Trong cảm nhận của ông, những nữ dân công hỏa tuyến thời chiến ra sao?
– Đối với tôi các bà, các mẹ, các chị khi đó là những bông hoa trên chiến trường. Giữa núi rừng khốc liệt của Tây Bắc họ vẫn nở rộ đầy sức sống. Họ không hề yếu mềm hay thua kém gì các bậc nam nhi khi sẵn sàng góp sức, hy sinh sức khỏe hạnh phúc để chở đạn, lương thực lên trên tiền tuyến. Hơn nữa, trong những trận chiến mưa bom bão đạn đầy mất mát, hy sinh thì họ cũng đã góp phần làm cho cuộc sống của các chiến sĩ màu sắc, tươi vui và lạc quan hơn.
Mặc dù không tham gia trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng là một vị tướng cũng từng tham gia chiến tranh, ông có cảm nhận như thế nào về Chiến dịch Điện Biên Phủ?
– Trên thực tế, tôi là một người chiến sĩ của chiến trường Tây Nam Bộ, tham gia vào Chiến dịch mùa xuân năm 1975. Thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra tôi chưa được sinh ra nhưng sau này có quay trở lại vùng đất này. Là một người lính tôi hiểu được sự khốc liệt của khói lửa chiến tranh, nhưng để nói đến Chiến dịch Điện Biên Phủ thì đây quả thật là một trận chiến có sức công phá khủng khiếp. Đương nhiên mỗi một trận chiến, giai đoạn đều có sự ác liệt riêng của nó.
Chiến dịch mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam cũng ác liệt, tiêu hao nhưng lúc bấy giờ còn có sự trợ giúp của bạn bè quốc tế. Còn Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra khi đất nước ta còn nghèo, thiếu thốn, hạn chế về nhiều thứ nhưng lại phải đương đầu với thực dân Pháp hùng mạnh. Dân và quân ta phải chiến hoàn toàn bằng sức người. Ví dụ như hệ thống giao thông hào hơn 400km được đào bằng sức của các chiến sĩ, hào chằng chịt tới sát tận khu vực đồn trú của địch mà địch lại không biết. Chiều dài này gần bằng Điện Biên về đến Hà Nội.
Bộ đội Việt Nam cũng đã kéo những khẩu pháo nặng 2,4 tấn hoàn toàn bằng sức người qua những dốc núi cheo leo, đèo cao hiểm trở mặc cho máy bay của quân địch gầm rít trên đầu. Biết bao dân công hỏa tuyến đi từ Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La lên để trợ giúp cho chiến dịch. Sức người nhiều như thế nhưng chỉ vài quả bom của định đã tiêu hao biết bao nhiêu lực lượng của quân ta. Vậy mà, Việt Nam mình vẫn dũng cảm vượt qua được tạo nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng này còn khiến cho cả thế giới ấn tượng, biết đến. Thật sự là đáng tự hào!
Sau ca khúc Những bông hoa hỏa tuyến, ông đã có ca khúc nào mới về đề tài chiến tranh cách mạng? Ông có ý tưởng gì cho dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới?
– Sau ca khúc Những bông hoa hỏa tuyến tôi đã sáng tác thêm bài Điện Biên mây trắng vào năm 2023 do ca sĩ Vũ Thắng Lợi biểu diễn và đạt huy chương vàng trong hội diễn toàn quân vừa rồi.
Ở thời điểm hiện tại, tôi đang tập trung cho những sự kiện lớn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên sẽ không sáng tác thêm ca khúc nữa. Công việc chính sắp tới của tôi sẽ là chỉ đạo sản xuất chương trình nghệ thuật và chương trình lễ trao giải, biểu diễn các tác phẩm mới của các nhạc sĩ trên thành phố Điện Biên.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa phát động tháng âm nhạc Bài ca Điện Biên nhân dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và thu được nhiều sáng tác mới chất lượng, ông có suy nghĩ như thế nào trước những tác phẩm mới này?
– Mặc dù mới phát động tháng âm nhạc Bài ca Điện Biên nhưng đã có rất nhiều các tác phẩm của các nhạc sĩ gửi về. Tôi chưa thể đánh giá hết nhưng nếu đánh giá sơ bộ thì tôi thấy các tác phẩm dự thi năm nay rất đa dạng và phong phú. Có những ca khúc gợi nhớ lại chiến tranh, từ đó ca ngợi chiến công của các anh hùng đã hy sinh. Nhưng cũng có người chọn lối viết về Điện Biên của hôm nay đã phát triển và trở thành một thành phố trẻ.
Lớp trẻ hiện nay mặc dù không tham gia trực tiếp chiến dịch, chỉ nghe qua báo đài, học qua sách vở nhưng họ lại có cái nhìn, giọng điệu mới lạ và cách ca ngợi cũng hiện đại. Bên cạnh đó, có những ca khúc chứa đựng tình cảm kinh điển. Khi những bài hát này được giới thiệu đến công chúng chắc hẳn sẽ được yêu thích và đón nhận. Tôi cũng hy vọng những bài hát này có thể truyền tải thông điệp, tình yêu, sự hiểu biết lịch sử với thế hệ sau.
Là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông hãy chia sẻ những hoạt động của Hội trong việc hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ?
– Năm nay cũng là năm đầu tiên Hội nhạc sĩ Việt Nam hợp tác cùng với Tiktok, được Tiktok tài trợ về truyền thông. Chúng tôi sẽ phát trực tiếp trên nền tảng Tiktok mỗi tuần một số. Tuần đầu tiên là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, tuần thứ 2 là nhạc sĩ Đức Trịnh, tuần thứ 3 có ca sĩ Giáng Son, tuần thứ 4 là nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn. Hiện tại đã phát sóng được 4 số. Và số thứ 5 tiếp theo sẽ có nhạc sĩ Lê Minh Sơn xuất hiện để phát động phong trào, động viên các nhạc sĩ gửi bài hát về Điện Biên Phủ. Sau số phát sóng thứ 5 này, chúng tôi sẽ tạm đóng cổng dự thi để thẩm định các bài hát. Chúng tôi cũng sẽ để khán giả bình chọn ra bài hát yêu thích nhất rồi mới tổng kết trao giải.
Trước đó chúng tôi có hoạt động là tháng âm nhạc Điện Biên thì đến ngày 7/5 Hội sẽ có ngày âm nhạc Điện Biên. Vào ngày 7/5 từ 5h sáng đến 17h30 phút chiều cùng ngày, tất cả trang Tiktok, Facebook,.. của Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ vang lên những bài ca Điện Biên.
Dù đã về hưu nhưng ông vẫn rất miệt mài và bền bỉ với sự nghiệp âm nhạc của nước nhà. Ông vừa là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vừa sáng tác, vừa giảng dạy, vừa làm giám khảo và tham gia rất nhiều sự kiện âm nhạc lớn. Ông lấy đâu ra năng lượng để dành cho âm nhạc nhiều đến thế?
– Có lẽ đam mê đã giúp tôi có nhiều năng lượng cho âm nhạc. Hồi nhỏ, bố tôi hay gửi tôi vào không gian âm nhạc của cung thiếu nhi, việc tiếp xúc thường xuyên đã dấy lên ngọn lửa đam mê âm nhạc trong tôi. Một phần nữa là tôi thấy được rằng mọi người vẫn dành khá nhiều tình cảm cho tôi. Ngày trước, có Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam mời tôi viết bài cho họ, lúc đó tôi vốn không định viết tiếp nữa vì bài hát tôi viết cho bên đấy cũng là 20 – 30 năm về trước rồi. Nhưng sau đó tôi thấy họ vẫn đón nhận chất nhạc của mình nên tôi đồng ý viết. Tôi nhận ra rằng, âm nhạc của tôi mang đến thành công, sự vui vẻ cho anh em bạn bè nên tôi quyết định sẽ theo nó đến khi không còn theo được nữa.
Phải chăng vì âm nhạc đã giúp ông cân bằng giữa sự khô khan của người lính với sự trữ tình lãng mạn của người nhạc sĩ nên dù đã bước qua tuổi 70 nhưng ông vẫn đầy sự trẻ trung, phong độ?
– Quả thật âm nhạc đã giúp tôi cân bằng giữa sự khô khan của người lính với sự trữ tình, lãng mạn của người làm âm nhạc. Khi hòa mình vào những nhạc điệu tôi trở nên vô tư, thoải mái hơn. Ở đây không có những mưu mẹo, đấu tranh. Nó giúp cho tâm hồn tôi bay bổng, được tự do thể hiện cảm xúc, suy nghĩ được làm chính mình.
Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Đức Trịnh!
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet