“Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo
Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù…”
Sau 70 năm ra đời, những ca từ trầm hùng của ca khúc Hò kéo pháo còn in sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ. Ca khúc không chỉ là bản hùng ca về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đó còn là tác phẩm tiêu biểu về tinh thần yêu nước, ý chí sắt son và kiên cường của người Việt. Cũng bởi vậy, sau khi kết thúc chiến tranh, Hò kéo pháo vẫn vang lên trên khắp miền đất nước ngay ở thời bình, nhắc mỗi chúng ta rằng: “Vinh quang thay sức người lao động/…Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng”.
Trò chuyện với Dân Việt, nhạc trưởng Lê Phi Phi – con trai nhạc sĩ Hoàng Vân kể lại hoàn cảnh ra đời đặc biệt của ca khúc Hò kéo pháo. Đó là một đêm mùa Đông lạnh giá sau Tết Nguyên đán năm 1954, khi ấy, quân ta đã đào giao thông hào xung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ. “Đang nằm trong một hầm nhỏ, đột nhiên có con gà rừng từ đâu lao xuống gần chỗ nhạc sĩ Hoàng Vân nằm, sau đó lại vỗ cánh phành phạch bay vút lên, cất tiếng gáy vang. Ông đoán rằng thời gian khoảng gần về sáng.
Vì trời rất tối nên với nhạc sĩ, tiếng gáy đó lóe lên như một tia chớp và từ bấy giờ ông không sao chợp mắt. Toàn bộ chuỗi hình ảnh về những hoạt động của các chiến sĩ, ý thơ, nét nhạc, ca từ nung nấu từ mấy tháng nay theo nhịp tuôn chảy ra. Ông cầm mẩu bút chì gọt đi gọt lại đã ngắn lắm viết trên cuốn sổ của mình. “Gà rừng gáy trên nương rồi/ Kéo pháo ta đi lên đèo/ Trước khi trời hửng sáng/ Dô ta”. Pháo nặng lắm. Những người kéo thuyền, kéo gỗ ngày xưa cũng hò nhịp Dô-ta để tập trung sức kéo nhịp nhàng cho công việc đỡ nặng, nay ta kéo pháo vào cũng thế. Dô-ta! Ông say sưa viết rồi sửa, rồi lại mang đàn ra hát. Hò kéo pháo đã ra đời như thế”.
Ca khúc được sáng tác xong ngay trong đêm, sau đó được dán trên tờ bích báo trong hầm của đội tuyên truyền văn nghệ. Một lần, khi chính trị viên đi qua đơn vị, ông nhìn thấy bản nhạc nên đề nghị Hoàng Vân dạy hát. Ngay khi nắm được giai điệu, ông lập tức cử nhạc sĩ đi hát khắp các chiến hào, dạy cho anh em từng đoạn một để phổ biến rộng rãi.
“Hò kéo pháo đã được chính nhạc sĩ Hoàng Vân – với chiếc đàn accordéon, cùng Kim Ngọc và Thanh Phúc đi hát phục vụ các đơn vị chiến đấu ngay trên chiến hào Điện Biên Phủ. Những câu hát cứ thế theo chân các chiến sĩ từ Việt Bắc về Tây Bắc, từ sông Đà tới sông Lô, góp phần tạo tinh thần phấn chấn, quật cường cho bộ đội ta trong hoàn cảnh gian khổ, khi kéo pháo nặng nề, đường đi gập ghềnh trên trận địa” – nhạc trưởng Lê Phi Phi kể lại.
Với Lê Phi Phi, những ký ức về cha – một người lính từng góp mặt trên chiến trường Điện Biên vẫn còn nguyên vẹn. Từ nhỏ, anh đã được ông kể câu chuyện về những người chiến sĩ kéo pháo như trong cổ tích: “Pháo nặng như những con voi, và phải kéo hò dô theo nhịp mới kéo được”. Dấu vết những ngày tháng hào hùng trong quân đội cũng còn nguyên vẹn trong cuộc sống hàng ngày của nhạc sĩ Hoàng Vân, khi ông luôn đúng hẹn, đúng giờ, tự áp đặt kỷ luật cho mình bằng cách hàng ngày ngồi viết, ngày nào cũng viết và sáng tác cho đến khi lớn tuổi.
Ca khúc “Hò kéo pháo” do Thăng Long Band thể hiện. (Nguồn: Thăng Long band)
Là một nhạc trưởng gạo cội, Lê Phi Phi nhận định Hò kéo pháo giàu giá trị nghệ thuật: “Bằng việc sử dụng điệu hò được chiết xuất từ âm nhạc dân gian và hình ảnh những người lính Cụ Hồ quả cảm kéo pháo ra trận, tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho thấy sức mạnh diệu kỳ, sự độc đáo của cuộc chiến tranh nhân dân, qua đó làm sống lại toàn bộ không khí hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Với lịch sử âm nhạc Việt Nam, Hò kéo pháo là sự sáng tạo mới mẻ”.
Với nhạc sĩ Hoàng Vân, đây cũng là một bước đột biến kéo theo sự chuyển mình trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nhờ Hò kéo pháo, ông đã được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp (người rất yêu thích ca khúc này), sau đó được vị đại tướng này giới thiệu với Tổng cục Chính trị. Nhận thấy năng khiếu âm nhạc nổi trội của Hoàng Vân, Nhà nước đã tuyển chọn ông sang học âm nhạc ở nước ngoài, nhằm bồi dưỡng trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Hàng loạt tác phẩm tiêu biểu sau đó như: Tôi là người thợ lò; Hà Nội – Huế – Sài Gòn; Quảng Bình quê ta ơi; Nổi trống lên rừng núi ơi... chứng minh tài năng xuất chúng của ông với âm nhạc.
Hò kéo pháo không những vang vọng tại Việt Nam mà người Pháp cũng sử dụng ca khúc để kể lại một cách sống động trận chiến lịch sử qua câu chuyện này. Buổi phát thanh trên đài France Inter trong chuỗi phát sóng La Marche de l’histoire (Bước chân lịch sử) ngày 7/5/2014 (60 năm Điện Biên Phủ) đã mang tiêu đề Bài hát Hò kéo pháo của Hoàng Vân.
“Trong chương trình kéo dài nửa giờ, nhà báo Jean Lebrun đã mời các nhà báo Pháp cùng một số nhân chứng lịch sử tọa đàm. Những băng tư liệu thu thanh từ 1954 cùng các trao đổi chi tiết xung quanh trận chiến Điện Biên Phủ với chiến công kéo pháo qua núi tạo sự sửng sốt cho quân đội Pháp đã vang lên cùng âm hưởng bài hát. Ca khúc cũng từng được trích trong một buổi phát thanh khác về Điện Biên Phủ trên đài France Culture từ năm 1990” – nhạc trưởng Lê Phi Phi tự hào chia sẻ.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet