Cũng thật lạ, người dân quê tôi, dù ở nơi xa cũng tranh thủ về quê trong những ngày này. Không thu xếp về được thì cứ tiếc mãi. Đình làng tôi vào những ngày này thật đông đúc bởi người dân và khách thập phương đến cúng ông. Vui nhất là đi thỉnh sắc vào sáng ngày mùng 8. Những loại xe đủ phương tiện chạy vòng quanh thị trấn sau đó đến những đình làng lân cận như là để báo tin và thỉnh những vị khách là những bậc tiên hiền, hậu hiền của của làng đến tham dự.
Mỗi lần nghe tiếng trống hát đình cứ lại nôn nao. Hầu như những vở tuồng được diễn đi diễn lại nhiều lần nhưng người xem vẫn thấy hay. Đám trẻ con thì say mê những trò chơi dân gian: Bắt vịt, kéo co… Người già chăm chú vào mấy bàn cờ tướng quanh sân đình.
Thuở ấy, mỗi khi có đoàn lô tô về là cả xóm vui như mở hội bởi đơn giản là ở vùng nông thôn dịch vụ giải trí vẫn còn rất khiêm tốn so với chốn thị thành. Thường là buổi tối mới bắt đầu nhưng ai nấy cũng tranh thủ chuẩn bị từ giữa trưa để không bỏ lỡ dịp vui thư giãn cùng gánh hát ngàn hoa này. Sân khấu nghiệp dư được dựng lên ở bãi bồi ven sông để những người dân trong xóm được tham gia trò chơi dân gian với những giai điệu mộc mạc nhưng có vần có điệu. Nghĩ cũng lạ, thay vì kêu lên những con số khô khan để người chơi do theo và đánh dấu, người rao lại lồng vào đó những ca từ của bolero, dân ca, vọng cổ… để tạo nên sự thi vị, hấp dẫn, vui nhộn để thu hút người chơi. Này nhé: “Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa. Không ngọc ngà kiệu hoa, không nệm gấm không cung son. Tôi chỉ là người khách xa nhà, thấy hoa nhớ người yêu rất xa, con số Ba!”.
Hay:“Sông sâu bên lở, bên bồi. Tình anh bán chiếu trọn đời không phai, con số Hai!”.
Phần thưởng cho những người thắng trong những ván lô tô đơn giản chỉ là mấy ký đường, vài hộp sữa, khá hơn nữa là một chiếc quạt máy nhưng ai nấy đều vui vẻ. Lô tô xuất phát từ đâu? Có người cho rằng, đây là một phiên bản của bài chòi ở miền Trung và trong quá trình đi mở cõi ông cha ta đã cải biên để có thú giải trí cho vơi nỗi nhớ nhà. Cũng lại có một cách lý giải khác đó là xuất phát từ trò chơi Bingo của Ý và được người Pháp du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 18. Cho dù nguồn gốc là thế nào đi nữa nhưng với tôi những buổi tham gia trò chơi dân gian này mãi mãi là những kỷ niệm khó phai trong đời.
Lân la theo những anh chị trong đoàn tôi biết được thêm những câu chuyện của những diễn viên trong đoàn lô tô. Vì mưu sinh mà họ phải chấp nhận cuộc sống bấp bênh, này đây mai đó. Nhiều người có hoàn cảnh éo le và có đôi khi sống bất cần đời. Ngồi nghe họ nói chuyện tôi hiểu được rằng: Cuộc sống quá phức tạp hơn mình suy nghĩ, tuy nhiên cần phải sống thế nào mới là điều quan trọng. Năm tháng trôi qua nhanh, lô tô giờ đây chịu ảnh hưởng rất nhiều của những loại hình giải trí hiện đại trong kỷ nguyên số nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc của một trò chơi dân gian được nhiều người biết đến và tạo nên một nét chấm phá mộc mạc trong hương sắc vùng quê mỗi dịp lễ hội Kỳ Yên quê tôi.
Cái xóm nghèo ven sông của tôi chợt lung linh trong miền ký ức với những kỷ niệm thuở ấu thơ với một đứa trẻ nhiều tuổi như tôi hiện giờ. Kẹo kéo đây! Cà rem đây! – Những tiếng rao mộc mạc ngày xưa khiến bao đứa trẻ nghèo xóm nhỏ nôn nao. Trên con đường đất trước nhà, mỗi lần lễ hội Kỳ Yên đến là có xe kẹo kéo hay xe kem đến để chung vui. Cầm trên tay những đồng bạc lẻ của những người mẹ tảo tần, những người cha sớm hôm cày cấy những đứa trẻ bọn tôi hớn hở ra mặt bởi vì những năm tháng ấy được ăn quà bánh là cả một giấc mơ.
Cái chợ nhỏ cách nhà mấy mươi bước đong đầy bao kỷ niệm. Nghĩ cũng ngộ! Lưa thưa vài gian hàng tạp hóa, lèo tèo mấy gánh rau cải, thưa thớt người mua thế cũng gọi là chợ! Mẹ tôi, mấy chị và mấy dì trong xóm hầu như đi chợ này mỗi ngày vì hàng hóa rẻ hơn nhiều so với chợ huyện. Tôi thấy ít khi nào người ta trả giá, nói bao nhiêu đưa bấy nhiêu không kì kèo thêm bớt. Cũng có lúc, người ta có thể tìm thấy những thứ mà hiếm khi bắt gặp ở chợ huyện. Này nhé, trên những chiếc xuồng ba lá những bó rau đồng tươi xanh mới hái hay con cá lóc đồng mập ú vừa giăng câu được. Chợ họp từ sáng sớm đến giữa trưa thì tan. Những ngày lễ hội Kỳ Yên, ăn cơm trưa xong là tôi nhanh chân chạy ra chợ. Ở đó, tôi và mấy đứa bạn hàng xóm bày đủ thứ trò vui: Đánh đáo, bắn bi, nhảy lò cò… Đôi khi, bọn trẻ còn được mấy dì tặng cho những viên kẹo. Ngậm vào thật thanh thao và ngọt dai dẳng suốt tuổi thơ con nhà nghèo.
Năm tháng trôi qua, lớn lên, đi học xa, mỗi lần thấy ai bán rau nhút, rau bợ tôi chợt nhớ đến cái chợ nhỏ quê mình. Với tôi, cái chợ không đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi ấm áp tình làng nghĩa xóm. Tôi nhớ hôm nào, khi nghe tin chị Hiền bán xôi bị bệnh ung thư, cả chợ, không ai bảo ai tự động gom góp tiền để giúp chị đi Sài Gòn chữa trị. Rồi bà Tư, cô độc một mình trong mái lá nghèo nơi cuối chợ vẫn được mọi người cưu mang, đùm bọc mỗi khi trái gió trở trời.
“Tao nhớ lễ hội Kỳ Yên làng mình quá” – Đọc email của một người bạn cùng thời đang bận rộn với việc mưu sinh nơi chốn thị thành trong những ngày này bỗng dưng cảm xúc dâng trào. Nhớ sao lễ hội Kỳ Yên quê mình!
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet