Khán giả “tiền mất, tật mang” khi bỏ tiền mua vé
Chiều qua (9/5), Westlife chính thức công bố thông tin về hai đêm concert tổ chức tại Cung điền kinh trong nhà Mỹ Đình (Hà Nội). Show diễn của những nghệ sĩ kỳ cựu được khán giả hưởng ứng và chờ đợi, đặc biệt trong hoàn cảnh Hà Nội thưa thớt các chương trình nghệ thuật có sự góp mặt của nghệ sĩ quốc tế.
Trước đó, vào tháng 7/2023, hai đêm concert của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) thu hút khoảng 60.000 khán giả tham dự. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Hà Nội đón chào nghệ sĩ quốc tế tổ chức concert tại địa điểm có sức chứa khán giả lớn nhất tại Thủ đô, cũng như đặt ra nhiều hy vọng về việc quảng bá du lịch và phát triển ngành công nghiệp biểu diễn.
Tuy nhiên, sau gần một năm Blackpink đổ bộ Mỹ Đình, thực tế dường như đang không diễn ra như mong đợi. Bên cạnh một số chương trình đại nhạc hội thường niên, chưa có nhiều nghệ sĩ lớn chọn Việt Nam làm điểm đến. Trong khi đó, không ít show ca nhạc được quảng cáo rùm beng gặp lùm xùm về công tác tổ chức, khiến khán giả hoang mang khi bỏ tiền mua vé.
Tại Hà Nội, show diễn Giáng sinh ở Sân vận động Mỹ Đình dự kiến quy tụ nhiều tên tuổi đình đám tại showbiz Hàn như HIGHLIGHT, Super Junior D&E, 2PM Nichkhun & Jun. K, Kim Jae Joong bị hủy bỏ. Lý do được đưa ra là khâu tổ chức chưa ổn thỏa, không thể đáp ứng yêu cầu. Đáng nói hơn, sau gần 4 tháng, chương trình vẫn trì hoãn hoàn tiền vé cho khán giả với lý do gặp khó khăn kinh tế.
Tại TP.HCM, thị trường sôi động hơn khi nhiều đại nhạc hội trong năm 2023 được tổ chức thành công, thu hút nhiều nghệ sĩ K-pop như Wow-K Music Festival (TP HCM, tháng 10), Seen Festival (Hội An, tháng 6). Hai ngôi sao âm nhạc thế giới Charlie Puth và Maroon 5 cũng góp mặt trong chuỗi đại nhạc hội 8Wonder, ở Nha Trang và Phú Quốc. Tuy vậy, không ít chương trình khiến khán giả bức xúc, điển hình là đêm The Wild Dreams Tour của nhóm nhạc Westlife tại SVĐ Thống Nhất (TP.HCM) vào tháng 11/2023. Ê-kíp sản xuất chương trình bị lên án bởi thiếu chuyên nghiệp trong việc dựng khán đài, không làm vệ sinh khu vực ghế ngồi, quảng cáo tiền ảo xô bồ và trái phép.
Tháng 4/2024, cựu thành viên ban nhạc Backstreet Boys Nick Carter đăng tải thông tin về việc tổ chức concert tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công diễn toàn thế giới. Tuy nhiên, khi khán giả chưa kịp vui mừng, ê-kíp của anh đã lặng lẽ gỡ bỏ điểm đến này. Theo những thông tin bên lề, phía Nick Carter không thể đàm phán với Việt Nam về công tác tổ chức.
Những thành phố mơ màng – chuỗi chương trình âm nhạc gây tiếng vang thời gian qua cũng liên tục gặp rắc rối. Theo đó, đêm nhạc diễn ra vào tối 20/4 vừa qua tại công viên Yên Sở (Hà Nội) buộc phải dừng lại giữa chừng do gặp giông lốc. Sự cố diễn ra khiến khán giả thất vọng bởi cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của BTC, khi không có phương án sơ tán kịp thời. Trên mạng xã hội, hàng loạt bài đăng tố những người làm chương trình mặc kệ khán giả bỏ chạy tán loạn và không có một lời trấn an.
Uy tín của thị trường Việt Nam với nghệ sĩ quốc tế bị ảnh hưởng do sự “chộp giật”
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Hồng Quang Minh – người từng phụ trách tổ chức nhiều chương trình âm nhạc lớn tại Việt Nam cho rằng: “Sau thành công của concert của Blackpink tại Mỹ Đình, đã có thêm một số show diễn quy mô vừa và nhỏ được tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM. Đa phần các nghệ sĩ này đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, số ít ngoài châu Á, nhưng hiệu ứng chỉ gói gọn trong cộng đồng người hâm mộ của nghệ sĩ hoặc khán giả yêu thích dòng nhạc đó. Yếu tố quan trọng là hạ tầng tổ chức và chất lượng các đơn vị tổ chức thường không đạt.
Nhiều bên cho rằng doanh thu của một chương trình âm nhạc rất hấp dẫn nên lao vào làm, họ không biết rằng một show diễn quốc tế cần đến vài tháng, thậm chí cả năm để đàm phán và lên kế hoạch, tổ chức sản xuất. Một số đơn vị tổ chức tôi biết còn huy động dòng tiền vay ngắn hạn để làm chương trình, khi có trục trặc xảy ra, họ mất khả năng xử lý, dẫn tới show bị hủy hoặc dời vô thời hạn. Tố chất đặc trưng của người Việt là học hỏi rất nhanh, đáp ứng yêu cầu trong thời gian ngắn. Nhưng việc tổ chức concert quốc tế yêu cầu năng lực tổ chức, quy trình, không chỉ có điều kiện tài chính là làm được. Cũng bởi vậy, uy tín của thị trường Việt Nam với nghệ sĩ quốc tế bị ảnh hưởng khá nhiều”.
Cũng theo ông Hồng Quang Minh, để tạo ra những thay đổi trong tương lai, các đơn vị tổ chức cần kiện toàn lại bộ máy, nhân sự, quy trình vận hành, khi đã đảm bảo rồi mới đưa ra lời mời đối tác quản lý nghệ sĩ ở nước ngoài. Bên cạnh đó họ cũng phải nghiên cứu về thị trường, hạ tầng tổ chức cẩn thận, tránh trường hợp show diễn vẫn diễn ra, nhưng số lượng vé bán quá thấp, hình ảnh thực tế không được đẹp, lan truyền ra cộng đồng quốc tế. “Từ concert Blackpink, có thể thấy thị trường tiêu dùng cho nghệ thuật tại Việt Nam là có và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, khán giả sẽ chỉ tiêu dùng cho những nghệ sĩ và chương trình chất lượng” – ông Minh khẳng định.
Trước đó, bà Đặng Thiếu Ngân – Giám đốc đối ngoại của Naver Việt Nam, người từng mang hàng loạt thần tượng K-pop tới Việt Nam cũng nêu thực trạng đáng suy nghĩ: “Trong suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn là thị trường có số lượng người hâm mộ khủng của K-pop ở khu vực Châu Á. Tuy vậy, đã có rất nhiều đoàn khảo sát, các công ty giải trí lớn sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, với mong muốn tổ chức show, concert thương mại tại Việt Nam nhưng đều thấy chưa đủ điều kiện đảm bảo, về thị trường và khâu tổ chức”.
Trong thời điểm các đơn vị sản xuất tại Việt Nam chưa thực sự quy mô và chuyên nghiệp, việc xây dựng ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức và trở ngại. Sự thay đổi cần diễn ra nhanh chóng và ngay lập tức, trước khi khán giả trở nên mất niềm tin khi “móc hầu bao” cho nghệ thuật.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet