Nhớ lại khoảng thời gian đầu cùng chồng và các con định cư tại Australia, giọng ca gốc Tiền Giang bồi hồi: “Tôi gặp nhiều khó khăn khi phải vừa là một người mẹ, một cô giáo, một người nội trợ, một người bạn của các con khi sang xứ người. Tuy nhiên, đây cũng là điều đáng để tôi tự hào, hãnh diện với chừng ấy người con và tuổi chưa quá 30, lại xa xứ. Lúc bấy giờ tôi nặng gánh gia đình. Thú thật, thời điểm đó tôi rất nhớ nghề, nhớ hình ảnh của quê hương”.
Rời xa quê hương, nơi sự nghiệp từng tỏa sáng, danh ca Phương Dung xúc động: “Đây là một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời của tôi. Tôi biết yêu âm nhạc lúc 5 tuổi, tôi đã rời bỏ người tình âm nhạc để đi một con đường khác, để làm tròn bổn phận của một người mẹ, một người vợ đúng nghĩa.
Tôi quên mất niềm đam mê của chính mình. Thời gian đó, tôi chỉ biết làm sao khi chồng tôi về có một bữa cơm thịnh soạn, chồng tôi thấy, dù tôi là một ca sĩ, nhưng tôi vẫn biết cách chăm sóc, vun vén tổ ấm nhỏ của mình, chu toàn được mọi thứ”.
Sau 7 tháng thích nghi tại nơi xứ người, danh ca Phương Dung lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh, hai vợ chồng mở một nhà hàng bán những món ăn Việt Nam như phở, hủ tiếu, bánh cuốn, cơm,…
“Đứa con tinh thần” của vợ chồng giọng ca Nỗi buồn gác trọ được đông đảo thực khách ủng hộ, từ một nhà hàng với 60 chỗ ngồi nhanh chóng trở thành một nhà hàng với sức chứa khoảng 200 thực khách. Dù trở thành bà chủ, nhưng nữ danh ca vẫn đích thân xuống bếp, chăm chút từng chi tiết nhỏ cho nhà hàng của mình.
Bận rộn với công việc kinh doanh là thế, “Nhạn trắng Gò Công” vẫn chu toàn trong việc nội trợ, chăm con. Phương Dung tiết lộ, bà dậy từ 6h30 sáng để chuẩn bị quần áo cho các con. Đặc biệt, với 8 người con, mỗi ngày bà đều di chuyển qua khoảng 3, 4 điểm trường. Khi ấy, đứa con nhỏ nhất mới được 6 tháng tuổi.
Quỹ thời gian trong một ngày của Phương Dung khi đó dày đặc việc gia đình, kinh doanh. Thế nhưng, “ngọn lửa” âm nhạc của bà vẫn bùng cháy. Điển hình, khi được nhạc sĩ Anh Bằng ngỏ ý mời thu cuộn băng với 12 ca khúc, Phương Dung như được trở về hào quang năm xưa.
“Năm 1984, nhạc sĩ Anh Bằng từ Mỹ gọi cho tôi, mời tôi thâu một cuộn băng 12 bài hát với chủ đề Kỷ niệm còn đây. Lúc đó, tôi xin cho tôi thêm thời gian vì một ngày của tôi rất bận, từ sáng sớm đã đưa con đi học, đến trưa phải lo cơm nước cho gia đình và công việc nhà hàng.
Tuy nhiên, sau cuộc điện thoại đó, tôi cảm giác bản thân như được sống trở lại, hào quang của quá khứ đang ùn ùn trở lại. Từ đó trở đi, đại nhạc hội nào biểu diễn ở Australia tôi cũng đều tò mò đến xem, cập nhật thị trường âm nhạc bấy giờ”, “Nhạn trắng Gò Công” bồi hồi kể lại.
Trước lời mời của nhạc sĩ Anh Bằng, sau một thời gian đắn đo, cuối cùng danh ca Phương Dung cũng đã gật đầu đồng ý thực hiện. Thời điểm phát hành cuộn băng, bà hạnh phúc khi khán giả vẫn còn nhớ đến giọng ca của mình và nhiệt tình đón nhận.
Cột mốc đánh dấu “Nhạn trắng Gò Công” quay trở lại ánh đèn sân khấu sau một khoảng thời gian “ẩn mình” vun vén tổ ấm và chăm lo sự nghiệp kinh doanh đó chính là nhờ “cái bếp bị hư”.
Nữ danh ca hài hước chia sẻ: “Sau thành công của cuộn băng, tình cờ một ngày nọ, dàn bếp nấu ăn nhà hàng bị hư, không thể hoạt động đúng công suất. Vì thế, chồng tôi quyết định sang quán, cho tôi thong thả tìm lại đam mê của mình”.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet